Thanh Bình
(VNTB) - Tôi biết mình đang huyễn hoặc học trò và cả chính mình |
Quan điểm nổi tiếng trong nhiều thập niên “Sách giáo khoa là pháp lệnh” đã biến giáo viên thành người tuyên truyền cho những cuốn sách giáo khoa do người khác viết, để bắt học sinh học thuộc lòng những trang sách vô hồn.
Những ai từng là giáo viên của những năm 80, 90 thế kỷ 20 chắc hẳn không quên được câu nói “Sách giáo khoa là pháp lệnh”.
Hồi đó, mấy lãnh đạo về thanh tra nhà trường, kiểm tra, dự giờ giáo viên hoặc chỉ đạo chuyên môn thường hay có mấy câu chỉ đạo cửa miệng luôn được nhắc đi nhắc lại: Sách giáo khoa là pháp lệnh; Phải bám sát sách giáo khoa khi lên lớp (mỗi lần nghe câu này, ắt hẳn nhiều thầy cô giáo trẻ khi ấy lại liên tưởng đến hình ảnh con thằn lằn bám vào vách tường); Phải thực hiện đủ 5 bước lên lớp, không được thiếu bước nào (chắc là bước thiếu một bước hụt chân té lăn quay); Giáo án không có ngày soạn là không đảm bảo tính chuyên môn (Ủa... giáo án người ta soạn lúc nào chả được, miễn là trước khi lên lớp là ‘Ok’ rồi, không lẽ phải chọn ngày tốt mới được soạn hay sao??)…
Một cô bạn là giáo viên môn sử kể rằng ‘anh xã’ của cô (cả hai đều là bạn cùng khóa đại học với người viết) dạy vật lý. Lần nọ đứa con của hai vợ chồng nhà giáo này thắc mắc, làm sao mà ‘anh Lê Văn Tám’ bị lửa đốt cháy mà anh không bị phỏng rát để có thể chạy một mạch từ ngoài cổng kho đạn Thị Nghè vào bên trong để đốt như… ‘má dạy’?.
Lập tức, anh chồng là thầy giáo dạy vật lý, ‘méo mó’ nghề nghiệp giảng cho cậu con trai về nhiệt độ cháy của xăng dầu, những phản xạ tự nhiên của cơ thể người khi gặp nguồn nhiệt đột ngột, cả về khả năng chạy với tốc độ ra sao trong trường hợp này của một thiếu niên bán đậu phộng rang…, để rồi ông thầy giáo vật lý phán một câu xanh dờn: “Con đừng có tin, đó là chuyện trong cổ tích của những người cách mạng, một dã sử để tuyên truyền mà thôi!”.
Dĩ nhiên là cô bạn của tôi ‘đứng hình’, vì quả tình đúng như vậy, nhưng “sách giáo khoa là pháp lệnh”, làm sao cô dám giảng khác.
Trà dư tửu hậu quanh chuyện “dạy thật”, cô giáo môn sử bạn của tôi nói rằng cô cũng xấu hổ lắm chứ, khi vẫn phải viết trong giáo án là “chủ nghĩa tư bản đang giãy chết”, và đồng nghiệp vẫn thường đùa rằng “giãy hoài không chết”.
“Hồi được cử đi thao giảng, trước cả ban bệ hội đồng với đầy đủ cấp ủy, tôi đành ‘đánh lận con đen’, kiểu chủ nghĩa tư bản cũng không nhất thiết bị triệt tiêu bằng bạo lực cách mạng, hoặc cũng không hẳn thực hiện bằng một sự công bố nào đó, mà đôi khi đó là sự chuyển biến lâu dài, từng chút một.
Một số quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy với chính sách phúc lợi dồi dào, hệ thống an sinh xã hội cao, y tế, giáo dục đều miễn phí giống như hình thức chính sách của các quốc gia xã hội chủ nghĩa là bằng chứng cho thấy “thiên đường xã hội” là có thể đạt được dựa trên 2 yếu tố tích lũy của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hóa đạo đức cao...” – cô giáo kể.
Góp chuyện, một thầy giáo dạy môn giáo dục công dân, nói rằng cũng liên quan “chủ nghĩa tư bản giãy chết”, ông đành giảng nước đôi cho học trò là từ thời đại của Marx cho đến nay, các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn xảy ra những cuộc khủng hoảng với quy mô lớn lan rộng trên toàn thế giới không theo một chu kỳ nào, đời sống xã hội thiếu ổn định từ đó nảy sinh ra sự đối kháng ngay trong lòng tư bản chủ nghĩa. Đó chính là những dấu hiệu về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản như nhận định của Marx.
“Tôi biết mình đang huyễn hoặc học trò và cả chính mình. Nhưng biết sao bây giờ, vì nếu dạy thật, không lẽ nói có em nào thử thắc mắc vì sao biết là ‘tư bản giãy chết’ nhưng mai này du học, các em toàn chọn xứ ‘giãy chết’?” – ông thầy giáo chua chát kể.
Nguồn: VNTB
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire