Đỗ Ngà
Khi con người trở nên tham thì lòng tin xã hội dành cho người đó cũng mất dần. Khi xã hội tham lam thì con người trở nên mất niềm tin vào nhau, điều đó đang diễn ra tại xã hội Việt Nam. Ở nước ngoài, chữ ký của người dân là một bảo chứng thì ở Việt Nam lại khác, người ta đòi phải thêm con dấu đỏ do một cơ quan công chứng xác nhận “sao y” mới tin. Và thậm chí, có nơi còn đòi hỏi con dấu “sao y” phải không quá 6 tháng mới được chấp nhận thì mới thấy, vấn đề thủ tục ở Việt Nam nó nặng nề như thế nào?! Như vậy rõ ràng khi lòng tin mất đi thì xã hội tự sinh ra thủ tục làm rào cản để giảm bớt nguy cơ sập bẫy lừa dối, đó là một lẽ tự nhiên, chính vì vậy, Việt Nam đã phải mất quá nhiều sức lực và thời gian của xã hội để đề phòng lẫn nhau.
Thủ tục là một trình tự giải quyết công việc của chính quyền. Nó rất quan trọng, không thể thiếu được. Tuy nhiên, để có thủ tục đơn giản mà đầy đủ là một điều không dễ, nó đòi hỏi giữa nhà nước và nhân dân phải có lòng tin lẫn nhau. Với một xã hội mà lòng tin đã rơi đến tận đáy như Việt Nam thì việc tinh giảm thủ tục hành chính là gần như không thể thực hiện được. Chính quyền cũng biết dân không tin họ, và tất nhiên họ cũng chẳng thể tin vào nhân dân mặc dù tuyên truyền thì bao giờ “dân cũng tin đảng và đảng tạo lòng tin cho dân”. Và đó là lý do tại sao chính quyền CS cứ hô hào “cải cách thủ tục hành chính” nhưng cuối cùng cũng đâu vào đấy, thủ tục vẫn rối rắm rờm rà.
Nói về lĩnh vực ngân hàng, nơi mà người ta cho vay tiền, thì nơi đây người ta phải cẩn thận sao cho đồng tiền cho vay ấy không bị chiếm dụng. Tiền là tài sản, nếu cho vay dễ dãi trong một xã hội thiếu vắng niềm tin thì tất ngân hàng sẽ ôm nợ xấu. Chính vì vậy, các ngân hàng phải dựng hàng rào thủ tục để đảm bảo rằng, những ai lọt qua được hàng rào này thì đảm bảo ngân hàng "không mất tiền". Xã hội này mất niềm tin đến mức, gói giải cứu doanh nghiệp 16.000 tỷ mà chính phủ đã triển khai từ hồi tháng 4 vừa rồi mà chỉ vỏn vẹn có đúng một doanh nghiệp lọt qua hàng rao thủ tục tiếp cận được khoản vay. Một thất bại ê chề trong việc triển khai chính sách.
Ở đây chúng ta không thể trách ngân hàng được, vì họ là một doanh nghiệp nên họ phải tìm cách hạn chế nợ xấu. Điều đáng trách ở đây là niềm tin xã hội đã từ lâu không còn nữa. Với một xã hội mà tham lam đầy rẫy, chữ tín bị chà đạp, lòng tin thì thiếu vắng mà bảo ngân hàng đơn giản hóa thủ tục giải phóng gói tiền thì làm sao họ dám làm?
Nhìn vào kết quả triển khai chính sách chúng ta thấy, hậu quả của một xã hội giảm sút niềm tin nó vô cùng tai hại, nó làm tắc nghẽn rất nhiều chính sách quan trọng. Còn nhớ gói an sinh 62.000 tỷ hồi tháng 5 vừa qua, thì rõ ràng chính sách này chả khác nào chính sách mà Mỹ, Anh, Úc đã làm. Thế nhưng tại sao người dân Việt gần như chẳng được bao nhiêu người có thể tiếp cận được với nó. Quan chức chính quyền địa phương thì hầu như chẳng ai có có đạo đức, đầu óc của họ thay vì nghĩ cách triển khai chính sách hiệu quả thì ngược lại, họ nghĩ ra cách thức để hớt lấy tiền cứu trợ như lập danh sách khống hoặc dùng thủ tục phức tạp để ngăn người dân tiếp cận. Một xã hội mà được dẫn dắt bởi chính quyền không tử tế như thế thì xây dựng niềm tin cho xã hội bằng cách nào? Vô phương.
Nói về việc ra chính sách thì Việt Nam cũng có thể học hỏi được cách làm của những chính quyền ở xứ tiến bộ, việc này không khó. Thế nhưng vấn đề lớn nhất ở Việt Nam là tính hiệu quả của chính sách khi được triển khai. Đó là lý do tại sao hết chính sách này đến chính sách khác hoặc thất bại hoặc hiệu quả không như mong muốn. Như đã nói, khi thiếu niềm tin thì ắt người ta tăng độ phức tạp thủ tục, mà tăng độ phức tạp thủ tục thì tính hiệu quả của chính sách hoặc bị hạn chế hoặc bị vô hiệu hóa và kết quả là gây lãng phí, tốn tiền dân và tốn thời gian và sức lực của xã hội.
Niềm tin mất thủ tục khó và ngược lại. Nếu muốn một xã hội vận hành trơn tru hiệu quả thì tất phải bắt đầu từ việc xây dựng niềm tin trong xã hội. Đối với ĐCS thì điều này là ngoài khả năng của họ.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.thesaigontimes.vn/.../ket-qua-thong-ke-phu...
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire