Tác giả: David Brown
Song Phan, chuyển ngữ
15-3-2022
Hè năm ngoái, cơ quan năng lượng Việt Nam tìm cách phớt lờ các chỉ đạo của cấp cao nhất trong việc đưa đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác. Tất nhiên, vì quyền lợi và kiểm soát các ngân khoản lớn sẽ bị đe dọa.
Tuy nhiên, sau một thập niên thất bại của giới quản lý trong việc cung cấp năng lượng và không khí sạch, nhiều người Việt mong muốn khai thác tối đa nguồn tài nguyên nắng và gió dồi dào của đất nước.
Và, tại COP26 (hội nghị thượng đỉnh khí hậu diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái), Thủ tướng đã gạt bỏ mọi nghi ngờ về con đường mà đất nước đang hướng tới: Ông cam kết Việt Nam sẽ trung hòa carbon (net zero carbon) vào năm 2050.
Việt Nam là đất nước có gần 100 triệu dân, một nước nhiệt đới hẹp về bề ngang, trải dài dọc theo bờ Tây của biển Đông. Suốt một phần tư thế kỷ, nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm hơn 6%. Đồng đô la đầu tư đổ vào vì các tập đoàn đa quốc gia nhận thấy rằng công nhân Việt Nam rất giỏi làm những sản phẩm mà thế giới bên ngoài muốn tiêu thụ.
Từ năm 2110, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã là ‘nước có thu nhập trung bình’. Các nhà lãnh đạo Viêt Nam nhắm mục tiêu cao hơn. Mục tiêu cho Việt Nam, được Đại hội Đảng Cộng sản đặt ra vào tháng 1 năm 2021, sẽ trở thành “nước phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045, với thu nhập bình quân đầu người là 18.000 đô la Mỹ.
Điều đó khó có khả năng xảy ra trừ khi Việt Nam không phụ thuộc vào than trong việc cung cấp điện. Hệ thống lưới điện quốc gia đang hoạt động quá công suất và ngành năng lượng phụ thuộc rất nhiều vào điện than. Năm 2021, Việt Nam sản xuất 141 gigawatt-giờ điện từ than. Trên toàn thế giới, chỉ có tám quốc gia đốt nhiều than như thế.
Cách đây 18 tháng, Mongabay đưa tin, giới lãnh đạo Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận rằng việc phụ thuộc vào than đá là trở ngại chính cho việc tìm kiếm một cuộc sống chất lượng cao, lâu bền. Song song đó, các nhóm xã hội dân sự như Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã thuyết phục một số lớn thường dân rằng chỉ những thay đổi sâu rộng trong chính sách năng lượng mới có thể đảo ngược chất lượng môi trường đang trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, gần đây nhất là hồi mùa hè và mùa thu năm ngoái, các nhà hoạch định năng lượng vẫn đang đấu tranh chống lại việc loại bỏ các chính sách lấy than làm trung tâm. Những người được đào tạo ở Liên Xô thời kế hoạch hóa tập trung, vốn là phe cánh của các quan chức cấp cao nằm trong Bộ Công Thương và trong ba doanh nghiệp nhà nước lớn – Vinacomin (than), EVN (điện lực) và PetroVietnam (dầu khí). Vì vậy, không chút ngạc nhiên khi nhiều người trong cơ quan năng lượng hoài nghi về cách tiếp cận mới và các loại công nghệ không quen.
Điều đó dường như giải thích vì sao hồi tháng 10 năm 2021, Bộ Công Thương chuyển cho Văn phòng Thủ tướng Chính phủ một kế hoạch phát triển điện lực được soạn thảo lại trái ngược hẳn Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị, được ban hành trước đó 18 tháng.
Các kế hoạch toàn diện là đặc điểm thường xuyên của quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Giống như các kế hoạch trước đây, kế hoạch ngành năng lượng mới, gọi tắt là PDP-8, là đưa ra các mục tiêu chi tiết trong thời gian từ bây giờ đến năm 2030 và ‘tầm nhìn’ trong 15 năm sau đó.
Điển hình là cơ quan năng lượng đã quyết định những gì cần phải làm để đáp ứng nhu cầu điên lực sắp tới. Trong những thập niên đầu tiên sau khi Việt Nam thống nhất, kế hoạch năng lượng chú trọng đến thủy điện, than đá, và sau đó là khí đốt tự nhiên từ các mỏ ngoài khơi. Dần dà, những thứ này đã được khai thác hết mức. Sự chú ý chuyển sang năng lượng hạt nhân trong một thời gian. PDP-7 (2010) dự kiến sẽ xây dựng cả chục nhà máy điện hạt nhân.
Giấc mơ hạt nhân của cơ quan năng lượng không kéo dài; nó đã bị xếp xó vài năm sau đó vì quá đắt đỏ, thời gian thành hình lâu và sau thảm họa Fukushima của Nhật Bản, rất ít công chúng Việt Nam ưa chuộng. Các nhà hoạch định kết luận rằng, để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng mạnh, Việt Nam phải đầu tư thêm nhiều nhà máy điện than hơn nữa, và nhanh chóng thực hiện ngay khi có thể thu xếp được các nhà đầu tư và nguồn tài chính. Bản sửa đổi năm 2016 của PDP-7 dự báo rằng, đóng góp của than vào nguồn cung cấp năng lượng quốc gia sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên 55% vào năm 2025.
Việc Việt Nam đặt cược vào than đá đối đầu trực diện với mối lo ngại đang gia tăng về tác động của biến đổi khí hậu. Các ngân hàng phát triển quốc tế, từng ngân hàng một đã tuyên bố ngưng tài trợ cho CFPP; đến năm 2020, chỉ có một số nhà cho vay Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc xem xét trợ vốn các dự án kinh doanh mới ở Việt Nam hoặc ở nước khác. Mặc dù trong năm 2018, Việt Nam có thêm 32 gigawatt công suất phát điện đốt than đang được xây dựng hoặc theo kế hoạch, hầu hết các dự án này đều bị chậm tiến độ hay sẽ sớm bị hủy bỏ vì thiếu nhà đầu tư.
Cơ quan năng lượng Việt Nam đã cạn kiệt ý tưởng và uy tín. Mặc dù đất nước này được đặc biệt ưu đãi với bức xạ mặt trời và nguồn gió ổn định trên biển Đông, cả Bộ Công Thương lẫn EVN đều không quan tâm thật sự đến công nghệ điện tái tạo. Thay vào đó, họ một mực cho rằng nguồn điện dao động theo ý muốn của Mẹ Thiên nhiên sẽ làm lưới điện quốc gia mất ổn định.
Nhờ có một liên minh không chính thức của các bên liên quan – các quan chức địa phương, các nhà khoa học, doanh nhân, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài, và các nhóm xã hội dân sự cùng chí hướng – thúc đẩy sự thay đổi chấn động trong định hướng chính sách được báo vào tháng 2 năm 2020 bằng NQ-55 của Bộ Chính trị. Vào cuối năm đó, Mongabay đưa tin rằng PDP-8 sẽ tập trung vào việc triển khai nhanh chóng điện mặt trời và điện gió, sử dụng LNG (khí tự nhiên hoá lỏng) trong nước và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cân bằng, xây dựng mạng lưới truyền tải điện quốc gia và thị trường hóa cung cầu năng lượng.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hồi hè năm 2021, cam kết đó đã không còn chắc chắn. Bộ Công Thương ban đầu có vẻ chấp nhận chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhưng bây giờ họ đang lưu hành một dự thảo PDP-8 khác. Khi GreenID có được một bản sao, giật mình khi thấy những đoạn giải thích tại sao các nguồn điện tái tạo, theo quan điểm của Bộ Công Thương, là không đáng tin cậy và chắc chắn sẽ gây mất ổn định lưới điện Việt Nam. Do đó, các dự tính về điện gió và đặc biệt là điện mặt trời đã bị cắt giảm. Để bù vào chỗ thiếu hụt, Bộ Công Thương đã dự thảo tăng gấp đôi công suất nhiệt điện than – đạt được một cách kỳ diệu qua việc tìm ra các nhà đầu tư cho các dự án CFPP vốn đã được phê duyệt nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn tài chính.
Thông tin về điều nói trên không được các phương tiện truyền thông quốc gia loan báo. Không nản lòng, GreenID đã thực hiện một bước táo bạo khi đăng nội dung một bức thư của giám đốc điều hành, bà Ngụy Thị Khanh, gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính. Bà Khanh cảnh báo, nếu dự thảo của Bộ Công Thương được thực hiện, năng lượng hóa thạch sẽ chiếm 68% sản lượng điện quốc gia vào năm 2030, và “Việt Nam có nguy cơ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế”.
Hai tuần sau đó, Thủ tướng đến Glasgow dự COP26. Ở đó, ông đã gây chú ý toàn cầu khi cam kết dứt khoát rằng Việt Nam sẽ đạt được mức phát thải CO₂ ròng bằng số 0 vào năm 2050. Vài ngày sau, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham gia cùng 40 quốc gia cam kết loại bỏ dần việc sử dụng than vào năm 2040.
Đối với Việt Nam, cam kết về than tương đương với cam kết loại bỏ khoảng 30
CFPP. Hầu hết sẽ rất sớm trước khi chúng đến hạn ngưng hoạt động. Hơn 80%
CFPP hiện tại của Việt Nam đã được đưa vào hoạt động trong mười năm qua. Một số
ít khác đang được xây dựng. Một số khác vẫn chưa được xây dựng, mặc dù được
liệt kê là bảo đảm nguồn tài chính. Carbon Tracker, một nhóm chuyên gia
theo dõi carbon, tính toán, vào giữa năm 2021 rằng 99% các dự án than mới của
Việt Nam, các dự án liên doanh dự định tăng thêm 23,4 gigawatt công suất mới,
sẽ có tổng số chi phí cao hơn khi so sánh với năng lượng sạch. Vì
vậy – điều này tuy hiển nhiên với tất cả mọi người bên ngoài trừ
cơ quan năng lượng của Việt Nam – thật ảo tưởng khi mong đợi những CFPP
này sẽ được xây dựng.
Dự phòng trường hợp các quan chức trong Vụ Năng lượng của Bộ Công Thương chưa biết rằng dự thảo mới về PDP-8 của họ đã bị loại khi chuyển đến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã gặp các cán bộ cấp cao tại Bộ vào ngày 11 tháng 11. Ông nói với họ bằng lời lẽ không lầm lẫn được là, phải tìm ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp với cam kết COP26 của Việt Nam. Và sau đó, ngày 11/1, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Việc đáp ứng các cam kết COP26 đó sẽ không dễ dàng, nhưng có thể thực hiện được. Trong lần sửa đổi tiếp theo (và có lẽ là cuối cùng) của PDP-8, có khả năng sẽ tập trung nhiều vào việc khai thác các khoản vay của quỹ phát triển quốc tế để mở rộng và xây dựng lại lưới điện quốc gia. Điều này hết sức cốt yếu để các nhà quản lý lưới điện có thể cân bằng những biến động trong việc cung cấp điện mặt trời và điện gió.
Tiến sĩ David Dapice, là người đã theo dõi chính sách năng lượng của Việt Nam từ thập niên 1980, cho biết, sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc vận hành thêm các nhà máy nhiệt điện. Việc kết hợp công suất năng lượng mặt trời và gió hiện có và dự kiến với khả năng tích trữ của pin được cải thiện và rẻ hơn, sẽ cho phép điện mặt trời và gió với giá qua đấu giá có thể phân phối được và cạnh tranh về chi phí với than đá. Ông ấy nói, đó là lý do tại sao các kế hoạch đầu tư phải đáp ứng với các phát triển mới về chi phí và công nghệ.
Tiến sĩ Dapice cũng tin rằng, Việt Nam có thể làm giảm cường độ về năng lượng cho tăng trưởng kinh tế, theo công ty British Petroleum là cao nhất thế giới trong thập niên qua. Và theo nhận xét của Dapice, Việt Nam có rất nhiều cách để tiết kiệm. Kể từ năm 2010, mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Việt Nam tăng gần 10% hàng năm – nhanh hơn GDP từ 3 đến 4 điểm phần trăm. Ông nói, bằng cách áp dụng và thích ứng các kỹ thuật bảo toàn năng lượng thường sử dụng ở Trung Quốc, Việt Nam sẽ không cần năng lực phát điện mới trong những thập niên tới.
Trước khi bác bỏ ý kiến của Vụ Năng lượng, thuộc Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải chắc chắn được Bộ Chính trị Việt Nam tiếp tục hậu thuẫn. Can thiệp của ông Chính dường như đã khẳng định hướng phát triển điện lực của Việt Nam. Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời đã khiến những người ủng hộ năng lượng xanh trên toàn quốc phải sững sờ: Tại sao nhà lãnh đạo uy tín của Green ID lại bị bắt chỉ vài tháng sau khi bà công bố bức thư về sự trao đổi năng lượng xanh bằng than trong dự thảo của các quan chức năng lượng tại Bộ Công Thương? Cáo buộc đối với bà Ngụy Thị Khanh là tội trốn thuế. Theo các nguồn tin địa phương, có vẻ như khi được trao giải Goldman 2018 – còn được gọi là “Nobel Xanh” – bà Khanh đã không nộp thuế trước khi chuyển 200.000 đô la tiền thưởng của mình vào tài khoản của GreenID.
GreenID được cho là nhóm xã hội dân sự hiệu quả nhất của Việt Nam. Việc bắt giữ bà Khanh diễn ra ngay sát sau vụ bắt giữ hai nhà vận động năng lượng sạch nổi tiếng khác, cũng với tội danh trốn thuế, đã khiến cộng đồng các tổ chức phi chính phủ trên toàn quốc rúng động.
Ai đã ra lệnh bắt bà Khanh và tại sao? Điều đó vẫn còn là một bí ẩn. Bà Khanh có xúc phạm thủ tướng trong quá trình kích động dư luận ủng hộ đường hướng loại bỏ carbon mà ông ta hiện đang tán thành không? Chắc là không. Nhiều khả năng, bà ấy đã quá táo bạo và thành công đối với khẩu vị của đảng cầm quyền ở Việt Nam, một nhóm theo chủ nghĩa Lenin vốn không thích bị người dân bình thường cạnh tranh, giành lấy sự chú ý.
15/03/2022
_______
Tác giả: David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, có nhiều bài viết về các vấn đề chính sách công ở Việt Nam. Bản dịch này đã được ông Brown chỉnh sửa, dành cho độc giả người Việt, có thể có vài chi tiết khác với bản tiếng Anh.
https://baotiengdan.com/2022/03/15/lanh-dao-viet-nam-tu-bo-than-da/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire