06/10/2014

CUỘC CHIẾN SẼ DÀI LÂU…

Huỳnh Hòa Bình
Facebook 5 Tháng 10 2014 lúc 20:42
Lần đầu nhìn thấy cả dòng sông mấy chục ngàn người tràn ngập các con đường thuộc trung tâm Hồng Kông, tôi cảm nhận một điều quá đẹp, quá lãng mạn, quá hoàn hảo. Đó mới là bước một, khi tuổi trẻ Hồng Kông ào ạt xuống đường. Nhưng tôi cũng biết mọi việc rồi sẽ không ở yên một chỗ.


Bước thứ hai đã đến, không hề đẹp đẽ như bước thứ nhất, cảnh sát đã sử dụng hơi cay: lựu đạn cay bắn từ xa và nước cay xịt trực diện vào mắt. Sinh viên vẫn giữ nguyên nét văn hóa Hồng Kông: họ “chống lại” hơi cay bằng mặt nạ tự chế, bảo vệ mắt và che kín mũi trong trật tự, ôn hòa. Những tiếng hô phản đối vẫn rập ràng, lịch sự. Trung tâm Hồng Kông dù đang kín đặc người vẫn ngăn nắp, văn minh, sạch sẽ khi cuối giờ biểu tình vào rạng sáng, sinh viên đã dọn dẹp đường phố không còn một cọng rác.

Nhưng đến bước 3 thì mọi chuyện đã khác. Rạng sáng ngày 3 tháng 10, qua trực tiếp truyền hình, tôi chứng kiến cảnhmột cô gái trẻ mang khẩu trang đứng lẩn vào nhóm sinh viên ở hàng đầu, đối diện với chiếc bục cao mà cảnh sát đứng lên để đọc thông báo. Khi một cảnh sát vừa mở miệng, cô gái kia giật phắt khẩu trang và bắt đầu la hét tối đa, tiếng la có thể làm rách màng nhĩ người đứng cạnh. Không hiểu nội dung nhưng chỉ nhìn thái độ, rõ ràng cô ta đang cố tình gây rối. Viên cảnh sát trên bục cau mày, dừng lại rồi đọc tiếp. Cô gái tiếp tục gào thét, đến khi ông ta đã xong cô ta vẫn gào một mình, tiếng gào nghe rất khủng khiếp, đúng là một thứ vũ khí khủng bố bằng âm thanh.

Sinh viên ban đầu có vẻ bỡ ngỡ, chưa biết đối phó ra sao, nhưng sau mấy phút, họ bắt đầu hô khẩu hiệu. Hàng ngàn sinh viên cùng hô khẩu hiệu, trong khi chỉ một mình cô gái gào thét một cách lạc lõng. Bằng cách đó, cô ta tự lộ mặt mình không phải thành viên đoàn biểu tình.

Rất lâu sau, khi camera quay trở lại chỗ cô gái, cô ta vẫn đang liên tục gào thét, nhưng sinh viên bắt đầu có thái độ. Các nam sinh viên cố gỡ tay cô ta đang bám chặt vào hàng rào trước mặt, vừa khuyên nhủ vừa cưỡng bức đưa cô ta khỏi khu vực.

Tất cả hoạt cảnh đó khiến tôi hiểu, bước ba để chống lại sinh viên sẽ là: quậy phá bằng côn đồ. Khi khói cay không giải tán được sinh viên, sẽ có đám đầu trâu mặt ngựa đến tận nơi gây bạo loạn, vừa trấn áp sinh viên vừa tạo cớ cho cảnh sát đàn áp..

Và đúng là suốt cả ngày và đêm 4 tháng 10, tất cả những gì nhìn thấy trên mạng là cảnh náo loạn do đám-người-lạ mà tất cả già trẻ nam nữ đều hùng hùng hổ hổ như sắp nhai sống nuốt tươi người biểu tình. Có lẽ họ nghĩ, bằng cách tấn công trực tiếp vào thân thể sinh viên, họ sẽ khiến những trí thức trẻ Hồng Kông, xuất thân từ những gia đình tử tế và chỉ quen với thế giới sách vở, sẽ kinh sợ và bỏ chạy về nhà, hoặc sau đó  sẽ bị cha mẹ ngăn cản.

Mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Tối ngày 4 tháng 10, sinh viên càng đổ xuống đường đông hơn, như để trả lời: chúng tôi không sợ. Trong khi đám phản-biểu-tình kéo đàn kéo lũ, có mặt ở đâu thì hò hét, chủ động gây gổ, tấn công sinh viên ở đấy. Càng về sáng, đám-người-lạ này càng điên loạn, cứ la hét từng chặp như lên cơn rồi kéo nhau chạy rầm rập hàng đoàn, như để uy hiếp tinh thần sinh viên và gây ức chế cho cảnh sát.

Dù đã có máu đổ, sinh viên vẫn bình tĩnh sinh hoạt trong khu vực của mình: họ nằm, ngồi, trò chuyện, chơi đùa với smartphone, có người còn ngủ… Khi trời đổ mưa, họ chụm vào nhau dưới những chiếc dù hay áo mưa, từng nhóm, từng cặp, như thể đang đi picnic, như không hề quan tâm đến bọn người hung hãn đang ở sát bên họ. Mỗi khi bọn-người-lạ kia nhào đến định tấn công, những cánh tay sẽ giơ cao lên hòa hoãn. Các nam sinh viên ở hàng đầu sẽ nắm tay nhau tạo thành hàng rào để ngăn kẻ tấn công tiến sâu hơn vào hàng ngũ sinh viên.

Có lẽ cảnh sát Hồng Kông cũng nhậnra, đối phó với đám-người-lạ kia vất vả hơn nhiều so với sinh viên. Mỗi khi đám-người-lạ gào thét và rùng rùng kéo nhau chạy, như sắp lao vào giết ai đó, cảnh sát nắm chặt tay, tạo  thành mấy lớp rào người để ngăn họ lại. Trong đầu những cảnh sát viên người Hồng Kông xuất hiện những suy nghĩ nào? Họ có tự hỏi, loại văn hóa nào đang làm ô nhiễm trung tâm Hồng Kông?

Sáng ngày 5 tháng 10, nhiều STTxuất hiện trên mạng, với câu hỏi: liệu cuộc Cách mạng Cây dù của sinh viên Hồng Kông có thất bại?

Tôi không nghĩ sinh viên Hồng Kông ảo tưởng về cuộc cách mạng của mình, cho rằng nó sẽ thành công chỉ trong thời gian ngắn. Họ đã chuẩn bị cho điều này từ nhiều năm trước, khi cương quyết từ chối chương trình giáo dục đưa về từ đại lục. Sinh viên biết rõ họ đang đối đầu với ai. Tây Tạng, Tân Cương, Thiên An Môn… là những gì họ không còn xa lạ. Và chính vì biết rõ nên họ đã dứt khoát chọn con đường đang đi.

Được học hành và giáo dục bởi thế hệ những người thầy người cha người mẹ là sản phẩm của một nền văn hóa coi trọng phẩm giá con người, sinh viên Hồng Kông ý thức rõ, nếu họ không kiên định, ban đầu họ chỉ mất quyền bầu cử tự do, nhưng sau đó họ sẽ mất tất cả.

Đứa-con-Hồng- Kông mới lấp ló ngoài cửa của bà-mẹ-đại-lục mà đã bị bươu đầu mẻ trán thế kia, làm sao nó dám đi tiếp vào nhà để được mẹ “chăm sóc” kỹ càng, “toàn diện” hơn? Liệu sinh viên Hồng Kông có chấp nhận việc ngồi-cùng-mâm, ở-cùng-nhà với đám-người-lạ vừa thóa mạ, đánh đập họ trên đường phố?

Chỉ trong mấy ngày, sự đối lập về bản chất giữa hai thế giới người đã tự bộc lộ qua hành xử của hai phía. Nếu sinh viên Hồng Kông khiến phần còn lại của nhân loại yêu quý, tự hào và chúc lành cho họ vì tất cả những gì đang làm, thì với đám-người-lạ hung hăng quái đản kia, phần còn lại của nhân loại chỉ thấy ghê sợ, xấu hổ, muốn tránh xa. Nhiều người còn muốn cho họ biến khỏi mặt đất.

Quan chức cao cấp nhất Hồng Kông- Lương Chấn Anh, hôm nay đã ra tối hậu thư yêu cầu người biểu tình phải giải tán vào sáng sớm ngày 6 tháng 10 hoặc ông ta sẽ "tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự xã hội”. Biện pháp đó là gì, sau cách sử dụng xã hội đen? Sẽ là một cuộc trấn áp chính quy và chính danh, bởi không thể tiếp tục ném đá giấu tay được nữa?

Điều gì sẽ đến cho cuộc Cách mạng Cây dù trong những giờ tới? Có thể sẽ có máu đổ? Sẽ có người bị bắt và sau đó là những án tù?

Nhưng tôi luôn tin sinh viên Hồng Kông không bỏ cuộc. Đường phố những ngày qua đã củng cố niềm tin về sự chọn lựa chính xác và dũng cảm của họ. Họ đã chọn đường và sẽ đi đến đích, cho dù phải dành trọn cuộc đời mình để thực hiện điều đó, kể cả trong gian khổ và tù ngục…

Thật may mắn cho Hồng Kông bởi sinh viên là tương lai của thành phố, hiểu theo mọi nghĩa. Và thế hệ sinh viên Hồng Kông đang tiến hành cuộc Cách mạng Cây dù đều còn rất trẻ. Họ còn rất nhiều thời gian để hoàn thành sứ mệnh, hoàn thành ước nguyện của họ và của người dân Hồng Kông, và của lớp lớp con cháu họ sau này…

Xin Chúc lành cho Hồng Kông.

Huỳnh Hòa Bình


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire