28/02/2020

Những câu hỏi về cái chết của 3 Cảnh sát cơ động vụ Đồng Tâm



27-2-2020


Trong 5 ngày, bộ công an (BCA) có 3 lần thông tin về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 sỹ quan CSCĐ trong vụ Đồng Tâm đêm ngày 8/1/2020, mỗi lần lại có sự khác nhau. Tuy nhiên, theo lần thông báo cuối cùng thì vào đêm ngày 8/1/2020, lực lượng CSCĐ đã đến lập chốt ở đầu làng Hoành xã Đồng Tâm để bảo vệ từ xa việc xây tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Thấy CSCĐ lập chốt, một số đối tượng ở làng Hoành đã kéo đến tấn công.


Sau khi tấn công lực lượng CSCĐ nhưng không gây ra thương vong, các đối tượng đã bỏ chạy vào nhà cụ Lê Đình Kình. Thấy vậy, lực lượng CSCĐ đã tổ chức truy bắt. Khi tiếp cận nhà cụ Lê Đình Kình, 3 sỹ quan CSCĐ gồm 1 sỹ quan cao cấp (thượng tá, phó chỉ huy trưởng trung đoàn CSCĐ) và 2 sỹ quan cấp úy (2 sỹ quan là CSCĐ, 1 sỹ quan PCCC), đã bị rơi vào một cái “hố kỹ thuật” sâu khoảng 4 mét, rồi bị các đối tượng đổ xăng, châm lửa đốt, dẫn đến cả 3 đều hy sinh.

Cho đến nay, chưa có bất cứ một cơ quan báo chí hay tổ chức điều tra độc lập nào được tiếp cận hiện trường để điều tra sự thật về cái chết của 3 sỹ quan nói trên, nên chỉ đành tạm coi thông báo nói trên của BCA là đúng sự thật.

Phải chăng khi thấy các đối tượng, sau khi tấn công chốt của CSCĐ rồi bỏ chạy về nhà cụ Lê Đình Kình, lực lượng CSCĐ đã thành lập 1 “tổ 3 người” với thành phần như trên để truy đuổi, tiếp cận nhà cụ Lê Đình Kình nhằm bắt quả tang các đối tượng có hành vi “chống người thi hành công vụ”. Người viết bài này thấy cần đặt ra một số câu hỏi về cái chết của 3 sỹ quan nói trên.

Thứ nhất, các “tổ 3 người (hay còn gọi là tổ tam tam, tổ tam chế)” là những mũi nhọn tấn công rất hiệu quả trong chiến đấu. Nhưng “tổ 3 người” thường chỉ là chiến sỹ và một trong số 3 chiến sỹ đó được chỉ định làm tổ trưởng. Trường hợp cần thiết thì tiểu đội phó hoặc tiểu đội trưởng mới làm tổ trưởng, trong trường hợp cả tiểu đội phó và tiểu đội trưởng đều hy sinh thì trung đội phó mới phải làm tổ trưởng.

Nếu đúng là lực lượng CSCĐ đã thành lập một “tổ 3 người” để thực hiện nhiệm vụ trên, thì tại sao trong cái “tổ 3 người” ấy, lại toàn là sỹ quan? Và cấp dưới đâu mà lại phải điều hẳn một trung đoàn phó mang quân hàm thượng tá làm tổ trưởng? Nhiệm vụ của trung đoàn phó không phải thế. Anh ta phải ở tuyến sau để kịp thời ra những mệnh lệnh xử lý những tình huống phát sinh trong chiến đấu. Đưa sỹ quan chỉ huy trung đoàn làm tổ trưởng một tổ 3 người, nhỡ anh ta hy sinh thì trung đoàn khác gì “rắn mất đầu”? Thành lập một tổ 3 người nhằm mục đích bắt giữ các đối tượng chống đối, tại sao lại chen một sỹ quan PCCC vào giữa hai sỹ quan CSCĐ?

Trong các cuộc cưỡng chế hay trấn áp, lực lượng PCCC bao giờ cũng ở tuyến sau, chỉ khi xẩy ra nổ rồi gây cháy, thì lực lượng PCCC mới được điều đến để không chế, dập tắt đám cháy. Nếu là chữa cháy, thì anh sỹ quan PCCC kia sẽ xử lý một cách vô cùng thành thạo và bài bản, vì anh ta đã được đào tạo rất cẩn thận tại trường đại học PCCC. Còn với nhiệm vụ tiếp cận nhà cụ Kình để bắt người, nhất là trong trường hợp nhóm người đó có thể có vũ khí, thì anh ta sẽ vô cùng lúng túng, có khi còn trở thành vật cản cho đồng đội, vì anh ta có được học tập, rèn luyện ngày nào đâu

Trong cái “tổ 3 người” đó, ông trung đoàn phó- tổ trưởng chắc chắn là mang súng ngắn. Viên sỹ quan thứ hai có thể mang theo súng CKC hoặc AK 47. Thế còn viên sỹ quan PCCC, thì anh ta mang theo vũ khí gì? Phải chăng là một cái bình chữa cháy? Nếu đúng như vậy, thì khi cả 3 bị rơi xuống “hố kỹ thuật” và bị các đối tượng tưới xăng đốt, anh ta sẽ dùng ngay cái bình chữa cháy đó để dập lửa. Nếu chẳng may bị thương gẫy cả hai tay, thì anh ta vẫn có thể hướng dẫn cho đồng đội cách dùng bình chữa cháy để dập lửa.Và như vậy thì chắc chắn cả 3 sẽ không chết.

Thứ hai, việc cả 3 người trong “tổ 3 người” đều bị rơi xuống “hố kỹ thuật”, chứng tỏ cả 3 đều hoàn toàn “mù” về địa hình. Điều đó là không thể. Vì kể từ năm 2017, khi cụ Lê Đình Kình bị CA Hà Nội đạp gẫy chân, bị bắt, và người dân làng Hoành bắt giữ 38 cảnh sát đến nay, thì Đồng Tâm trở thành “điểm nóng” số 1 của thủ đô. Trinh sát của CA Hà Nội đã ăn dầm nằm dề ở làng Hoành hàng năm trời. Mọi ngóc ngánh trong làng, đặc biệt là địa hình khu vực nhà cụ Lê Đình Kình, họ đã thuộc làu làu, và đã vẽ sơ đồ hết sức chi tiết đến từng góc, từng vị trí nhỏ nhất.

Và nếu cuộc tấn công vào nhà cụ Kình để sát hại cụ đã được lên kế hoạch từ trước đêm 8/1/2020, thì sơ đồ đó còn được thể hiện trên sa bàn, và lực lượng CSCĐ đã phải diễn tập tấn công trên một địa hình như thật, chứ làm sao lại có chuyện đưa một lực lượng hoàn toàn “mù” địa hình lên tấn công? Làm thế, khác gì nướng quân? Và nếu điều một lực lượng hoàn toàn “mù” địa hình lên tấn công, thì người chỉ huy lực lượng CSCĐ đêm ngày 8/1/2020 quả là một người có cái não của hòa thượng họ Trư.

Thứ ba, lực lượng chống đối có thể đổ xăng, châm lửa đốt cả 3 người sau khi họ đã rơi xuống cái “hố kỹ thuật” đó không? Xin trả lời ngay: Được. Nhưng với điều kiện: Lực lượng CSCĐ điều đến làng Hoành đêm hôm đó chỉ có 3 người. Hoặc có cả một trung đoàn, nhưng trung đoàn hoàn toàn khoanh tay, trơ mắt đứng nhìn 3 đồng đội của minh đơn độc tấn công.

Thông thường, để tấn công một mục tiêu, thì trước hết mục tiêu đó phải được”khai quang” tơi bời bằng bom hoặc pháo và các hỏa lực khác. Tiếp theo, là xe tăng hoặc thiết giáp đi trước, bộ binh theo sau, và sau cùng là lực lượng hỏa lực hết sức hùng hậu để yểm trợ, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ sự chống cự nào của đối phương còn sống sót để đảm bảo an toàn đến mức cao nhất cho bộ binh. Trong đêm ngày 8/1/2020 cũng vậy, tổ 3 người tấn công vào nhà cụ Lê Đình Kình không đơn độc. Họ được sự yểm trợ hết sức hùng hậu của một đội quân đông tới 3.000 người, với vũ khí hết sức tối tân. Lực lượng yểm trợ cho họ, có thể nói, là dầy đặc vòng trong vòng ngoài. Và lực lương đó đã không tiếc đạn (cứ nhìn những vết đạn ở hiện trường thì biết). Với lực lượng đó, bất cứ một ai là hàng xóm nhà cụ Kình, chỉ cần thò đầu ra sẽ bị tiêu diệt ngay, chứ hòng gì cầm cả một chậu xăng đến cạnh miệng hố kỹ thuật để đổ xuống người 3 sỹ quan kia.

Dù có đổ xăng xuống, thì xăng cũng không thể tự bốc cháy, mà phải bật một que diêm hay dùng bật lửa ga bật lên, châm vào mảnh giấy hay một vật liệu nào đó làm mồi rồi ném xuống thì xăng mới bắt lửa. Liệu có ai làm được thế mà không bị lực lượng yểm trợ tiêu diệt không?

Từ 3 câu hỏi trên, có thể nói việc 2 sỹ quan CSCĐ và 1 sỹ quan PCCC bị rơi xuống hố kỹ thuật rồi bị các đối tượng chống đối tưới xăng đốt chết như thông báo của BCA là rất đáng ngờ, nếu không nói là không đúng sự thật.

Nhưng nếu họ không bị đốt chết dưới hố kỹ thuật, thì họ chết ở đâu? Ai đã giết họ? và giết trong trường hợp nào?

3 giờ ngày 9/1/2020, người dân làng Hoành đang chìm sâu trong giấc ngủ. Cả làng Hoành đang chìm trong bóng tối. Bỗng nhiên mọi người gật mình tỉnh dậy vì tiếng hò hét, tiếng súng nổ. Chắc chắn không một ai trong làng Hoành nghĩ rằng CSCĐ đang tấn công làng mình. Bởi cách đó không lâu, ngày 25/6/2018, Tổng bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng “cán bộ lãnh đạo các cấp phải nhớ: Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”. Một chỉ đạo đúng tuyệt đối, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật tuyệt đối. Chủ tịch nước là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang (quân đội, công an). Tổng tư lệnh đã chỉ đạo như vậy, thì lãnh đạo CA, dù có cho ăn kẹo, cũng không dám đứng trên pháp luật mà điều quân đến làng Hoành một cách trái pháp luật.

Và trước đó nữa, năm 2017, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã long trọng hứa trước toàn thể nhân dân làng Hoành rằng “không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân làng Hoành”. Từ năm 2017 đến đêm ngày 8/1/2020, không một ai trong làng Hoành bị khởi tố về bất kì một hành vi nào.

Vì vậy, chẳng có lý do gì mà lực lượng cảnh sát phải điều quân một cách trái pháp luật đến làng họ cả. Không nghĩ là lực lượng cảnh sát, thì hẳn là họ nghĩ rằng một bọn cướp, một bọn giặc đã bất ngờ tấn công làng mình. Theo truyền thống của người Việt Nam “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, họ đã vùng lên chống lại để bảo vệ làng quê, bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Cuộc xô sát chắc chắn phải diễn ra rất dữ dội. Và nếu 3 CSCĐ, khi tấn công người dân làng Hoành một cách trái pháp luật rồi chết bởi sự chống trả của người dân, thì người dân chỉ gây nên cái chết cho họ khi phòng vệ chính đáng. Theo quy định của BLHS năm 2015, thì phòng vệ chính đáng không phải là tội.

Trên đây chỉ là những câu hỏi được đặt ra. Cho đến nay, nguyên nhân về cái chết của 2 sỹ quan CSCĐ và 1 sỹ quan PCCC vẫn chỉ được duy nhất một cơ quan độc quyền phát ngôn là BCA. Còn báo chí và các tổ chức điều tra độc lập thì vẫn bị bịt miêng, trói tay. Cùng với thời gian, rất mong những câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ./.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire