Một bài viết thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên
trên báo nhà nước Việt Nam!
LTS: Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm về
việc lựa chọn nhà thầu xây dựng đường cao tốc Bắc Nam và tỏ ra rất băn khoăn,
lo lắng về sự an nguy của đất nước nếu nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thực thi
con đường này. Văn hóa Nghệ An xin giới thiệu cùng bạn đọc chia sẻ của Tiến sĩ
Trịnh Định, Đại học Quốc gia Hà Nội với nhà báo Phan Văn Thắng về vấn đề này.
Phan Văn Thắng: Gần đây Việt Nam có chủ trương xây
dựng đường cao tốc Bắc Nam, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của
đường cao tốc này đối với sự phát triển của đất nước?
Trịnh Định: Ở bất cứ quốc gia nào, hệ thống đường giao
thông là tiền đề để công nghiệp hóa, đô thị hóa. Một quốc gia muốn phát triển,
việc trước tiên là phải chú trọng phát triển giao thông. Về cơ bản, cho đến
nay, hệ thống giao thông chúng ta đang thua rất xa so với nhiều nước trong khu
vực và trên thế giới. Vì vậy, việc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, xét về chủ
trương và ý tưởng là đúng đắn, tuy hơi muộn.
Tuy nhiên, khi đề ra chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc Nam
cần tính bài toán tổng thể của cơ sở hạ tầng quốc gia, đặc biệt là giải quyết
cơ sở hạ tầng giao thông nội đô trong các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ
Chí Minh. Tôi không phải là người am hiểu về giao thông nên tôi chỉ có thể chia
sẻ từ góc độ lịch sử và hệ quả an ninh, chính trị của nó mà thôi.
Việc xây dựng đường Bắc Nam, hay đường cao tốc Bắc Nam hoàn toàn
không giống với việc xây dựng các tuyến đường khác. Bởi nói đến chữ Bắc Nam và
nói đến đường Bắc Nam, trong tâm thức người Việt, là nói đến câu chuyện con
đường biểu tượng, thiêng liêng.
Đường Bắc Nam hội tụ nhiều tầng ý nghĩa hơn trong tâm thức người
Việt so với bất kỳ con đường nào khác. Đó là con đường lịch sử nhiều nghìn năm,
là con đường biểu tượng của sự thống nhất, là con đường trí tuệ, là con đường chất đầy xương máu của rất nhiều thế hệ
người Việt Nam trong hành trình
mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước. Nói về điều này tôi lại nhớ đến trường
ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy. Thật là thiêng
liêng.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, ở cấp chiến lược, khi đề xuất xây dựng
con đường cái quan quốc gia này, cần tư duy và hình dung con đường này khác
biệt với tất cả con đường khác, và tính đến tất cả các yếu tố trước khi quyết
định phượng án xây dựng, đặc biệt là khâu lựa chọn nhà thầu xây dựng. Bởi suy
cho cùng, đó là sinh
lộ Việt. Sinh lộ này lại đến
từ những nguyên nhân cắc cớ trong lịch sử mà căn nguyên sâu xa là áp lực từ
phương Bắc. Lịch sử dân tộc, và lịch sử con đường cái quan Bắc Nam đã cảnh báo
chúng ta về việc tư duy và lựa chọn nhà thầu xây dựng con đường này.
Một điểm lưu ý rằng, từ trước tới nay trong tư duy bảo vệ đất
nước, chúng ta thường nghĩ đến nguy cơ chia cắt đất nước theo chiều ngang, do
miền Trung hẹp, đường bờ biển dài và trong thực tế chia cắt Bắc Nam đã từng xẩy
ra. Tuy nhiên, cần nhìn nhận, nguy cơ mới, nguy cơ chia cắt đất nước theo chiều
dọc của nó, mà theo tôi nghĩ, đang ngày càng hiện hữu.
Từ góc nhìn lịch sử, ông nghĩ như thế nào về tính biểu tượng của
tuyến đường Bắc Nam của Việt Nam?
Như tôi đã nhắc đến ở trên, tuyến đường Bắc Nam của Việt Nam
mang tính biểu tượng năng lực thống nhất quốc gia, biểu tượng cho sự độc lập,
là lời tuyên bố của sự khác biệt về căn cước và trí tuệ Việt Nam, nó còn là
xương máu của cha ông trong nhiều nghìn năm.
Chúng ta nhớ lại lịch sử, để có được đất nước liền một dải, là
công lao của biết bao anh hào trong lịch sử dân tộc. So với bất kỳ con đường
nào khác, đường vô Nam, đường Bắc - Nam không phải là con đường cơ học như
những con đường khác. Nó là con đường lịch sử, linh thiêng, là con đường tâm
linh, sinh lộ Việt. Mất nó hoặc để nó vào tay giặc là đồng nghĩa với việc chúng
ta đánh mất những gì thiêng liêng nhất, lại một lần nữa trao nỏ thần vào tay
giặc.
Một việc nữa không được phép quên là các nghĩa trang trải dài
theo con đường này. Trong những nghĩa trang đó có rất nhiều người con vô tự, họ
hi sinh khi còn rất trẻ, quá trẻ trên con đường cái quan này vì dân tộc. Những
đoàn người vô tư của đất mẹ Việt chúng ta nằm dọc từ Bắc vào Nam để giữ sinh lộ
này cho đất nước. Khi sống họ mở đường, giữ đường quốc thổ; khi ngã xuống họ là
thần linh hộ mệnh cho những tuyến đường. Tuyệt đối không để quân thù làm tổn
thương những giá trị thiêng liêng đó. Điều này cần phải đặc biệt ghi nhớ.
Nếu lựa chọn nhà thầu thực hiện cao tốc Bắc Nam không
cẩn thận thì không chỉ là rước về nguy cơ bất an mà còn là xúc phạm đến xương
cốt và tinh thần của tiền nhân đã hy sinh! Người Việt Nam không cho phép bất cứ
ai làm điều đó.
Tôi nghĩ là nếu ai đó cố tình làm nhất định sẽ phải trả với giá
đắt nhất. Thưa ông, ông có thấy có mối liên hệ nào giữa đường cao tốc Bắc Nam
với Vành đai và Con đường Trung Quốc?
Cần phải nói rõ thế này, Việt Nam có vị trí địa chính trị độc
nhất vô nhị so với tất cả các quốc gia mà cả Vành đai và Con đường đi qua.
Không một nước nào như Việt Nam, là nơi mà tất cả hệ thống trọng điểm cả Vành
đai và Con đường đi xuống và tiền đề để tiến tiếp xuống Đông Nam Á, Biển Đông,
Ấn Độ Dương. Việt Nam là điểm khởi đầu của con đường Biển - Đảo mà Vân Đồn là
điểm đảo đầu tiên của Con đường trên biển. Quảng Ninh - Lào Cai là
điểm đầu tiên của con đường tơ lụa trên bộ đổ xuống. Sông Mê Kông, điểm đến sau
cùng cũng là Việt Nam. Và nay, cao tốc Bắc Nam là trọng tâm của Vành đai - Con
đường của Trung Quốc.
Không nghi ngờ gì nữa, cùng với chuỗi đảo ở vị trí cực kỳ then
chốt của Tổ quốc được người ta định danh đơn giản từ góc độ kinh tế là đặc khu
như Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc, đại dự án cơ sở hạ tầng - chính trịcao tốc Bắc Nam Việt Nam sẽ là trọng tâm chiến lược của chiến lược Vành đai - Con đường của Trung
Quốc ở Việt Nam. Điều này có nghĩa, dự án này sẽ được cả hệ
thống chính trị Trung Quốc đứng đằng sau để bằng mọi giá thắng thầu. Nếu nhìn
sâu hơn, Trung Quốc đã ém sau lưng chúng ta ở Lào và Campuchia cũng bằng dự án
Vành đai - Con đường. Nếu họ thực hiện điều đó ở Việt Nam và chúng ta lại thông
qua luật đặc khu thì có thể hình dung đất nước ta sẽ bị bao vây từ tất cả mọi
hướng, mọi phía.
Nếu vậy, tôi nghĩ, nhiều khả năng, Hoa Vi và các công ty công
nghệ khác của Trung Quốc cũng sẽ theo sau chân các nhà thầu Trung Quốc để hiện
diện một cách khéo léo, lồng vào hệ thống cao tốc của Việt Nam bằng các thiết
bị điện tử để theo dõi, thu thập thông tin của chúng ta. Đến lúc đó các thông
số kỹ thuật và các thông tin của tuyết đường sinh lộ sẽ không còn là bí mật
nữa. Nên nhớ, độ an
toàn thông tin của tuyến sinh lộ này có vai trò cực kỳ to lớn với an ninh của quốc gia.
Trục Bắc - Nam, cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa như thế nào trong
quan hệ với Trung Quốc, trong quá khứ và hiện tại, cũng như tương lai?
Nhìn lại lịch sử, ông sẽ thấy, trục Bắc Nam là trục sống của
người dân Việt Nam. Có sự cộng hưởng, kết nối, gắn kết của cộng đồng các dân
tộc, đặc biệt là có các dân tộc ở miền Trung và miền Nam, chúng ta mới đủ sức
chống đỡ sức bành trướng Trung Quốc liên tiếp nhiều nghìn năm trong lịch
sử.
Vua Minh Mệnh nhà Nguyễn đã nói: Chúng ta lập quốc nền tảng ở
phương Nam (Minh Mệnh chính yếu). Tức là căn cước văn hóa để xác lập và trường
trụ trên nền tảng phương Nam, khác với phương Bắc. Và cũng vì có phương Nam,
chúng ta mới đủ sức trụ vững cho đến ngày nay, mới đủ sức vượt qua vòng kim cô
thế giới Hán hóa để đến với thế giới văn minh. Nếu để Trung Quốc thực hiện
đường cao tốc Bắc - Nam, có nghĩa chúng ta phải đối mặt với nguy cơ trở lại với
thế giới Hán hóa thêm một lần nữa.
Như mọi người Việt đều biết, dù công khai hay không, một cái
nhìn từ biển, Trung Quốc đang chiếm từng đảo của chúng ta đi dọc từ phía Bắc
xuống Nam. Tham vọng điểm đến của họ sẽ là Trường Sa và nhiều đảo, cụm đảo khác
và xa hơn nữa…. Với họ, không có điểm kết, lòng tham của họ là vô hạn. Điều này
chắc không phải bàn cãi.
Còn đi vào đất liền, họ đã phân khúc Việt Nam với những lát cắt
theo kiểu chiếc cầu “Nam Hải đại kiều” (cầu lớn Nam Hải) nối Đảo Hải Nam với Hà
Tĩnh và những phân khúc dọc miền Trung xuống miền Nam.
Nếu như để nỏ thần trao tay giặc thì có phải là một phát nỏ sẽ
chẻ dọc đất nước ta theo phương thẳng đứng từ đỉnh đầu (thủ đô Hà Nội liêng
thiêng), dọc xuống miền Trung xương sống và đến tận cùng Nam Việt Nam.
Như vậy, nếu nhìn thẳng, đất nước ta sẽ bị chia làm đôi. Từ
trước đến nay, cái chúng ta lo sợ miền Trung hẹp và bờ biển dài nên nguy cơ
chia cắt đất nước theo chiều ngang rất cao. Nhưng chia cắt đất nước theo chiều dọc, chia cắt đất nước làm hai mảng Tây và Đông
thì là lần đầu tiên trong lịch sử có một nguy cơ như vậy.
Thực ra trong câu chuyện, từ đầu chúng ta đã nói đến chuyện an
nguy của đất nước nếu Trung Quốc thắng thầu xây dựng cao tốc Bắc Nam. Ở đây tôi
muốn chúng ta trao đổi kỹ hơn mà thôi. Thưa ông, sau khi có quyết định xây dựng
cao tốc Bắc Nam, như ông biết, có nhiều thông tin về việc triển khai xây dựng
nhất là việc lựa chọn nhà thầu. Có thông tin lan truyền về khả năng các nhà
thầu Trung Quốc sẽ tham gia và trúng thầu vì như một quan chức Bộ Giao thông
Vận tải thì “chỉ có các nhà thầu Trung Quốc quan tâm”đến công trình quan trọng này. Ông bình luận
gì về thông tin này? Nếu điều đó trở thành hiện thực thì lợi và hại sẽ như thế
nào?
Có chi tiết là, ngay sau khi Việt Nam có thông báo về xây dựng
đường cao tốc Bắc Nam, nhà thầu Trung Quốc đã đến đặt vấn đề, tức là có khả
năng họ biết trước thông tin và có sự chuẩn bị sẵn. Ý nghĩa của việc
này là gì? Tại sao họ lại là người đầu tiên đến. Việc này dẫn đến nhiều suy
tư?
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc sẽ trả thầu thấp nhất, như vậy
rõ ràng các nhà thầu của các nước khác sẽ khó có cơ hội. Với sự nhạy cảm và
kinh nghiệm của mình, các nhà thầu có tư cách họ sẽ rất cân nhắc hoặc thậm chí
họ muốn tham gia nhưng sẽ không mặn mà hoặc không tham gia, bởi họ sẽ biết chắc
rằng Trung Quốc sẽ thắng thầu. Vậy sự hiện diện sớm của nhà thầu Trung Quốc,
mang rất nhiều ý nghĩa.
Theo tôi, nó có nghĩa tuyên bố với các nhà thầu trên thế giới,
miếng mồi này đã thuộc về Trung Quốc, nếu có tham gia vào cũng vô ích mà thôi.
Bước đi này, thực sự có tính toán kỹ lưỡng từ không chỉ một bên, nếu bỏ thầu
chỉ có một hồ sơ thì khi đó kết quả thế nào mọi người đều biết. Nếu điều đó trở
thành hiện thực thì nguy cơ đất nước bị chia cắt theo chiều dọc không còn là
nguy cơ, mà nó đang được, đúng hơn là bị, hiện thực hóa. Lúc đó, Sinh
lộ biến thành tử lộ.
Tôi cũng rất lo ngại về nguy cơ này nhưng không quá bi quan như
ông. Vì tôi tin vào trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của người Việt Nam mình
không phải là dễ bị lừa. Vả lại, cha ông mình nói rồi, “cha nó lú có
chú nó khôn”. Cha con An Dương Vương bị lừa nhưng rồi người Việt vẫn
lấy lại được nước đó thôi, dẫu là giá quá đắt. Trở lại, ông có tin là người
Việt Nam hoàn toàn có thể tự lực xây cao tốc Bắc Nam, con đường huyết mạch của
đất nước? Vì sao?
Tôi không phải chuyên gia về xây dựng, tôi chỉ nhìn những nguy
cơ của nó từ chiều lịch sử và ảnh hưởng và hệ quả chính trị nếu Trung Quốc tham
gia xây dựng đường cao tốc. Về cá nhân, tôi tin và mong muốn người Việt chúng
ta sẽ chủ động xây dựng sinh lộ cho mình, nếu cần tham vấn hoặc mời thầu thì
nên lựa chọn những nhà thầu từ Nhật, Đức, châu Âu hoặc Mỹ...
Tôi tin rằng người Việt hoàn toàn làm được.
Tôi lại tin hơn, rằng người Việt Nam sẽ không những làm được mà
còn làm tốt. Theo ông, cần như thế nào để chúng ta không nằm trong vòng kim cô
thế giới Hán hóa mới, vẫn có thể quan hệ bình thường, bình đẳng và không bị phụ
thuộc với Trung Quốc ?
Thế giới Hán hóa mới có cái tên chính thức rất mỹ miều là: Vành đai kinh tế con
đường tơ lụa và con đường tơ lụa thế kỷ XXI, tức nói tắt là Vành đai - Con
đường. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam là có thể được coi là đại dự án trọng
điểm cơ sở hạ tầng chính trị của Vành đai của Trung Quốc ở Việt Nam.
Để quan hệ bình đẳng, bình thường và không phụ thuộc với tất cả
các nước, đặc biệt là với Trung Quốc, đã có nhiều người nói rồi, tôi chỉ kể một
chi tiết từ kinh nghiệm bản thân khi tôi đi ra nước ngoài thôi. Trong các
chuyến đi đó, tôi ngộ ra một điều, khi nào mình tự tôn trọng mình, kiên quyết
không quỳ gối thì họ sẽ tôn trọng mình.
Theo tôi lý lẽ chỉ giản dị như vậy thôi. Nhưng làm được thì lại
không dễ. Nên chỉ bằng cách giáo dục con người Việt Nam biết tự tôn trọng mình
và không quỳ gối mới có thể làm được diều đó. Đến đây, tôi nhớ đến cụ Phan Chu Trinh
và tinh thần vượt thời đại của cụ. Chỉ cần như vậy, đất nước mình, người Việt
Nam mình sẽ được tôn trọng. Đây hoàn toàn là câu chuyện nhân cách không phải là
câu chuyện tiền bạc.
Trên quan điểm tổng thể, với tư cách là một người dân, tôi đề
nghị đến người có quyền lực cao nhất và chỉ người đó mới thấu hiểu điều này.
Cần quán triệt một nền tảng triết lý trên cơ sở thấu hiểu lịch sử, thấu hiểu
tầm quan trọng của con đường, tính đặc biệt, độc đáo và vai trò của con đường
Bắc Nam trong tiến trình hình thành quốc gia dân tộc để có một nhận thức sâu
sắc và toàn diện về cao tốc Bắc Nam.
Nó phải là tuyến đường đi tiếp của truyền thống cha ông, nó là
sinh lộ chứ không phải tử lộ, không nên để lực lượng trấn yểm bên ngoài vào phá
vỡ long mạch, huyết mạch, sinh lộ truyền thừa từ cha ông để lại.
Tóm lại, chủ trương và ý tưởng của Quốc hội và Chính phủ là đúng
đắn. Nhưng cách làm là phải cân nhắc thật thấu đáo, kỹ càng. Phải luôn nhớ đây
là con đường biểu tượng cho năng lực thống nhất Tổ quốc, nên bắt buộc phải loại
bỏ mọi nguy cơ tiềm ẩn từ chính nó.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Hy vọng vấn đề này sẽ được
nhiều người quan tâm và trao đổi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire