Hoàng Hải Vân: "Nhìn hình ảnh của vài vị trong tứ trụ của nhiệm kỳ trước tại một số ngôi
chùa, người ta không thể không đoán già đoán non về sự mờ ám của các vị trong
sử dụng chùa chiền, nhưng không có căn cứ để khẳng định điều gì. Nhưng điều
chắc chắc là việc phá rừng làm chùa, việc sử dụng hàng chục hàng trăm hàng ngàn
ha đất xây dựng một cụm chùa chiền để kinh doanh thì không thể không có sự bảo
kê của nhà nước."
Chùa Tam Chúc được coi là to nhất thế giới, mặc dù chưa xây xong nhưng đã đưa vào kinh doanh, khách đang lũ lượt kéo đến. Ảnh : Zing.vn |
Vào thời nhà Lý, đạo Phật được triều đình trọng vọng một cách thái quá, cho
nên dân chúng “quá nửa làm sư sãi” (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Còn chùa
chiền thì mọc lên như nấm, đến nỗi một sử gia Phật tử như Lê Văn Hưu phải hạ
bút : “Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há
chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư ? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm
phúc chăng ?”.
Do được nhà nước bảo trợ, giới sư sãi thoái hóa biến chất trở thành một
tầng lớp ăn trên ngồi trốc gây hại cho dân lành. Lịch sử còn ghi lại một lời
tấu của Đàm Dĩ Mông : “Nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau. Bọn
tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm
làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt uống
rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban
ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột. Những hành vi làm bại hoại
mỹ tục, làm thương tổn danh giáo dần dần trở thành thói quen, như thế mà không
cấm thì lâu ngày sẽ càng thêm lên hơn nữa” (theo Đại Việt sử lược). Vua Lý Cao
Tông nghe theo lời tấu này, chỉ giữ lại vài chục người “còn biết danh giá” ở
lại làm tăng, còn bao nhiêu sa thải hết. Nhưng đã quá muộn, nhà Lý đã bước vào
suy vong, mà đó là một trong những nguyên nhân.
Thực tế lịch sử ở nước ta đã cho thấy, khi Nhà nước xử sự thiên lệch đối
với vấn đề tôn giáo, xã hội trở nên hỗn loạn như thế nào. Gần đây nhất, chính
quyền ông Ngô Đình Diệm quá trọng vọng đạo Thiên chúa và có biểu hiện đàn áp
Phật giáo, nhiều gia đình buộc phải "tự nguyện" theo Công giáo cho an
toàn, vì vậy mà ngay sau khi chính quyền ông Diệm sụp đổ đã có không ít gia
đình mang bàn thờ Chúa ra đường đạp đổ. Cả Đức Phật và Đức Chúa Jesús đều do sự
thiên lệch của chính quyền mà phải chịu oan ở nước ta.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà vào cuối thế kỳ 18, Tu chính án thứ nhất
của Hiến pháp Hoa Kỳ đã cấm Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm
thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cản tự do tín ngưỡng. Nhìn thấu những hậu quả của
sự thiên lệch tôn giáo, các nhà lập quốc Mỹ thật là vĩ đại.
Ở Việt Nam ta ngày nay, nhìn chùa chiền mọc lên mà sợ hãi. Cả về số lượng,
cả về quy mô, so sánh trên mọi tỉ lệ, chùa chiền hiện nay vượt xa gấp trăm gấp
ngàn lần chùa chiền thời nhà Lý. Phá rừng làm chùa, thu hồi đất của dân giao
cho doanh nghiệp làm chùa, khắp nơi xây chùa, có xã 3-4 cái chùa. Chùa là nơi
hoạt động mờ ám của quan chức như chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà hay cái chùa
to gì đó ở miền trung, nơi vị sư trẻ đầy quyền thế có thể giúp doanh nghiệp
“chạy” dự án. Chùa Bái Đính hoành tráng là nơi kinh doanh hái ra tiền, tập đoàn
quản lý chùa Bái Đính còn được cấp hàng ngàn ha đất xây chùa với tham vọng là
ngôi chùa to nhất thế giới, v.v...
Nhìn hình ảnh của vài vị trong tứ trụ của nhiệm kỳ trước tại một số ngôi
chùa, người ta không thể không đoán già đoán non về sự mờ ám của các vị trong
sử dụng chùa chiền, nhưng không có căn cứ để khẳng định điều gì. Nhưng điều
chắc chắc là việc phá rừng làm chùa, việc sử dụng hàng chục hàng trăm hàng ngàn
ha đất xây dựng một cụm chùa chiền để kinh doanh thì không thể không có sự bảo
kê của nhà nước.
Phật tại tâm chứ không tại chùa. Ngay từ thời nhà Trần, Phật giáo Việt Nam
đã có truyền thống “cư trần lạc đạo”, rất xa lạ với việc xây chùa to đúc Phật
lớn. Khi quan chức, kéo theo đó là bộ phận khá đông người dân lũ lượt đi cầu
Phật chứ không còn tin vào lòng trung chính của bản thân mình, ấy là lúc cần
báo động về sự suy thoái của quốc gia dân tộc. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn
chưa nhìn thấy những bài học lịch sử.
HOÀNG HẢI VÂN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire