Bài 1 : Chuyện kể về Hồ Xuân Hương – Đà Lạt
1.
Nguồn gốc của Hồ Xuân Hương
Hồ nước lớn ở trung tâm thành phố Đà Lạt không phải là
một hồ nước tự nhiên, mà là một hồ nhân tạo. Vào năm 1944, trong một bài phỏng
vấn của tạp chí Indochine, ông Cunhac
(Tỉnh trưởng Tỉnh Lang Bian trong thời gian 1917- 1920) cho biết như sau :
Hình 1: Trên Hồ Đà Lạt
(1930)
|
“Hồ được hình thành
tương đối gần đây. Thực vậy, do sáng kiến của tôi, hồ được làm vào năm 1919, do
kỹ sư công chánh Labbé thực hiện. Vào khoảng 1921-1922, theo lệnh của Công sứ
Garnier, đập đất cũ chống đỡ con đường đã được nâng cao và kéo dài thêm và năm
sau đó, một cái đập thứ hai được xây dựng ở hạ lưu, như vậy hình thành hai hồ
nước. Do không có đập tràn (déversoir), cả hai đập bị vỡ do những cơn giông dữ
dội của trận bão tháng 5 năm 1932; ngay sau đó chúng được làm lại trong cùng những
điều kiện như trước. Con đập bằng đá được xây dựng vào khoảng 1934-1935, xa hơn
một chút về phía hạ lưu so với các con đập cũ.”[1]
Thật ra, sáng kiến xây dựng một hồ nước không phải bắt
nguồn từ Cunhac. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người phụ trách công chánh (travaux
publics) ở Đà Lạt là ông Rousselle đã trình bày dự án này cho công sứ Phan Rang
là Odend’hal (năm 1902, Dalat trực thuộc tỉnh Phan-Rang)[2].
Kiến trúc sư
Louis-Georges Pineau - tác giả của Đồ án
chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt năm 1933, đã đánh giá tầm quan trọng của hồ
nước này như sau:
“Hồ nước là trung
tâm và là sức hấp dẫn của Đà Lạt. Không có hồ nước thì khi đi ngang qua thành
phố, thung lũng Cam Ly chỉ là một vùng trũng sình lầy. Baguio – trạm nghỉ dưỡng
vùng cao của Philippines, đã hiểu quá rõ tầm quan trọng của nước trong một
phong cảnh miền núi và trong một thành phố nghỉ dưỡng, nhưng đành phải bằng
lòng với Công viên Burnham (Burnham Park) của một bồn trũng hình chữ nhật -
thua xa vẻ đẹp của Hồ Đà Lạt.”[3]
Trong quá trình hình
thành và phát triển thành phố, hồ nước này được gọi bằng nhiều cái tên khác
nhau. Lúc đầu, người Pháp chỉ gọi nó bằng cái tên đơn giản : Lac (Hồ) hoặc Lac de Dalat (Hồ Đà Lạt) – như trong Hình 1 (trích từ cuốn Petit Guide touristique của André Bon,
xuất bản tại Hà Nội năm 1930). Về sau, khi có thêm nhiều hồ nước khác, nó được
gọi tên là Hồ Lớn (Grand Lac), như
chúng ta thấy ghi trong bản đồ 1/5.000 năm 1952 (xem hình 2):
Hình 2: Trích bản đồ 1/5.000 (1952) của Nha Địa Dư Đông Dương |
Vào thời điểm đó, đã
có thêm nhiều hồ khác như : Hồ Saint-Benoit (Lac Saint-Benoit, tức là Hồ Mê
Linh sau này), Hồ Than Thở (Lac des Soupirs), …
Mãi đến năm 1953, Hồ
Đà Lạt mới đổi tên thành Hồ Xuân Hương (xuân hương : hương mùa xuân). Theo nhiều cư dân sống
lâu năm ở địa phương, nhà văn Nguyễn Vỹ - lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Thị xã,
đã đặt tên Xuân Hương cho Hồ Lớn. Rất tiếc là cho đến nay, chưa tìm được bằng
chứng để xác nhận thông tin truyền miệng này.
2. Sự nhầm lẫn của ông Ely Cunhac [4]
Cũng
trong bài phỏng vấn nói trên, ông Cunhac nói: “Tại vị trí của hồ nước, dòng suối
nhỏ của bộ lạc Lat chảy ngang qua và người ta gọi nó là “Da-Lat” (Da hay dak trong tiếng Thượng có nghĩa là nước); rồi vì một lý do nào mà tôi không thể tự lý giải được, người
ta đã thay cái tên đó bằng một cái tên Việt
Nam: Cam-ly”. Sự nhầm lẫn của Cunhac đã khiến cho trong một thời gian dài, nhiều
người lầm tưởng Cam Ly là một cái tên Việt Nam. [5]
Nhưng
tài liệu của các nhà thám hiểm đầu tiên cũng như của các đoàn khảo sát người
Pháp đã từng đặt chân đến cao nguyên
Lang-Bian đều xác nhận vào hai thập niên cuối thế kỷ 19, vùng Đà Lạt ngày nay
là một vùng đất hoang vu. Người dân bản địa tập trung vào các buôn làng nằm
trên các dòng suối của Sông Da Deung (có khi phiên âm là Da Dong, Da Dung, Da
Dâng, …) – nhánh chính của Sông Đồng Nai
ở thượng lưu. Hơn nữa, không có tài liệu nào xác nhận tên của dòng suối chảy
ngang Đà Lạt là Da-Lat hay Dalat.
Trong
khi đó, nhiều tài liệu cho thấy Cam Ly có nguồn gốc từ một danh xưng của người
bản địa. Năm 1881, khi mô tả các phụ lưu của sông Da Deung, Paul Néis ghi tên
dòng sông đầu tiên ở tả ngạn là : “Sông Da-komli
: hướng chung: Đông Bắc – Tây Nam, chiều rộng 25 mét; nền cát” (hình 3). [6]
Trong bài bút ký hành trình kể lại chuyến thám hiểm năm 1893, bác sĩ Yersin viết:
“Giữa Lao-Gouan và Rioung, phải đi bộ già
một ngày đường. Người ta đi qua các làng Ya, Con Taét, Dou-ouine (trên dòng Da-Kemlé) và Ea.” [7]
Hình
3: Trích tường trình của bác sĩ Néis
|
Hình
4: Trích bản đồ của Le Chemineau
|
Nhìn vào tấm bản đồ (hình 4) in kèm theo bài viết của Le Chemineau (bút hiệu của Constantin, Thanh tra Công
chánh Đông Dương) công bố năm 1916 trên Revue
Indochinoise chúng ta thấy những cái tên như Da Kamly (Sông Cam Ly), Cascade
du Kamly (Thác Cam Ly)[8]. Vì vậy Suối Kamly chảy ngang qua Đà Lạt hiển
nhiên là một cái tên của người bản địa, không phải là một cái tên Việt-Nam-hóa.
3.
Đầu nguồn của Suối Cam Ly :
Hình 5: Hồ Đà Lạt nhìn từ
một cửa sổ của khách sạn Langbian Palace
|
Suối Cam Ly (nghĩa
là dòng nước làm nên Hồ Xuân Hương) không bắt nguồn từ dãy núi Lang Bian mà xuất
phát từ dãy đồi núi nằm ở phía đông-nam dãy Lang Bian - với độ cao trung bình từ
1.600 đến 1.700 mét, trong đó hai ngọn núi cao nhất là Lap Bé Nord (Lap Bé Bắc)
và Lap Bé Sud (Lap Bé Nam). Có lẽ cũng vì lý do đó, khi xây dựng khách sạn
Langbian Palace, các nhà quy hoạch và kiến trúc người Pháp đã chọn vị trí trên
một ngọn đồi để từ đó người ta có thể
nhìn thấy cả hai ngọn núi Lap Bé như trong hình 5 (đăng trên tuần báo L’Illustration số N° 4172, năm 1923)
Hình
6: Lap Bé Bắc (Hòn Ông)
|
Hình
7: Lap Bé Nam (Hòn Bồ)
|
Ngày nay, du khách
có thể nhìn thấy hai ngọn núi này nếu đi bộ xung quanh Hồ Xuân Hương, nhưng khó
nhìn thấy cả hai cùng một lúc. Ngọn núi dễ nhìn thấy nhất là Lap
Bé Bắc cao 1.732m, người dân
thường gọi tên là Hòn Ông. Nếu đi dọc theo bờ phía nam của hồ Xuân Hương, chúng
ta có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn núi này (hình 6). Ngược lại, nếu đi men theo bờ
phía Bắc của hồ, du khách chỉ có thể nhìn thấy ngọn Lap Bé Nam (cao 1.702m) ở một vài vị trí thích hợp, và
cũng chỉ thấy một phần của ngọn núi, bởi lẽ các nhà quản lý đô thị đã “vô tình”
cho phép xây một số công trình kiến trúc khá cao che khuất tầm nhìn (hình 7).
Người dân thường gọi ngọn núi này là Hòn Bồ. [9]
Hình
8: Hai ngọn núi Lap Bé nhìn từ Cầu Sắt
|
Hình
9: Trên đường Đà Lạt – Trại Mát
|
Trước đây khoảng một thập niên, ở vị trí của Cầu Sắt
(ngày nay đã được đúc bê-tông), người ta vẫn có thể nhìn thấy cả hai ngọn núi
Lap Bé. Đáng tiếc, một phần vì Đà Lạt bị đô thị hóa một cách hỗn loạn, phần
khác vì “tầm nhìn” không đủ thông minh của các nhà thiết kế và quản lý đô thị
“đời mới”, cái nhìn toàn cảnh (panoramic view, point de vue panoramique) ở địa
điểm này đã bị phá vỡ (hình 8).
Thật ra, còn có một số vị trí khác cho phép chúng ta
nhìn thấy cả hai ngọn núi Lap Bé, nhất là trên đường Đà Lạt – Trại Mát (quốc lộ
11 cũ, nay là quốc lộ 20). Chỉ có điều này khác với ngày xưa: thay cho màu xanh
quyến rũ của thiên nhiên, giờ đây người
ta chỉ nhìn thấy một màu trắng xám ảm đạm, nhợt nhạt của ny-lông… (hình 9)
Điều làm cho bất cứ
ai có chút tấm lòng “yêu thương Đà Lạt” phải lo lắng là : trong khi các nhà
lãnh đạo “quyết tâm” bám chặt dự án nhồi nhét một tòa nhà 10 tầng lên đỉnh ”Đồi Dinh Thị
trưởng”[10] để thể hiện
chủ trương “bê-tông hóa” bằng bất cứ giá nào thì ở đầu nguồn của Sông Cam Ly,
hai ngọn núi Lap Bé (tức Hòn Bồ và Hòn Ông) đã và đang bị tấn công không chút
thương xót. Không cần đi đâu xa, độc giả chỉ cần lên mạng Internet nhìn ảnh chụp
vệ tinh hai ngọn núi này, cũng có thể cảm nhận được sự xót xa trước tình trạng
phá hoại môi trường thiên nhiên tàn khốc chưa từng có trong lịch sử phát triển
của “thành phố ngàn thông” nổi tiếng này (xem hình 10 và 11).
Hình
10: Hòn Bồ ngày nay (ảnh vệ tinh)
|
Hình
11: Hòn Ông ngày nay (ảnh vệ tinh)
|
Đà Lạt, 25 tháng 8 năm 2020
M.T.L.
GHI
CHÚ:
[1] A. Baudrit, “La naissance de Dalat”, Revue Indochine¸ N° 180, 10 Février
1944.
[2] Louis-Georges Pineau, “Le plan d’aménagement et
d’extension de Dalat », La vie
urbaine n° 49, 1939, p. 42 (note).
[3] L.G. Pineau,
op.cit., p. 42.
[4] Trong một số tài liệu, họ tên của Cunhac lại được ghi
là Elie-Joseph Cunhac.
[5] Hãn Nguyên, “Lịch
sử phát triển Đà Lạt” (1893-1954), xem : Tập
san Sử Địa, số 23 và 24 (đặc khảo
Dalat), tháng 6-tháng 12 năm 1971, tr. 272.
[6] Cochinchine française, Excursions et reconnaissances, N° 10, Imprimerie du gouvernement,
Saigon, 1881, p. 21.
[7] A. Yersin,
“Sept mois chez les Moïs”; Variétés sur
les pays moïs, Gouvernement de la Cochinchine, Saigon, 1935, p. 173.
[8] Le Chemineau, “Sanatorium du Lang-Bian”, Revue Indochinoise, Mars-Avril 1916, pp.
305-323.
[9] Tên Lap Bé do người Pháp phiên âm, đọc là láp-bê. Theo
Địa chí Đà Lạt (2008), ngọn Lap Bé Bắc cao 1.733,7m, ngọn Láp-bê Nam cao
1.709m.
[10] “Sẽ xây dựng khách sạn cao 10 tầng ở khu dinh tỉnh trưởng
Đà Lạt”, Tuổi Trẻ Online 14/08/2020:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire