17/03/2013

ÔNG NGUYỄN SINH HÙNG NÓI SẼ NỚI RỘNG HƠN VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Hiến pháp từ lâu nay đã công nhận các quyền cơ bản của con người, vậy taị sao ông Hùng laị nói sẽ nới rộng hơn về quyền con người? Hoá ra ông đã thú nhận rằng từ trước đến nay quyền con người ở VN bị hạn chế.  Báo Nhân Dân, cơ quan cuả đảng CSVN đã cho rằng tôi vì quá hí hửng nên đã đi quá xa khi nói rằng quyền tự do ngôn luận ở VN bị hạn chế. He he, ông chủ tịch quốc hội, như vậy, có vì quá hí hửng khi được bọn phản động chống cộng Ba Lan tiếp đón mà đã nói sai định hướng của báo đảng không? (HNC)


Ba Lan đề cập về nhân quyền với chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch thượng viện Ba Lan Bogdan Burosewicz tiếp chủ tịch QH Việt Nam
Chủ tịch thượng viện Ba Lan Bogdan Burosewicz tiếp chủ tịch QH Việt Nam
Như đã đưa tin, trong lịch trình chuyến thăm của mình, chủ tịch quốc hội Việt Nam có 3 cuộc gặp quan trọng với những chính khách hành đầu của Ba Lan. Đó là, chủ tịch quốc hội Ba Lan, bà Ewa Kopacz, tiếp đến là chủ tịch thượng viện Bogdan Burosewicz và Tổng thống Bronislaw Komorowski.

Gặp chủ tịch QH Ba Lan, bà Ewa Kopacz
Gặp chủ tịch QH Ba Lan, bà Ewa Kopacz
Trong các cuộc gặp gỡ, đôi bên đã bàn tới quan hệ song phương giữa 2 quốc hội và 2 nhà nước, tới việc cải cách kinh tế và chính trị tại Việt Nam, cũng như việc trao đổi kinh nghiệm và đào tạo chuyên gia trên các lĩnh vực, thiết lập quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước.v.v. Hai bên quốc hội cũng khẳng định tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kể cả trên lĩnh vực sửa đổi hiến pháp.
Điều đặc biệt, vấn đề nhân quyền đã được phía Ba Lan chính thức đưa ra trong cuộc gặp gỡ. Chủ tịch thượng viện Ba Lan, ông  Bogdan Burosewicz đã đưa chủ đề nhân quyền và tù chính trị với chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng. Ông nói: “Cuộc sống có nhiều bất ngờ, bản thân tôi cũng từng là tù nhân chính trị dưới thời CS…” Ông cũng nêu trường hợp mà ông quan ngại nhất. Đó là 3 nhà hoạt động theo mô hình tổ chức bảo vệ công nhân (KOR) của BL trước kia: Đỗ Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Đáp lại, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói, Việt Nam đang thay đổi hiến pháp và sẽ nới rộng hơn về vấn đề quyền con người.
Được biết, tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski trước đó cũng hứa với những nhà hoạt động gốc Việt tại đây rằng, ông sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp với chủ tịch quốc hôi Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có thông tin chi tiết về việc này.
Nhân dịp này, nhiều tờ báo Ba Lan, đi đầu là Wyborcza đã có những tin bài liên quan tới nhân quyền và tình trạng tù nhân chính trị tại Việt Nam. Wyborcza đăng ảnh 3 nhà hoạt động tiêu biểu đang bị giam giữ đó là Hạnh, Hùng, Chương. Tờ báo này cho biết, còn hàng trăm tù nhân chính trị khác ở Việt Nam. Báo giới cũng phỏng vấn một số nhà hoạt động Việt Nam và Ba Lan về tình trạng nhân quyền.
Cũng cần nhắc lại, năm 2007, khi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Ba Lan, chủ tịch thượng viện Bogdan Burosewicz và thủ tướng Ba Lan khi đó là Jaroslaw Kaczynski đã nêu vấn đề nhân quyền kèm theo một danh sách tù nhân lương tâm và yêu cầu Việt Nam trả tự do. Thủ tướng Dũng khi đó tuyên bố, nếu Ba Lan tiếp nhận Lê Thị Công Nhân thì Việt Nam sẽ thả.
Bức ảnh được đăng trên Wyborcza
Bức ảnh được đăng trên Wyborcza
Chiều tối qua, đoàn quốc hội Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc mang tính nội bộ với lãnh đạo hội đoàn và một số thành phần thân cận với chính quyền tại trụ sở đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
Thông tin cho biết, khoảng 30-35 người trong cộng đồng tham dự buổi trò chuyện. Những vấn đề mà kiều bào quan tâm là sửa hiến pháp, biển Đông, quan hệ với Trung Quốc và các chính sách của nhà nước đối với kiều bào nước ngoài.
Về điều 4, ông Hùng cho rằng, đảng trong thời gian qua đã có nhiều sai lầm, nhưng trong bối cảnh hiện tại đảng vẫn phải nắm giữ việc điều hành đất nước và điều 4 chưa thể bỏ được, còn sau này sẽ tùy tình hình.
Tường thuật của cộng tác viên Đàn Chim Việt cho hay, về biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, ông Hùng nói, chủ trương của nhà nước là mềm mỏng và kết hợp với ngoại giao, nhưng lúc cần, không loại trừ khả năng chiến tranh. Tuy vậy, chiến tranh là điều không ai muốn và gây tổn thất cho nhân dân. Vấn đề Trung Quốc rất phức tạp, trên biển, có khu vực đã ngã ngũ, có khu vực chưa. Biên giới đất liền Việt Nam muốn làm một lần cho rõ ràng, cũng có chỗ thiệt, chỗ được…
Vấn đề kiều bào, nhiều người đề nghị nhà nước xem xét cho kiều bào quyền bầu cử, ứng cử, tham gia vào quốc hội. Chủ đề bình đẳng nam- nữ, duy trì văn hóa, kinh phí học tiếng Việt cũng được nêu ra. Ông Hùng ghi nhận và hứa sẽ xem xét.
Tinh thần cuộc trao đổi, theo ghi nhận tại chỗ là khá cởi mở.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire