02/02/2018

Phe phản chiến Mỹ mạnh lên sau trận Mậu Thân


Harish Mehta

Trận Tết Mậu Thân 1968 là một kỳ công về đại chiến lược của giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay thường được gọi là Bắc Việt, hồi tháng Giêng 1968.
 
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Mục sư nổi tiếng Martin Luther King tại cuộc biểu tình phản chiến ở New York tháng 3/1967



Sau cuộc tấn công đầu tiên là đợt tấn công lần hai vào các thị trấn nhỏ hơn vào tháng Năm 1968, và đợt ba vào tháng Tám.

Quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa phản ứng lại bằng hỏa lực ưu thế hơn, gần như tiêu diệt trọn lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và lấy lại toàn bộ các nơi bị chiếm.

Kết quả

Mặc dù cuộc tấn công không phải là chiến thắng quân sự cho Hà Nội, nó là thắng lợi dư luận quan trọng vì nó thúc đẩy sức mạnh của phong trào phản chiến tại Mỹ, và giáng cú đánh tâm lý mạnh mẽ vào chính phủ Mỹ.

Kết quả trực tiếp là nó phá hủy nhiệm kỳ tổng thống của Lyndon B. Johnson. Chỉ hai tháng sau trận tấn công, tổng thống Mỹ gây sốc với tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ hai do nay ông đối diện phong trào phản chiến ngày càng mạnh mẽ, và chính sách Việt Nam của ông vỡ vụn.

Johnson không thể tái tranh cử vì trận Tết Mậu Thân gây choáng đã vạch trần những tuyên bố sai lạc mà cả ông và Tướng Mỹ William Westmoreland đã đưa ra.

Họ đã nói với nhân dân Mỹ rằng "có ánh sáng ở cuối đường hầm" và rằng chiến lược "tiêu hao sinh lực địch" của quân đội Hoa Kỳ đang có hiệu quả.

Tết Mậu Thân không đạt được mục tiêu chính của phe cộng sản là dẫn đến nổi dậy ở miền Nam, nhưng nó lại thành công khi làm yếu đi sự ủng hộ của người Mỹ cho cuộc chiến.

Một số sử gia tin rằng ông Hồ Chí Minh, khi đó là Chủ tịch đảng Lao Động, không ủng hộ tiến hành cuộc tổng tấn công vào lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, và rằng ông nghiêng về việc từ từ củng cố miền Bắc trước hết. 
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Một nghĩa trang tại Huế

Một phe "Ưu tiên Miền Bắc" trong đảng ủng hộ cách đi từ từ. Một phe "Ưu tiên Miền Nam" quyết liệt hơn, dưới trướng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, lại ủng hộ chính sách tổng tấn công ở miền Nam.

Nhưng quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh phản đối Tết Mậu Thân không hẳn đúng vì vào tháng 12/1967, ông Hồ Chí Minh, sức khỏe yếu, đã xuất hiện ở một cuộc diễu hành ở Hà Nội nhằm khuyến khích ủng hộ cho cuộc tổng tấn công tương lai.

Có mặt cùng ông trên lễ đài có chủ tịch quốc hội Trường Chinh, Phó chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ông Hồ Chí Minh không giữ vai trò chủ động trong cuộc tổng tấn công, và qua đời vào năm sau ở tuổi 79.

Cuộc tổng tấn công phá tan huyền thoại rằng Hoa Kỳ có thể thắng cuộc chiến, và trên thực tế còn buộc một tổng thống ra đi, và khiến tổng thống mới Richard Nixon, tìm cách rút lính Mỹ, cho phép Bắc Việt giành chiến thắng năm 1975. 
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Cảnh sát Chicago bắt một sinh viên vì trèo lên cột để "treo cờ Việt Cộng" tại Đại hội của Đảng Dân chủ Mỹ tại Illinois ngày 26/08/1968


Sau Tết, Hoa Kỳ từ bỏ ý chí chiến thắng cuộc chiến, tìm cách triệt thoát nhờ đàm phán, mà ở đó Hà Nội giữ lá bài chủ động. Theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Bắc Việt năm 1973, Hà Nội duy trì quân ở miền Nam trong khi đòi Mỹ rút quân.

Ảnh hưởng chủ yếu của Tổng tấn công Mậu Thân là giá trị tuyên truyền khổng lồ và thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ, vì nhiều người Mỹ bắt đầu nghi ngờ tuyên bố trước đây của chính phủ Johnson rằng có tiến bộ trong cuộc chiến với quân Bắc Việt và Mặt trận miền Nam.

Biểu tình

Hơn một nửa dân số Mỹ phản đối tiếp tục leo thang quân sự. Sau Tết, các cuộc biểu tình bạo lực hơn. Hồi tháng Tư 1968, các nhà hoạt động phản chiến chiếm tòa nhà quản lý ở Đại học Columbia, khiến cảnh sát phải dùng vũ lực trục xuất.

Người biểu tình tìm cách phá hoại các văn phòng và nhà máy của Dow Chemical, nơi sản xuất napalm, vũ khí hóa học mà Mỹ dùng diệt lá rừng ở Việt Nam.

Các nhà hoạt động và cảnh sát còn xô xát ngay tại Đại hội đảng Dân chủ ở Chicago vào tháng Tám.

Trận Tết Mậu Thân không chỉ dẫn tới biểu tình phản chiến bạo lực mà còn tăng cường trao đổi văn hóa giữa Bắc Việt và người Mỹ. Do Hà Nội không có quan hệ ngoại giao "chính thức" với chính phủ Mỹ, họ tiến hành ngoại giao "phi chính thức" với nhân dân Mỹ, nhằm tác động gián tiếp tới chính phủ Mỹ để chấm dứt ném bom và đàm phán hòa bình.

Chính phủ Mỹ không tán thành liên hệ gia tăng giữa người Mỹ và Bắc Việt, đặc biệt là các chuyến thăm Việt Nam thường xuyên của nhà hoạt động Tom Hayden, lãnh đạo tổ chức Sinh Viên cho Xã Hội Dân Chủ.

Không ngại đe dọa tịch thu hộ chiếu của bộ ngoại giao, Hayden thăm Hà Nội lần nữa vào tháng 10/1967 (sau chuyến thăm lần đầu năm 1965). Tại đó, ông được cho hay Mặt trận miền Nam sẵn sàng thả nhiều tù nhân Mỹ ở miền Nam để bày tỏ thiện chí.

Các cuốn sách và bài báo đoàn kết với Bắc Việt bắt đầu xuất hiện tại Mỹ. Trong cuốn sách năm 1968, Soul on Ice, tác giả Mỹ Eldridge Cleaver khẳng định vấn đề sắc tộc ở Mỹ không thể giải quyết đơn lẻ, vì có mối liên hệ giữa "diệt chủng" ở Việt Nam và nỗi khổ của người Mỹ da đen trong nước.

Cleaver cảnh báo rằng một khi "người da trắng giải quyết vấn đề ở phía Đông, anh ta sẽ lại chuyển sự giận dữ sang người da đen ở Mỹ".

Bản quyền hình ảnh Keystone Image caption Tướng Westmoreland tại chiến trường Nam Việt Nam

Các chuyến thăm Hà Nội

Chính phủ Bắc Việt khuyến khích các chuyến thăm của người Mỹ. Thông thường các vị khách nước ngoài tự trả tiền vé máy bay, còn Bắc Việt trả các khoản phí địa phương như khách sạn, tiền ăn, đi lại, và chi phí cho người phiên dịch. Nhưng nếu vị khách là nhân vật nổi bật, Hà Nội cũng trả cả vé máy bay.

Ví dụ, tháng Ba 1970, Bắc Việt đồng ý bảo trợ cho chuyến thăm của ba nhân vật phản chiến nổi tiếng của Mỹ: giáo sư ngôn ngữ học Noam Chomsky, nhà kinh tế Douglas Dowd và mục sư Dick Fernandez.

Noam Chomsky, một trí thức phản chiến hàng đầu, thăm Bắc Việt năm 1970. Ông vô cùng ấn tượng với sự cần cù và quyết tâm của người Bắc Việt, duy trì hoạt động các nhà máy, nông trường bất chấp bom Mỹ ném xuống. Chomsky không thấy có nạn đói và quan sát có nền dân chủ tham gia hạn chế. Ông phỏng đoán rằng nếu người Việt không bị cản trở bởi sự can thiệp đế quốc, họ thậm chí có thể phát triển một xã hội công nghiệp, hiện đại, có sự tham gia của người dân.

Như trong trường hợp Chomsky, giao tiếp ngoại giao của Bắc Việt với người Mỹ đã thành công khi thể hiện gương mặt con người của Bắc Việt để giành lấy sự cảm thông tối đa của người Mỹ.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Diễn viên Mỹ Jane Fonda thăm Hà Nội ngày 25/7/1972


Vào tháng Bảy 1971, một đoàn công nhân người Mỹ da đen do James Forman dẫn đầu thăm Bắc Việt theo lời mời của Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ.

Trước chuyến thăm Việt Nam, giáo sư đại học Harvard George Wald có bài phát biểu quan trọng tại trường MIT tháng Ba 1969. Ông nói:

"Cuộc chiến Việt Nam là chương đáng hổ thẹn nhất trong cả lịch sử Hoa Kỳ."

Wald bày tỏ sự cân bằng khi thăm cả Nam Việt Nam tháng Tám 1971 và Bắc Việt vào năm sau. Tại Sài Gòn, ông gặp tín đồ Phật giáo, Công giáo, sinh viên, các nhóm phụ nữ. Tất cả muốn "chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự hiện diện của Mỹ, loại bỏ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và thử nền dân chủ đã được hứa trong hiến pháp," ông này viết.

Bắc Việt trọng đãi ông Wald khi ông thăm Hà Nội tháng 2/1972 vì ông đã giành giải Nobel y khoa và là người tham gia nổi bật trong phong trào phản chiến.

Sau khi quay về từ Bắc Việt, Wald tiếp tục chỉ trích chính sách của Mỹ trong bài nói quan trọng ở Đại học Kent State tháng 5/1972. Wald bày tỏ phẫn nộ rằng một máy bay Mỹ ném bom một bệnh viện miền Bắc vào ngày Giáng sinh tháng 12/1971.

Wald xem Tổng thống Nixon là "tổng thống phi đạo đức" dự định giữ Mỹ ở Đông Nam Á "bằng mọi giá".

"Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam mang tính Việt Nam hơn là cộng sản. Nó mang tính chất dân tộc cao độ," Wald nói.

Bắc Việt thành lập nhiều tổ chức, lớn và nhỏ, để thi hành ngoại giao phi chính thức. Ví dụ, để thúc đẩy hình ảnh tích cực về Cách mạng Việt Nam, khoảng 120 nhiếp ảnh gia Bắc Việt tổ chức hội thảo của những nhà nhiếp ảnh tại Hà Nội ngày 4/1/1965.

Các hình chụp miền Bắc đem lại cho độc giả nước ngoài cái nhìn hiếm hoi về người dân Bắc Việt và những hy sinh anh hùng thời chiến của họ. 

Bản quyền hình ảnh Hulton Archive Image caption Phong trào chống chiến tranh Việt Nam đã bùng nổ ở Hoa Kỳ và châu Âu


Phong trào chống chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu ở châu Âu còn trước cả tại Mỹ. Triết gia Anh Bertrand Russell và phía Bắc Việt cùng tạo ra Tòa án Tội ác Chiến tranh Quốc tế ở châu Âu và Nhật năm 1967 để xử lãnh đạo Mỹ vì "tội ác chiến tranh" ở Việt Nam - một năm trước khi phong trào thực sự sôi nổi ở Mỹ.

Giới học giả đã chứng minh rằng những người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam được khuyến khích vì sự ủng hộ dành cho họ ở nước ngoài, đặc biệt vì Russell tập hợp phiên tòa Việt Nam trong lúc phong trào phản chiến đang lên ở Mỹ.

Bài viết bày tỏ quan điểm riêng của tác giả. Ông tiến hành nghiên cứu cho bài viết này tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia số 3 ở Hà Nội, và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ tại College Park, Maryland. Tác giả nhận bằng tiến sĩ ở Đại học McMaster, Canada, chuyên về quan hệ ngoại giao Mỹ và Chiến tranh Việt Nam. Ông từng viết ba cuốn sách về lịch sử và chính trị Campuchia. Ông là tổng biên tập của The Calcutta Journal of Global Affairs.


http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42838847

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire