Hình minh hoạ. Dân biểu Quốc hội Châu Âu, bà Saskia Bricmont thuộc Đảng
Xanh
Vừa qua, chuyện hiếm thấy đã xẩy
ra, 64 Dân biểu Quốc hội Châu Âu ký chung bức Kiến Nghị thư gửi lên ông Valdis
Dombrovskis, Cao uỷ Thương mại Liên Âu, ông Joseph Borrell Fontelles, Đại diện
cấp cao Liên Âu, đặc trách An ninh và chính sách Đối ngoại, và cũng là Phó Chủ
tịch Ủy ban Liên Âu.
Kiến Nghị thư
đề nghị Liên Âu có những biện pháp mạnh mẽ gây sức ép lên Việt Nam, chấm dứt
các vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Một trong những chữ ký đại diện các đảng
chính trị tại Quốc hội Châu Âu, từ phía khuynh hữu, trung sang đến tả, đặc
biệt, còn có chữ ký của bà Dân biểu Maria Arena, thuộc Đảng Xã hội Dân chủ, và
cũng là Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu.
Để hiểu tầm
quan trọng và tác động của Kiến Nghị thư, chúng tôi tìm phỏng vấn vị Dân biểu
khởi xướng Kiến Nghị thư. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau
đây.
Ỷ Lan : Thưa bà Saskia Bricmont, bà là người khởi xướng Kiến nghị thư cho Nhân
quyền Việt Nam với chữ ký đồng tình của 64 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu. Lý do
gì khiến bà thực hiện việc này và vì sao vào lúc này?
Saskia Bricmont : Năm ngoái, tôi - đại biểu cho Đảng Xanh - tham dự thương thuyết việc ký
kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa Liên
Âu và Việt Nam. Một trong những vấn đề chủ yếu mà chúng tôi đặt lên bàn thảo
luận là vấn đề tình trạng thoái hoá nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi đặt điều
kiện, rằng Việt Nam phải cam kết mạnh mẽ cải thiện nhân quyền trước khi phê
chuẩn, đặc biệt bằng việc trả tự do cho tù nhân chính trị, thực hiện quyền tự
do ngôn luận, quyền lao động, v.v…
Chúng tôi cũng
như nhiều vị Dân biểu hậu thuẫn việc ký kết Hiệp ước đã hy vọng rằng, việc phê
chuẩn 2 Hiệp ước sẽ giúp cho tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện. Tuy
nhiên, mấy tháng qua, kể từ Hiệp ước có hiệu lực vào mùa hè năm nay, tình trạng
nhân quyền bỗng xấu đi. Số lượng tù nhân chính trị gia tăng, hai người bị kết
án tử hình vì tham gia trong vụ đụng độ Đồng Tâm. Chúng tôi không thể chấp nhận
những chuyện như thế.
Chúng tôi đã
theo dõi vụ án Đồng Tâm và chúng tôi biết phiên toà đã không thực hiện theo thủ
tục dân chủ. Không thể nào chấp nhận cái án tử hình trong hoàn cảnh như vậy.
Chúng tôi cũng đang lo ngại cho tình trạng nhân quyền xấu hơn nữa trong thời
hạn diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 trong tháng giêng năm
tới.
Vì vậy, trong
cương vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu, chúng tôi có trọng trách hứng chịu hậu quả
cho hành động mình, và chúng tôi phải sử dụng những điều mà Hiệp ước mang lại
để gây sức ép cho Việt Nam mạnh mẽ cam kết sự tôn trọng nhân quyền đối với nhân
dân họ.
Ỷ Lan : Các chữ ký hậu thuẫn Kiến nghị thư bao rộng mọi đảng phái chính trị, từ
hữu, trung đến tả. Điều này có nghĩa đang có sự đồng thuận rộng lớn của các vị
Dân biểu phê phán kỷ lục vi phạm nhân quyền của Việt Nam, phải thế không thưa
bà ?
Saskia Bricmont : Tôi nhìn với sự thoả mãn hàng loạt chữ ký của các đảng phái chính trị như
chị vừa nêu, kể cả những đảng vốn hậu thuẫn việc phê chuẩn EVFTA. Nay họ cũng
kêu gọi cho sự theo dõi nhân quyền. Đây là điều rất tích cực. Bây giờ chúng tôi
phải cùng nhau làm việc nhằm bảo đảm sự tôn trọng Hiệp ước.
Ỷ Lan : Kiến nghị thư của bà kêu gọi Liên Âu tức khắc dấn bước cụ thể. Xin bà giải
thích thêm điểm này?
Saskia Bricmont : Liên Âu phải tăng cường đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam và áp lực họ
khẩn trương lấy những bước cụ thể, như trả tự do cho tù nhân chính trị; Phải
nhanh chóng thiết lập cơ cấu kiểm soát nhân quyền, và cơ cấu độc lập thu nhận
khiếu kiện của người bị vi phạm nhân quyền, để nạn nhân có thể được khắc phục
bất công mà không sợ bị trả thù; Khẩn cấp thiết lập những Nhóm Tư vấn Nội địa
với các đại biểu xã hội dân sự nhằm thực hiện Hiệp ước. Đồng thời, chúng tôi
yêu cầu các viên chức Liên Âu báo cáo cho Quốc hội Châu Âu mọi tiến trình thảo
luận hay cải thiện tại Việt Nam. Cho tới nay chúng tôi chẳng hề được thông báo
bất cứ điều gì. Chúng tôi cần biết những gì xẩy ra để có thể theo dõi và bảo
đảm sự tôn trọng các nghĩa vụ của đôi bên.
Ỷ Lan : Bà vừa nhắc tới các « Nhóm Tư vấn Nội địa ». Tại các quốc gia
dân chủ, đây là sự tham gia của các xã hội dân sự, các công đoàn, v.v… Nhưng ở
Việt Nam, những nhóm như thế chẳng bao giờ được hoạt động độc lập. Ở vào trường
hợp này, làm sao họ có thể tham gia hữu hiệu mà không bị nhà cầm quyền can
thiệp hay đàn áp ?
Saskia Bricmont : Chúng tôi vô cùng lo ngại cho sinh hoạt độc lập và hữu hiệu của đại diện
các nhóm tư vấn ấy. Tại các cuộc thương thuyết vừa qua, chính quyền Việt Nam
hứa hẹn họ sẽ không can thiệp vào sự hình thành và điều hành các nhóm như thế.
Bởi vậy chúng tôi trông chờ việc này xẩy ra ! Chúng tôi cũng trông mong Hội
đồng Liên Âu kiểm soát tiến trình này, để bảo đảm việc nhà cầm quyền Việt Nam
không nhúng tay ngăn cản, và chúng tôi cũng muốn hiện hữu một cơ chế bảo vệ các
thành viên của các Nhóm Tư vấn Nội địa khỏi bị chính quyền đàn áp. Chúng tôi
chưa biết làm sao thể hiện việc này nhằm mang lại tác dụng, nhưng chúng tôi
đang nghiên cứu thực hiện, để có thể thực hiện cuộc kiểm soát dân chủ của chúng
tôi.
Ỷ Lan : Xin bà một câu hỏi chót. Bà gợi ý rằng Liên Âu cần trừng phạt Việt Nam đã
không tôn trọng các cam kết bảo vệ nhân quyền. Xin bà giải thích điều
này ?
Saskia Bricmont : Nói về tính hợp pháp, thì Việt Nam đã cột dính với hai Hiệp ước EVFTA và
PCA (tức Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện). Qua đó, Liên Âu có thể
nại ra và sử dụng « Điều khoản Nhân quyền » ghi trong Hiệp ước. Nếu
Việt Nam tiếp tục vi phạm Quyền Con Người, Liên Âu có thể đình chỉ một phần hay
toàn bộ Hiệp ước. Tôi lấy ví dụ đã xẩy ra cho Nam Hàn. Liên Âu đã chờ đợi tới 8
năm, trước khi tung ra một loạt thủ tục chống lại việc Nam Hàn không tôn trọng
Hiệp ước Mậu dịch Liên Âu - Nam Hàn.
Theo tôi, Liên
Âu không cần chờ đợi tới 8 năm trong trường hợp Việt Nam. Cần nhấn mạnh thêm
cho rõ, là Liên Âu đã phê chuẩn Hiệp ước dưới một số điều kiện. Chúng tôi cần
nhấn mạnh cho Việt Nam sự kiện này, vì chúng tôi không muốn Liên Âu thiết lập
quan hệ thương mại và đầu tư với những quốc gia không tôn trọng nhân quyền.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Quốc hội Châu Âu Saskia Bricmont cho cuộc phỏng
vấn này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/eu-parliament-member-talk-about-human-right-issues-in-vn-09282020094801.html
|
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire