24/11/2017

Luật phòng chống tham nhũng vẫn là “cọp không răng”


TTO - Luật vẫn sẽ là "cọp không răng" nếu không có quy định đột phá về công khai, minh bạch, kiểm soát tài sản cán bộ, công chức.





Trong các bản báo cáo tổng kết mười năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) và nhiều hội thảo về sửa đổi luật này đều khẳng định tồn tại của luật là thiếu quy định xử lý tài sản bất minh, nhưng nó lại tiếp tục vắng bóng trong dự luật trình Quốc hội.



Hôm nay (21-11), Quốc hội dành gần một ngày để thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật PCTN (sửa đổi), và đây đã là lần thứ 3 đạo luật được sửa đổi trong vòng 12 năm kể từ khi nó ra đời (2005). 

"Đề nghị bổ sung quy định xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản không giải trình được nguồn gốc" - trích báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ (vào ngày 9-11). Nội dung này nằm trong mục "về các nội dung khác chưa có trong dự thảo luật" của báo cáo tổng hợp.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, không ít đại biểu Quốc hội cho biết họ không thể lý giải được nguyên nhân tại sao dự án luật lại chưa được bổ sung quy định đặc biệt quan trọng này. 

Tại phiên thảo luận ở tổ, một số đại biểu cho rằng nếu Luật PCTN (sửa đổi) không có quy định đột phá về công khai, minh bạch, kiểm soát tài sản cán bộ, công chức, luật vẫn sẽ là "cọp không răng" như các chuyên gia nước ngoài từng bình luận. 

Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải công khai các bản kê khai tài sản tại nơi cư trú của cán bộ, công chức và công khai trên cổng thông tin điện tử để người dân giám sát. Đây là các biện pháp được cho rằng sẽ đem đến sự "đột phá" trong công tác PCTN ở Việt Nam, nhưng từ lâu đã là các quy định bình thường ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều đại biểu Quốc hội cùng có chung nhận định rằng để tham nhũng xảy ra thì có chống cỡ nào cũng mất mát. Đó là mất tiền (tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp), mất cán bộ và đặc biệt là mất niềm tin của nhân dân. 

Chính vì vậy, việc xây dựng thể chế phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu mới là quan trọng nhất. Với mục đích như tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói rằng phải làm sao để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng".

Advertisement

Tất nhiên, một Luật PCTN không làm được tất cả mọi điều. Ví dụ, để "không muốn tham nhũng", công cuộc cải cách tiền lương và đổi mới thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức phải được thực hiện thành công. 

Để "không dám tham nhũng", chế tài xử lý phải nặng, đủ sức răn đe, "lưới" pháp luật không được để "lọt" tội phạm, là nhiệm vụ chủ yếu của hệ thống pháp luật về hình sự. 

Vấn đề còn lại, để "không thể tham nhũng", tức là xây dựng cơ chế phòng ngừa đủ mạnh, nhiệm vụ chính phải thuộc về Luật PCTN. 

Do vậy, không thể thiếu các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, chế tài xử lý đủ mạnh để kiểm soát tài sản cán bộ, công chức.






LÊ KIÊN



Nguồn: Theo TTO







Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire