Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong 许志永)
Lê Thanh Dũng dịch theo nguyên bản tiếng Hoa
(Có thể tham khảo bản
tiếng Anh ở đây)
logo "công dân" |
Trung Quốc cần một phong trào Công dân Mới. Đây là một phong
trào chính trị để một nhà nước cổ đại triệt để chia tay chế độ chuyên chế và
thực hiện việc chuyển đổi nền văn minh hiến pháp. Đây là một phong trào xã hội
xây dưng trật tự công bằng cho người giàu và người nghèo, đánh đổ hoàn toàn các
đặc quyền tham nhũng, dùng quyền để tìm kiếm lợi ích cá nhân. Phong trào này là
một phong trào hòa bình và tiến bộ, thúc đẩy toàn bộ quá trình văn minh của
loài người, là phong trào văn hoá triệt để chia tay văn hoá thần dân xây dựng
tinh thần dân tộc mới, là phong trào hoà bình tiến bộ, nâng cao tiến trình văn
minh của toàn nhân loại.
Trong thế kỷ 20, Trung Quốc đã trải qua nhiều
phong trào. Cuộc cách mạng Tân Hợi, năm 1911, Phong trào văn hóa mới, Phong
trào cuộc sống mới ...nhằm chia tay với chế độ chuyên chế và thay đổi lối sống
và thế giới tinh thần của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, thời kỳ Dân Quốc đã
sớm chấm hết với những rắc rối bên trong và bên ngoài. Phong trào xã hội đúng
đắn này đã không thay đổi chế độ chính trị cho nên chỉ loé lên rồi tắt. Sau năm
1949, chế độ độc tài toàn trị của Trung Quốc đã trở lại như hồi quang phản
chiếu. Cải cách ruộng đất, đàn áp phản cách mạng, chuyển đổi xã hội chủ nghĩa,
phong trào chống cánh hữu, Đại nhảy vọt cho đến Cách mạng văn hóa, những phong
trào trái chiều này đã kết thúc bi thảm tất yếu do đi ngược dòng lịch sử.
Vào những năm 1980, Đảng Cộng sản đã khởi
xướng "năm trọng, bốn đẹp và ba yêu",*
nhưng khi một phong trào cải tạo xã hội được khởi xướng bởi những kẻ chuyên
chế, pha tạp với quá nhiều tư lợi, không thể mang lại sự thay đổi thực sự trong
xã hội.
Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa ra khỏi
chế độ chuyên chế, lũng đoạn độc quyền, tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo, bạo
lực cưỡng chế, mất cân bằng trong giáo dục, những hố đen trong an sinh xã hội
... Căn nguyên của một loạt các vấn đề xã hội lớn là chế độ chuyên chế, dân tộc
Trung Hoa cần một phong trào công dân vĩ đại thuận dòng lịch sử. Phong trào
công dân từ dưới lên, từ chính trị, xã hội đến văn hóa, từ sự thức tỉnh của
từng công dân đến sự tái sinh của toàn bộ nền văn minh Trung Quốc.
Mục tiêu của Phong trào Công dân Mới là một
Trung quốc tự do với nền pháp trị dân chủ, với một xã hội dân sự công bằng và
hạnh phúc, với tinh thần quốc gia mới “tự do, công bằng, yêu thương”.
Cốt lõi của Phong trào Công dân Mới là
"công dân", đó là khái niệm cá nhân và khái niệm xã hội. Công dân
không phải là thần dân. Công dân là những cá nhân độc lập và tự do. Họ tuân
theo trật tự pháp trị được cộng đồng qui định, và không cần phải quỳ gối phục
tùng bất cứ ai. Công dân không phải là thảo dân. Công dân là chủ nhân của đất
nước. Quyền lực của người chấp chính có được là do toàn thể công dân chọn ra,
vĩnh viễn vứt bỏ thứ logic man rợ "chính quyền ra đời từ nòng súng".
Công dân không có thuần dân và nghịch dân, vâng lời và chống đối. Công dân là
người chia sẻ hạnh phúc và là người gánh trách nhiệm trong một trật tự chính
nghĩa, công bằng, ngay thẳng, trong sáng, ôn hoà và trọng lẽ phải.
Cái "Mới" của Phong trào Công dân
Mới là điều kiện lịch sử mới, cách thức hành xử mới và một trật tự tự do mới.
Đối nghịch với khái niệm Công dân Mới không phải là công dân cũ, mà là thần dân
cũ. Các điều kiện lịch sử mới bao gồm tiến bộ công nghệ, kinh tế thị trường, xu
hướng tư tưởng đa nguyên và xu hướng dân chủ chung trong xã hội loài người. Mô
hình hành vi mới là bảo vệ quyền công dân theo luật pháp, bất hợp tác bất bạo
động của công dân, các phong trào dân chủ hòa bình theo khái niệm và hệ thống
diễn ngôn mới.
Trật tự
tự do là một trật tự hiến pháp của dân chủ, pháp trị và cộng hòa. Phong trào
Công dân Mới có một nền tảng xã hội mới, một mô hình hành vi mới và các mục
tiêu mới, vì vậy nó nên được gọi là Phong trào Công dân Mới.
Sự thay đổi lớn trong xã hội Trung Quốc
đòi hỏi phải có phương hướng và linh hồn. Tinh thần Công dân Mới do Phong trào
Công dân Mới đề xướng là phương hướng và linh hồn của sự thay đổi xã hội lớn.
Phong trào Công dân Mới là một phong trào
chính trị, và Trung Quốc chắc chắn sẽ hoàn thành việc chuyển đổi nền văn minh
chính trị và thiết lập một Trung Quốc tự do với một nền dân chủ và pháp trị
đúng đắn. Phong trào Công dân Mới là một phong trào xã hội. Giải pháp cho các
vấn đề như cường quyền lũng đoạn, tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo và mất cân
bằng trong giáo dục không chỉ dựa vào hệ thống chính trị dân chủ, mà còn dựa
vào phong trào cải cách xã hội diễn ra liên tục không ngừng. Người Trung Quốc
phải từ bỏ xã hội thần dân, xã hội quan hệ để xây dưng một xã hội công dân công
bằng, chính nghĩa, tự do và hạnh phúc. Phong trào Công dân Mới là một phong
trào văn hóa làm thay đổi hoàn toàn văn hóa độc đoán của sự thối nát, suy đồi,
tầm thường và thù địch, tạo ra một tinh thần dân tộc mới tự do, công bằng và
yêu thương.
Phải chấm dứt chuyên chế, nhưng Phong
trào Công dân Mới còn vượt xa một cuộc cách mạng dân chủ. Hệ thống ngôn từ của
Phong trào Công dân Mới không phải là lật đổ, mà là xây dựng, không phải là
thay thế một giai cấp bằng một giai cấp khác, mà là công lý được thực hiện ở
Trung Quốc, không có chống đối và thù hận. Đó là tình thương yêu rộng lớn.
Phong trào Công dân Mới theo đuổi sự thật và công lý, nhưng không bao giờ buông
bỏ sự nỗ lực và mong muốn hoà giải. Trong tiến trình thay đổi xã hội, từ cá
nhân công dân đến toàn quốc, cần có một tinh thần mới để đoàn kết toàn bộ dân
tộc Trung hoa.
Tinh thần Công dân Mới có thể được tóm
tắt là "tự do, công bằng, yêu thương".
Tự do có nghĩa là độc lập theo đuổi tín
ngưỡng, suy nghĩ, bày tỏ và tự chủ, tự tại trong cuộc sống, thực sự tự mình. Tự
do của con người là mục tiêu cuối cùng của xã hội, đất nước và luật pháp. Công
lý là sự công bằng và chính nghĩa thời nay, là trạng thái lý tưởng của đất nước
và xã hội, mọi người có cơ hội như nhau, kiềm chế kẻ mạnh mẽ, bảo vệ kẻ yếu.
Mỗi người đều phát huy thế mạnh của mình, dùng hết khả năng, làm tròn chức
trách, hưởng những gì đáng được hưởng. Công lý có nghĩa là dân chủ và pháp
quyền là nền tảng của hệ thống, có nghĩa là trách nhiệm cá nhân, bảo vệ và theo
đuổi các quyền lợi, quan tâm lợi ích chung và tôn trọng ranh giới quyền lợi của
người khác. Yêu thương là nguồn hạnh phúc của con người và là tầm cao nhất của
tinh thần Công dân Mới. Nội hàm tinh thần của một quốc gia phải có tình yêu
thương, xua tan mọi thù hận và đối địch, tạo ra một xã hội công dân tự do và
hạnh phúc.
Phong trào Công dân Mới bao gồm các
phong trào dân quyền, phong trào bất hợp tác dân sự và phong trào dân chủ. Tinh
thần Công dân Mới dẫn dắt phong trào chuyển đổi hòa bình tuyệt vời này của Trung
Quốc.
Phong trào dân quyền là mảnh đất của các phong
trào dân chủ, bao gồm phong trào xã hội bảo vệ quyền cá nhân, bảo vệ quyền tháo
dỡ di chuyển [quyền sở hữu], bảo vệ quyền phục viên [quyền, bảo vệ quyền môi
trường, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, phân biệt chống cách li hộ tịch và bảo
vệ quyền lợi quần thể. Phong trào dân quyền chú trọng nhu cầu quyền của cá nhân
hoặc của một nhóm. Tuy vậy, sự độc quyền, tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo
tràn lan, những hố đen an sinh xã hội và các vấn đề xã hội lớn khác đã đạt đến
mức chúng phải được giải quyết về mặt chính trị. Phong trào quyền công dân phát
triển đến một giai đoạn nhất định phải bước vào phong trào chính trị dân chủ.
Phong trào bất hợp tác công dân xuyên suốt các
phong trào dân quyền và dân chủ, bao gồm tấy chay tiêu cực với chuyên chế và
bảo vệ tích cực quyền tự do. So với phong trào bất hợp tác dân sự, phong trào
Công dân Mới chú trọng hơn đến xây dựng, huỷ bỏ chế độ chuyên chế trong khi xây
dựng xã hội dân sự, không chỉ chấm dứt chế độ chuyên chế, mà còn xây dựng nền
văn minh chính trị và tương lai của xã hội công dân.
Theo nghĩa rộng hơn, Phong trào Công dân Mới
cũng bao gồm cuộc vận động xuất hiện ở nhiều nước dân chủ gần đây để tìm kiếm
sự công bằng và công lý. Vào thời điểm làn sóng liêm chính thứ tư của dân chủ
hoá, dưới nền tảng công nghệ mới đang thay đổi cấu trúc xã hội loài người,
Phong trào Công dân Mới của Trung Quốc đã tập hợp các phong trào dân quyền và
các cuộc cách mạng dân chủ của thời kỳ dân chủ trước đây và các cuộc cách mạng
xã hội của các nước dân chủ.
Phong trào Công dân Mới của Trung Quốc
đã có một nền tảng xã hội. Ba mươi năm cải cách và mở cửa đã đặt nền tảng kinh
tế của tài sản tư nhân và trật tự thị trường, và cũng mang lại một xu hướng đa
nguyên xã hội. Từ chế độ toàn trị đến chế độ độc tài cho đến chính thể đầu sỏ,
chế độ độc tài đã suy yếu và phong trào dân sự có một không gian nhất định. Các
công nghệ mới như Internet và viễn thông đã đẩy nhanh giác ngộ xã hội và hình
thành mạng lưới liên kết cá nhân của công dân. Xu hướng quốc tế của dân chủ hóa
biến đổi và hạn chế bạo lực độc đoán, và đưa tinh thần hòa bình và lý trí của
công dân thế giới vào các phong trào chính trị của các nền dân chủ mới nổi.
Không có Công dân Mới, sẽ không có xã
hội dân sự và Trung Quốc pháp trị. Phong trào Công dân Mới nhấn mạnh rằng Công
dân Mới nên bắt đầu từ chính họ, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, thực hiện
trách nhiệm công dân, không tuân theo các quy tắc ngầm của chuyên quyền, tham
nhũng với các đặc quyền khác nhau, tin vào pháp trị dân chủ, và theo đuổi tự
do, công bằng, hành động công dân, Trung Quốc pháp trị.
Phong trào Công dân Mới bao gồm nhiều phong
trào chính trị xã hội đang diễn ra: phong trào ngựa cỏ bùn, phong trào chống
phá dỡ hộ gia đình, phong trào chống phân biệt theo hộ khẩu, Phong trào Thiền
định 64 (kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn 4 tháng 6), phong trào tự do tín ngưỡng,
phong trào bảo vệ khách, phong trào bảo vệ môi trường, phong trào an toàn thực
phẩm, phong trào Bầu cử đại biểu Quốc hội Nhân dân Quốc gia, chiến dịch chống
buôn người trên Weibo, chiến dịch chống độc quyền, chiến dịch chống tham nhũng,
... một phong trào xã hội và một phong trào chính trị thống nhất với tinh thần
của một Công dân Mới.
Phong trào Công dân Mới chủ trương thực
hành quyền Công dân Mới và trách nhiệm xã hội của Công dân Mới trong các ngành
nghề khác nhau: Thẩm phán Công dân Mới công bằng và trong sạch, trung
thành với pháp luật và lương tâm, không làm sai luật vì quyền lực và tư lợi; cảnh
sát Công dân Mới thi hành công lý một cách vô tư, trừ hại, bảo vệ người
lương thiện, không tra tấn bức cung, không cấu kết với các thế lực đen tối xấu
xa; các công tố viên Công dân Mới trung thành với luật pháp quốc gia,
không tha thứ cho tham nhũng và không thờ ơ với tội phạm; các đại biểu quốc
hội Công dân Mới đủ can đảm để thực hiện nhiệm vụ của mình theo luật pháp
vì lợi ích công cộng, và không làm cái máy bỏ phiếu và trở thành con dấu cao su
(ngoan ngoãn theo lệnh) của người khác; giáo viên Công dân Mới thương
yêu học sinh, không phao tin đồn nhảm; bác sĩ Công dân Mới chăm sóc bệnh
nhân, không nhận phong bì, không kê bậy đơn thuốc và không phân biệt đối xử với
bệnh nhân; luật sư Công dân Mới trung thành với pháp luật, bảo vệ quyền
và lợi ích của các bên, và không hối lộ thẩm phán; kế toán Công dân Mới
trung thành với quy tắc kế toán, không làm giả hoá đơn; các biên tập viên và
nhà báo Công dân Mới theo đuổi sự thật và không báo cáo dối trá; sinh
viên đại học Công dân Mới học tập chăm chỉ, quan tâm đến xã hội, không gian
lận trong thi cử, không sao chép luận văn; các học giả Công dân Mới tìm
kiếm sự thật trong tinh thần chuyên nghiệp, không a dua nịnh hót, không sao
chép công trình; nghệ sĩ Công dân Mới thể hiện chân thiện mỹ, từ chối
các quy tắc ngầm; trọng tài thể thao Công dân Mới thể hiện tính độc lập
và công bằng, không thổi còi đen; vận động viên Công dân Mới thi đấu
sòng phẳng, không cá độ và chơi giả vờ; doanh nhân Công dân Mới kinh
doanh một cách đứng đắn, không dính với quyền lực; công nhân công nghiệp
Công dân Mới đảm bảo chất lượng sản phẩm, không làm ẩu cắt xén nguyên liệu,
không làm ra hàng kém chất lượng, không pha trộn các chất độc hại; ...
Thúc đẩy phong trào Công dân Mới, Công
dân Mới có thể làm bằng cách:
Truyền bá tinh thần Công dân Mới. Giải
thích tinh thần "tự do, công bằng, tình thương yêu" của tinh thần
Công dân Mới và truyền bá tinh thần Công dân Mới thông qua Internet, áp phích
đường phố và khẩu hiệu in trên áo (áo văn hoá) và bất kể phương pháp khác
nào để quảng bá tinh thần Công dân Mới. Hãy đưa tinh thần Công dân Mới trên Internet
và trên các đường phố nhộn nhịp, và quan trọng nhất, thấm sâu hơn vào trái tim
của mỗi chúng ta.
Thực hành trách nhiệm công dân. Cam kết và
thực hiện trách nhiệm công dân, tuân thủ các chuẩn mực ứng xử Công dân Mới, từ
bỏ tham nhũng trong cuộc sống, cự tuyệt sử dụng công quyền vào lợi ích cá nhân,
trung thành với lương tâm và không hành động xấu xa, tích cực phục vụ cộng đồng
và cùng nhau giám sát và thực hiện các cam kết. Tinh thần Công dân Mới là tinh
thần trách nhiệm, hy sinh lợi ích của chính mình để làm gương tốt về quyền công
dân, giữ gìn lương tâm và công lý cho đến khi công lý lan rộng khắp Trung Quốc.
Sử dụng các hình thức nhận dạng khác nhau, chẳng hạn như
logo "công dân". Công dân tự thiết kế logo "công dân" của
riêng họ, và nêu rõ danh hiệu của mình trong cuộc sống bằng cách đeo logo
"công dân".
Tham gia vào đời sống công dân. Thường
xuyên "tụ bạ (tụ tập ăn, uống trà, cà phê và thảo luận cùng nhau)",
thảo luận về các vấn đề thời sự, quan tâm đến đời sống của mọi người, quan tâm
đến các dịch vụ công cộng và chính sách công, giúp đỡ người già yếu, phục vụ xã
hội và thúc đẩy sự công bằng và chính trực.
Nơi nào cũng có một nhóm công dân hiện đại. Mọi người cần đoàn kết để
thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đoàn kết bắt đầu từ việc quen biết nhau.
Đoàn kết phân công và hợp tác, và thúc
đẩy việc công khai tài sản, công khai thông tin, chống tham nhũng, chống cô lập
hộ tịch và các phương pháp khác thông qua truyền đơn, tố giác, chụp ảnh nhanh,
áo văn hóa (khẩu hiệu in trên áo), hội họp, bầu cử hoặc từ chối bầu cử, biểu
tình, biểu diễn nghệ thuật, v.v. Phát động các phong trào dân quyền như tự do
tín ngưỡng, tự do ngôn luận, và quyền bầu cử, cũng như các phong trào không hợp
tác của công dân, thực hành tinh thần Công dân Mới bằng hành động, phát triển lực
lượng công dân trong phong trào công dân.
Công Dân, ngày 29 tháng 5 năm 2012
* 五讲四美三热爱: ngũ giảng (5 trọng: văn minh, lịch sự, vệ sinh, trật tự
và đạo đức), tứ mỹ (4 đẹp: tâm hồn, ngôn ngữ, hành vi và môi trường), tam nhiệt
ái (3 yêu: cộng hoà nhân dân Trung Hoa, chủ nghĩa xã hội và ĐCSTQ) là phong
trào tuyên truyền giáo dục tư tưởng của ĐCSTQ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire