Về một “nhà văn… đã chết” có tên trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam
Ngay sau khi Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập (3/3/2014), đã xuất hiện những bài viết vu cáo Ban Vận động trên một số trang blog và FB, trong đó cùng truyền tải nội dung: Trong danh sách Ban Vận động có tên nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (ở Hà Nội) đã chết từ lâu!
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, hàng đầu thứ nhì từ phải qua, trong cuộc biểu tình chống Tàu cộng cắt cáp vào năm 2012 |
Ngày 20/3/2014, trang Văn Việt đăng chùm thơ (tác giả gửi Văn Việt) của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, thành viên Ban Vận động, đang sống và làm việc tại TPHCM, với lời giới thiệu tiểu sử như sau (xem ở đây):
“Nguyễn Quốc Thái sinh năm 1943 tại Hà Nội, học tại Dũng Lạc, Hà Nội. Sau năm 1954 học tại Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Đại học Văn Khoa, Sài Gòn. Trước năm 1975 trong ban chủ trương các Tạp chí Hành Trình, Đất Nước, Trình Bầy và nhật báo Làm Dân. Sau năm 1975 Thư ký tòa soạn tạp chí Đứng Dậy, Trưởng ban biên tập Saigon News, Tổng thư ký báo Doanh Nghiệp. Tác phẩm: Le Crepuscule de la violence. Trình Bầy, Saigon 1968. Tác phẩm được in trong: Understanding Vietnam, Neil L. Jamieson, University of California Press. Berkeley, Los Angeles, London. 1993; La Rage d’être Vietnamien, Jean-Claude Pomonti. SEUIL, Paris 1974; TENGGARA. University of Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia 1969
Tôi, Nguyễn Quốc Thái, vẫn còn sống đây! |
Đôi lời của Hoàng Hưng: Tôi và Thái cùng ở Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), cùng làm thơ, cùng làm báo bao nhiêu năm trời, mà lâu lâu mới gặp nhau. Nhưng muốn gặp Thái dễ ợt. Sáng nào anh chẳng lè phè cà phê cà pháo – thói quen “tiểu tư sản” đánh chết không chừa – khi thì sang trọng terrace đối diện Nhà thờ Đức Bà, khi thì bình dân quán Nguyễn Thị Diệu… Hoặc cứ đến những buổi “biểu tình biểu tiếc” – lại cũng thói quen thời sinh viên nội thành tranh đấu (?). Cà phê hay tranh đấu, Thái cũng hiền hiền nụ cười, thư thả dáng đi, duyên duyên ánh mắt, điệu điệu búi tó (bé tẹo), ít gây ấn tượng trong thời đốp chát ầm ào bụi bặm bặm trợn này. Thơ Thái cũng có cái duyên lặng lẽ ấy. Có cái này, hình như thơ Thái xuất hiện trong nước ít hơn ngoài nước. Vậy cũng là một món quà sớm cho bạn đọc Văn Việt.”
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái cũng xuất hiện trong danh sách đóng góp cho quỹ hoạt động của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (ngày 13/8/2014, xem ở đây). Vậy mà đến gần đây, vẫn có những lời vu khống ác ý về “nhà thơ… đã chết” này được tung lên đây đó. Tệ nhất là nó xuất hiện trên cả báo chí chính thống của Việt Nam, đi kèm với những lời vu cáo rất nguy hiểm với Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam:
“Báo chí đã thế, lại còn những nhà văn quá khích, gần đây cũng ồn ào vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn Độc lập”. Với sự so sánh khập khiễng, họ ví “Văn đoàn Độc lập Việt Nam” với nhóm “Tự lực văn đoàn” năm xưa. Họ rêu rao “Văn đoàn Độc lập Việt Nam” là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước. Nhưng sau đó, có nhiều bài viết về “Văn đoàn độc lập” đã hé lộ ý đồ thành lập một tổ chức đối lập với Hội Nhà văn Việt Nam, gắn với mưu đồ “Cách mạng hoa nhài”, kêu gọi các nhà văn xuống đường như trong cuộc “Cách mạng Mùa xuân Arập”. Nực cười hơn, trong danh sách nhà văn vào hội còn ghi bừa cả tên một nhà văn… đã chết!” (Petrotimes 29/7/2014, xem ở đây)
Chúng tôi thấy không cần bình luận về những dòng viết không thể nào xuất hiện trên một tờ báo đúng nghĩa trong một nền báo chí đúng nghĩa ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire