07/04/2020
Việt Nam vừa gửi công hàm lên Liêp Hiệp
Quốc để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nhận
định của một chuyên gia với VOA, động thái này có thể là báo hiệu bước đầu cho
một tiến trình pháp lý trong tương lai gần nếu như Hà Nội và Bắc Kinh không
giải quyết được các tranh chấp trên bàn đàm phán đa phương.
Công hàm do phái đoàn thường trực của
Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng
các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền
chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Khẳng định Công ước của Liên Hiệp Quốc
về luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về
phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, công hàm của
Việt Nam nói “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước; các
nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không
có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc
xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng
thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”.
Công hàm của Việt Nam được gửi đi sau
khi hai quốc gia trong khu vực là Philippines và Malaysia đã có cùng động thái
tương tự.
Bước “rất quan trọng”
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà
nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-
Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, việc gửi công hàm chính thức lên LHQ có thể
xem là một bước “rất quan trọng” và “cần thiết” mà Hà Nội thực hiện sau hàng
chục năm quốc gia láng giềng tiến hành hàng loạt các hoạt động làm thay đổi
hiện trạng ở Biển Đông.
“Trước
giờ Việt Nam gần như chưa bao giờ nói gì với LHQ về chuyện này cả, bởi vì hiển
nhiên rằng LHQ đã giao cho Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951, sau
khi Nhật Bản và một số nước phải làm thủ tục từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển
Đông”, TS. Hà Hoàng Hợp nhận định với VOA.
Theo nhà nghiên cứu này, có thể coi việc
gửi công hàm lên LHQ là bước đầu cho một vụ kiện của Việt Nam ra quốc tế để
chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông giải thích thêm: “Có thể hiểu được như vậy là bởi vì vào
năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam trong một hội nghị Trung ương đã bàn và quyết
định rằng trong trường hợp không thể xử lý được bằng biện pháp đàm phán với
Trung Quốc thì sẽ phải tiến hành khởi kiện Trung Quốc”.
Công hàm của Việt Nam chỉ mới được công
bố vào ngày 7/4 mặc dù đã được gửi đi từ ngày 30/3, tức là trước khi xảy ra sự
kiện mới nhất là tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào ngày
2/4, khiến Hà Nội ngay lập tức lên tiếng và gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh,
trong khi phía Trung Quốc nói rằng tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp và vụ
chìm tàu chỉ là tai nạn không thể tránh khỏi.
Vụ xung đột mới nhất cũng khiến cho Mỹ
phải lên tiếng bênh vực Việt Nam và chỉ trích hành động gây căng thẳng của
Trung Quốc đối với an ninh trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới
đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19, vốn xuất phát từ Trung Quốc.
Theo nhận định của TS. Hà Hoàng Hợp,
việc Hà Nội công bố công hàm bằng phiên bản tiếng Việt sau khi xảy ra vụ đâm
chìm tàu có thể là do “áp lực từ công chúng”.
“Đây
là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nó xảy ra sau ngày 30/3, là ngày mà cơ quan
đại diện thường trực của Việt Nam ở LHQ gửi thư phản đối cho Tổng thư ký LHQ.
Có lẽ vì lý do đó mà họ xem xét công bố thư này để cho người Việt Nam biết rằng
họ đã có hành động như vậy”, TS.
Hà Hoàng Hợp nói.
Tiếp theo là gì?
Dựa trên nội dung công hàm, TS. Hà Hoàng
Hợp cho rằng có thể hướng đi pháp lý sắp tới của Hà Nội sẽ là đệ trình vụ kiện
lên một cơ quan tài phán hoặc một tòa án của LHQ để chống lại yêu sách chủ
quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tương tự như Philippines đã thực hiện và
giành phần thắng vào năm 2016.
Tuy nhiên, trước khi dẫn đến bước đi
cuối cùng này, có thể Hà Nội sẽ thực hiện một số bước trước đó. TS. Hà Hoàng
Hợp nói: “Tiếp
theo đây thì Việt Nam sẽ gặp phía Trung Quốc để bàn xem có thể xử lý trên bàn
đàm phán được không. Không phải song phương mà là đa phương”.
“Thứ
hai là Việt Nam phải tổ chức cho ASEAN đàm phán với Trung Quốc về COC (Bộ quy
tắc Ứng xử ở Biển Đông). Vì năm nay Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN
nên việc đó phải tiếp tục cho đến tháng 11”.
Nếu cuộc họp của ASEAN về COC không thể
thực hiện được vào tháng 7 vì lý do dịch COVID-19, thì theo TS. Hà Hoàng Hợp,
có thể khối các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiến hành họp trực tuyến hoặc hoãn lại.
Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có quyết định về việc này.
Vẫn theo nhà nghiên cứu này, phán quyết
của Tòa trọng tài thường trực vào năm 2016 đối với vụ kiện của Philippines đã
bác bỏ đường Lưỡi bò (đường 9 đoạn) mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của
mình trên Biển Đông, và phán quyết này không chỉ dành cho Manila mà “đó là một
phán quyết phổ quát”.
“Nhưng
Việt Nam hồi đó lấp lửng”,
TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Theo ông, đây chính là lúc mà Việt Nam
“cần nói rõ” và có bước đi quyết định trong bối cảnh Trung Quốc đã làm thay đổi
hiện trạng quá nhiều ở Biển Đông theo hướng quân sự hóa để chuẩn bị cho chiến
tranh.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-l%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BA%A7u-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-trung-qu%E1%BB%91c-l%C3%AAn-lhq-b%C3%A1o-hi%E1%BB%87u-ti%E1%BA%BFn-tr%C3%ACnh-ph%C3%A1p-l%C3%BD-/5363121.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire