20/04/2018

Đôi điều cảm nhận về nhà văn Trang Thế Hy


(Tác giả & Tác phẩm)                                                             

 Thiên Tùng


nhà văn Trang Thế Hy
Dường như những người viết văn thích tự do, phóng khoáng. Vì thích phóng khoáng, tự do nên tôi tham gia làng văn, thích làm quen với những nhà văn -   “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, âu cũng là chuyện thường tình.

Ở Nam bộ, ngoài Hồ Biểu Chánh trước đây, sau nầy có 3 nhà văn tương đối nổi tiếng là Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam và Trang Thế Hy. Cả 3 ông nầy tôi đều quen thân, nhất là Trang Thế Hy. Cả 3 đều qua đời, ông Hy là người “đi” sau cuối (8/12/2015). Không phải dựa hơi lấy oai đâu – để học hỏi viết văn và học hỏi phẩm hạnh của những ông ấy.



Qua cuộc sống đời thường và qua tác phẩm văn học, tôi đồng tình với một số người nhận xét tổng quát về 3 nhà văn tên tuổi ở Nam bộ nầy: Nguyễn Quang Sáng phóng khoáng, giàu tưởng tượng; Sơn Nam dễ tính, chơn chất, mộc mạc;   Trang Thế Hy khó tính, chơn chất, sâu cay. Về văn phong: Nguyễn Quang Sáng phóng khoáng, tuôn chảy; Sơn Nam dùng từ ngữ mộc mạc có nét giống Hồ Biểu Chánh; Trang Thế Hy tu từ, chắt lộc từng chữ, kiệm lời, trong mỗi tác phẩm ẩn chứa một thông điệp mới về cuộc sống hiện tại.

“Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”, tuy cùng sinh ra ở tỉnh Bến Tre, trong chiến tranh “loạn lạc”, tôi chỉ biết Trang Thế Hy qua những văn phẩm của ông.

Đầu thập niên 90, trong cuộc thi sáng tác truyện ngắn do Hội Văn học Nghệ thuật (Hội Văn Nghệ) tỉnh Tiền Giang phát động, ông Hy được mời làm chủ khảo, tôi ứng thí truyện “Hỏa thiêu”. Cuộc thi nầy, truyện “Hỏa thiêu” của tôi đạt giải nhất. Đây là lần đầu tiên tôi và ông Hy biết mặt nhau.

Tuổi tôi và ông Hy (Tư Sâm) chênh lệch nhau hơn con giáp, gọi nhau anh và em (anh Tư, chú Tùng). Chúng tôi chơi thân nhau chẳng qua đồng cảm, đồng cảnh: chán ngán cảnh chụp giựt, bon chen, nhân tình thế thái; cùng từ quan về ở ẩn. Tôi ẩn ở TP Mỹ Tho, còn anh Hy ẩn ở quê nhà xã Hữu Định – cạnh nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre. Chúng tôi ở cách nhau khoảng 10 km, chỉ qua bắc Rạch Miễu (giờ là cầu Rạch Miễu) coi như tới. Tư Sâm ngày một xuống sức, di chuyển khó khăn, 25 năm qua từ khi quen biết nhau, tôi đến với anh là chính.

Trước khi “ba điều bốn chuyện” về nhà văn Trang thế Hy, tôi nói về bức ảnh ông ngồi võng chỉ tay mà trang Bauxite dùng minh họa cho bức thư “Vĩnh biệt nhà văn Trang Thế Hy”, chia buồn với gia đình ông.    

Ảnh từ trang Bauxite Việt Nam
Bức ảnh nầy ai đó chụp đã lâu rồi, lần đến thăm ông, tôi lật album để trên bàn xem, hỏi:

- Ngồi võng chỉ tay thế này là ý gì?

- “Đi chỗ khác chơi” – Ông vừa cười vừa đáp.

- Vậy anh đuổi cả tôi? – tôi nói vui.

- Chú mầy đến biết bao lần anh đâu có chỉ tay ?! – ông thanh minh. Thế rồi, vừa pha trà, miệng ông lẩm bẩm: Chỉ là ảnh, chụp cho vui vậy thôi, theo phép lịch sự, ngay cả nhà thơ Bảo Định Giang đến đây anh cũng đâu có chỉ tay.

Vậy, ảnh ông Hy chỉ tay là để nói với người chớ không phải tự nói với mình như có một số người lầm hiểu.

Nhà văn Trang Thế Hy qua đời, ngoài tiếc thương, tôi còn mất một chỗ chơi thanh vắng, lý thú. Nơi tiếp khách của ông chỉ là túp lều mái cong dạng mui ghe, cạnh nhà, núp dưới bóng dừa, đủ để cái bàn nước và cái võng giăng cạnh. Cuộc sống những năm tháng “về chiều” của ông Hy đơn giản với điệp khúc: ngủ vào trong, thức ra đây, khỏe ngồi, mệt nằm võng, khi chết chôn cạnh nhà và hết.

Đầu năm 1990, tôi đưa 2 tập truyện ngắn + ký được Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh chấp nhận xuất bản cho ông Hy đọc và giúp viết lời bạt. Khi đọc và viết xong lời bạt, ông gọi tôi đến, nhận xét tổng quát về 2 tập truyện nầy: Phong phú về đề tài; cả kho từ vựng quí giá; thể hiện rõ nỗi bất bình cao quí; giàu nguyên liệu nhưng yếu về khâu chế biến… (trích nhận xét trong lời bạt).

Đọc tác phẩm của ông, tôi có cảm nhận ông Hy viết bằng bút thép chớ không phải vút lông. Ngòi viết của ông “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nói theo thuật ngữ bóng đá, ông Hy là cầu thủ điêu luyện trong dẫn bóng và ghi bàn. Chẳng hạn:


1/ Trong truyện “Xử tội Hà bá”, ông viết: …  Mẹ tôi sai tôi ra tiệm mua nước mắm. Ra tới ngả ba, tôi thấy người ta bu đông nghẹt xem nhóm Sơn đông mãi võ đang diễn trò xảo thuật bán thuốc đủ loại. Họ câu khách bằng cách nhắc đi nhắc lại pha cụp liệt cuối cùng là “Xử tội Hà Bá”. Con Hà Bá họ trùm kín trong chăn. Do tính hiếu kỳ, tôi cố nán lại chờ xem mặt mũi con Hà Bá ra sao. Chờ mãi, hết keo nầy gầy keo khác, mà không đến lượt xử tội Hà Bá.

Thấy con đi lâu không về, mẹ tôi đi tìm. Thấy tôi nhí nhố trong đám đông chờ xem xử tội Hà Bá, chẳng những không la rầy, bà còn khích lệ tôi nán lại xem tiết mục rùng rợn nầy.

Đến mục cuối cùng xử tội Hà Bá, một người diễn trò ảo thuật giả bộ vấp té trầy chân, nhăn mày nhíu mặt, người bán thuốc cầm gói thuốc dán giơ cao, nói to: “Có ngay, thần dược có một không hai, trầy đâu dán đó khỏi ngay tức thì”.

Mẹ tôi nói:

- Thôi đi con, ta ra tiệm mua nước mắm về ăn cơm, đã đứng bóng rồi, họ gạt mình để  bán thuốc chớ không có xử tội Hà Bá đâu !

- Hà Bá có thật không mẹ ? – tôi vừa đi vừa hỏi.

- Sao không, cái bọn nói một đường, làm một nẻo là lũ Hà Bá đấy.


2/ Chuyện Làng tôi”, ông viết: ...Làng tôi có 2 cái Đình ở đầu làng và cuối làng thờ Thần do Vua phong; giữa làng có cái Miễu thờ bà Chúa Xứ do Dân phong. Cứ vào Kỳ Yên hàng năm, Ban Hội tề xã đều rướt gánh hát về hát cho dân làng xem. Để cho công bằng trong việc đi lại, theo giao ước, năm chẵn hát ở đình đầu làng, năm lẻ hát ở đình cuối làng. Do thiên tai và nhân tai, dân đầu làng và cuối làng nghèo xơ xác không có tiền đóng góp gia cố 2 cái đình, nó đều xiêu vẹo, nếu đưa gánh hát vào đây dân chúng chen lấn ắt có thảm họa. Ban Hội tề bàn tính tới lui vẫn không có lối thoát. Bộ Nghiêm, người quản lý Miếu đề xuất:

-Suốt mấy năm qua, dân giữa làng làm ăn khắm khá, mới cất cái Vỏ Ca trước Miếu rộng rãi chẳng kém Vỏ Ca đình làng, ta cho hát ở đó vừa tiện việc đi lại cho dân làng, vừa an toàn?.

- Nếu đem lại Miễu hát thì phải tạm dẹp tượng bà Chúa Xứ, bởi vì bà Chúa Xư do Dân Phong, còn Thần là Vua phong, khác đẳng cấp – ông Hương Cả đặt điều kiện.

- Không được, mặc dầu bà Chúa Xứ do Dân phong nhưng biết lo cho dân, phải đặt ngang hàng với Thần do Vua phong. Nếu không thì hát đâu đó hát.

Cuối cùng Ban Hội tề đồng thuận hát ở Miễu, không dẹp tượng bà Chúa Xứ.


3/ Trong truyện “Tiếng khóc, tiếng hát”, ông viết:…Ông đạo diễn Hải cho người phụ nữ khoảng 30 tuổi bán giải khát trước nhà mình. Liên cư với nhà Hải là nhà của gã ma cô, ông nầy sở hữu một cô gái có ngoại hình ăn khách nhưng lại câm và điếc. Hàng ngày người bán giải khát phải chứng kiến điệp khúc: bữa nào cô gái tiếp khách được tiền, gã ma cô vui, cô gái cười và ca hát ú ớ theo nhạc điệu một bài hát nhất định nào đó; bữa nào ế khách thì gã ma cô cằn nhằn, đánh đập, cô gái khóc nức nở.

Một hôm nghe cô gái khóc tức tưởi, người bán giải khát hỏi thăm dò ông Hải:

- Anh nghe xem, cô gái ấy khóc hay hát?

- Làm sao tôi có thể phân biệt được với giọng ú â của cô gái câm ! – Hải nói.

- Lạ thật, không phân biệt được “tiếng khóc, tiếng hát” mà cũng làm đạo diễn!. 


4/ Trong truyện “Người tặng đờn”, ông viết:…Lúc còn ở Sài Gòn, tôi đến thăm thầy đờn (nhạc sĩ dạy đờn) nổi tiếng Tư Chơi. Hai anh em đang nhâm nhi rượu đàm đạo, bỗng có chàng trung niên, vai mang cây đờn kìm (đờn nguyệt), tay xách cái túi vào cửa ngã đầu chào chúng tôi. Sau bước chào hỏi, chủ khách đề huề, anh Tư Chơi mở lời:

- Vốn chưa quen, chàu đến chú có việc chi?

- Chẳng những cháu nghe danh mà còn nghe cả tiếng đờn của Bác Tư trong dĩa hát. Vì sự ngưỡng mộ, cháu tìm đến tặng Bác Tư cây đàn kìm được nghệ nhân khảm ốc và 2 chai rượu.

- Chỉ thế thôi hay có điều kiện gì? – Tư Chơi nghi ngờ, hỏi vặn.

- Vì ngưỡng mộ, cháu tìm đến cốt yếu thăm Bác và tặng 2 món quà nhỏ mọn. Và tiện thể, Bác Tư vừa thử cây đờn coi có ưng ý không, vừa đờn một vài bản cho cháu nghe thỏa lòng ngưỡng mộ – chỉ thế thôi.

- Điều đó rất dễ khi bác còn đương thời, nhưng nay rất khó vì bác đã hết thời,…!

- Thời vận gì, anh đàn cho cháu nó nghe một vài bản để đáp công nó lặn lội tới đây - tôi nói.

- Xem nè, tay run thế nầy mà đờn cái nỗi gì nữa?!. Chú không chịu đờn là không muốn làm cho cháu thất vọng, hãy giữ những gì vốn có. Bác biết thân phận mình nên đã “gác kiếm” từ lâu. Làm người phải biết thân phận “hạ cánh” đúng lúc; tham danh cố vị, dây dưa mãi chỉ làm trò cười cho thiên hạ?.v..v.. 

Ngoài mỗi tác phẩm ẩn chứa một thông điệp mới về cuộc sống, nhà văn chi tiết Trang Thế Hy còn “chích” rất đau như 4 chuyện vừa kể, khiến cho “bịnh nhân” phải hoảng sợ.


Viết từ TP Mỹ Tho

Đào văn Tùng (bút danh Thiện Tùng)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire