24/09/2021

“CHẠY” Tùy bút Thiện Tùng (Phần 7 - Đất đai đang là điểm nóng gây nhiều tranh cãi)


7/ Đất đai đang là điểm nóng gây nhiều tranh cãi

Người ta trụ được nhờ có đất. Mất đất là mất chỗ trụ để ở và mưu sinh khi còn sống, mất chỗ cất mớ xương tàn khi chết.

Đảng CS VN đưa ra luật đất đai với nội dung “Công hữu toàn bộ đất”, tạo ra sự bất an thường trực đối với bất cứ người dân ở nông thôn cũng như thành thị.

An sao được, đất ở, đất canh tác từ lâu thuộc sở hữu của mỗi hộ, giờ đây luật đất đai bị tước đi quyền sở hữu tư nhân, chỉ cho họ quyền sử dụng có thời hạn và phải nộp thuế.


Người ta tự dự thảo luật đất đai rồi đưa ra Quốc hội cũng của người ta thông qua thành luật. Đã là luật được Quốc hội thông qua, có ăn gan Trời hay uống hàng xâu mật Gấu cũng không dám thỏ thẻ, mặc cho số phận đẩy đưa ! .

Cái gì đến đã đến, khi nắm quyền đất trong tay, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, chính quyền các cấp thấy chỗ nào đất tốt, tiện lợi khoanh những vùng quy hoạch, chẳng cần tham khảo ý kiến người dân tại chỗ. Biết rằng, muốn phát triển đất nước phải xây dựng, muốn xây dựng phải có đất, nhưng xây dựng ở đâu, với quy mô nào, giải quyết việc sinh sống của người tại chỗ ra sao… nên đưa ra bàn bạc với dân sở tại, ít nhất cũng làm cho họ mát dạ trước khi nhìn sản vật, mồ mả người thân… vốn có từ lâu bị ủi phá tan hoang.

Quy hoạch làm ngay thì áp tới đền bù, giải tỏa. Nhà nước đã là chủ đất, đền bù chỉ tính giá trị sản vật hiện có trên mặt đất. Nhà nước nói giá nào người bị giải tỏa phải chấp nhận giá đó và lập tức di đi, nếu không thì bị cưỡng chế.

Để những hộ bị giải tỏa trắng có nơi cất nhà ở, nhà nước lại quy hoạch ở một nơi nào đó, cũng bằng cách giải tỏa đền bù để lấy đất lập ra khu tái định cư cho số bị giải tỏa trước. Từ gây bất ổn ở nơi nầy dẫn đến gây bất ổn ở nơi khác, làm mất an cư của người dân.

Để khỏi đền bù nhiều khi giải tỏa, áng chừng những việc sẽ làm, nhà nước phóng tay lập những dự án rồi chọn vùng quy hoạch treo. Những hộ lọt trong khu vực treo nầy không được sang nhượng đất, không được xây dựng mới, không được trồng cây lâu năm, không được chôn người chết…., chỉ được “tản cư” càng sớm càng tốt xương cốt người thân đã chôn ở đây ra khỏi khu vực. Người sống hãy ở đó chờ, nếu có mọc râu thì cạo, nếu chết tự do tìm chỗ trước mắt chưa quy hoạch mà chôn hay đem đi đốt tùy ý.

Quy hoạch xây dựng những công trình công cộng mới, nhà nước có định giá thấp đôi chút, dân có thể chấp nhận, coi như góp chút phần nhỏ của mình cho công ích. Còn quy hoạch để rồi cho tư nhân xây dựng gì đó, lẽ ra để cho tư nhân ấy thương lượng giá trực tiếp với người bị giải tỏa, đàng nầy, nhà nước cử người đứng ra làm , định giá đền bù thì thấp, cho tư nhân thuê lại thì cao, vôi ra số tiền không nhỏ tha hồ mà nhậu. Cần đất cho công trình 1, quy hoạch giải tỏa bằng 2 chẳng hạn, số đất vôi ra thành đắt địa rồi chia nhau xơi..  Đủ cách, đủ kiểu, xúm nhau ăn trên đầu trên cổ ông nội cha người ta, dân không buồn mới là lạ?.

Thương thay cho dân nghèo thành thị bị giải tỏa trắng, họ vốn sống bằng nghề mua bán, lao động dịch vụ, nhà như ổ chuột, bồi thường sản vật trên mặt đất có là bao. Đến vùng tái định cư, không hành nghề cũ được, thất nghiệp, với số tiền ít ỏi vừa được đền bù, mua đất cất cái nhà tạm bợ đủ che nắng che mưa. Họ phải sống sao đây, chẳng lẽ đợi tối rủ nhau ngữa mặt lên trời hứng sương mà sống !?.

Từ những bất hợp lý, bất công như đã nói, người dân khiếu nại, tố cáo, biểu tình về nhà đất ngày một tăng là lẽ đương nhiên. Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thủ Thiêm, Cái Răng .w… là những vụ người dân đấu tranh giữ đất gay  gắt và quyết liệt nhứt. Nếu ở Tiên Lãng người dân chống cưỡng chế bằng bạo lục với vũ khi thô sơ tự tạo , thì ở Cái Răng người dân chống cưỡng chế bằng bất lực: gia đình có 3 người, 1 nam uống thuốc độc đang sống dở chết dở, 2 nữ tự tuột áo quần trần truồng không còn mảnh vải che thân, đứng dang tay ngăn chặn lực lượng cưỡng chế giữa thanh thiên bạch nhựt, trước bàn dân thiên hạ, thử hỏi còn cảnh đau xót nào hơn?!. Họ bị đàn áp chỉ vì “ cái tội giữ đất cha ông để lại cho nhu cầu mưu sinh”. Lột tả vụ cưỡng chế tàn bạo nầy, Bà Lê Hiền Đức đặt câu hỏi không cần lời đáp “cưỡng chế hay cưỡng dâm?”.

Đã là kinh tế thị trường thì “đèn nhà ai nấy sáng”, tức là mọi người tự lo cuộc sống cho mình. Cớ sao đảng CSVN chủ trương làm kinh tế thị trường mà không công nhận quyền sở hữu tư nhân, nhất là sở hữu về đất đai, thử hỏi người dân tự sống bằng cách nào?!.

Người dân, đặc biệt là nông dân, không thể sống thiếu đất. Họ dám thay phiên nhau đổ máu để bảo vệ đất nước để làm gì chẳng lẽ đảng CSVN không biết?!

-------------

Chú thích

(1)Cuộc ”Tổng tiến công và nổi dậy 1975” có 3 chiến dịch: “Chiến dịch Tây Nguyên”, “Chiến dịch Quang Trung”“Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

(2) Năm 1966, ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh Vĩnh Phú chủ trương “khoán 10”, tức là để 10% đất vốn có của mỗi hộ để họ sản xuất tùy nghi, 90% phải đưa vào Hợp tác xã Nông nghiệp làm ăn tập thể.

(3) Chuyện truyền thuyết: Thạch Sanh và Lý Thông là hai anh em kết nghĩa. Thạch Sanh tử tế, Lý Thông gian manh

(4) Con Lươn và con Lịch cả 2 đều là loại da trơn và đều có nhớt. 

(5) Ám chỉ loài động vật không khả năng săn mồi, chỉ mò theo đốm lửa khi thợ săn nướng thịt để ăn những thứ người ta chê bỏ lại.


Lai lịch người viết bài “CHẠY”


Ảnh minh họa

Tôi đã kể khá nhiều sự đời, có lẽ đã đến lúc người đọc muốn biết gã viết bài CHẠY nầy là ai, ở đâu, đang làm gì…?.
Thưa rằng: Tôi Đào Văn Tùng, bút danh Thiện Tùng, sinh năm 1939 ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; đang ngụ tại __ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Điện thoại: ___ (xin phép tác giả không đăng những thông tin nầy)
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, huyện Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre gần như Pháp không thể chiếm đóng, là nơi nghỉ, nhận và luyện quân của Vệ Quốc Đoàn. Mỗi năm, Pháp mở vài cuộc ruồng bố vào đây. Chúng đi đến đâu giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Khiến cho người dân ở đây phân định rạch ròi: địch và ta, Việt minh và Việt gian.
Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ, học trường làng, thầy giáo Phạm Hữu Hỷ rót vào tai chúng tôi những án văn lay động lòng người. Chẳng hạn:


“…Đã đứng dậy bao lần thất bại
Trong căm hờn trong uất hận vô biên
Ngày lại ngày như suối chảy triền miên
Chuông đã đánh, âm thanh vang khởi nghĩa
Nguồn u uất vùng lên trong nghĩa địa
Trong nấm mồ Tổ quốc rêu xanh
Trong bao nhiêu xương máu của dân lành
Trong nước mắt mồ hôi nhân loại…”.

Đâu chỉ thế, hàng ngay chúng tôi còn ngân nga những bài hát gợi cảm, gợi suy. Chẳng hạn:
 

“ Làm sao khắp chúng dân được tự do?
Làm sao khắp muôn dân đầy cơm áo?
Làm sao khắp thiên hạ hưởng hòa bình?
Bao nhiêu năm đói rách và lầm than !
Bao nhiêu lần cạn nước mắt, đẫm máu xương !
Đứng lên đều, tung gông cùm giam đời sống !
Cùng nhau ra sức đấu tranh, cùng nhau quyết xây đời mới.
Nào nề tan nát thân mình, nào nề cực khổ gian lao
Ôi, muôn dân khóc than
Ôi, muôn dân nát lòng
Ôi, muôn dân căm hờn vì đời bất công
Vùng lên đem hết máu xương, vùng lên quyết tranh cưộc sống
Tự do hạnh phúc kia rồi
Hòa bình no ấm đang chờ đón ta” .


Phải nói, xin cám ơn những ai đó hướng cho tuổi trẻ chúng tôi sớm vào con đường yêu nước, thương dân, ngưỡng mộ các bậc tiền nhân yêu nươc thương nòi. Giáo dục yêu nước thương dân cho chúng tôi như thế đã đủ độ, chỉ có điều tuổi tác còn quá nhỏ, chúng tôi phải nán đợi chờ.
Pháp vẫn không chiếm đóng huyện Thạnh Phú, chúng chỉ cho máy bay thường xuyên dội bom vào những chỗ đông người. Khi 12 tuổi, tôi thoát ly gia đình, rày đây mai đó, theo làm tạp vụ cho cán bộ Việt Minh làm cuộc “Cách mạng Dân tộc Dân chủ”. Phần lớn cán bộ tôi theo phục vụ là những người có học, họ mang theo bên mình tài liệu chính trị, còn tôi thì mang theo sách giáo khoa. Khi rảnh họ kềm cặp cho tôi học văn hóa, ấn định mỗi năm lên 1 lớp . Đến mùa thi, các anh móc với cơ sở đưa tôi ra thành thi cử đàng hoàng – Bao năm liền, tôi chẳng những thi đậu mà còn đậu hạng ưu, có 2 năm được cấp học bổng.
Năm 1954, sau khi ký kết hiệp định Genève, người ta lớn tuổi, có nhiều công cán được đi tập kết ra Bắc, còn tôi ở lại với số cán bộ năm vùng. Công việc hàng ngày của tôi, nếu không chạy thư thì “hái rau bắt ốc”, cơm nước để cán bộ rảnh lo việc lớn.
Cuối năm 1955, Mỹ thay Pháp, Ngô Đình Diệm thay Bảo Đại thông qua cái gọi là “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại.
Bắt đầu từ 1956, Ngô Đình Diệm vừa củng cố bộ máy cai trị, vừa đôn quân, bắt lính chuẩn bị Bắc tiến.
Đầu năm 1957, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động (gọi tắt là Thanh Lao). Từ đó, ngoài chuyện chạy vặt, cán bộ còn phân công cho tôi vận động nhân dân biểu tình đòi hiệp thương thống nhứt đất nước theo tinh thần hiệp định Genève 1954.
Anh em ông Ngô Đình Diệm làm cuộc chiến tranh đơn phương chống các phe phái đối lập như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và đưa ra luật 10/59 truy sát những người kháng chiến cũ. Diệm bắt giết và cầm tù nhiều cán bộ Cách mạng.
Cuối năm 1959, tôi xin và được chấp nhận cho vào Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐVN) để đủ tư cách bổ khuyết vào một trong những chỗ đảng viên bị giết hoặc bị bắt.
Không còn nhịn được nữa, miền Nam VN làm cuộc Đồng khởi. Năm 1960, tôi tham gia phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre. Cuộc chiến tranh ở Nam VN từ đơn phương thành song phương.
Đầu năm 1961, chị Nguyễn thị Định (Ba Định), Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, rút tôi và Hòa thượng Thích Thiện Hào cùng chị về khu Trung Nam Bộ (Khu 8 cũ). Trên đường đi, Hòa thượng Thích Thiện Hào nói vui với tôi:
– Để đừng lộn Tùng nầy với Tùng khác, ta đặt cho mi tên Thiện Tùng có chịu hay không? .
– Nghe sặc mùi Phật !” – tôi nói.
– Vậy chớ có ý nghĩa lắm: thiện mới tùng – Ông Hào lý giải.
Đó là chuyện vui qua đường, nhưng khi tham gia viết báo, viết văn, tôi hoài cổ, nhớ Hòa thượng Thích Thiện Hào, lấy bút danh Thiện Tùng. Từ đó dường như tôi mắc lời thề “quyết không tùng ác”
Từ năm 1961 – 1975, tôi công tác ở Ban Tuyên Huấn (BTH) khu Trung Nam Bộ (Khu 8 cũ) với những chức việc:
– Trưởng Văn phòng (1961 – 1962).
– Trưởng đơn vị Điện đài Minh ngữ (1963 – 1964).
– Trở lại làm Trưởng Văn phòng (1965).
– Khi sư 9 Mỹ vào Mỹ Tho, tôi được BTH Khu phân công phụ trách Đội TuyênTuyền Xung Phong (Đội T2XP) đến hoạt động ở tỉnh Mỹ Tho (1966 – 1968).
– Ngày 8/3/1968, tôi bị trọng thương, trị thương hết năm 1968.
– Năm 1969 – 1970 , tôi được BTH Khu phân công làm cán bộ công tác phong trào ở địa bàn tỉnh Mỹ Tho.
– Năm 1971, khi Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mở rộng chiến tranh sang Campuchia, tôi được BTH Khu phân công theo Trung đoàn 3 mở chiến dịch Nam Cao Lãnh nhằm khống chế không cho quân Mỹ và VNCH dùng Lộ 30 và Sông Tiền sang Campuchia.
– Cuối năm 1971 đến tháng 6/1972, tôi được điều sang tham gia chiến dịch Bắc Mỹ An nhằm mở đường tiếp vận Hậu cần cho các tỉnh Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre và đưa quân trở lại chiến trường trọng điểm Mỹ Tho.
– Sau khi kết thúc chiến dịch Bắc Mỹ An, tháng 7/1972, tôi được BTH Khu phân công theo đỡ đầu cho Trung đoàn 24 xuống tỉnh Gò Công – vùng trọng điểm bình định của Mỹ và VNCH, nhằm tạo thế lực mới nơi đây trước khi ký kết hiệp định Paris.
– Tháng 5/1973, BTH Khu rút tôi về phân công phụ trách trường Tuyên Huấn Khu ở Vùng 4 Kiến Tường (ở Đồng Tháp Mười).
– Cuối năm 1974, tôi nhận lịnh đi học trường Nguyễn Ái Quốc. Khi đến địa phận tỉnh Tây Ninh, tôi bị sốt rét phải vào trạm xá điều trị, trể chuyến không đi được.
– Trưa 30/4/1975, tôi chủ trương và cùng 3 anh em khác chuyển hàng tiếp quản do Trung ương Cục cấp cho Khu Trung Nam Bộ đến bắc Bến Sỏi, thuê chiếc xe chở khoảng 4 tấn hàng được cấp nầy theo sau bộ đội ra thị xã Tây Ninh, đi Sài Gòn rồi về đến Mỹ Tho vào lúc l8 giờ 30/4/1975.
– Cuối năm 1975, khi giải thể Khu, nhập Tỉnh, tôi được biệt phái đến Gò Công làm trưởng BTH. Đầu năm 1980, tôi được điều động về làm phó trưởng BTH tỉnh Tiền Giang, chuyên trách 2 khâu Thông tin-Truyền thông và Báo Cáo viên.
Ngoài được đi học lấy bằng đỏ trường Nguyễn Ái Quốc, tôi còn được tỉnh nâng lương 4 lần trong 6 năm (1980 – 1986). Nếu không có việc gì riêng, các cuộc họp cấp cao của tỉnh, các anh chị đều gọi tôi dự. Phải nói, tôi là một trong những người được tỉnh trọng dụng và ưu ái.
Năm 1986, khi 47 tuổi, tôi đi giám định Y khoa rồi lấy cớ thương tật từ nhiệm. Ông Lê văn Phẩm, Bí thư Tỉnh ủy, ông Phan Lương Trực, Tỉnh đội trưởng tỉnh Tiền Giang gọi tôi đến khuyên: Ráng làm thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa. Tôi nói: Bộ Thương binh và Xã hội cho phép tỷ lệ thương tật 61% trở lên có quyền nghỉ theo ý muốn, tôi tỷ lệ thương tật 71%, tôi được quyền nghỉ, cho là lịch sự, không cho tôi cũng nghỉ. Tôi nhất quyết như thế, hai anh không vui, nhưng đành vậy. Thú thật, nếu làm việc gì đó không phải làm Tuyên Huấn thì tôi có thể ráng thêm, làm Tuyên Huấn thời giờ phải ăn theo nói theo, chẳng khác thằng chuyên môn lừa đảo chính trị.
Có lần tôi bị phân công làm diễn giả, thuyết về Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho hơn 300 cử tọa gồm những trưởng phó đầu ngành tỉnh, huyện. Phần lớn đầu họ đã bạc, tuổi đời, tuổi Đảng của họ ít ai thấp hơn tôi. Thế mà tôi nói, họ cố cặm cụi ghi. Giờ giải lao, các anh chị tụ tập quanh tôi chuyện trò vui vẻ. Tôi ứng khẩu: “Có khi nào các anh chị thấy mình như tín đồ ngoan đạo không?”. Anh Bảy Điện, giám đốc sở Bưu Điện trừng mắt hỏi vặn tôi: “Chú mầy nói thế là ý gì?”. Tôi cười đáp: “Tôi sinh năm 1939, Nam kỳ Khởi nghĩa năm 1940, tôi có biết Ất Giáp gì về khởi nghĩa ấy đâu, chẳng qua dựa vào sách mà nói. Thế mà, tôi nói các anh chị cặm cụi ghi, đúng là “múa rìu qua mắt thợ” thật xấu hổ?!”. Anh Điện ký nhẹ vào đầu tôi rồi xúm nhau cười.
Trước khi rời nhiệm sở, tôi gọi anh Đoàn văn Bảy, trưởng Văn phòng BTH tỉnh Tiền Giang giao tài liệu, súng ngắn rồi rời nhiệm sở. Có lẽ thương tình, các anh lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan Xã hội và Thương binh lập sổ hưu cho tôi sau đó.
Năm 1991, tôi trả thẻ Đảng, viết kèm theo mấy dòng: “Năm 1959 tôi xin vào Đảng Lao Động VN làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ. Tôi không hề xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam – đó là lý do tôi trả thẻ Đảng”. Thẻ Đảng và mấy dòng thư tôi cho vào bao gởi gián tiếp cho Phường Ủy.
Mấy tháng sau khi tôi trả thẻ Đảng, Phường mở Đại hội Đảng bộ Phường, có anh Huỳnh văn Niềm, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Tiền Giang dự. Phường 2 lần cử người mời tôi dự nhưng tôi từ chối. Sau Đại hội Đảng bộ Phường, chị Trần thị Thắng, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho gặp trực tiếp tôi, chị nói: “Ông Ba Niềm bảo tôi nói với anh nhận lại thẻ Đảng…”. Tôi trả lời: “Cám ơn các anh chị quan tâm đến tôi, nhưng tôi đã quyết không thể thay đổi”. Khoảng nửa tháng sau, Ban Tổ chức Thành ủy ra quyết định xóa Đảng tịch tôi. Mấy ngày sau, tỉnh cấp cho tôi 2 sổ khám chữa bịnh: một của Ban Bảo Vệ Sức Khỏe tỉnh Tiền Giang, một của bịnh viện Thống Nhứt thuộc Trung ương đóng tại Sài Gòn.. Đến nay (2010), khi cần tôi đến 2 nơi ấy khám chữa bịnh.
Tôi kể về tôi đã quá nhiều, nói nhiều như thế không phải để khoe khoang gì về mình, mà để nói rằng: Vì đại nghĩa tôi dấn thân không màng gian lao nguy hiểm. Tôi yêu nước chớ không yêu CNXH. Không yêu “ly dị” là chuyện bình thường. Tôi mặn mấy câu thơ của Phùng Quán:

“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dầu ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Dầu ai ngon ngọt nuôn chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.

Tiền Giang, 10/10/2010.
Thiện Tùng (Đào văn Tùng).



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire