Image caption |
Nhưng ở đây tôi muốn kể những
câu chuyện bên ngoài của cuộc đời ba, chưa bao giờ được kể, có liên quan đến những
người trong cuộc.
Năm 2001, khi tổng thống Việt
Nam Cộng hòa, đại tướng Dương Văn Minh qua đời tại Mỹ, thì ba tôi nhận được cuộc
gọi của phóng viên một đài tiếng Việt ở nước ngoài. Chi tiết đài nào ba kể lâu
quá, tôi không còn nhớ rõ.
Họ gọi cho ba báo tin:
"Ông Dương Văn Minh, cựu thù của ông đã qua đời hôm nay tại Mỹ, ông cho biết
cảm tưởng của mình?"
Ba trả lời: "Ông tướng
Dương Văn Minh chỉ là đối thủ của tôi trước năm 75, sau 75 ông cũng là công dân
của nước CHXHCN Việt Nam, là đồng bào của tôi. Nay ông mất đi, cho tôi xin được
thay mặt gia đình chia buồn với toàn thể gia quyến của ông Minh."
Nhà báo, đại tá Bùi Tín (báo
Quân Đội Nhân Dân) ngay sau 30/4/1975 đã tìm gặp ba tôi để nghe kể lại toàn bộ
sự việc xảy ra trong buổi trưa lịch sử đó.
Cũng trong năm đó ông xuất bản
cuốn sách" Sài Gòn trong ánh chớp chói lọi của lịch sử " với bút danh
Thành Tín.
Cũng chính ông tặng ba tôi bức
hình chụp ba được thay mặt cho QĐNDVN để chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn
trong buổi họp báo cáo thành tích của năm cánh quân tiến vào Sài Gòn tại Dinh Độc
Lập, với lời bình luận: "Đôi dép cao su của bộ đội cụ Hồ đã đạp lên thảm đỏ
của Phủ đầu rồng". Quả là ba là người to cao, chân quá khổ vào loại nhất toàn
quân, nên giày vải Trung Quốc cung cấp cho quân đội, ba không mặc vừa, đành phải
đi vội đôi dép râu quen thuộc của suốt chiến dịch đến Dinh Độc Lập dự lễ báo
cáo chiến công.
Sau này sang tị nạn chính trị tại
Pháp, có dịp gặp gỡ với giới báo chí nước ngoài, ông Bùi Tín đem hết câu chuyện
ba tôi đã kể cho ông nghe, thành việc làm của chính ông để đem nói chuyện cho
báo chí thế giới.
Biết chuyện này, ba tôi chỉ phẩy
tay, chắc họ lầm Bùi Tùng thành Bùi Tín, chứ ông Bùi Tín con nhà danh giá, rất
quí ba, không thể làm vậy được đâu.
Sau này sang Mỹ, đọc sách
"Vietnam: A history" của Stanley Karnow tôi mới thấy chắc rằng ông
Bùi Tín đã kể như vậy cho nhà sử học, nhà báo Karnow nghe. Kể ra ông Stanley
Karnow cũng ngây thơ khi tin rằng một nhà báo quân đội lại có thể buộc một ông
Tổng thống, đại tướng quân đội VNCH chấp nhận đầu hàng, chứ không phải là một vị
chỉ huy của chiến dịch.
Ông Phạm Xuân Thệ, đại úy,
trung đoàn phó trung đoàn 66 bộ binh, cũng có mặt trong dinh "bắt nội các
tổng thống". Sau một thời gian dài im lặng, bỗng ông ấy tự nhận hết những
việc ba tôi làm trưa ngày 30/4/1975 về làm thành tích cho ông. Ông Thệ sau lên
hàm trung tướng QĐNDVN.
Image caption |
Năm 2006, khi biết Phạm Xuân Thệ
phủ nhận việc ba- chính ủy lữ đoàn tăng thiết giáp 203 có mặt tại dinh- mà bỗng
đột ngột xuất hiện tại đài phát thanh Sài Gòn, và cho rằng ông ta, một đại uý bộ
binh đã giao lại nội các Dương Văn Minh, rồi cùng ngồi soạn thảo văn kiện đầu
hàng với trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng, ba chỉ nói nhẹ nhàng, tay này tầm bậy.
Ba hiểu rằng cuộc chiến đấu này
có biết bao nhiêu chiến sĩ quên mình ngã xuống cho đất nước hoà bình, thống nhất.
Tôi muốn đi kiện, viết báo đính
chính, thì ba bảo để ba viết đơn báo cáo cho cấp trên của ba khiển trách Phạm
Xuân Thệ chứ không nên vạch áo cho người xem lưng. Ba tin rằng những con người
xấu trong quân ngũ, tranh công, đổ lỗi chỉ là thiểu số, còn quân đội ta là quân
đội anh hùng, chiến sĩ ta rất dũng cảm và trung thực.
Lúc còn ở trong quân ngũ, ba đã
góp ý với cấp trên là quân đội không được làm kinh tế mà chỉ nên học tập hiểu
biết khí tài, vũ khí, rèn luyện thể lực thật tốt để luôn sẵn sàng chiến đấu bảo
vệ tổ quốc. Ngoài ra 90% chiến sĩ QĐNDVN xuất thân từ nhà nông nên tổ chức cho
làm nông, thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp cho bằng các nước tiên tiến, cho
người dân được nhờ, vì đất nước ta là nước mạnh về nông nghiệp.
Với sĩ quan và lính VNCH thì chỉ
cần tập trung học tập chính sách của nhà nước mới, rồi cho về ai làm việc nấy.
Nếu ai có nhiều khả năng kiến
thức quân sự thì sẽ cho phục vụ quân đội vì hoà bình rồi ai cũng là con dân nước
Việt, chịu đau khổ vì chiến tranh quá nhiều, đều được quyền làm việc góp phần
tái thiết lại đất nước. Bản thân ba lúc đó cũng thấy vũ khí, khí tài của Mỹ để
lại trong tổng kho Long bình là rất hiện đại, rất hay để nghiên cứu, học hỏi sử
dụng.
Image caption |
Và kết quả của những lần đóng
góp ý kiến rất thẳng thắn của ba đã không hợp với ý kiến của một số cấp trên,
nên ba được cho về nghỉ hưu, khi tuổi đời là 53.
Ba không những nghiêm khắc với
bản thân trong học tập hiểu biết quân sự, chính trị, ba còn là người rất gương
mẫu trong cuộc sống cá nhân, trong từng lời ăn tiếng nói để làm gương cho chiến
sĩ.
Ba nói sao thì ba làm vậy. Sau
ngày thống nhất, ông nội về lại quê Đà Nẵng, mang theo bản chứng thực từ thời
thực dân cho mảnh đất căn nhà của ông bà lúc đi tản cư, sau đó ông đi tập kết
luôn, quên không để lại cho bà, nên đã có nhiều hộ gia đình dọn đến sinh sống
trên đó nhiều năm rồi.
Ông nội muốn đòi lại - lúc đó
mà đòi là được ngay- phe chiến thắng mà.
Nhưng ba bảo : "Mình đi
làm cách mạng để cho nhân dân có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa ở, nay cách mạng thành
công rồi mình không thể đuổi họ ra khỏi căn nhà họ đang sống được; con là con
trai trưởng, con không cần, nên cậu đừng đòi".
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Thế là ông nội về ở nhà cô Ba với
bà nội, ba thì về doanh trại quân đội, mẹ và các con thì có ông bà Ngoại cưu
mang ở Sài Gòn.
Ba tôi còn đã từng bị sập hầm,
bị đất vùi ở Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, may mà anh em chiến sĩ moi
được lên. Bốn người mới khiêng nổi ba.
Vết thương phạt ngang gan bàn
chân giờ vẫn còn sẹo, sau này có người bảo ba khai thương binh để lấy tiêu chuẩn,
ba bảo, mình còn sống, đi lại được là may mắn lắm rồi, để tiêu chuẩn dành cho
những gia đình có người đã hy sinh, hoặc tàn tật, đất nước mình còn nhiều hoàn
cảnh như thế lắm.
Lời nói và việc làm
Ba tôi là người có lời nói và
việc làm đi đôi với lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Chính vì thế mà năm 2013,
lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi đưa được ba tôi về thăm quê Đà Nẵng
sau hơn chục năm nằm liệt giường do tai biến mạch máu não. Những tai biến nhỏ
có lẽ do những nỗi đau lòng hậu chiến tranh không nói ra được, đã khiến ba từ từ
mất đi khả năng vận động và nói lưu loát.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Họ hàng chở chiếc xe lăn của ba
và cả đại gia đình đi xung quanh hết thành phố Đà Nẵng cho ba thăm lại những
con đường tuổi thơ êm đềm xưa kia. Ba giải thích cho tôi cái tên Tourane ngày
xưa của thành phố là ghép từ hai từ Tour- ane (ý nói thành phố hẹp, quan thuộc
điạ chỉ đi một vài vòng trên lưng con lừa là hết thành phố).
Họ hàng nhà tôi bảo đây là biệt
thự của ông Bá Thanh, khách sạn, siêu thị này của bà nọ ông kia, chị em của ổng,
ba đã rất tỉnh táo phát biểu: "Nếu tay Bá Thanh thấy phát triển tư bản tốt
cho dân cho nước thì phải tuyên bố đảng Cộng sản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi, để đưa đất nước ta phát triển theo
tư bản với luật lệ của nó, chứ để tư hữu kiểu như thế này mang tiếng những người
vô sản, suốt đời vì dân vì nước như tau."
Mà quả thật, chính ông ngoại
tôi đã thương yêu , dặn dò mẹ tôi lúc ông còn sống: "Ba mua nhà cho các
con, giữ lấy mà cho thuê cho mướn lấy tiền nuôi con học hành, đừng nghe theo
người ta mà bán đi đầu tư này nọ, tụi bay xa ba đi theo cộng sản lâu rồi, không
biết buôn bán gì rồi người ta lừa cho mất hết tiền đó".
Những năm tháng ba về hưu lúc
tuổi đời còn khoẻ, ba chăm chỉ nuôi gia cầm, gà, vit, ngan, thỏ cho mẹ đem ra
chợ bán lấy tiền sinh sống thêm.
Rồi không muốn để ba tôi quanh
quẩn trong nhà bí bức, mẹ tôi đề nghị ba ra phụ giúp phường, quận, giúp cho
giáo dục thế hệ trẻ, góp ý coi sóc an ninh phường khóm.
Ba đã được anh em và nhân dân
trong phường, quận, rồi thành phố yêu thương vì sự công bằng, chính trực, giúp
đỡ cho những gia đình có những khúc mắc trong chính trị và kinh tế. Mọi người
còn yêu quí kính trọng ba hơn khi biết ba là nhân vật đã góp phần chấm dứt sớm
cuộc chiến, giảm tổn thương vong và tàn phá.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Những năm bệnh tật ngồi nhà
không ra ngoài sinh hoạt được nữa, thấy mẹ hay đi sinh hoạt văn nghệ ở Nhà văn
hoá lao động, có một số bạn bè đến chơi nói ra nói vào về mẹ với ba. Ba bảo bà
nhà mình có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, những năm chiến tranh khổ quá, không thực
hiện được, nay hoà bình rồi để bà ca múa cho vui. Và thế là mẹ tôi vừa làm chủ
nhiệm câu lạc bộ, kiêm kế toán trưởng vừa kiêm diễn viên múa và ca sĩ cho đến
năm 83 tuổi. Phát hiện ra bệnh ung thư mẹ mới nghỉ làm và ra đi thanh thản ở tuổi
85.
Tại sao Mỹ lại đánh nhau?
Sau khi tôi đã sang sinh sống ở
nước ngoài, mỗi lần về Việt Nam thăm ba, những lúc tinh thần minh mẫn ba đều hỏi
thăm tôi người Việt mình sống ở bên đó thế nào, có thành công và thích nghi với
nước sở tại hay không?
Và cuối câu chuyện bao giờ ba
cũng thắc mắc hỏi tôi mỗi một câu: "Tại sao Mỹ lại đánh nhau với mình thế
hả con?" Tôi nghe xong chỉ biết rơi nước mắt thương ba và thương cho cả thế
hệ cha anh.
Năm nay đánh dấu 45 năm nước Việt
Nam được sống trong hoà bình, nhưng đâu đó mỗi gia đình Việt Nam đều có câu
chuyện đau thương để kể.
Có những nỗi niềm vẫn cứ gợn
lên trong lòng, dù bạn ở phía bên nào.
Tôi may mắn được gặp gỡ và trò
chuyện với các chú, các anh tham gia cuộc chiến ở cả hai bên. Tất cả những người
lính đó đều có nhận định như nhau, chiến tranh là tàn khốc và chết chóc, là con
người phải suy nghĩ và hành động khác với nhân tính của mình để sống còn.
Gia đình tôi cũng như hàng triệu
gia đình người Việt khác chịu những hậu quả của chiến tranh và chia cắt. Tôi kể
câu chuyện của gia đình mình ra đây chẳng mong mỏi điều gì hơn ngoài việc làm
sáng tỏ một vài sự kiện trong lịch sử.
Mong sao cho chính phủ và cộng
đồng người Việt trong và ngoài nước luôn đoàn kết, hàn gắn những đau thương mất
mát, để dân tộc và đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn và phát triển.
Bài viết phản ánh quan điểm của
tác giả, bà Quỳnh Hoa, con gái đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam Bùi Văn Tùng.
Bà tốt nghiệp Đại học Y dược thành phố HCM, hiện đang sống ở nước ngoài. BBC sẽ
tiếp tục đăng các góc nhìn khác nhau về lịch sử Việt Nam giai đoạn này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire