Nhân sự kiện Đà Nẵng quy hoạch và thực hiện một số dự
án xây dựng ảnh hưởng đến hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà bị dư luận phản ứng,
VHNA đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc, một công dân xứ Quảng rất am
hiểu xứ Quảng – Quảng Nam & Đà nẵng về vấn đề này, về văn hóa & người xứ
Quảng.
nhà văn Nguyên Ngọc (Văn Đoàn Độc Lập) |
Phan Văn Thắng:
Thưa nhà văn, chúng tôi xin phép được ông trao đổi một số về tình hình văn hóa
nước nhà hôm nay. Tôi xin được bắt đầu câu chuyện từ xứ Quảng của ông. Đó là
câu chuyện bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng đã bị xẻ thịt cho các dự án xây dựng
khách sạn. Nếu đặt câu chuyện này (mà hầu hết ai cũng biết) bên cạnh câu chuyện
ông Nguyễn Sự nâng niu chăm bẵm Hội An, và những câu chuyện khác nữa, của xứ
Quảng, của cả nước, ông rút ra những điều gì về phương diện văn hóa?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Vì
anh đã bắt đầu câu chuyện bằng cách nhắc đến Đà Nẵng với vụ Sơn Trà, nên tôi
cũng xin bắt đầu từ đó, bởi vì hẳn chuyện Đà Nẵng không hề là cá biệt. Hơn thế
nữa, trường hợp Đà Nẵng là rất đáng suy nghĩ: khủng hoảng âm ỉ của thành phố
này từng được che giấu dưới một vẻ hào nhoáng bên ngoài trong một thời gian khá
dài.
Thật
vậy, nhiều năm qua Đà Nẵng từng được dư luận coi là thành phố phát triển rất
tốt, tốt nhất, thậm chí là “thành phố đáng sống” nhất nước … Thế rồi, đột ngột,
bùng ra đủ thứ chuyện lôi thôi về Đà Nẵng, trong đó chuyện Sơn Trà chỉ là một,
và nó cũng lại dính với những chuyện lôi thôi kia đang rất rối rắm và ngày càng
rõ không phải bây giờ mới có. Có đột ngột không? Có phải bây giờ mới có không?
Chắc chắn là không. Ở đây tất phải có một cái gì đó chung, gốc gác, và đã từ
rất lâu.
Cái
chung và gốc đó là gì? Theo tôi, có một điều là cốt lõi nhưng hầu như chưa được
ai nói rõ: trong phát triển mấy chục năm qua, Đà Nẵng đã không lấy văn hóa làm
nền, rất coi thường văn hóa, thậm chí phá hủy văn hóa. Cho nên tiềm ẩn nguy cơ
từ đầu, hậu quả là tất yếu, đến nay mới bục ra là chậm. Vì sao lại chậm thế? Vì
Đà Nẵng đã tạo được một vẻ bên ngoài nào đó che lấp cái gốc nguy hiểm kia.
Chỉ
xin nói vài ví dụ :
Về
di sản văn hóa, quý nhất, độc đáo nhất, tuyệt đẹp, trên toàn thế giới duy nhất
Đà Nẵng có, là Bảo tàng điêu khắc Chăm, dấu tích của một nền văn minh từng rực
rỡ. Tôi nghĩ lãnh đạo Đà Nẵng hoàn toàn không ý thức được điều đó khi quy hoạch
cho phát triển của thành phố. Đà Nẵng từng nổi tiếng giải tỏa giỏi để chỉnh
trang đô thị. Nhưng giải tỏa khắp nơi, có thời giải tỏa rầm rộ … để bán đất,
‘’đổi đất lấy công trình’’ … Mà không hề quan tâm giải tỏa để tạo một không
gian đủ thoảng để bảo tồn và chưng ra, khoe với thiên hạ và thường xuyên nhắc nhở
người dân thành phố về hòn ngọc văn hóa đáng tự hào nhất của mình. Trái lại,
bất chấp mọi phản đối, đã quyết xây một cái cầu quy mô và kệch cỡm, hình con
rồng bằng sắt, giữa thời hiện đại này mà lởm chởm vi vẩy, lại đầu phun lửa đuôi
xịt khói, che lút viên ngọc quý kia, phá vỡ cảnh quan, gây chấn động tác hại
cho bảo tàng, thậm chí lúc đầu còn định trùm qua cả bảo tàng, bị phản đối dai
dẳng mới chịu hạ thấp xuống một ít. Phô trương Cầu Rồng, quên lãng Bảo tàng
Chăm, là lấy thô kệch thay cho tinh hoa, điển hình của một lối văn hóa phô
trương trọc phú thấp kém, quê mùa. Đã là văn hóa thì nhất thiết phải tinh hoa,
đại chúng cũng phải là tinh hoa của đại chúng, và hướng dần lên tinh hoa, càng
đặc biệt ở đô thị là nơi hội tụ tinh hoa của một vùng đất. Tất nhiên con người
nào thì làm ra văn hóa ấy, và văn hóa nào thì lại chi phối lối sống, cách ứng
xử của con người sống trong văn hóa ấy, nhìn thấy nó, chịu tác động của nó hằng
ngày. Tôi nghĩ những chuyện lùm xùm vừa qua ở một số người lãnh đạo Đà Nẵng
không phải không có liên quan gì đến chuyện văn hóa trong phát triển của thành
phố này. Trong cư xử với quyền lực, người ta đã đã cư xử một cách vô văn hóa
đúng như đã cư xử với văn hóa.
Quy
hoạch Đà Nẵng, người Pháp đã thông minh và tinh tế tạo một trục văn hóa trung
tâm của thành phố dọc bờ sông Hàn: bắt đầu về hướng Tây là hòn ngọc bảo tàng
điêu khắc Chăm, ở giữa là công trình hiện đại duy nhất trên trục này: Thư viện
tổng hợp thanh nhã và sang trọng, cuối đường, về hướng Đông, là di tích lịch sử
quý nhất của thành phố: Thành Điện Hải, pháo đài anh hùng của tướng Nguyễn Tri
Phương, người đã đánh được trận thắng duy nhất chống quân Pháp vào xâm lược
nước ta giữa thế kỹ 19 ... Đà Nẵng đã phá vỡ cái trục văn hóa rất đẹp đó. Bảo
tàng Chăm bị Cầu Rồng thô kêch trấn ngự, Thư viện Tổng hợp suýt đã bị xóa đi để
xây siêu thị, đấu tranh mãi mới giữ được, Thành Điện Hải bị tòa nhà quả bắp khó
hiểu và bảo tàng Đà Nẵng hơn 40 sau chiến tranh vẫn chủ yếu chất đầy súng ống
lấn chiếm …
Đà
Nẵng là thành phố có cảnh quan vào loại đẹp nhất nước: có núi, không phải núi
‘’non bộ’’ như ở một số nơi khác, mà là núi lớn, cao, hệ động thực vật phong
phú, sát thành phố mà có cả thú quý hiếm, bờ biển cong duyên dáng, bãi biển
từng được xếp vào loại đẹp nhất thế giới, sông Hàn ngắn mà khỏe, là con sông lý
tưởng cho một thành phố hiện đại mà thơ mộng hai bên bờ sông … Đến nay Đà Nẵng
đã phá vỡ hầu hết các thế mạnh trời cho và cha ông để lại ấy.
Hệ
sinh thái của Đà Nẵng đã bị phá vỡ, có nhiều mặt không còn quay lui, cứu chữa
được nữa. Trả giá quá đắt …
Phan Văn Thắng: Xã
hội là một sinh thái – sinh thái xã hội và văn hóa là máu của hệ sinh thái đó.
Máu bị bệnh, bị thiếu sẽ làm cho xã hội su y yếu, dị dạng. Sự khủng hoảng,
xuống cấp của sinh thái xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sinh thái tự nhiên. Rừng
bị tàn phá đến kiệt quệ. Biển bị ô nhiễm. Đất cũng bị ô nhiễm. Tất cả đều là do
con người tạo ra. Tôi vẫn tự hỏi, tại sao cũng những con người đó, người Việt
Nam chúng ta, hôm qua không tàn phá rừng và biển mà hôm nay lại thế?
Tôi
cũng thấy cái cách mà người thời nay quan hệ, xử sự với nhau, với thế giới
quanh mình khác người xưa nhiều quá. Hình như có quá nhiều suy nghĩ, đúng hơn
là toan tính và hành vi ứng xử không phải được hình thành trên nền tảng các
phẩm chất văn hóa của người Việt xưa. Người Việt ta bây giờ, tôi nghĩ, đa phần,
có vẻ khắc nghiệt, tàn bạo hơn, giả dối hơn, thiếu trách nhiệm hơn. Nhận xét
này có gì quá đáng không, thưa ông?
Với
tình trạng trên, có lý do từ việc chúng ta đã làm gián đoạn tiến trình văn hóa
dân tộc, tạo ra khoảng cách văn hóa hôm nay với lịch sử và truyền thống văn hóa
dân tộc hay không? Là người từng trải ông có thể giúp chỉ ra những khoảng cách
đó và lý giải vì sao có khoảng cách đó?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Trước
hết, theo tôi câu hỏi và nhận xét của anh ‘’Tại sao người Việt Nam chúng ta hôm
qua không tàn phá rừng và biển mà hôm nay lại thế ?’’, …’’ Người Việt ta
bây giờ … đa phần, có vẻ khắc nghiệt, tàn bạo hơn, giả dối hơn, thiếu trách
nhiệm hơn …’’ không có gì là quá đáng cả. Hôm nay đã khá nhiều người đặt câu
hỏi và nhận xét tương tự. Có điều họ không hay chưa nói ra, hoặc tìm cách nói
trại đi thế nào đó cho dễ nghe hơn. Nghĩa là tình hình quả đúng như vậy và nhận
xét đó không mới mẻ. Quan trọng là câu hỏi: vì sao mà đến nông nổi ấy? Một câu
hỏi cần đặt ra rất nghiêm túc, nghiêm khắc, suy nghĩ rất kỹ, và cố gắng trả lời
cho kỳ được, nếu ta thật sự yêu đất nước này và thật sự vì con người Việt của
chúng ta. Bởi vì những biểu hiện như vừa nói không chỉ là những ‘‘biểu hiện’’,
tức là ở bên ngoài, mà là một sự thay đổi tận bên trong, về chất, và nếu đúng
thật như vậy (và lần nữa tôi khẳng định là quả vậy) thì nguy hiểm quá, nó liên
quan đến sự tồn vong của đất nước và dân tộc. Cho nên phải trả lời, trước sau
phải trả lời. Từ lâu tôi đã suy nghĩ, trằn trọc và cho rằng do quá bức xúc, quá
nóng lòng thoát khỏi ách đô hộ thực dân, chúng ta đã chọn một con đường đấu
tranh bạo lực quá nguy hiểm để giải quyết vấn đề dân tộc của mình, bắt đầu từ
một trăm năm trước. Bức xúc như vậy, nóng lòng như vậy là chính đáng, rất chính
đáng, nhưng chính những bức xúc và nóng lòng chính đáng ấy lại khiến ta chưa
tỉnh táo lường cho hết những hậu quả là sẽ tàn phá đến tận gốc những giá trị
đạo đức sống - giữa con người với nhau và giữa người với tự nhiên – đã
được dân tộc xây dắp hàng nghìn năm dài.
Với
ước vọng độc lập, tự do, thống nhất thiêng liêng, với con đường đã lựa chọn,
chúng ta đã phải trải qua mấy cuộc chiến tranh lớn, với tổn thất ghê gớm như
chưa từng có trong suốt lịch sử của dân tộc.
Tôi
nói những điều này vì hơn một trăm năm trước có một người đã nghĩ đến những
điều này, bằng một trực cảm thiên tài mà hẳn ta còn phải cố mà giải thích, đã
cảm nhận ra mối hiểm nguy của con đường bạo lực đối với dân tộc, quyết không đi
con đường đó. Người đó là Phan Châu Trinh. Ông nói ‘‘Bất bạo động, bạo động tắc
tử’’. Tôi hiểu ‘‘Tử’’
đây của Phan Châu Trinh không phải chỉ nói đến tổn thất sinh mạng. Ông nói đến
mối nguy ‘‘tử’’
lớn và sâu hơn nhiều: sự vong thân của con người và dân tộc Việt, như anh đã nhắc
đến trong câu hỏi, và ta đang lúng túng chứng kiến từng ngày hôm nay ... Bao
nhiêu năm Phan Châu Trinh bị chê là ‘‘cải lương’’, bị vu là ‘’thân Pháp’’. Ngày
nay có người còn cố bào chữa cho ông rằng ông chủ trương bất bạo động vì ông
thấy tương quan lực lượng giữa ta và đối thủ bấy giờ quá chênh lệch. Tôi cho đó
là thanh minh nhầm cho ông. Gần đây, trong một cuộc nói chuyện ở trường
Fullbright TP Hồ Chí Minh, TS Vũ Ngọc Hoàng đã nói lại chính xác tư tưởng của
Phan Châu Trinh, tuy không nhắc đến tên ông. Anh nói trong lịch sử lâu dài của
dân tộc, những lần đối mặt với ngoại xâm mà ta thua, thì không phải là vì ta
thiếu anh hùng, mà vì ta lạc hậu. Lạc hậu về văn hóa và văn minh. Hoàng Xuân
Hãn nói rằng Phan Châu Trinh là người đầu tiên và duy nhất thời bấy giờ đi tìm
và đã tìm thấy nguyên nhân mất nước trong văn hóa, trong sự thấp kém về văn hóa
của ta so với đối thủ mới. Vấn đề là văn hóa, văn minh, chứ không phải dũng khí
anh hùng. Hoặc dũng khí anh hùng lúc này, trong điều kiện này, chính là dám
nhận ra mình thua kém về văn hóa và văn minh. Lô gích của Phan Châu Trinh rất
rõ: Đã là vấn đề văn hóa, văn minh, thì không thể giải quyết được bằng chiến
tranh. Chiến tranh không có chức năng đó, không làm được điều đó. Phải cúi đầu
xuống mà đi học, học chính họ, để cho văn minh được bằng họ. Ông bình tĩnh đặt
vấn đề phát triển chứ không phải độc lập, ra sức học chính đối thủ để mà phát
triển. Độc lập, độc lập thật sự, có ý nghĩa và vững chắc, sẽ đến và chỉ sẽ đến
khi thật sự phát triển được bằng người.
Chọn
con đường ‘‘ngắn’’ bạo lực, ta đã làm gián đoạn tiến trình văn hóa dân tộc, tạo
ra rối loạn văn hóa, không chỉ là khoảng cách mà hố thẳm văn hóa hôm nay so với
lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.
Về
vấn đề này, theo tôi còn một chuyện nữa, mà ta cũng nên cố gắng đi cho đến
cùng. Ta biết Phan Châu Trinh đã hoàn toàn đơn độc với tư tưởng và chủ trương
của ông. Có thể nói ông là người cô độc nhất trong suốt lịch sử dân tộc. Toàn
bộ giới sĩ phu ưu tú của đất nước không ai tán đồng ông. Lịch sử và Dân Tộc không
chấp nhận ông. Mọi người đã quay lưng lại với con người tĩnh táo và sáng suốt
nhất của mình trong tình thế hiểm nghèo và chọn con đường khác, ngược lại.
Vậy
phải chăng còn có vấn đề của bản lĩnh dân tộc? Cũng là đối mặt với xâm lược đến
từ phương Tây cùng thời, người Nhật chẳng hạn đã có lựa chọn khác: chỉ đánh một
trận duy nhất và thua Hà Lan, họ liền dũng
cảm cúi đầu đi học Hà Lan và cả phương Tây - gọi tất cả là
‘’Lan học’’ – để trở nên hùng cường như hôm nay. Đó là khí tiết của samurai
Nhật mà tiếc thay ta không có … Cho nên cũng cần nghĩ, cố gắng nghĩ thật bình
tĩnh, khách quan về dân tộc. Tôi biết nhiều người hiện nay đang cố gắng làm
điều này.
Phan Văn Thắng:
Thưa ông, lâu rồi hình như ông ít viết văn, ông quan tâm nhiều hơn đến các vấn
đề văn hóa ở bình diện rộng lớn hơn rất nhiều. Ông có thể chia sẻ lý do không
ạ?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Tôi
là người tham lam, anh ạ. Thật ra tôi cũng còn cái để viết, nhưng bị phân tán
nhiều quá, tự mình phân tán, vì những việc tôi nghĩ có thể là quan trọng hơn.
Như suy nghĩ về chuyện ta đang bàn đây. Như chuyện cố mà giải thích cho ra Phan
Châu Trinh, vì sao ông đi trước được đến trăm năm như thế. Vì sao mọi người lúc
đó đã quay lưng lại với ông, đã đánh mất ông, người từng muốn đưa dân tộc đi
một con đường khác, đến một số phận khác …
Tất
nhiên lịch sử thì không có nếu. Nhưng dám nhìn lại, nghĩ lại về lịch sử thì rất
cần. Để dám bắt đầu lại. Từ đầu. Từ cái điểm mà Phan Châu Trinh đã thấy và tha
thiết cảnh báo cách đây một trăm năm … Có thể nói đến điều đó bằng văn học, nhưng
tôi chắc rõ ràng tôi không đủ sức. Phải chờ người khác.
Phan Văn Thắng:
Trong bối cảnh văn hóa Việt nam hiện nay, văn học đứng ở vị trí nào trong tổng
thể ‘bố cục’ nền văn hóa nước nhà?
Đó
là sự sắp xếp hay là sự lựa chọn của giới văn chương, và công chúng bạn đọc?
Văn
học và giới văn chương có phải chịu trách nhiệm về thực trạng văn hóa nước nhà
hiện nay? Vì sao?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Chẳng
có ai sắp xếp được cả. Tôi nghĩ văn học là sự tự ý thức của dân tộc. Tôi có cảm
thấy điều đó trong một số tác phẩm của một số nhà văn, song có lẽ còn chưa thật
rõ, như mới là một sự đánh hơi còn khá mơ hồ.
Trong
tình hình hiện nay, tôi mong có những nhà văn thật có tài, làm sựtự ý thức lại
của dân tộc.
Vừa
rồi tôi thấy có người nói lớp cầm bút tuổi bốn mươi đang rất đáng chú ý, có vẻ
họ sẽ làm nên chuyện đấy. Tôi cũng vừa đọc một nhà văn tuổi hai mươi, có thể
coi là một phát hiện lạ. Tôi chờ. Tất nhiên văn học sẽ có tiếng nói kiểu của
nó. Và không thể nói trước nó sẽ lên tiếng theo cách nào.
Phan Văn Thắng:
Tôi còn biết ông với vai trò một người trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục.
Ông nhận xét gì về vai trò của các hoạt động giáo dục, của ngành giáo dục đối
với hiện trạng văn hóa nước nhà? Những bất cập, hay là yếu kém nào của giáo dục
đã tác động bất lợi đến Con người và Văn hóa Việt nam hôm nay?
Ngành
giáo dục phải thay đổi là tất nhiên, tất yếu. Nhưng thay đổi theo triết lý nào
thì hình như chúng ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm. Ông có tìm kiếm cho riêng
mình một triết lý hay là phương châm hành động vì một nền giáo dục Việt Nam
hiện đại? Nó là gì?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Cũng
là một chuyện tham lam của tôi.
Về
giáo dục, có lẽ có hai điều cần nói:
Vẫn
nghe nói: xã hội thế này thì giáo dục ắt phải thế, không thể hơn. Xã hội là hệ
thống mẹ, giáo dục là hệ thống con. Có vẻ đương nhiên rồi! … Nhưng rồi, nghĩ
lại xem: Ai sẽ làm thay đổi tình trạng xã hội này? Nói cho đến cùng, cũng chỉ
có thể là giáo dục. ‘’Chi bằng học!’’ Để thoát lạc hậu. Đâu nhất thiết mẹ nào
con ấy. Có thể sai lầm lớn nhất của nền giáo dục ở ta bây giờ là nó cam chịu sự
chi phối tuyệt đối của hệ thống mẹ, không hề có tham vọng tác động ngược trở
lại làm thay đổi, phát triển hệ thống mẹ. Tất cả các cuộc cách mạng giáo dục
trên thế giới xưa nay đều nhằm làm điều đó, và vì đã làm điều đó nên mới là một
cuộc cách mạng giáo dục.
Nhưng
muốn làm được điều đó thì, như GS Hoàng Tụy đã nói rồi, phải ‘’thế tục hóa’’.
Nếu không thì mọi ‘’đổi mới’’, ‘’cải cách’’ này nọ cũng chỉ có thể loay hoay
chắp vá thôi.
GS
Hoàng Tụy cũng nhắc rõ điều này: châu Âu khi thế tục hóa giáo dục, thì xã hội
vẫn là xã hội Thiên chúa giáo. Nghĩa là thể chế không thay đổi. Không sao cả.
Cần phải hiểu, nếu chưa hiểu thì đến lúc cần phải hiểu: giáo dục (và văn hóa)
là nền tảng và lâu dài hơn chính trị. Nếu không thì sẽ không còn văn hóa và giáo
dục.
Phan Văn Thắng:
Xin trở lại câu chuyện với những điều riêng tư hơn. Tôi được biết và chúc mừng
ông và các cộng sự ở Viện Phan Chu Trinh đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tín
nhiệm tổ chức biên soạn bộ sách có tính chất bách khoa về Quảng Nam. Ông có so
sánh và nhận xét gì về văn hóa hai xứ, Quảng và Nghệ. Và tính cách người xứ
Quảng và xứ Nghệ?
Nhà văn Nguyên Ngọc:Tôi
không dám so sánh gì. Chỉ nói một nhận xét tình cờ: Tôi nghĩ dân Quảng Nam gốc
Nghệ Tĩnh rất nhiều. Mẹ tôi là dân Hà Tĩnh đấy anh ạ. Ông ngoại tôi là cháu nội
của cụ Nguyễn Công Trứ, chắc là một ông đồ Nghệ (Tĩnh) lang thang vào xứ Quảng
dạy học, lấy bà ngoại Quảng Nam của tôi … Và có dịp vào Bến Tre, tôi được biết
dân Bến Tre rất nhiều người gốc Quảng. Ở Bến Tre còn có cái rương xe, vốn rất
Quảng Nam mà ở Quảng Nam nay hầu như không còn. Tôi cứ mường tượng có thể người
Nghệ đi vào Quảng Nam là một bước, bước tiếp một bước nữa là vào đến Bến Tre.
Đúng thế không? Có gì đó rất gần nhau./.
Nguồn: Theo VHNA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire