Quốc Phương
BBC News Tiếng Việt
Ông Lê Đình Kình, lãnh đạo phong trào khiếu nại đất đai ở xã Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong vụ tập kích, bố ráp đêm 08 rạng sáng 09/01/2020 Bản quyền hình ảnh Other Image caption |
Sự kiện vụ bố
ráp và tập kích do chính quyền và Công an thành phố Hà Nội của Việt Nam thực
hiện tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đêm 08/01 rạng sáng 09/01/2020 tính tới thời
điểm này đã là đúng một tháng.
Sự việc đã
gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng, cũng như tiếp tục đặt ra nhiều
câu hỏi trong công luận, người dân và các giới quan sát, quan tâm đến vụ việc
được cho là có tính chất bạo lực nghiêm trọng và gây ra cái chết của bốn người,
trong đó có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi, ông Lê Đình
Kình, cựu đảng viên với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và là cựu lãnh đạo nhiều năm
trong chính hệ thống chính trị của chính quyền và đảng Cộng sản ở địa phương.
Nhân tròn một
tháng của sự kiện này, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn
nghệ mạng Văn Việt, thuộc Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đã
dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc trả lời phỏng vấn qua bút đàm, mà sau đây
là ý kiến riêng của người trả lời:
Nhà thơ Hoàng
Hưng: Có thể nói, ở nước Việt Nam thời Cộng
sản, chưa từng có vụ việc về nhân quyền, dân quyền nào có sự lên tiếng mạnh mẽ,
thẳng thắn, kiên trì, và đông đảo, bao gồm nhiều thành phần xã hội, như vụ cảnh
sát cơ động tập kích làng Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội sáng sớm 9/1/2020.
Tôi tin là có sự bất đồng không nhỏ ngay
trong nội bộ ĐCSVN về cách xử lý tàn bạo và chung cuộc là thất bại thảm hại của
đảng trong vụ Đồng Tâm
Nhà thơ Hoàng Hưng
Ngay trong
đêm 9/1, tức chưa đầy một ngày sau sự biến, đã có bản Tuyên bố do một số tổ
chức xã hội dân sự và cá nhân khởi xướng, cực lực phản đối việc làm phi pháp
của nhà cầm quyền và nhận định về hậu quả khó lường của vụ này: "Điều cực
nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng
tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào!
Vụ Đồng Tâm
sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới
chế độ luôn tự xưng là "của dân", người nông dân công khai trương ra
và thực hiện khẩu hiệu: "Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu!".
Tuyên bố này
đã được trên 1.000 người trong và ngoài nước ký tên.
Sau đó, với
sự lộ diện ngày càng rõ những chi tiết vi phạm pháp luật trắng trợn của lực
lượng tập kích, đặc biệt là việc sát hại dã man không thể biện minh Cụ Lê Đình
Kình 84 tuổi, đảng viên Cộng sản lão thành chưa hề bị kỷ luật, khai trừ đảng
hay khởi tố, người được đông đảo dân địa phương kính mến như một "Già
Làng", thì sự căm phẫn (dành cho nhà cầm quyền) và đau đớn (dành cho Cụ
cũng như những người dân bị nạn) đã bùng lên như đám cháy rừng mà không một sự
đe doạ hay bịp bợm xuyên tạc nào từ các lực lượng đàn áp và tâm lý chiến của
nhà cầm quyền dập nổi!
Đại diện cho
công luận là những trí thức, nhân sĩ Hà Nội (nhóm của TS Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyễn Nguyên
Bình…), Sài Gòn (nhóm GS Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm…), đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, mới nhất là lá thư "Tôi tố cáo" của nhà văn
Nguyên Ngọc (gợi nhớ sự
kiện "J'accuse" của văn hào Emile Zola hơn 100 năm trước ở Pháp), đã
chính thức đòi hỏi nhà cầm quyền công khai mọi khuất tất trong vụ Đồng Tâm, làm
rõ trách nhiệm, khởi tố và xét xử những người chủ trương, chỉ đạo, chỉ huy và
trực tiếp gây ra vụ tấn công và thảm sát ở làng Hoành.
Tôi đặc biệt
quan tâm đến những ý kiến khách quan, công bằng của những vị lâu nay vẫn gần
gụi, thiện chí với nhà cầm quyền như cựu đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, đương kim Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao… Tôi cũng đọc được trên FB, nhận được
nhiều ý kiến qua tin nhắn hay qua điện thoại của những nhà văn, trí thức lâu
nay vẫn hợp tác với nhà cầm quyền, trong vụ này cũng phẫn nộ với cách xử lý chà
đạp luật pháp của họ.
Tôi tin là có
sự bất đồng không nhỏ ngay trong nội bộ ĐCSVN về cách xử lý tàn bạo và chung
cuộc là thất bại thảm hại của đảng trong vụ Đồng Tâm.
'Chưa có động thái tìm lối thoát'
BBC: Ông có bình luận gì về động thái từ
các khối lập pháp, tư pháp và chính quyền sau gần một tháng diễn ra vụ tập
kích, bố ráp?
Nhà thơ Hoàng
Hưng: Đến nay là một tháng sau sự cố Đồng
Tâm, nhà cầm quyền chưa có một động thái gì cho thấy họ đã tìm ra lối thoát cho
vụ việc chấn động lòng người này!
Việc quan tâm của các tổ chức quốc tế
đến vụ Đồng Tâm... chắc chắn sẽ là sức ép mà nhà cầm quyền Việt Nam không dễ gì
đối phó
Nhà thơ Hoàng Hưng
Cho đến nay,
những phản ứng của họ đều sai lầm, chỉ làm mất thêm tính chính danh của một nhà
nước đúng nghĩa.
Đầu tiên là
việc thông tin nhiều lần bất nhất của công an về vụ tấn công, về cái chết của 3
sĩ quan, của Cụ Lê Đình Kình; việc này đã đi đến chỗ hoàn toàn bất lợi cho họ:
từ nay về sau, công luận sẽ không tin bất cứ thông tin nào từ họ nữa!
Rồi đến việc
khen thưởng hấp tấp đến vô lý của các cấp cao nhất, cũng như ngăn chặn tiền
người dân phúng viếng cụ Kình để rồi lại vội vã chạy theo đối phó bằng cách bắt
toàn bộ cảnh sát cơ động góp 1 ngày lương hỗ trợ cho gia đình 3 chiến sĩ bị
chết, chỉ làm cho tấn bi kịch được kèm thêm những màn hài… cười ra nước mắt!
Tuy nhiên tôi
vẫn mong rằng tới đây họ sẽ có thái độ cầu thị, dám nhìn vào sự thật trần trụi
của vụ Đồng Tâm để có cách giải quyết ít nhiều thoả đáng, cứu gỡ phần nào bộ
mặt của mình.
BBC: Mới đây đại diện phái đoàn Liên minh
châu Âu EU tại Hà Nội đã có tiếp xúc với phía đại diện chính quyền VN và các
viên chức đại diện từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhà hoạt động ở Việt Nam để
tìm hiểu, dân biểu một số quốc gia phương Tây cũng đã lên tiếng về vụ việc, ông
đánh giá như thế nào về các động thái này?
Việc quan tâm
của các tổ chức quốc tế đến vụ Đồng Tâm, đặc biệt là của các dân biểu các nước
khối E.U sắp họp thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam, và cuộc gặp của
Sứ quán Hoa Kỳ với anh Trịnh Bá Phương, một "dân oan" được sự uỷ
nhiệm của bà quả phụ Lê Đình Kình và các gia đình nạn nhân Đồng Tâm, cũng như
những sự quan tâm tới đây của quốc tế, chắc chắn sẽ là sức ép mà nhà cầm quyền
Việt Nam không dễ gì đối phó.
Cần xử lý, giải quyết ra sao?
BBC: Sau tròn một tháng diễn ra sự việc,
nhìn nhận lại một cách bao trùm, quan điểm của ông là thế nào và theo ông cần
giải quyết, xử lý ra sao?
Nhà thơ Hoàng
Hưng: Vụ Đồng Tâm đã có một lịch sử kéo dài,
trong cả quá trình đó nhà cầm quyền không trưng ra được bản đồ qui hoạch gốc
(tương tự vụ Thủ Thiêm) để thuyết phục dân thôn Hoành cũng như công luận rằng
59ha đất đồng Sênh thuộc đất quốc phòng, đối lại với những chứng cứ có lý có
tình của dân cho thấy họ mới là chủ nhân đích thực. Chính việc đó dẫn người dân
đến tâm trạng uất ức, tuyệt vọng, dẫn đến tuyên bố lấy máu để giữ đất, từ đó
tạo cái cớ cho nhà cầm quyền đàn áp.
Trong tình
thế đó, quyết định tấn công vào làng Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm là một
cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà
cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là vấn đề Đất đai đã
tồn tại quá lâu, hậu quả là đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi,
buộc phải đối đầu!
Việc khởi tố vụ án tấn công thôn Hoành
và thảm sát Cụ Lê Đình Kình như yêu cầu của công luận sẽ là điểm son cho nhà
cầm quyền
Nhà thơ Hoàng Hưng
Nhìn một cách
tích cực, tôi thật sự hy vọng vụ Đồng Tâm sẽ là giọt nước tràn ly, khiến đảng
Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải sửa luật Đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu, bảo
vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong những qui hoạch về đất đai. Cũng từ
đây, ĐCSVN sẽ phải nhận ra sự thất bại của đường lối lấy bạo lực khủng bố để
khống chế xã hội trong sự sợ hãi cộng với bưng bít, độc quyền thông tin để lừa
dối dân theo định hướng của mình. Tôi muốn nhắc họ, không thừa: Đừng bao giờ
nghĩ đến bắt chước Tàu Cộng theo con đường độc tài sắt máu. Xã hội Việt Nam,
dân tộc tính Việt Nam từ ngàn xưa không dung chấp độc tài, trong thời đại ngày
nay lại càng không thể! Và chế độ độc tài Tập đang đi tới đâu, đã nhìn thấy
nhãn tiền!
Tôi cũng tin
rằng: người dân Việt Nam, giống như dân thôn Hoành mà tôi đã có dịp về thăm
không chỉ một lần, không có ý tưởng chống chế độ, mà chỉ đòi hỏi đảng Cộng sản
(ĐCS) bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, thi hành đúng hiến pháp do chính
ĐCS soạn ra. Các vị cầm quyền đừng để nỗi ám ảnh "mất chế độ" làm sa
lầy tiếp vào con đường biến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thành mâu thuẫn
"địch-ta", đẩy dân đến chỗ buộc phải đối đầu. Sự chia rẽ chính quyền-
dân chỉ có lợi cho các nhóm đặc lợi mượn danh nghĩa chính quyền mà ông Nguyễn
Phú Trọng đang muốn "đốt", xa hơn là lợi cho kẻ thù của cả dân tộc.
Sự chía rẽ này do chính các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền tạo ra, và
thậm chí người dân có quyền có dấu hỏi về khả năng có bàn tay gài độ, phá hoại
của ngoại bang thông qua những kẻ hưởng lợi từ những sai lầm đó.
Trước mắt, để
giải quyết vụ Đồng Tâm một cách thiết thực, nên tập trung suy nghĩ về vụ án gần
30 bị can là người dân thôn Hoành. Theo tôi, đó sẽ là cơ hội để nhà cầm quyền
sửa chữa phần nào những sai lầm quá lớn của vụ Đồng Tâm. Phải đối xử có tình
người với những người bị bắt, với gia đình họ. Và thực thi một phiên toà công
khai minh bạch, bảo đảm có sự phản biện độc lập của luật sư, xử đúng người đúng
tội, ít ra cũng như vụ xử ông Đoàn Văn Vươn. Phía công luận, tôi hy vọng giới
luật sư vào cuộc, kể cả có sự tham gia của các luật sư quốc tế, để bảo vệ quyền
lợi chính đáng của những người bị xét xử.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm gia đình chiến sĩ hy sinh 'vụ gây rối' Đồng Tâm, theo kênh truyền hình quân đội Quốc phòng Việt Nam, hôm 12/01/2020 Bản quyền hình ảnh Other/QPVN Image caption |
Việc khởi tố
vụ án tấn công thôn Hoành và thảm sát Cụ Lê Đình Kình như yêu cầu của công luận
sẽ là điểm son cho nhà cầm quyền. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo cao nhất xử lý
nghiêm minh theo đúng pháp luật các viên chức có trách nhiệm trong vụ này, để
tránh được điều tồi tệ nhất: Công luận nghi ngờ vai trò chủ đạo của chính họ
trong vụ án tai tiếng chưa từng thấy sau vụ giết hại bà Nguyễn Thị Năm, một ân
nhân của cách mạng 70 năm trước!
Họ sẽ không
thoát sự phán xét của lịch sử!
Nhà thơ Hoàng
Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt cũng là dịch giả, nhà báo và
cựu nhà giáo, ông hiện sinh sống tại Sài Gòn và là một nhà quan sát và hoạt
động xã hội dân sự, vận động cho nhân quyền và các quyền tự do trong xã hội
cũng như trong văn nghệ, báo chí, ngôn luận...
Trên đây là ý
kiến dựa trên quan điểm riêng của người trả lời phỏng vấn. Trong vụ việc xảy ra
ở Đồng Tâm hôm 09/01/2020, cho tới nay, nhà nước và chính quyền Việt Nam, ngành
Công an, thông qua truyền thông, báo chí của nhà nước, chính quyền vẫn giữ quan
điểm cho rằng có một nhóm chống đối chính quyền và các chính sách của đảng và
nhà nước hoạt động tại Đồng Tâm.
Nhóm này,
trong đó có Tổ Đồng thuận, các thành viên và người lãnh đạo là ông Lê Đình
Kình, theo quan điểm của chính quyền, đã có các hành vi vi phạm pháp luật Việt
Nam, chống đối người thi hành công vụ, có các hành vi kích động, sử dụng bạo
lực, thậm chí nhận tiền và chịu sự chỉ đạo của một số tổ chức, cá nhân ở nước
ngoài bị chính quyền liệt là phản động, khủng bố, để chống đối chính quyền và
người thi hành công vụ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire