Trong
cái xã hội “sính bằng cấp” này, bỗng đâu nghe chuyện trời Tây có người không
tốt nghiệp đại học mà vẫn được tín nhiệm bầu làm bộ trưởng rồi thủ tướng… thì
quả thực lấy làm lạ lắm! Lạ hơn nữa là ở ta, có người thủ khoa đại học hẳn hoi
mà vẫn chỉ ở nhà chăn lợn!
Bằng cấp, chứng chỉ… vốn dĩ chúng được sinh ra là để
“chứng nhận”, để “xác tín” về quá trình học tập, rèn luyện, về trình độ học vấn
của anh A, chị B nào đấy. Ấy thế mà bây giờ trớ trêu thay, đến cái bằng cũng bị
làm giả, được tiếp thị, rao bán nhan nhản như hàng chợ.
Để hiểu nhu cầu bằng cấp đang lớn thế nào, tôi đã thử
tìm kiếm trên Google cụm từ “dịch vụ làm bằng cấp”. Chỉ chưa đầy nửa giây
(chính xác là 0,49 giây), cỗ máy tìm kiếm cho ra hơn 3,4 triệu kết quả. Quá
sửng sốt! Nếu các bạn không tin thì cứ thử, thích làm bằng gì cũng có, từ chứng
chỉ ngoại ngữ, rồi bằng cấp 3, đại học, thậm chí đến cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ…
cũng có giá cả niêm yết hẳn hoi!
Chẳng phải gần đây do chuyện ông Nguyễn Xuân Anh mà
người ta mới xôn xao về vụ bằng cấp đâu các bạn ạ. Chẳng qua vì ông ấy làm to
quá, lên đến chức Bí thư của một thành phố được coi là “đáng sống” nhất cả
nước, nên tấm bằng của ông ấy khiến người ta để ý, tò mò hơn. Chứ thực mà nói,
bằng cấp giả, bằng cấp rởm thiếu gì người dùng.
Cách đây mấy năm, cụ thể là năm 2012, có chuyện dở
khóc dở cười khi Thanh tra Chính phủ đề nghị không công nhận tới 2.000 bằng cử
nhân, thạc sĩ “dây mơ rễ má” nước ngoài. Không chỉ các trường đại học “làng” mà
ngay cả đại học danh tiếng trong nước cũng tham gia vào dịch vụ liên kết “bắc
cầu” này để đào tạo MBA quốc tế cho cán bộ quản lý ở Việt Nam. Loại hình này
thu hút nhiều cán bộ, công chức, đơn giản vì… ngay cả khi không cần biết tiếng
Anh, không cần thi đầu vào cũng có thể tham gia! Đến là lạ!
Vì sao “bằng giả”, “bằng rởm” nở rộ đến thế? Đơn giản
thôi. Vì bằng cấp có lợi lắm. Xin việc dễ hơn này! Thăng chức dễ hơn này! Lại
còn được chút danh nữa (cần gì biết chính danh hay danh hão?): Đi đâu cũng được
giới thiệu học vấn cao, ai mà chả sướng, ai chả hãnh diện?
Nhưng mà, theo thiển ý của tôi thì chẳng phải chuyện
“sính bằng cấp” của quan chức bắt nguồn từ bệnh “háo danh” đâu. Quan trọng là
danh vọng gắn với tiền tài các vị ạ!
Bởi nếu không nhờ cả tá “thành tích” thi cử thì sao
Trần Vũ Quỳnh Anh với sức học trung bình tại một trung tâm giáo dục thường
xuyên lại có thể “thần tốc” lên được chức Trưởng phòng quản lý nhà và Thị
trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa?! Rồi thậm chí mới đây, chỉ
sử dụng bằng cấp 3 giả nhưng ông Giám đốc Ban quản lý các dự án nông nghiệp
tỉnh Hải Dương vẫn yên vị được tới 14 năm không hề bị xử lý!
Cho nên, trong cái xã hội “sính bằng cấp” này, bỗng
đâu nghe chuyện trời Tây có người không tốt nghiệp đại học mà vẫn được tín
nhiệm bầu làm bộ trưởng, rồi thủ tướng… thì quả thực lấy làm lạ lắm!
Lạ hơn nữa là, nếu như thực tế bằng cấp lợi hại như
vậy thì cớ sao trên báo chí lại đầy rẫy những chuyện ngược đời kiểu “thủ khoa
sư phạm đi chăn lợn” hay “tốt nghiệp bằng giỏi vẫn thất nghiệp, không có việc
làm”?!!
Lạ lắm ấy! Khó lý giải lắm ấy! Thật mong các độc giả
chỉ giáo cho…
Bích Diệp
Nguồn: Theo Dân Trí
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire