29/04/2020

Bộ Công an nên có câu trả lời thỏa đáng tới nhân dân



 28/04/2020


(GDVN) - Có hay không chuyện trục lợi từ các vụ mua sắm thiết bị y tế là câu hỏi còn để ngỏ và hy vọng Bộ Công an sẽ có câu trả lời thỏa đáng tới nhân dân.

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới và Việt Nam cũng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế trong thảm họa này.
Chỉ nói đến ảnh hưởng nặng về kinh tế là chưa đủ bởi niềm tin của người dân vào một số cơ quan chức năng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là chuyện mua hệ thống thiết bị Realtime PCR dùng cho xét nghiệm bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, chuyện xuất khẩu gạo, chuyện xuất lậu vật tư y tế ra nước ngoài,...

Sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số người liên quan đến vụ mua hệ thống Realtime PCR tại Hà Nội thì dư luận thấy xuất hiện những cuộc “chạy thời điểm” theo kiểu nước rút tại một số cơ quan chức năng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết có tiêu đề “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” đề cập đến các kiểu chạy: “Chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội”...
“Chạy thời điểm” vì mới xuất hiện nên có lẽ chưa trở thành điển hình để đưa vào danh mục “chạy”.
Hãy “lẳng lặng mà nghe” lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình quyết liệt thế nào trong vụ mua bán mà họ đã thực hiện.

Hệ thống máy RT-PCR tự động xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Sggp.org.vn)
Tỉnh Thái Bình đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh giá trên 6 tỷ đồng, lắp đặt hôm 31/03/2020 và đưa vào sử dụng chính thức từ 01/04/2020.  
Đến ngày 15/04/2020 Sở Y tế Thái Bình có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá được giảm còn 5,8 tỉ đồng.
“Nhưng chúng tôi vẫn chưa chấp nhận, mà yêu cầu nhà thầu cung cấp thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng, ngoài ra còn quyền lợi bảo hành, bình thường bảo hành 1 năm, nhưng chúng tôi đã đàm phán được bảo hành 5 năm, mà chi phí bảo hành mỗi năm, theo nhà thầu thông tin, là trị giá 5% hợp đồng”. [1]
Với giá mua 5,8 tỷ đồng, phí bảo hành 5% (trên giá mua) thì phí bảo hành quy ra tiền sẽ vào khoảng 290 triệu đồng mỗi năm và 05 năm sẽ là 1,45 tỷ đồng.
Với sự quyết liệt của lãnh đạo sở Y tế tỉnh Thái Bình, nếu doanh nghiệp bán hàng chấp nhận thì họ sẽ bị thiệt tổng cộng gần 2,3 tỷ đồng bao gồm hơn 200 triệu đồng giảm giá, 600 triệu đồng cho 1.300 bộ xét nghiệm, 1.450 triệu đồng phí bảo hành.
Nếu chỉ tính phần “chúng tôi vẫn chưa chấp nhận, mà yêu cầu nhà thầu cung cấp thêm” thì nhà thầu phải “nhả ra” hơn 2 tỷ và giá thành hệ thống Realtime PCR mà doanh nghiệp thu về sẽ còn lại vào khoảng 3,8 tỷ đồng.
Vấn đề là vì sao Sở Y tế tỉnh Thái Bình lại giỏi đàm phán đến thế, mua xong rồi, đưa vào sử dụng rồi mới đàm phán, mà lại đàm phán giảm được đến những gần 40% giá thỏa thuận ban đầu?
Trả lời câu hỏi này có lẽ nên nhìn vào vài con số mang tính “thời điểm”.
Bọn hại nước, hại dân là ai?

Sáng 17/04/2020, tại hội nghị của Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid -19 Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết “Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã triệu tập một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để làm rõ việc mua sắm máy xét nghiệm;…”. [2]
Thời điểm ông Chung thông báo trong cuộc họp là buổi sáng ngày 17/04/2020 cho thấy ông Chung đã biết việc Bộ Công an làm việc với một số cán bộ, nhân viên CDC Hà Nội trước khi buổi họp diễn ra.
Liệu các địa phương khác có nhận được thông tin này như ông Chung?
Trước ngày 17/04/2020, cụ thể là ngày 15/04/2020, Sở Y tế Thái Bình đã đàm phán để giảm giá thành mua máy.
Tại Hải Phòng, theo thông tin đăng trên Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng (Haiphong.gov.vn), từ ngày 22/03/2020, Hải Phòng chính thức triển khai vận hành máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động phục vụ xét nghiệm xác định vi rút gây bệnh Covid-19…
Phó Giáo sư, Bác sĩ Đỗ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng cho biết: “Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng đã được nhận máy cách đây 10 ngày”. [3]
Trước 10 ngày tức là từ ngày 12/03/2020 Sở Y tế Hải Phòng đã nhận máy.  
Tuy nhiên, một văn bản được công bố cho thấy ngày 30/03/2020 Sở Y tế thành phố Hải Phòng có công văn gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông đàm phán về việc “mượn” máy?

Công văn mượn máy của Sở Y tế Hải Phòng ký ngày 30/03/2020

Xin điểm vài thông tin báo chí đăng tải:
“Theo Sở Y tế Hải Phòng, hệ thống thiết bị Real-time PCR tự động đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố được mượn từ một đơn vị cung cấp thiết bị y tế”. [4]
“Thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng nêu, từ 22/3, Hải Phòng chính thức triển khai vận hành máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động phục vụ xét nghiệm xác định virus gây bệnh COVID-19”. [5]
“Tại Hải Phòng, Sở Y tế trả lời trên báo chí hồi cuối tháng 3 là thành phố trang bị máy này với giá gần 10 tỷ đồng. Hôm qua, Giám đốc Sở Phạm Thu Xanh phủ nhận thông tin này và nói máy đang dùng là thành phố đang "đi mượn"”. [6]
Có vài điều khó hiểu không biết Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng có nên giải thích để dư luận khỏi nửa tin, nửa ngờ:
Thứ nhất, ngày 20/04/2020 Sở Y tế Hải Phòng gửi Công văn số 1108 đến Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế khẳng định đơn vị này chưa mua máy xét nghiệm Covid - 19, công văn này cũng khẳng định từ ngày 06/03/2020 Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt kinh phí mua sắm hệ thống xét nghiệm virus tự động.

Vậy nhưng gần 1 tháng sau (đến ngày 30/03/2020) Sở Y tế Hải Phòng vẫn đi hỏi mượn máy của doanh nghiệp?
Sau gần 2 tháng được duyệt kinh phí, khi cả nước từng bước ngừng cách ly xã hội (từ 0 giờ ngày 23/04/2020) Hải Phòng vẫn chưa mua hệ thống xét nghiệm, vậy bao giờ thì thành phố quyết định mua?
Thứ hai: Theo Công văn số 896 nêu trên thì “Hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng – Sở Y tế Hải Phòng chỉ có 01 hệ thống”, vậy hệ thống này được cấp phát hay Hải Phòng tự mua, nếu tự mua thì mua từ bao giờ, giá mua là bao nhiêu? Nếu có 02 hệ thống thì hệ thống thứ hai có phải là do doanh nghiệp “cho mượn”?
Thứ ba: Phần đầu công văn này ghi: “Về việc hỗ trợ lắp đặt máy tách chiết tự động phục vụ phòng chống dịch Covid – 19”.
Sở y tế Hải Phòng chỉ đề nghị doanh nghiệp “hỗ trợ lắp đặt máy…”, điều này có nghĩa là Sở Y tế đã có máy, vậy đây có phải là chiếc máy đã có tại Trung tâm Y tế dự phòng mà công văn nêu trên ghi nhận và Sở Y tế chỉ cần đối tác “hỗ trợ lắp đặt”!
Như vậy việc báo chí chạy tít “Máy xét nghiệm Covid-19 Hải Phòng đang dùng là đi mượn” có phải là đưa tin sai sự thật?
Sau công văn hỏi mượn, nếu quả thật “Hệ thống thiết bị Real-time PCR tự động đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố được mượn từ một đơn vị cung cấp thiết bị y tế” [4]  thì hệ thống đã có tại đây (được nêu trong Công văn 896) đã “biến” đi đâu?
Có hay không chuyện trục lợi từ các vụ mua sắm thiết bị y tế là câu hỏi còn để ngỏ và hy vọng Bộ Công an sẽ có câu trả lời thỏa đáng tới nhân dân.

Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/den-luot-thai-binh-dam-phan-giam-gia-may-xet-nghiem-20200425081435483.htm
[2] //mattran.org.vn/tin-tuc/bo-cong-an-trieu-tap-mot-so-can-bo-cdc-ha-noi-lam-ro-vu-mua-may-xet-nghiem-covid19-33388.html
[3] //nongnghiep.vn/hai-phong-cham-tre-tham-dinh-du-toan-mua-may-xet-nghiem-covid-19-d263328.html
[4] //www.tienphong.vn/xa-hoi/may-xet-nghiem-covid19-gan-10-ty-cua-hai-phong-la-do-di-muon-1648431.tpo
[5] //vtc.vn/tin-nhanh-24h/hai-phong-bac-tin-mua-may-xet-nghiem-covid-19-gan-10-ty-dong-ar542151.html

Xuân Dương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire