14/12/2021

TỪ CỘT MỐC 238, NGHĨ VỀ DŨNG KHÍ CHA ÔNG VÀ SỰ “VÔ CHÍ” CỦA MỘT SỐ QUAN CHỨC THỜI NAY

Bùi Xuân Đính

*Tác giả Bùi Xuân Đính, Phó Giáo sư Tiến sĩ làm việc tại Viện Dân tộc học, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. 

Tác giả Bùi Xuân Đính tại cột móc biên giới 238

Gần trưa ngày 15/11/2021, bất chấp trời lạnh 14 độ, mây mù dày đặc, tầm nhìn phía trước chỉ khoảng 40 mét, được mấy cán bộ công an và biên phòng giúp đỡ, chúng tôi lên đến cột mốc 238 ở bản Lùng Chu Phùng xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên. Bên phía ta, đường vẫn để tự nhiên, trong khi phía Trung Quốc đã rào kín, như một chuồng cọp ở sở thú. Từ cột mốc dõi về mảnh đất Việt Nam mà lòng đầy tâm trạng. 


Bệnh nghề nghiệp đã đưa tôi về với những trang sử cũ, về các cuộc chiến của cha ông ta trong bảo vệ dải đất biên cương suốt hơn nghìn năm lịch sử. Dù tương quan lực lượng quân sự giữa ta và Tàu luôn chênh lệch, phương tiện thông tin liên lạc thấp kém, ảnh hưởng tới việc chỉ đạo đấu tranh bảo vệ biên giới, nhưng ngoại trừ thời Mạc Đăng Dung phải cắt đất vì những lý do A, B, còn ở tất các vương triều cha ông ta đều quyết tâm giữ đất, Tôi nhớ đến lời dụ - cũng là giao nhiệm vụ của Vua Lê Thánh Tông cho Thái bảo, Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy, người nhận nhiệm nhiệm vụ đi giải quyết tranh chấp biên giới với đại diện nhà Minh vào đầu năm Hồng Đức thứ tư (Quý Tỵ, 1473) ''Một thước núi, một tấc sông của ta không nên để vứt bỏ. Ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần, nếu họ không nghe, còn có thể sai quan sang sứ Bắc triều bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì phải tội tru di'. Đây có thể coi là tuyên ngôn lần thứ hai về chủ quyền quốc gia, sau bài "Nam quốc sơn hà".

Tôi cũng nhớ đến sự kiện tháng Chín năm Mậu Thân niên hiệu Bảo Thái (tháng 10-1728), với sự đấu tranh kiên quyết của triều đình Đại Việt buộc nhà Thanh phải trả lại cho nước Đại Việt hơn 120 dặm mà nhà Thanh đã chiếm, trong đó có khu vực mỏ đồng Tụ Long. Đây là triều vua duy nhất đòi lại được đất. Trong cuộc đấu tranh này, Binh bộ Tả Thị lang Nguyễn Huy Nhuận cùng với Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Công Thái, không quản nơi lam sơn chướng khí, đấu tranh buộc Thổ ty phủ Khai Hoá (nhà Thanh) đã xông pha, lăn lộn những nơi lam chướng, hiểm trở, đi qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận đúng chỗ sông Đồ Chú (mà thổ ty nhà Thanh đã chỉ sai) và dựng bia ở nơi giáp giới. Văn bia ở bờ phía Nam sông Đồ Chú do Nguyễn Huy Nhuận soạn có nội dung :"Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đồ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng Chín, năm Ung Chính thứ 6 (1728). Chúng ta là Nguyễn Huy Nhuận, tả thị lang bộ Binh và Nguyễn Công Thái, tế tửu Quốc tử giám, được triều đình uỷ sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này". Từ đây, cương giới hai bên mới ổn định.

Đặc biệt, tôi lại nhớ tới sự cương quyết của Gia Long - ông vua từ bao lâu bị coi là “bán nước” trong cuộc đàm phàn về mốc giới với nhà Thanh. Từ Kinh đô Huế, Vua Gia Long đã chỉ đạo các quan trấn Yên Quảng kiên quyết không lùi thêm một tấc đất ở phố Thác Mang (nay thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho nhà Thanh, mà trước đó, quan quân nhà Nguyễn đã có chút nhân nhượng (nửa tổng Kiến Diên và phố An Lương); đồng thời cho đổi tên sông Thác Mang thành “sông Gia Long” (tiếng Pạcvà đọc là “Ka Long” để khẳng định mốc giới của nước Nam, vua quan Việt Nam quyết không lùi, không nhân nhượng đất đai nữa. Tại huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) qua điều tra năm 2008, tôi thấy có những ngọn núi gọi tên là “Gia Long”, tương truyền là do nhà vua cho đặt trong cuộc đấu tranh ngoại giao về lãnh thổ này.


Giờ đây, cương giới nước ta không biết có còn được như trước không. Tôi nhớ hồi học lớp bốn, năm học 1963 - 1964, bài địa lý có ghi nước ta có 1.650 km đường biên giới giáp Trung Quốc. Đến nay, các phương tiện thông tin cho biết, đường biên giới này là 1.449 km. Không biết cách đó hồi đó và thời nay ra sao mà lại có sự khác biệt lớn đến như vậy? Có liên quan gì đến việc Trung Quốc lấn chiếm trong thời gian chúng ta tập trung đánh Mỹ? hay trong việc phân giới cắm mốc.

Càng nghĩ, tôi càng căm giận, mới đây, nhiều tờ báo đưa tin, hiện có 162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu trên toàn cõi Việt Nam, trong đó, có 63.000 ha là đất biên giới và ven biển mà ngài Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có trách nhiệm trả lời trước Quốc hội, quốc dân đồng bào nhưng đã “xin khất” (!?). Căm giận hơn nữa, “ông Bộ đất” này từng xổ ra những lời không thể chấp nhận được “Có người chia rẽ quan hệ giữa ta và Trung Quốc”. Xin hỏi ông Bộ: “Ta ở đây là ai và Trung Quốc” là ai? “Có người chia rẽ” là những người nào? Tôi với tư cách người dân, xin khẳng định lại với ông Bộ: người dân chúng tôi từ lâu phân định rõ nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, bọn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc với những người cộng sản Trung Quốc chân chính. Ông đừng lấy thế quan to mà nói bừa và nói càn. Xin ông bớt chút thì giờ trong phòng kín, phòng lạnh, đến với các làng bản ở các vùng biên giới, nơi mà bọn lính xâm lược Trung Quốc đã tàn sát, cướp bóc suốt 10 năm (1979 - 1989), để hàng vạn, hàng vạn đồng bào phải rời quê hương, làng bản, khi trở về tay trắng, dựng lại hoàn toàn. À mà không biết ông đã đến Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên chưa nhỉ - nơi có hơn 1.800 ngôi mộ các chiến sĩ đã ngã xuống vì mảnh đất biên cương?

Nghĩ về gương của cha ông, tôi căm giận ông, ông nên đến cơ quan công an đi, đổi tên thành Nguyễn vô Chí/ Trí, vô Dũng” và nếu là người có liêm sỉ, ông nên từ chức, xin thôi đại biểu Quốc hội, để khỏi bị dân mạng gọi là “kẻ bán nước”.


16.11.2021
B.X.Đ


Thứ sáu ngày 3 tháng 12 năm 2021 6:00 AM

http://trannhuong.net/tin-tuc-55694/tu-cot-moc-238-nghi-ve-dung-khi-cha-ong-va-su-“vo-chi”-cua-mot-so-quan-chuc-thoi-nay.vhtm


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire