02/09/2011

NGÀY ĐỘC LẬP NGHĨ VỀ ĐỒNG BÀO Ở XA.

Đồng bào ở xa là những người ruột thịt của chúng ta vì những lý do nào đó phải rứt ruột bỏ quê hương ra đi, tìm đất sống nơi xứ lạ quê người.
Họ ở xa quê mà lòng dạ lúc nào cũng đau đáu hướng về quê nhà. Mỗi người mỗi kiểu, tấm lòng cao quý ấy được thể hiện ra dưới muôn màu, muôn vẻ. Có người yêu quê bằng cách làm ra thật nhiều tiền để lôi hết "quê hương" mình về với mình. Quê hương đó là cha mẹ, anh em, bà con, mái tranh nghèo, lu nước mưa, giàn bí, luống rau, lọ mắm, bàn thờ tổ tiên...họ mang tất tần tật qua ngay chỗ xứ lạ quê người mà họ đang sinh sống để đi ra đi vào nhìn thấy mà xoa dịu bớt những cơn nhớ quê quặn ruột. Có người yêu quê hương, cố dành dụm những đồng tiền khó nhọc làm ra, để hằng năm bay về với đất tổ quê cha. Có người dành dụm tiền nong để mỗi khi nghe quê nhà bị thiên tai trắc trỡ gởi ngay về cứu giúp. Có người học cao hiểu rộng, nắm được công nghệ tiên tiến của thế giới chịu nhọc nhằn tìm cách xin xỏ nhà cầm quyền VN để chuyển giao về cho đất nước.

Tôi cũng từng gặp một vài người ra đi sau 75 tại Mỹ, họ thề không bao giờ trở lại VN, nhưng mỗi tháng họ cũng trích một ít từ thu nhập của mình để gởi về quê nhà. Tôi hỏi, ông đã bảo lãnh hết bà con giòng họ của ông qua đây không sót một người sao mà hàng tháng còn gởi tiền về quê. Người ấy ngậm ngùi, thì cũng phải tìm ra một đứa bạn nào đó gởi về để mà còn có sự liên lạc nào đó với quê nhà.

Tôi có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, đi đến nơi nào rồi cũng gặp được đồng bào ruột thịt của mình. Ở tận Santa Fe của bang New Mexico thưa thớt bóng người thế mà tôi cũng gặp được quán ăn Việt Nam có tên Cà phê Saigon do hai vợ chồng gốc Sài Gòn làm chủ. Vào tối cuối tuần, khách hàng vào ăn phải đứng xếp hàng chờ chỗ ra đến tận bên ngoài sân, dưới trời lạnh 0 độ C. Bận rộn đến là vậy nhưng nghe bọn tôi từ VN qua cả hai vợ chồng bỏ hết đến vồ vập đón chào. Họ ở vào cái vùng mà bà con gốcViệt bên đó cũng hiếm huống chi là người Việt chính gốc từ VN qua như chúng tôi (nhìn vào thực khách đang ngồi ăn và đang xếp hàng chờ, chúng tôi biết được người Việt ở đây rất hiếm hoi)
Tôi gặp đồng bào mình không mấy khá giả, chưa nói là nghèo khó, ở Nepal xa xôi. Họ cùng nhau gom góp những đồng tiền kiếm được vô cùng khó khăn để xây một ngôi chùa kiểu VN thật to đẹp hầu không thua kém những ngôi chùa đồ sộ kiểu Hoa (do nhà nước TQ chi tiền), kiểu Nhật (do các đại tài phiệt bên nhà chi tiền), kiểu Thái...Tấm lòng yêu nước của họ là vậy. Có khó khăn nhưng cũng không để người khác coi thường hình ảnh quê hương.
Ở trên tôi đã dùng từ "xin xỏ" để được chuyển giao công nghệ về nước là bởi tôi đã từng gặp nhiều người Việt cực kỳ tài giỏi ở nước ngoài, họ tâm sự : Về VN chỉ để vui chơi thì rất dễ dàng, còn muốn gặp gỡ tiếp xúc với sinh viên, muốn trao đổi chuyên môn với các nhà nghiên cứu, giáo sư, giảng viên tại các trường đại học, các viện nghiên cứu sao mà khó khăn, phức tạp. Trong thư ngõ gởi lãnh đạo VN của những nhà trí thức hải ngoại đã không nói là có đến 300.000 trí thức hải ngoại nhưng mỗi năm chỉ chưa đến 500 lượt người về chuyển giao công nghệ đấy sao.
 Đọc thư ngõ ký tên 36 trí thức Việt Nam ở hải ngoại gởi cho lãnh đạo ta, không ai không khỏi kính phục, trân trọng và quý mến tấm lòng của họ đối với quê hương. Các vị đó phần lớn là những đại trí thức, là tinh hoa của Sài Gòn trước 75. Họ đã được đào tạo và thành danh ở nước ngoài nhưng họ vẫn về lại Việt Nam để cống hiến. Họ là những bậc trí giả đứng đầu các ngành học quan trọng ở VN trước 75. Sau 75, vì lý do nầy khác họ phải ra đi và ngay tức khắc ở nước ngoài họ được trọng dụng. Nhìn những công việc mà họ đã kinh qua ta thấy ngay điều đó.
Mấy chục năm nay ở nước ngoài các vị ấy chỉ làm công việc chuyên môn, họ có một cuộc sống ổn định, chưa nói là trên mức sung túc vì được nước sở tại đãi ngộ tương xứng với tài năng mà họ có. Hầu hết các vị ấy cũng đã đến tuổi xuất thế rong chơi an hưởng cảnh nhàn.
Thế nhưng, vận nước đến lúc nguy nan, bên trong kinh tế đang sa sút, lòng dân ly tán, bên ngoài bọn thực dân mới phương bắc đang lồng lộn lên vì quá khát khao bành trướng, các vị ấy không thể nào yên tâm nhắm mắt làm ngơ để an hưởng tuổi già. Các vị đã rút ruột gan ra mà viết kiến nghị gởi về quê nhà. Trời ơi, tấm lòng của đồng bào ta đối với quê hương sao mà dạt dào và đau đáu thế. Các vị có thể không cần phải lo, đất nước đã có người lo....Ấy sao mà các vị vẫn cứ lo là sao?!
Đất nước đã độc lập, đã thống nhất, đã về một mối. Đồng bào ta ở khắp mọi nơi, kiểu nầy kiểu khác, vẫn cứ chung một mối vì như cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã nói đất nước nầy đâu của riêng ai. Nhưng 66 năm qua rồi, thế giới nhờ vào kỹ thuật đã xít gần lại nhau, đồng bào ở nơi xa xăm nào cũng gần sát với quê hương, nhưng sao vẫn có những bức tường vô hình ngăn cách chúng ta ra xa nhau vậy nhỉ?  66 năm qua rồi mà sao lòng người vẫn ly tán?
Nền độc lập mà chúng ta giành được bằng máu, nước mắt, bằng cách thức đúng đắn pha lẫn những sai lầm đang đứng trước tình thế hiểm nghèo. Nền độc lập ấy như ngàn cân treo sợi tóc. Đến lúc không thể để cho lòng đồng bào ta ly tán nữa. Những bức tường ngăn cách còn duy trì vào lúc nầy là có tội với lịch sử, với con cháu mai sau.

7 commentaires:

  1. Hòa giải dân tộc, tẩy hết hận thù của quá khứ để toàn thể người VN cùng đồng lòng xây dựng đất nước là vấn đề mà nhiều người đang rất muốn nhà nước ta thực hiện, nhưng nhà nước vẫn chưa thể. Sự phân biệt ta-ngụy (SG cũ) vẫn còn, lý lịch bị xem xét đến ba bảy đời khi xét vào đảng hoặc vào những ngành được cho là nhạy cảm như quân đội, công an. Chưa kể những người từng ở chiến tuyến bên kia mà nay đã 36 năm trôi qua vẫn đang bị coi như là những kẻ phản động thì làm sao mong đến sự hòa hợp dân tộc.

    Một khi cái đầu chưa rũ bỏ được ý thức hệ mang tính bảo thủ, sợ sệt thì chưa thể dám mơ đến một sự hòa giải dân tộc vì mục tiêu xây dựng đất nước.

    RépondreSupprimer
  2. Chính sự thành công của họ nơi xứ người đã khiến lòng xót xa cho đất nước mình.

    Những nhân vật sau năm 75 mà anh đề cập đến thuộc thế hệ "tỵ nạn" thứ nhất thôi. Thế hệ thứ 2 còn nhiều con cháu tài giỏi hơn nữa.

    Nhưng VN đối với các cháu đã trở thành "xa lạ".

    Buồn thay, vì chúng ta đã không "mở cửa lòng" đủ rộng để đón anh em

    RépondreSupprimer
  3. Một bài viết sắc sảo tuyệt vời.

    RépondreSupprimer
  4. Bưởi Biên Hòa3 septembre 2011 à 03:12

    Tôi nghĩ rằng tôi hiểu ý của tác giả Huỳnh Ngọc Chênh. Bài viết có phần nào làm tôi cảm động. Nhưng có lẽ không mấy người trong chúng ta hiểu hoặc chịu hiểu đồng bào mình ở nước ngoài. Câu hỏi:
    "66 năm qua rồi mà sao lòng người vẫn ly tán?"
    là một câu hỏi mà có lẽ chưa có ai trong chúng ta đủ can đảm để nói ra câu trả lời của mình. Các bạn thử đọc một bài viết dưới đây, trong bài viết này tác giả đã không trả lời trực tiếp lý do mà lại trả lời một cách giáng tiếp nhưng rất là rõ ràng, và qua đó chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào tâm trạng của đồng bào mình ở xa quê hương vì "lý do này lý do khác".

    http://thetiensa.blogspot.com/2011/07/noi-en-chuyen-hoa-hop-hoa-giai-dan-toc.html

    RépondreSupprimer
  5. Cám ơn anh Chênh về bài viết này, vì anh đã viết cho tôi, người duy nhất còn lại ở VN, và tất cả các anh chị em ruột tôi, những người ly hương bất đắc dĩ nhưng lòng không bao giờ nguôi giấc mộng hồi hương ...

    RépondreSupprimer
  6. Ce commentaire a été supprimé par l'auteur.

    RépondreSupprimer
  7. Vì ...sợ !
    Nhưng sợ cáo gì ? không biết, chỉ biết sợ... biết đâu... ! không nhẽ... họ tốt vậy (suy bung ta ra bụng người) ?

    RépondreSupprimer