Việc mỗi năm chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ là chủ trương từ cấp nào?
Lợi nhuận quá lớn từ xuất bản sách giáo khoa nói đúng nghĩa là hành động “móc túi” công khai của nhà xuất bản, người dân biết nhưng không thể chống lại.
Nếu sử dụng cụm từ “nhóm lợi ích” thì rõ ràng một mình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (kể cả mấy chục công ty con) không thể tạo nên một “nhóm” đủ mạnh để tồn tại từ kỳ thanh tra năm 2006 đến nay.
Trang tin điện tử Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Vusta.vn năm 2006 đã đăng bài của tác giả Vũ Ngọc Tiến với tiêu đề: “Sách giáo khoa và sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục”.
Bài báo trích dẫn ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Sách giáo khoa trở thành công nghiệp kinh doanh khổng lồ của ngành giáo dục, đẩy hàng chục triệu học sinh thành “máy đẻ tiền” cho họ”.
Vốn là nhà ngoại giao kỳ cựu, không phải ngẫu nhiên bà Tôn Nữ Thị Ninh sử dụng cụm từ “ngành giáo dục” trong phát biểu của mình.
Ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh cho thấy “nhóm lợi ích sách giáo khoa” không bó hẹp trong phạm vi Nhà xuất bản Giáo dục (nay là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) mà mang tính chất “ngành”.
Vậy nên khi đề cập đến các sai phạm tại đơn vị này, nếu chỉ giới hạn trong đội ngũ lãnh đạo Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc là chưa đủ.
Liệu những cấp lãnh đạo cao hơn lãnh đạo nhà xuất bản có vô can trong các sai phạm vừa được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố?
Nói đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, ai cũng biết đây là “tập đoàn” hùng mạnh nhất trong làng xuất bản Việt Nam.
Gọi đơn vị này là “tập đoàn” bởi nó bao gồm hơn 50 công ty con và các đơn vị liên kết.
Nói là “hùng mạnh nhất” bởi ngay từ năm 2005, nhà xuất bản này đã có doanh thu 870 tỷ đồng, bằng hơn nửa doanh thu của 47 nhà xuất bản cộng lại. [1]
Những sai phạm từ tổ chức cán bộ tới tài chính, sử dụng tài sản...diễn ra trong hoạt động Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thời gian qua. |
Lợi nhuận sau thuế của riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2017 là 67,8 tỷ đồng, bằng 45,5% lợi nhuận toàn khối xuất bản. [2]
Nếu so sánh lợi nhuận sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với các nhà xuất bản còn lại (81,186 tỷ đồng) thì lợi nhuận của riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bằng 83,5% lợi nhuận của 59 nhà xuất bản cộng lại.
Cả khối xuất bản năm 2017 nộp ngân sách 68,55 tỷ đồng, tính một cách tương đối thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nộp ngân sách khoảng 31,2 tỷ đồng.
Có hai câu hỏi cần phải giải đáp:
Thứ nhất: Khoản lợi nhuận sau thuế 67,8 tỷ đồng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được thanh tra, kiểm toán xác minh là chính xác hay là do nhà xuất bản này tự kê khai, khoản tiền nộp ngân sách có tương xứng với doanh thu mà nhà xuất bản này đạt được?
Thứ hai: Món lợi kếch xù Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có được từ những nguồn thu nào và rơi vào túi ai?
Trả lời câu hỏi thứ nhất là trách nhiệm các cơ quan chức năng, trước hết là đơn vị chủ quản, tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp đến là Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thuế thuộc Bộ Tài chính…
Đối với câu hỏi thứ 2, rất khó để có một câu trả lời chính xác nếu không nắm trong tay các số liệu kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (vì là bí mật kinh doanh), vì thế chỉ có thể đưa ra các tính toán phỏng đoán như sau:
Năm 2017 số lượng học sinh mẫu giáo là 4.409.576 người; học sinh tiểu học là 7.801.560 người; trung học cơ sở là 5.235.524 người và trung học phổ thông là 2.477.175 người.
Tổng học sinh phổ thông là 19.923.835 người (số liệu tại Phụ lục 1, Báo cáo tổng kết năm học 2017 - 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Giá bán các bộ sách mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố (chỉ riêng sách giáo khoa không có các sánh bài tập…) là 47.500 đồng - lớp 1; 45.300 đồng - lớp 2; 49.000 đồng - lớp 3;…
Với lớp 12, tiền sách dao động từ 153.500 đồng đến 209.000 đồng tùy theo loại sách ngoại ngữ mua kèm. Nếu cộng thêm các loại sách khác mà học sinh buộc phải mua thì giá đội lên rất nhiều. [3]
Xin lấy các số liệu cấp Tiểu học để tính toán (xin nhấn mạnh, đây chỉ là giả định).
Giá bán sách giáo khoa cấp Tiểu học của Công ty sách và thiết bị trường học Đồng Nai, giới thiệu tại địa chỉ http://www.donastb.vn/san-pham/sach-giao-khoa-sgk/sach-giao-khoa-thcs như sau:
Bộ sách lớp 1: giá 123.800 đồng; Sách lớp 2 - 123.200 đồng; Sách lớp 3 - 134.200 đồng; Sách lớp 4 - 195.000 đồng; Sách lớp 5 - 192.000 đồng.
Giá bán sách giáo khoa lớp 1, lớp 5 của Công ty sách và thiết bị trường học Đồng Nai (ảnh chụp màn hình) |
Giả thiết rằng mỗi học sinh tiểu học bắt buộc phải mua một bộ sách, vậy phụ huynh của 7.801.560 học sinh tiểu học phải bỏ ra tổng số tiền vào khoảng 1.212 tỷ đồng.
Bài viết trên Thanhnien.vn [4] cho biết:
“Chi phí xuất bản thường chỉ chiếm từ 30 - 35% tổng chi phí giá thành sách, gồm: nhuận bút cho tác giả/dịch giả (10 - 12% giá bìa x số lượng bản in), tiền biên tập của Nhà xuất bản (1.000 - 1.500 đồng/trang sách), tiền quản lý phí của Nhà xuất bản (5 - 7% giá bìa x số lượng bản in), tiền in ấn”.
Vì sách giáo khoa in với số lượng rất lớn và cho đến năm 2017 chủ yếu là sách biên tập lại nên chi phí xuất bản không thể ở mức 30-35% như các loại sách khác.
Về tỷ lệ chiết khấu trong khâu phân phối, bán lẻ: Sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản được bán trong hệ thống theo ngành dọc từ bộ về sở, huyện, trường nên tỷ lệ chiết khấu được chia thành nhiều khúc, như thông tin báo Thanhnien.vn cung cấp, tỷ lệ này dao động trong khoảng 40-45%. [4]
Tổng chi phí xuất bản và phân phối vào khoảng 70-80%, lấy bình quân là 75%.
Như vậy lợi nhuận của riêng mảng sách Tiểu học (chưa tính thuế) sẽ vào khoảng 303 tỷ đồng.
Tổng số học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng tương đương tiểu học (7,8 triệu), giá sách giáo khoa hai cấp học này cao hơn nhiều so với cấp tiểu học.
Để khỏi phải tính toán làm rối trí bạn đọc, cứ cho rằng lợi nhuận mảng sách khối trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng tương đương khối tiểu học thì lợi nhuận trước thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ vào khoảng trên 600 tỷ đồng.
Với khoản nộp ngân sách vào khoảng 31,2 tỷ đồng, vậy thực ra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu lợi (sau thuế) bao nhiêu tỷ?
Nếu tính toán nêu trên là phù hợp thực tế, riêng khoản chi quản lý bằng 5-7% giá bìa nhân với số lượng bản in, lấy bình quân là 6% thì số tiền này vào khoảng 72 tỷ đồng, vượt quá tổng lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản.
Tất nhiên khoản này chi trực tiếp cho những người quản lý.
Xin lưu ý, tất cả tính toán trên đây chỉ là giả định, dựa vào các con số đã được báo chí công bố chứ không phải là sự khẳng định của tác giả.
Ngược dòng thời gian, năm 2006 Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra tài chính và công tác xuất bản sách giáo khoa phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Năm 2016, trong bài “Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục?”, người viết từng nêu ý kiến về sai phạm trong công tác cán bộ tại nhà xuất bản này:
“Thông tin trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 3/12/2016 cho thấy tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ngoài Chủ tịch Hội đồng quản trị Mạc Văn Thiện, Tổng Giám đốc Vũ Văn Hùng còn có tới 05 Phó tổng là các ông Ông Thừa Phú, Phan Xuân Thành, Lê Thành Anh, Lê Hoàng Hải, Hoàng Lê Bách.
Khoản 4 điều 15, Nghị định 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định số lượng cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ không quá 03 người”. [5]
Liệu có phải vì lợi ích mang lại quá lớn cho ngành (như ý kiến bà Tôn Nữ Thị Ninh) nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được lãnh đạo Bộ các nhiệm kỳ trước ưu ái?
Cần phải nhắc lại, chủ trương chống độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa đã được nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Việc cho in tràn lan các loại sách “ăn theo” sách giáo khoa khiến bộ sách lớp 1 đội giá từ 47.500 đồng lên tới 123.800 đồng có phải là chủ trương được bật đèn xanh từ cấp trên hay chỉ là của ban lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam?
Việc mỗi năm chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ là chủ trương từ cấp nào?
Nếu chỉ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam “tự ý” thực hiện, không xin ý kiến lãnh đạo Bộ thì có phải Bộ đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho nhà xuất bản này móc túi người dân?
Lợi nhuận quá lớn từ xuất bản sách giáo khoa nói đúng nghĩa là hành động “móc túi” công khai của nhà xuất bản, người dân biết nhưng không thể chống lại.
Nếu sử dụng cụm từ “nhóm lợi ích” thì rõ ràng một mình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (kể cả mấy chục công ty con) không thể tạo nên một “nhóm” đủ mạnh để tồn tại từ kỳ thanh tra năm 2006 đến nay.
Đáng tiếc là kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra vài cá nhân thuộc nhà xuất bản mà chưa cho thấy trách nhiệm cấp cao hơn.
Dù đã nghỉ hưu, ông Vũ Huy Hoàng vẫn phải chịu trách nhiệm về sai phạm tại Bộ Công Thương, dù chuyển công tác, ông Đinh La Thăng vẫn phải chịu trách nhiệm khi còn làm việc tại ngành Dầu khí, ông Võ Kim Cự phải chịu trách nhiệm khi còn làm lãnh đạo Hà Tĩnh.
Vậy những người lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vô can?
Dư luận mong chờ các kết luận tiếp theo của Thanh tra Bộ hoặc Thanh tra Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hang-trieu-dan-e-co-vi-doc-quyen-sach-giao-khoa-2066497.html
[2] http://tamlongvang.laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/cac-nha-xuat-ban-noi-an-nen-lam-ra-noi-thoi-thop-cho-tiep-suc-658809.bld
[3] http://www.nxbgd.vn/UserFiles/Files/Bang-gia.pdf
[4] http://thanhnien.vn/van-hoa/gia-sach-cao-do-dau-349579.html
[5] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Ai-dang-danh-trong-thoi-coi-tai-Bo-Giao-duc-post172954.gd
[6] http://www.vusta.vn/vi/news/Trao-doi-Thao-luan/Sach-giao-khoa-va-su-doc-quyen-cua-NXB-Giao-duc-10699.html
Xuân Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire