22/02/2022

"Ăn" thiết bị y tế, giáo dục, bao giờ mới hết?

Hoàng Anh

(Ảnh minh hoạ,
nguồn: Baonghean.vn)

Điều đáng buồn là những vụ tiêu cực, tham nhũng đó lại xảy ra ở nơi mà môi trường sống và làm việc được coi là mực thước của xã hội. Những kẻ nhúng chàm từng là thầy cô giáo đứng trên bục giảng, khi phạm tội lại ở vị thế cao trong ngành, là trưởng phó phòng, giám đốc sở, hiệu trưởng,... Quyền lực đã tha hóa những người từng được các thế hệ học trò và đồng nghiệp kính trọng.

Lòng tham đã khiến họ buông bỏ liêm sỉ. Không phải trong một sớm một chiều mà là cả quá trình, sau khi đã yên vị trên chiếc ghế quyền lực.


Mới đây nhất, ngày 14/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can một số cán bộ lãnh đạo cấp phòng ở huyện Việt Yên về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".[1]

Đáng chú ý, trong số các bị can có Bùi Thị Huế (sinh năm 1986), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sách và thiết bị giáo dục Thái Nguyên.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang xác định, các đối tượng trong vụ án nói trên có hành vi thông đồng, thực hiện hành vi lập chứng từ mua bán hàng hóa lòng vòng để đẩy giá hàng hóa là thiết bị giáo dục lên từ 3 đến 5 lần, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Vụ án một lần nữa cho thấy, tham nhũng, tiêu cực không chừa một địa hạt nào, dù đó là giáo dục hay y tế - những lĩnh vực mang tính nhân văn cao, tưởng như miễn dịch với cái xấu, cái ác.

Sức cám dỗ của “miếng bánh” đấu thầu thiết bị giáo dục

Đối với ngành giáo dục, thiết bị dạy học cần thiết như cơm ăn nước uống hằng ngày. Thầy cô lên lớp không thể dạy chay, nhà trường không thể thiếu thư viện, đồ dùng hay mô hình dạy học, thiết bị thí nghiệm và hàng loạt phương tiện, công cụ hỗ trợ khác. Giáo dục càng hiện đại hóa, số hóa thì nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học càng tăng cao.

Bởi thế, việc mua sắm trang thiết bị dạy học luôn được ngân sách nhà nước ưu ái và trở nên hấp dẫn khiến bao kẻ nhòm ngó, tìm cách xà xẻo, chia chác.

Trong vụ án nói trên, mánh lới mà các bị can sử dụng vẫn là những chiêu trò quen thuộc, cấu kết với nhau nhằm nâng khống giá thiết bị giáo dục lên 3-5 lần để rút tiền ngân sách, chia nhau đút túi.

Vì “ăn” tiền quá dễ nên lĩnh vực này trở thành “miếng bánh” hấp dẫn đối với một số quan chức trong ngành vốn quen thói buông liêm sỉ níu lòng tham.

Một chiếc máy tính để bàn giá thị trường 5 triệu đồng nhưng khi đưa vào gói thầu sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên “giá trị gia tăng” chưa dừng tại đó.

Về lý thuyết, hợp đồng ghi chủng loại máy tính với thương hiệu, cấu hình rất oách nhưng khi đến tay người sử dụng thì mới té ngửa ra rằng linh kiện bên trong máy được lắp ráp chắp vá, phần lớn là hàng trôi nổi, hàng Tàu giá rẻ.

Vụ án vừa khởi tố tại Bắc Giang nói trên là một thí dụ. Họ mua bán lòng vòng, móc nối đẩy giá nhưng thiết bị giáo dục mua được lại toàn hàng Trung Quốc.

Còn nhớ, mười mấy năm trước, truyền hình từng phát chuỗi phóng sự về chuyện mua sắm thiết bị dạy học của ngành giáo dục.

Xem phóng sự mà thấy hả dạ, vì nó đã phanh phui những mánh khóe, thủ đoạn móc nối làm ăn của một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp thiết bị dạy học với chất lượng mà khi nhập về chỉ để “cất kho” vì không thể sử dụng được.

Những tưởng, sau loạt phóng sự đình đám đó, cơ quan chức năng sẽ lôi ra ánh sáng những sâu mọt chuyên “ăn” thiết bị trong ngành giáo dục, nhưng buồn thay, tất cả đều rơi vào im lặng.

Để hôm nay, một loạt vụ “rút ruột” thiết bị giáo dục bị lôi ra ánh sáng, mà những kẻ đầu têu không ai khác, đó là những cán bộ có chức, có quyền trong ngành giáo dục – những người từng được các thế hệ đồng nghiệp và học sinh kính trọng.

Lòng tham và sự trả giá

Hồi đầu tháng 9 năm ngoái, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng bị khởi tố có các thuộc hạ của ông Kiên, những người đóng vai trò “rất quan trọng” trong việc thực hiện các gói thầu cung cấp thiết bị dạy học gồm: Trịnh Mạnh Cường, trưởng phòng kế hoạch - tài chính sở; Đinh Văn Hữu, giám đốc Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Điện Biên; Nguyễn Quang Tuyến, phó giám đốc Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Điện Biên.[2]

Trước đó ngày 16/7/2021, C03 khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Thị Hằng, nguyên giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (lúc bị bắt bà Hằng đương chức phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy);[3]

Ngày 25/6/2021, khởi tố bắt tạm giam bà Vũ Liên Oanh, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh (bà Oanh nghỉ hưu năm 2019) và nhiều thuộc cấp khác cùng tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.[4]

Vào Google, gõ cụm từ “hiệu trưởng rút ruột ngân sách” cho ra cả triệu kết quả chỉ sau vài giây. Xin nêu một vài vụ gần đây nhất.

Ông Lê Hữu Rí (59 tuổi, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm) bị kết án 20 năm tù về tội Tham ô tài sản. Ông Rí cùng cấp dưới lập hàng loạt các chứng từ quyết toán khống, "rút ruột" trên 4,6 tỷ đồng, chia nhau xài.[5]

Từ năm 2015 đến 2019, ông Đoàn Thế Nam, hiệu trưởng Cao đẳng nghề Bình Phước thông đồng với hai cấp dưới lập danh sách học sinh, sinh viên trúng tuyển nhiều hơn thực tế 673 người để lấy 6,28 tỷ đồng ngân sách; lập khống danh sách học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách (được Nhà nước chi tiền cơm, tàu xe, đồ dùng cá nhân, bảo hiểm y tế...) trúng tuyển vào trường, để rút ruột hơn 7,7 tỷ đồng.[6]

Trước khi về nghỉ hưu, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk “bắt tay” cùng kế toán lập khống 20 phiếu chi để chiếm đoạt số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.[7]

Các vụ việc nói trên đều liên quan đến lãnh đạo và những cán bộ nắm quyền về tài chính, tài sản. Rõ ràng tham nhũng, tiêu cực chỉ xảy ra ở những người có chức có quyền. Quyền lực không bị “nhốt” nên họ mặc sức tự tung tự tác, sẵn sàng bắt tay với những đối tác chịu chơi.

Lòng tham vô tiền khoáng hậu khiến họ tuột dốc, quẳng hết danh dự, phẩm giá cả một đời nhà giáo.

Làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn này?

Cho đến bây giờ, khi lò thiêu tham nhũng cháy rực, khi lòng tham bắt chết liêm sỉ ngay giữa thanh thiên bạch nhật thì những quan chức giáo dục thoái hóa biến chất như Bùi Thị Huế, Nguyễn Văn Kiên, Vũ Liên Oanh, Phạm Thị Hằng,… từng danh giá một thời mới bị lộ.

Họ, chứ không phải ai khác, chính là thủ phạm đã dung dưỡng dối trá và gian lận, kéo lùi sự phát triển của giáo dục, khiến đạo đức trong nhà trường xuống cấp.

Họ đã phải trả giá nhưng hậu quả để lại cho ngành, tác động xấu đến môi trường giáo dục thì không dễ gì một sớm một chiều khắc phục được.

Làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, tiêu cực nói chung và ngành giáo dục nói riêng là câu hỏi lớn đặt ra cấp bách hiện nay.

Chúng ta có trong tay tất cả - Hiến pháp và pháp luật, các văn bản dưới luật, các quy định của Đảng, định chế của ngành, địa phương – nhưng rốt cuộc, tham nhũng tiêu cực vẫn chưa thể khắc chế được, thậm chí ngày càng ngang nhiên, nguy hiểm như vụ Việt Á diễn ra mới đây.

Tại sao vậy?

Câu trả lời trước hết là con người. Soi lại các vụ án tham nhũng thì thấy, những kẻ nhúng chàm đã bất chấp luật pháp và kỷ luật Đảng, tự cho mình quyền định đoạt mọi việc, kể cả rút ruột ngân sách thông qua những dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị.

Cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ hiện nay đang lộ rõ những bất cập. Sự không minh bạch, thiếu cạnh tranh lành mạnh cộng với nạn chạy chức chạy quyền đã để lọt vào hàng ngũ cán bộ những kẻ cơ hội, không đủ năng lực và phẩm chất đạo đức.

Tại phiên thảo luận sáng 5/11/2019 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã nêu vấn đề: "Chợ đen" mua quan bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua, ai bán, chỉ biết dư luận râm ran "chợ đen" này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử, Đại hội".[8]

Cũng tại phiên họp đó, đánh giá việc xét xử một số vụ án lớn thời gian qua, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng vẫn chưa triệt để, còn vùng cấm “giơ cao đánh khẽ”.

Nhiều vụ trọng án, sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng đối tượng phạm tội chỉ bị xử phạt mấy năm tù, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế chỉ đạt 5%.[9]

Có thể lấy vụ ông Tất Thành Cang làm minh chứng. Chỉ một bút phê “Đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ cho Sadeco, bỏ qua đấu giá giá trị cổ phần, ông Tất Thành Cang khiến nhà nước thất thoát số tiền 1.103 tỷ đồng. Vậy ông ta chỉ bị phạt tù 10 năm [10] liệu có đủ răn đe kẻ khác?

Xử phạt không đủ sức răn đe càng khiến tội phạm tham nhũng, tiêu cực không biết sợ. Chưa bao giờ những kẻ thoái hóa biến chất lại “thấm” câu “Hy sinh đời bố củng cố đời con” như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/truong-pho-phong-nang-khong-gia-tri-thiet-bi-giao-duc-gap-5-lan-post223797.gd

[2] https://tuoitre.vn/bat-giam-doc-so-giao-duc-dao-tao-tinh-dien-bien-20210923122217987.htm

[3] https://tuoitre.vn/bat-tam-giam-nguyen-giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-thanh-hoa-20210716192301016.htm

[4] https://laodong.vn/phap-luat/bat-nguyen-giam-doc-so-gddt-quang-ninh-vu-lien-oanh-va-nhieu-bi-can-924110.ldo

[5] http://baovinhlong.com.vn/phap-luat/201807/xet-xu-vu-tham-o-o-truong-thpt-vo-van-kiet-hieu-truong-chi-dao-thuoc-cap-lap-hang-loat-chung-tu-khong-rut-ruot-ngan-sach-2903097

[6] https://vnexpress.net/hieu-truong-lap-khong-danh-sach-rut-ruot-14-ty-dong-4395291.html

[7] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-ke-toan-cao-dang-su-pham-dak-lak-lap-khong-phieu-chi-lay-1-8-ty-post218982.gd

[8] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/du-luan-ram-ran-cho-den-mua-quan-ban-chuc-nhon-nhip-dip-dai-hoi-585076.html

[9] https://vtv.vn/chinh-tri/vi-sao-ti-le-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-con-thap-20211025121416323.htm

[10] https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/but-phe-cua-ong-tat-thanh-cang-khien-nha-nuoc-mat-hon-1-100-ty-dong-804206.html

Hoàng Anh

26/01/2022 07:30 

Nguồn: Theo GDVN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire