26/04/2012

ĐỖ TRUNG QUÂN: TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN

Bài “Tạ lỗi Trường Sơn” Đỗ Trung Quân viết năm 1982, sau khi đi Thanh Niên Xung Phong về, đã qua chiến trường Campuchia, sau "Những bông hoa trên tuyến lửa". Bài thơ này được anh Hoàng Ngọc Biên và dịch giả Diễm Châu [ đã qua đời] đưa vào danh mục SẼ IN của nhà xuất bản Trình Bày với cái tên Chung Do Kwan. Nhưng sau đó dịch giả Diễm Châu mất, nhà xuất bản cũng bận nhiều cho việc biên dịch văn chương và tác giả bài thơ sống ở Việt Nam nên chưa chọn được thời điểm thuận tiện để in (dưới tên Chung Do Kwan như là một tác giả Châu Á là cách bảo vệ tác giả của nhà Trình Bày). Việc công bố nó sau 27 năm [ 1982- 2009] là chính tác giả công bố trên blog Chung do kwan của mình. Bài thơ viết khi 27 tuổi, 27 năm sau mới trình diện được .




Tạ Lỗi Trường Sơn
             Đỗ Trung Quân (1982)

1.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục,ăn chơi
“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ

Các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.
Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
Có anh thợ điện ra đi không về
Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ
Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
Tội nghiệp những người Sài Gòn đi xa
Đi từ tuổi hai mươi
Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc
Có ai hỏi những hàng dương xanh
Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước
Tội nghiệp những đêm Sài Gòn đốt đuốc
Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không
Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
Những vị giáo sư trên bục giảng đường
Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc
Sài Gòn của tôi – của chúng ta.
Có tiếng cười
Và tiếng khóc.

3.
Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người
giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện
Những gã du đãng giang hồ
cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hi sinh…

4.
Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân danh Hà Nội
Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời
Chửi hả hê
Chửi vào tên những làng quê ghi trong lí lịch của chính mình
Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
Những bà mẹ làm ra hạt lúa
Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
Để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch
Bây giờ
Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
Đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
Đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép sa bô
Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio…
Bia ôm và gái
Các anh ngông nghênh tuyên ngôn ”khôn và dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ
Sài Gòn 1982 lẽ nào…
Lại bắt đầu ghẻ lở?

5.
Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lí lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6.
Xin ngả nón chào các ngài
“Quan toà trong sạch”
Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
Bình thản đổi thay lốt cũ
Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
Hồn nhiên xanh muôn thưở
Để yên cho xương rồng, gai góc
Chân thật nở hoa.
Này đây!
Xin đổi chỗ không kì kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
Nơi một góc (chỉ một góc thôi)
Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở
Bây giờ…
Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào ”thượng đế”
Khi sống hả hê giữa một thiên đường
Ai bây giờ
Sẽ
Tạ lỗi
Với Trường Sơn?

22 commentaires:

  1. thưa bác Chênh. xin đính chính quan trong. bài thơ này chưa từng xuất hiện ở báo chí hải ngoại.anh Hoàng Ngọc Biên và dịch giả diễm châu[ đã qua đời] đưa vào danh mục SẼ IN của nhà xuất bản Trình Bày.với cái tên chung do kwan.nhưng công bố nó là chính tác giả công bố trên blog chung do kwan của mình năm 2009.

    RépondreSupprimer
  2. Hay lắm anh Kwan.
    Đã biết anh là bạn của Oshin, ngồi nhậu với anh vài cuộc, nghe anh đọc thơ (giễu) và hát, ấn tượng về cái lão người-nổi-tiếng mà cân cả lông+tóc+râu chắc 34kg, riêng bộ răng cũng đã 1kg :)
    Mong anh riếp tục góp tiếng với đời...
    Nhậu đâu kêu em ví nhía =))

    RépondreSupprimer
  3. Năm 1982, bác Kwan 27 tuổi, tức là sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi.
    Bài thơ này rất hay.
    Bác Chênh sinh năm 1952, tuổi Nhâm Thìn, năm nay đáo tuế, chắc bác làm lễ đáo tuế rồi phải không?
    Xin cảm ơn bác Chênh, bác Kwan!

    RépondreSupprimer
  4. Hai năm trước tôi đã đọc bài thơ này ở đâu đó, và tôi có trao đổi với mấy anh bạn người gốc Bắc vào Nam lập nghiệp. Họ đồng ý Bài Thơ lột tả được bản chất xã hội.

    Rất phục anh ĐTQ cách đây 27 năm đã nhìn nhận ra vấn đề. Cảm Phục!

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Hiz, cảm phục vì nhìn nhận được vấn đề, và không phục vì không dám cho thiên hạ nhìn nhận cùng với mình, vì sợ họ biết mình nhìn nhận đượ vấn đề, hự hự

      Supprimer
  5. Chung Do Kwan đầu hàng rùi...
    Xem nè....

    ....
    ta đưa cờ trắng [ làm ] từ quần vợ ta

    ta xin thua! Ta xin tha!

    ta xin bẻ bút về nhà bán khoai
    .....
    (http://chungdokwan.wordpress.com/)

    Nhưng Kwan không bán khoai vỉa hè mà mở nhà hàng...
    Đời Kwan có thể viết thành tiểu thuyết được đó...
    Không thua gì Điệu Ru Nước Mắt của DA đâu...

    RépondreSupprimer
  6. ngó lui ngó tới26 avril 2012 à 10:47

    "Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình" là 1 bài thơ rất hay của nhà thơ Trần Vàng Sao,sáng tác năm 1984.Khi bài thơ xuất hiện trên tạp chí Cửa Việt(1988) đã gây tiếng vang lớn và nhiều hệ lụy cho tác giả:
    "...mả cha cuộc đời quá vô hậu
    cơm không có mà ăn
    ngó lui ngó tới không biết thù ai
    những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất..."
    Những ưu tư,dằn vặt,uất nghẹn của tác giả y hệt như 1 lời tiên tri đúng và kéo dài mãi cho đến tận bây giờ !...
    Nếu có dịp mong anh Huỳnh Ngọc Chênh giới thiệu thêm về bài thơ này cùng tác giả của nó.

    RépondreSupprimer
  7. Ngay sau 30/4/1975, số người vào SG còn rất hạn chế, thường là những người “có trọng trách” hoặc “có việc quan trọng” mới được vào.

    Những người không vào như chúng tôi, được cán bộ tuyên giáo “giáo”:
    SG phồn vinh giả tạo,
    MN phồn vinh giả tạo, phồn vinh như MB ta, phe XHCN ta mới là phồn vinh thực sự
    Giường chiếu trắng tinh đấy, nhưng đầy bệnh giang mai, các đ/c phải cảnh giác đấy.
    (rất nhiều người sợ đến mức phải nằm ngủ ngoài trời, sợ lây giang mai từ giường chiếu)
    . . .
    Một người trong số chúng tôi vào mấy hôm, ra nói lại vài ấn tương:
    Nữ sinh đồng phục quần áo dài trắng, nam sơ mi trắng. HS xưng hô với THẦY là CON. Trẻ khoanh tay khi nói chuyện với người lớn . . .
    (MB, HS xưng với Thầy Cô là Em)
    Xe chạy trên đường, xe sau xin vượt xe trước, ra tín hiệu, xe trước nhanh chóng để xe sau vượt. Xe sau, khi đã vượt xong, phụ xe quay cả người lại vẫy tay, ra hiệu cảm ơn.
    (MB, các xe đề chữ to tướng
    CÒI TO CHO VƯỢT)

    Cám ơn Bác Chênh, Cám ơn Bác Qwan,
    Xin có vài chữ để các Bác hiểu: Chúng ta vẫn là chúng ta, bây giờ vậy, trước nay vẫn vậy.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Ừ ! "Chúng ta vẫn là chúng ta" , chúng ta chưa thành ... chúng nó là mầng rùi !!!
      "Bốn ngàn năm , ta (vẫn ) lại là ta" là vậy ! Không khá nỗi !

      Supprimer
  8. Bài thơ này tôi đã lưu từ lâu trong computer của mình. Vì thấy nói lên được tâm trạng " thổn thức" của hàng chục vạn người miền Nam, người Sài gòn trong thời cuộc đổi thay.
    Cám ơn tác giả rất nhiều. Qua đó, cũng thấy rằng cuối cùng thì ai thắng ai và ai đã giải phóng cho ai.

    RépondreSupprimer
  9. Bài thơ cảm động nói về dứa trẻ sinh ra 30 năm sau mới mở mắt,nấc cụt
    rồi tiêu chảy và sắp chết vì già

    RépondreSupprimer
  10. Nếu cũng “vơ đũa cả nắm” thì chưa hơn được chúng nó đâu.

    RépondreSupprimer
  11. Tôi dược biết dến Anh qua nhận xét có một không hai ở Sao Mai diểm hẹn.Anh mở mắt vào năm 82 còn tôi thì may mắn (hay bất hạnh?) là vao năm mà nơi tôi sinh ra cùng lớn khôn có dược một cây cầu dể qua lại dôi bờ dã gãy.Anh còn có Trường sơn dễ tạ lỗi.Vậy xin hỏi anh chỉ giúp nơi nào cho tôi?

    RépondreSupprimer
  12. Sau Tết Kỷ Dậu 1969, tôi có dịp vào công tác 6 tháng tại một đơn vị đóng ở một cao điểm thuộc miền Tây Quảng Trị (rất gần bờ bắc sông Bến Hải), rất tiếc không nhớ tên cao điểm ấy.

    Ngày nào cũng vậy, khoảng 6 giờ chiều, nhìn xuống Đông Hà thấy điện sáng xanh. Miền Nam, tự tôi biết được là như vậy, ngoài ra chỉ là những “mây đen che phủ bầu trời” . . .

    Sau 30/4/1975, chúng tôi vào SG để tiếp cận với “kho” lưu trữ của “Nguỵ” liên quan đến công tác nghiên cứu của chúng tôi.
    Cái ấn tượng mạnh nhất của chúng tôi không phải là khối tư liệu đồ sộ trước mắt, mà là một thiếu tá tên L.
    Ông L. trạc tuổi chúng tôi, là phó tiến sỹ, từng du học ở Mỹ, Phi lip pin, . . .
    Chúng tôi hỏi gì, ông ấy đều trả lời, giải thích rất cặn kẽ, rõ ràng là một người rất tài giỏi. Ngoài bắc, thời ấy dùng Minsk 22 rồi 32; trong nam dùng IBM360.
    IBM360 trước đó chúng tôi chưa hề biết tới, nhưng Minsk thì ông ấy biết.

    Tuy là “địch”, lại “bại trận”, là sỹ quan “nguỵ” nhưng ông L. vẫn toát lên là một trí thức. Chúng tôi, nghĩa là chúng tôi và ông L. đã đối xử với nhau như những con người.

    Gần 10 năm sau năm 1969 ấy, tôi lại tự biết Miền Nam như vậy đấy, ngoài những “mây đen che phủ bầu trời”

    RépondreSupprimer
  13. Người Sông Tiền26 avril 2012 à 21:22

    Ce commentaire a été supprimé par un administrateur du blog.

    RépondreSupprimer
  14. Sao chúng ta mở mắt muộn màng thế nhỉ? Phải chi trước 75, chúng ta hiểu đời hơn và hiểu được sự hoang tưởng của cái chủ nghĩa này nhỉ. "Biết khôn thì sự đã già" Thật là đáng buồn phải không bác Chênh?
    Trung Nguyên

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Thưa Bác ND Apr 26, 2012 07:25 AM,
      Thưa là, biết, rất biết đấy ạ,
      Nhưng, biết là vậy, mà vẫn vai đeo ba lô, miệng vẫn hát

      Đường ra trận mùa này đẹp lắm . . .
      Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân . . .

      "Kẻ" nào "B quay" là hèn.

      Ôi!

      Supprimer
  15. Thà là biết muộn, còn hơn không bao giờ biết.. đấy Bác TN

    RépondreSupprimer
  16. Ôi anh Kwan ơi
    Những vần thơ anh từ thuở đó
    Của những năm 1982
    Khi Sài gòn chưa mở cửa
    Sao chẳng khác giờ là mấy
    Chỉ khác chăng là mức độ cao hơn
    Đến khi nghe được thơ anh
    Bài "Quê hương" bất hủ từ thuở nào
    Sao mà thương quá Việt nam ơi
    Quê hương ta vẫn còn đó những đau thương
    Những cảnh đời lam lũ từ thời chiến
    Qua thời bình thế thời càng loạn hơn
    Ôi những người "xẻ Trường sơn đi cứu nước"
    Và những hậu bối của các anh
    Hãy tạ lỗi với Trường sơn
    Với đất nước dân tộc Việt nam này
    Các anh hứa xây dựng lại
    Một Việt nam tươi đẹp 10 lần hơn
    Với tự do-hạnh phúc cho dân mình
    Nay các anh đã quên hay không nhớ
    Nếu còn đó trái tim con dân Việt
    Hãy mạnh mẽ sửa sai và cởi mở
    Đặt lợi ích dân Việt lên trên hết
    Trên cả sự tồn vong của chế độ anh
    Đừng để một Trường sơn mới lại phải mở
    Bằng máu của dân Việt thêm một lần

    RépondreSupprimer
  17. Xin gởi đến các bạn môt bài thơ của Nguyên Sa viết về SG của những tháng ngày thanh bình cũ. Các bạn sẽ có một đánh giá đúng hơn về thành phố mà nhiều người yêu mến.

    Tám Phố Sài Gòn

    Tác giả: Nguyên Sa

    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

    Sài Gòn phóng solex rất nhanh
    Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
    Có nghe hơi thở cài vương miện
    Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

    Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm
    Tờ hoa trong sách cũng nằm im
    Đầu thư và cuối cùng trang giấy
    Những chữ y dài trông rất ngoan

    Sài Gòn tối đi học một mình
    Cột đèn theo gót bóng lung linh
    Mặt trăng theo ánh đèn: trăng sáng
    Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

    Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
    Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong
    Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
    Hay đã đưa dần sang nhớ mong

    Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
    Những năm mười sáu mắt nhìn mây
    Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
    Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

    Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
    Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
    Lưng trời không có bày chim én
    Thành phố đi về cũng đã xuân

    RépondreSupprimer
  18. Huế của em ngày xưa cũng thơ mộng và êm ả lắm. Mẹ kể người Huế dịu dàng, đối xử với nhau rất lịch sự, nhã nhặn. Vườn hoa bên cạnh sông Hương ngày ấy sạch không có tí rác nào bởi vì chính quyền thành phố cho đặt nhiều thùng rác xung quanh với hàng chữ "XIN CHO TÔI RÁC". Em lớn lên sau khi miền Nam thất thủ. Huế của em chẳng còn như ngày xưa Huế của mẹ em nữa. Buồn.

    RépondreSupprimer
  19. Đã qua "3 thập niên " rồi , bài thơ vẫn rất... hay & " nóng bỏng " ! Cảm ơn nhà thơ ĐTQ và nhà báo HNC !

    RépondreSupprimer