10/08/2011

TƯ CÁCH NHÀ CẦM QUYỀN

 Nhà cầm quyền của chúng ta tức là Nhà Nước hay còn gọi là chính quyền, tức là nhà cầm quyền đứng về phía chính nghĩa của nhân dân, là do dân, vì dân. Có cầm quyền đi nữa thì cũng phải đứng trong khuôn khổ pháp luật, hành xử với dân theo pháp luật. Nhà cầm quyền phải tạo điều kiện để toàn bộ công dân của mình được đối xử bình đẳng, có trách nhiệm thương yêu bảo bọc từng công dân như cha mẹ chăm lo bảo bọc con cái, đứa nào ngoan thì thưởng, đứa nào hư thì phạt- phạt nhưng không thù ghét- mà thưởng phạt thì phải công bằng trong phạm vi đều chỉnh của pháp luật.
Trong một gia đình chỉ có vài đứa con, thì mỗi đứa đã mỗi ý, không có đứa nào rập khuôn suy nghĩ với đứa nào hoặc với cha mẹ. Do vậy mà một đất nước có đến 85 triệu dân thì không thể nào có tất cả 85 triệu ý chí răm rắp rập theo một khuôn.

Chưa có nhà cầm quyền nào trên thế giới từ xưa đến nay tự nhận rằng mình là đại diện ý chí của toàn dân. Nhà cầm quyền chỉ đại diện cho ý chí của đa số dân, thiểu số dân còn lại không cùng ý chí với nhà cầm quyền nhưng họ chấp nhận tôn trọng ý chí của số đông . Và ngược lại, nhà cầm quyền của số đông cũng tôn trọng ý chí của thiểu số công dân còn lại, nghĩa là cho phép họ tự do nêu lên ý kiến khác của họ trong khuôn khổ pháp luật.
Nhà cầm quyền của chúng ta đã đại diện cho ý chí của số đông dân chúng hay chưa thì chưa xác định được vì bầu cử của chúng ta và hoạt động nghị trường còn lắm vấn đề. Nhưng dầu có đại diện hay không đại diện cho ý chí của số đông dân, thì ý chí của số dân còn lại cũng phải được tôn trọng, kể cả số dân còn lại chỉ là một người. Người đó được hưởng mọi quyền lợi bình đẳng với toàn bộ dân chúng còn lại, họ được quyền sinh sống làm ăn trên đất nước nầy- vì đất nước nầy là của họ, họ cũng được chính quyền nầy chăm lo bảo vệ, bởi lẻ họ cũng chấp nhận chính quyền nầy và luật pháp của chính quyền nầy.
Lý lẻ của chính nghĩa là vậy nhưng thực tế chính quyền của ta đã không chấp nhận những công dân khác ý kiến. Những công dân để lộ ra ý kiến khác với chính quyền đều bị đối xử thiếu bình đẳng và, bằng cách nầy cách khác, đẩy họ vào vòng lao lý. Do vậy mà rất nhiều người dân khác ý kiến sợ bị tù đày đã phản ứng  lại chính quyền một cách tiêu cực là bỏ tổ quốc để ra đi. Năm 1954 có hơn một triệu người miền Bắc đào thoát vào Nam và sau năm 1975 có hàng triệu người dân khác chấp nhận hiểm nguy, đào thoát ra nước ngoài, từ bỏ quốc tịch để xin làm công dân ở các đất nước xa lạ.
Những người bất đồng ý kiến khác còn lại trong nước không dám lộ ý kiến của mình ra vì họ cứ tưởng rằng hoặc chính quyền làm cho họ tưởng rằng, bất đồng ý kiến là phạm pháp. Tuy vậy vẫn có người am hiểu pháp luật, thấy việc nêu ý kiến bất đồng của mình ra là hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Đó là trường hợp của Hoàng Minh Chính, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Lý, Trần Khải Thanh Thủy, Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu, Thích Quảng Độ, Điếu Cày, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Cù Huy Hà Vũ....
Hầu hết những công dân trên đều bị chính quyền quản thúc hoặc bị kết tù vì những lý do nầy khác.
Trong những trường hợp trên, thì mới nhất và nóng nhất là trường hợp Cù Huy Hà Vũ. Ông là con đẻ của chế độ lại là người rất am hiểu pháp luật nên ông nêu những ý kiến bất đồng của mình một cách đúng luật. Sự hiểu biết của ông đã gây khó khăn cho chính quyền trong việc bắt giữ và kết án ông như những người bât đồng ý kiến khác.
Vì vậy mà xảy ra vụ án hai bao cao su đã qua sử dụng. Nhân viên công lực xông vào phòng riêng của ông Vũ một cách bất hợp pháp rồi bắt giữ ông với lý do: Có người phụ nữ trong phòng và có hai bao cao su đã qua sử dụng trong giỏ rác. Sau đó lại đưa ông ra tòa với tội danh chống lại nhà nước mà cả hai phiên tòa xét xử ông  đều vi phạm luật tố tụng hình sự.  Một nhà cầm quyền chân chính không thể có những hành xử quy chụp mờ ám và xét xử  thiếu công bằng như vậy đối với người dân của mình.
Chưa hết, VTV là một cơ quan của chính quyền đã vi phạm luật báo chí khi xâm phạm vào đời tư của ông Vũ, sau khi ông đã bị kết án, bằng một phóng sự với nhiều chi tiết bị bóp méo. Phải chăng chinh quyền đã biểu lộ lòng thù ghét của mình đối với một người dân đã bị phạt bằng án tù?  Một nhà cầm quyền chân chính không có những hành xử cảm tính như vậy.
Tất cả những gì đối phó với Cù Huy Hà Vũ mới đây và những công dân bất đồng ý kiến khác trước đây, làm cho mọi người nghĩ rằng chính quyền đã xem họ là kẻ thù chứ không phải là người dân trong nước. Một nhà cầm quyền chân chính thì không làm những điều như vậy.
Mọi ứng xử của nhà cầm quyền với mọi người dân đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, đều phải quang minh chính đại.  Đó là tư cách cao quý của một nhà cầm quyền chân chính.

5 commentaires:

  1. Theo cảm nhận của tôi, bài viết này đã thể hiện quan điểm và chính kiến của Anh. Cám ơn Anh đã viết ra những điều mà nhiều người cùng nghĩ về, nhưng chưa tiện nói! (Một GV vật lý)

    RépondreSupprimer
  2. Những suy nghĩ liên tục bung ra của anh chắc là sự nghiền ngẫm, dồn nén đã lâu, quả thật sâu sắc. Em phục bác quá.

    RépondreSupprimer
  3. cám ơn hai Bác đồng nghiệp và đồng ý kiến(gọi là đồng chí). đó chỉ là những tâm sự lúc buồn vui

    RépondreSupprimer
  4. "...Mọi ứng xử của nhà cầm quyền với mọi người dân đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, đều phải quang minh chính đại. Đó là tư cách cao quý của một nhà cầm quyền chân chính."

    Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này của bác Chênh, đọc bài này của bác thấy mản nguyện nhưng tôi cũng vô cùng lo lắng cho bác. Vì sao tôi lo có lẽ bác Chênh hiểu ý tôi mà phải không bác?

    Chúc Bác và gia đình luôn mạnh khỏe và an lành!

    Kính Bác!

    RépondreSupprimer
  5. Chim ưng thì không hiểu nổi chim sẻ!"Hai bao cao su đã qua sử dụng" chỉ là lá bài tâm lý chia rẻ vợ chồng Cù mà thôi, theo chim sẻ thì vợ nào vợ không ghen khi nghe tin chồng ngoại tình. Gặp vợ như Dương Hà rất tin chồng và biết âm mưu của chim sẻ nên không tin. Thế là Hai bao cao su bị lờ đi. Hiểu chửa?

    RépondreSupprimer