04/10/2020

Tại sao Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh các tổ chức quốc tế?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 22/9

Bắc Kinh đang ngày càng dùng tiền bạc và ảnh hưởng của mình đối với các nước nhỏ để vận động đưa người của họ vào ghế lãnh đạo các định chế quốc tế trong bối cảnh Mỹ thoái lui khỏi các tổ chức này và có sự chia rẽ với các đồng minh, các nhà phân tích nhận định.


Bắc Kinh đang thúc đẩy cho các quan chức của mình, hoặc của các quốc gia thân cận với họ, vào vị trí lãnh đạo các định chế của Liên Hợp Quốc vốn chịu trách nhiệm đặt ra chuẩn mực toàn cầu về đi lại hàng không, viễn thông và nông nghiệp. Giành được ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc cho phép Trung Quốc bóp nghẹt sự săm soi của quốc tế đối với hành vi của họ ở trong và ngoài nước.

Thành công của Trung Quốc đặt ra vấn đề nan giải cho Mỹ và các đồng minh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các quốc gia này kỳ vọng Liên Hiệp Quốc sẽ trở thành một cơ chế thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Giờ đây, thay vào đó sức mạnhcủa Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc đã giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc hợp pháp hóa tuyên bố của họ là Bắc Kinh là lựa chọn thay thế ưu việt cho các nền dân chủ phương Tây, theo nhận định của tờ Wall Street Journal.

‘Thời của Trung Quốc?’

Trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi nhiều chỗ trong trật tự đa phương được thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến thì Trung Quốc đã nổi lên như là nước đắc lợi, Wall Street Journal nhận định trong bài báo có tựa đề ‘Làm sao Trung Quốc đang chiếm lĩnh các tổ chức quốc tế?’.

“Trung Quốc cảm thấy rằng đây là thời điểm của họ và họ cần giành quyền kiểm soát các cơ quan này,” ông Ashok Malik, cố vấn chính sách cấp cao tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói với Wall Street Journal. “Nếu bạn kiểm soát các đòn bẩy quan trọng của các định chế này, bạn có thể ảnh hưởng đến các chuẩn mực, ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, ảnh hưởng đến chính sách quốc tế, bạn sẽ đưa vào đấy cách suy nghĩ của bạn.”

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã kêu gọi tổ chức này đóng ‘vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế’, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch virus corona. “Hệ thống quản trị toàn cầu nên thích ứng với các cơ chế kinh tế và chính trị toàn cầu đang xoay chuyển,” ông Tập nói, ám chỉ đến sức ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc và cảm nhận của họ về sự thoái trào của Mỹ.

Các quan chức Mỹ nói rằng chính quyền Trump coi Liên Hiệp Quốc phân ra thành những chỗ mà Washington nên vận động để sửa chữa và những chỗ không thể sửa được. Hồi tháng 7, chính quyền Trump bắt đầu rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng sự nhún nhường của WHO trước Trung Quốc ngay từ đầu đại dịch đã cho phép virus lây lan.

Nhiều đồng minh của Mỹ nói rằng việc từ bỏ sân chơi bằng cách rời bỏ các tổ chức quốc tế như WHO đem lại cho Trung Quốc một món quà chiến lược. Quan ngại của họ càng tăng cao trong những tháng gần đây khi Bắc Kinh sỉ vảcác quốc gia dân chủ vì đã lên tiếng về Hong Kong và Tân Cương.

“Mỹ đang rút khỏi sân khấu đa phương với sự tiếc nuối lớn của chúng tôi, và Trung Quốc đang tiến vào,” Hans Blix, cựu quan chức ngoại giao Thụy Điển từng là người đứng đầu chương trình thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc tại Iraq, được Wall Street Journal dẫn lời nói.

Sự rút lui đó kết hợp với những căng thẳng về thương mại, chi tiêu quân sự và các vấn đề tồn tại khác đã gây chia rẽmối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu và châu Á.

Đối với Bắc Kinh, những chia rẽ như thế và sự rút lui của Mỹ khỏi trật tự đa phương đem đến thời cơ, ông Lanxin Xiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Một vành đai Một con đường ở Thượng Hải, nhận định. “Nếu đây là do Mỹ tự nguyện rút lui chứ không phải chúng tôi đẩy Mỹ ra thì việc lấp đầy chỗ trống không nên được coi là một động khiêu khích,” ông nói trên Wall Street Journal.

Trong số 15 tổ chức chuyên trách của Liên Hiệp Quốc, người của Trung Quốc hiện lãnh đạo 4. Hồi năm ngoái, họ còn đánh bại ứng cử viên được phương Tây hậu thuẫn cho vị trí cao nhất của Tổ chức Lương Nông. Chỉ có một chiến dịch phối hợp vào tháng 3 của Mỹ và các đối tác đã đánh bại nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm quyền lãnh đạo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, được gọi tắt là WIPO. Không quốc gia nào khác trên thế giới có công dân điều hành nhiều hơn một tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

‘Mua chuộc và đe dọa’

Hồi năm ngoái, các quốc gia thành viên của Tổ chức Lương Nông đã tề tựu ở Rome để chọn người thay thế tổng giám đốc sắp mãn nhiệm. Trung Quốc đã đề cử ông Qu Dongyu, thứ trưởng Nông nghiệp của họ.

Bắc Kinh tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước đang phát triển. Tại Uganda, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gặp nhau tại trang trại của Tổng thống Yoweri Museveni và cam kết xây dựng một lò mổ bò và một nhà máy dệt trị giá 25 triệu USD nếu chính phủ của ông ủng hộ ông Qu.

Cameroon đã giới thiệu kinh tế gia Médi Moungui, ứng viên có khả năng lôi kéo sự ủng hộ ở Tây Phi. Khi Trung Quốc hủy khoản nợ quá hạn trị giá 78 triệu USD cho Cameroon, ông Moungui đã đột ngột rút lui.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại chia rẽ về vấn đề này. Châu Âu ủng hộ kỹ sư nông nghiệp Pháp Catherine Geslain-Lanéelle. Còn Mỹ dồn sức cho ông Davit Kirvalidze, cựu bộ trưởng nông nghiệp của Georgia.

Các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã cử một phái đoàn từ 80 đến 100 người tới Rome so với phái đoàn bình thường chỉ hơn chục người của các nước. Trong một số trường hợp, phía Trung Quốc yêu cầu đại diện các nước khác cho chụp ảnh lá phiếu của họ để làm bằng chứng rằng họ ủng hộ ông Qu, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết. 

Với sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, ông Qu đã giành chiến thắng áp đảo. “Tôi biết ơn tổ quốc mình,” ông Qu phát biểu sau khi giành chiến thắng.

‘Mỹ đã ở đâu?’

Ông Gérard Araud, người trước đây từng là đại sứ của Pháp tại Washington và tại Liên Hiệp Quốc, nhận định rằngTrung Quốc đang làm những gì Mỹ từng làm cách đây hàng thập kỷ - tức là dùng mồi ngon hay lời đe dọa.

“Giờ Trung Quốc đang làm như vậy. Họ đang làm một cách tàn bạo, nhưng không có gì bất thường cả,” ông Araud nói. “Lỗi không phải của kẻ thắng. Lỗi là ở phía kẻ thua.”

Chiến thắng của ông Qu đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh đối với Mỹ và các đồng minh. Vào tháng 11 năm ngoái, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã đến New York để gặp các đại sứ Liên Hiệp Quốc từ châu Âu, Nhật Bản và các nền dân chủ khác để đề xuất thành lập một mặt trận chung chống lại Trung Quốc.

Phản ứng của châu Âu, được một người nắm rõ nội tình cuộc họp tóm tắt như sau: “Chắc chắn phải làm rồi, nhưng nước Mỹ đã ở đâu cho đến giờ?”

Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nước này vẫn chỉ đóng góp vào Liên Hiệp Quốc ở mức quốc gia đang phát triển. Trong năm 2018, Bắc Kinh góp 1,3 tỷ đô la cho Liên Hiệp Quốc, chỉ là một phần nhỏ so với cam kết đóng góp hàng năm 10 tỷ đô la của Mỹ.

Bắc Kinh được lợi

Khi Trung Quốc hạn chế các quyền tự do chính trị ở Hong Kong vào mùa hè này, hai tuyên bố đối nghịch nhau đã được đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Một, do Cuba soạn thảo để ca ngợi việc làm của Bắc Kinh, đã giành được sự ủng hộ của 53 quốc gia. Tuyên bố kia, do Anh đưa ra và bày tỏ quan ngại, chỉ có được 27 nước ủng hộ.

Hồi tháng 3, Bắc Kinh đã giành được một ghế trong hội đồng gồm năm thành viên vốn có quyền tuyển chọn các báo cáo viên về vi phạm nhân quyền — những người trước đây từng nhắm vào Bắc Kinh vì đã bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại cái gọi là trại cải huấn ở Tân Cương.

Washington đã không có tiếng nói trong việc lựa chọn báo cáo viên nhân quyền vào tháng 3 hoặc trong các tuyên bố về Hong Kong: Chính quyền Trump đã rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, với lý do chỉ trích một chiều đối với Israel. Washington cũng rời Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO vì những lý do tương tự một năm sau.

Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế, vốn là một người Trung Quốc đã nhậm chức vào năm 2015, đã ủng hộ Huawei trong cuộc chiến với Mỹ và thúc đẩy hình thành giao thức Internet mới mà các chính phủ phương Tây cho rằng sẽ cho phép giám sát và kiểm duyệt nhiều hơn.

Khoảng 30 cơ quan và tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã ký các bản ghi nhớ ủng hộ Ý tưởng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bao gồm cả Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc, do Trung Quốc lãnh đạo từ năm 2013. Do đó, Trung Quốc có thể trình bày các dự án Vành đai và Con đường của họ, vốn chủ yếu sử dụng các công ty Trung Quốc và thường khiến các quốc gia nghèo lâm vào cảnh nợ nần, là ‘sự hỗ trợ tốt lành được Liên Hiệp Quốc chấp thuận’.

Sau khi giúp một trong những quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của họ lên làm chủ tịch Interpol, Bắc Kinh đã bắt giam ông này vào năm 2018 và sau đó truy tố ông ta về tội tham nhũng. Điều này cho thấy các quan chức Trung Quốc lên làm lãnh đạo các tổ chức quốc tế vẫn nằm trong vòng kiểm soát của Bắc Kinh như thế nào.

Mỹ phản công

Hồi đầu năm, Hoa Kỳ, các nước châu Âu và các nước khác như Ấn Độ đã gạt sự đối đầu sang một bên để cùng nhau phản đối nỗ lực của Trung Quốc dẫn đầu WIPO.

Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước có bằng sáng chế quốc tế nhiều nhất được đệ đơn lênWIPO, chủ yếu do các nhà đầu tư quốc tế thích nộp hồ sơ từ Trung Quốc, nơi có chi phí rẻ hơn.

“Chúng ta không thể để cho một nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng loạt điều hành tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phản đối đề cử của Trung Quốc bằng văn bản.

Các quan chức Mỹ tập trung vào việc thiết lập các quy tắc cho cuộc bỏ phiếu, hy vọng tránh được các biện pháp hung hăng mà Trung Quốc đã sử dụng ở Rome. Mỹ giành được sự ủng hộ để hạn chế số lượng đại biểu trong phòng bỏ phiếu và đảm bảo sự kín đáo của từng lá phiếu.

Cuộc đua bắt đầu với 10 ứng viên. Washington đã thuyết phục Nhật Bản và một số nước khác rút lui sớm và ủng hộ ứng viên Singapore vốn được xem nằm cùng nhóm các nước đang phát triển. 

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 4/3, Trung Quốc phàn nàn rằng Mỹ đang bắt nạt các nước nhỏ hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Washington đã có những ‘hành vi phi đạo đức’ khi dùng ‘thủ đoạn đe dọa và tống tiền’.

Mỹ đã cố gắng giữ cho cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian ngắn để Bắc Kinh không có thời gian gây áp lực ngoại giao lên các nước. Chiến thuật này đã có hiệu quả.

Sau khi bỏ phiếu, ứng viên của Singapore đã vượt qua ứng viên Trung Quốc ở vòng đầu tiên và giành được đa số tuyệt đối ở vòng bỏ phiếu thứ hai.

‘Vắng mặt thì bị thiệt’

Việc Trung Quốc dùng tiền để gây ảnh hưởng các cơ quan quốc tế là việc ‘Mỹ cũng đã làm biết bao nhiêu năm rồi’ nên ‘không thể cấm cản hay lên án họ được,’ Giáo sư-Tiến sỹ Tạ Văn Tài, người từng giảng dạy tại Đại học Harvard, nhận định với VOA.

“Trong khi giờ đây Mỹ ngại không muốn tài trợ cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc thì dĩ nhiên các nước sẽ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhiều hơn và sẽ bỏ phiếu cho Trung Quốc,” ông nói.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mỗi nước đều có một phiếu ngang nhau bất kể nước lớn hay nước nhỏ nên ‘Trung Quốc dễ gây ảnh hưởng’.

Tuy nhiên, Giáo sư Tài lên án sự hiện diện của Trung Quốc ở cơ quan về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc: “Ủy ban Nhân quyền là nơi Trung Quốc đâu có xứng đáng chủ trì các buổi họp bởi vì họ vi phạm nhân quyền nặng nề nhất.” 

Về phía Mỹ, ông cho rằng việc chính quyền hiện nay rút ra khỏi các định chế quốc tế mà Mỹ là nước sáng lập và từng có ảnh hưởng lớn là ‘hoàn toàn sai lầm’.

“Nếu muốn có ảnh hưởng quốc tế thì Mỹ không thể bỏ những tổ chức này được,” ông phân tích. “Ví dụ như nếu rời WHO thì Mỹ sẽ thua trong những vấn đề liên quan đến sức khỏe nhân loại.”

“Kẻ vắng mặt sẽ bị thiệt, cho nên đừng bao giờ vắng mặt trong tất cả các tổ chức quốc tế.” 

Ông Tài dẫn ra ví dụ là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson đã thực thi chính sách tự cô lập và tẩy chay Hội Quốc Liên. “Rốt cuộc Đức Quốc Xã nổi lên một trận gây chiến tranh khiến Mỹ phải hy sinh nhiều nhân mạng,” ông nói.

Ông cho rằng Liên Hiệp Quốc là ‘cái dù rất tốt’ cho Mỹ cho những trường hợp Mỹ muốn có sự chính danh và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho hành động quyết liệt đối với những nước tài trợ khủng bố.

Để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế, ông nói, ‘nếu Mỹ quan tâm đến chủ quyền, quyền lợi của các nước nhỏ thì họ sẽ theo Mỹ’. Vẫn theo chuyên gia này, Trung Quốc mặc dù vung tiền bạc ra mua chuộc nhưng bây giờ các nước đã cảnh giác hơn với cái bẫy giăng ra trong đồng tiền của Trung Quốc.

Ông cho rằng Mỹ có thể điều chỉnh các cơ quan Liên Hiệp Quốc bằng cách yêu cầu Bắc Kinh đóng góp ngân sách nhiều hơn cho tương xứng với quy mô nền kinh tế của họ.

02/10/2020

VOA Tiếng Việt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire