03/05/2018

Báo Sóng Thần chống tham nhũng trước 1975


Nhà báo Trùng Dương kể lại câu chuyện báo Sóng Thần bị kiện vì chống tham nhũng
Nhà báo Trùng Dương, hiện sống tại Hoa Kỳ, kể lại với BBC sự kiện báo Sóng Thần bị đưa ra tòa vì chống nạn tham nhũng trong chính quyền và quân lực VNCH trước 1975.

Là Chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần (1971-1975), bà Trùng Dương cũng nhắc lại một số chuyện làng báo Nam Việt Nam trước ngày Sài Gòn sụp đổ.

Nhật báo Sóng Thần

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt hôm 17/4, nhà văn nhà báo Trùng Dương Nguyễn Thị Thái (sinh năm 1944 tại Sơn Tây), nói việc ra đời nhật báo Sóng Thần năm 1971 bắt nguồn từ phong trào chống tham nhũng do bác sĩ quân y VNCH Hà Thúc Nhơn khởi xướng.

"Hà Thúc Nhơn là đại úy y sỹ của bệnh viện Nha Trang. Ông ấy là người rất thẳng thắn."

"Ông ấy nắm trong tay một số tài liệu tham nhũng của một số nhân vật trong chính quyền thì ông ấy muốn chính quyền phải giải quyết."

Ông Hà Thúc Nhơn đã chiếm bệnh viện Nha Trang cùng với một số bệnh nhân và khi chính quyền đến giải tỏa "thì trong lúc đụng độ như thế nào đó ông ấy bị bắn chết cùng một số người nữa", theo bà Trùng Dương.
 
Bản quyền hình ảnh Trùng Dương Image caption Sóng Thần là một trong ba tờ báo đã phát hành bản cáo trạng về tham nhũng trong chính quyền và quân đội VNCH

Sau đó, một nhóm người gồm Uyên Thao, Chu Tử, Nguyễn Liệu và Phạm Văn Lương đã họp lại với nhau và ra một nhóm gọi là nhóm 'Hà Thúc Nhơn chống tham nhũng'.

"Nhóm anh em họ họp lại với nhau họ bảo rằng bây giờ vấn đề về tình trạng tham nhũng trong chính quyền với quân đội đáng ngại lắm. Cho nên nó có thể ảnh hưởng không tốt đến cuộc tranh đấu chống lại cộng sản hồi đó," bà Trùng Dương nói.

Ban đầu nhóm này dùng Tuần Báo Đời để phổ biến những sinh hoạt của họ, nhưng họ vẫn cần một tờ nhật báo.

Nhật báo Sóng Thần ra đời dưới hình thức mua cổ phần và "những ai mà quan tâm đến cái vấn đề làm sạch xã hội" thì có thể đóng góp, bà Trùng Dương cho biết thêm; tức là những ai quan tâm đến chống tham nhũng trong chính quyền.

Giải thích tên gọi Sóng Thần, bà Trùng Dương cho biết nó liên quan đến giai thoại thiền của một võ sĩ người Nhật.

Nhật báo Sóng Thần có tám trang, được in ở Sài Gòn và phát hành ở các tỉnh.

Báo chí Sài Gòn dưới thời VNCH
Bản quyền hình ảnh Trùng Dương Image caption Bản phim chụp lại báo Sóng Thần - hiện lưu trữ trong thư viện ở Hoa Kỳ

Khi được hỏi về hoạt động của báo chí ở Sài Gòn dưới thời chính phủ VNCH, bà Trùng Dương cho rằng:

"Lúc bấy giờ mình có luật gọi là luật sau 1967 khi mà bắt đầu có chế độ Cộng hòa - Đệ nhị Cộng hòa thì luật báo chí có nhưng mà nó không chặt chẽ như về sau này."

Việc xin ra đời một tờ báo lúc đó "cũng tương đối dễ". Chỉ cần làm đơn và nếu lý lịch trong sạch thì sẽ được họ xem xét.

"Quy chế báo chí trước năm 1972 thì nó cũng có vấn đề nạp bản, cũng kiểm duyệt, cũng này nọ nhưng mà nó không khe khắt," bà nói thêm.

Sau vụ Bắc Việt đem quân họ tràn qua vùng phi quân sự, chính quyền VNCH ra một luật báo chí mới, "nó chẳng phải là mới gì nhưng nó thắt chặt hơn", theo bà Trùng Dương.

Theo luật mới này, mỗi một tờ nhật báo phải k‎ý quỹ hai chục triệu thời đó. Còn những báo hàng tuần thì phải ký quỹ mười triệu, năm triệu.

Về thu nhập của báo chí thời kỳ này, bà Trùng Dương nói: "báo hồi đó hoàn toàn sống bằng tiền bán báo và tiền quảng cáo. Đó là hai nguồn thu duy nhất."

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (phải) đã ra nước ngoài sống trước khi Sài Gòn sụp đổ 30/04/1975

Chính quyền VNCH kiện báo Sóng Thần
"Hồi đó có phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh và 300 linh mục khác. Họ phát hành bản cáo trạng số một về sự tham nhũng trong chính quyền và quân đội," bà Trùng Dương cho biết.

Báo Sóng Thần cùng với báo Đại Dân Tộc và báo Điện Tín thời kỳ đó đã đăng bản cáo trạng này.

Các tờ báo này đã bị tịch thu và bị Bộ Nội vụ kiện ra tòa.

"Họ cáo buộc là việc đăng bản cáo trạng đó là phỉ báng, mạ lị tổng thống là điều không nên, không được phép," bà Trùng Dương nói.
Bản quyền hình ảnh Trùng Dương. Image caption Bản chụp lại cảnh biểu tình chống đàn áp báo chí thời VNCH

"Riêng chuyện đăng vụ bản cáo trạng thì đối với ông Thiệu cái đó là nặng nhất."

Bào chữa cho nhật báo Sóng Thần tại tòa là nhóm luật sư trẻ quan tâm đến tình hình đất nước, "họ đứng ra dựng lực lượng tranh đấu" và họ kêu gọi nhiều luật sư khác cùng tham gia.

"Cuối cùng có tất cả 205 luật sư đứng ra biện hộ cho báo Sóng Thần," theo bà Trùng Dương.

Vụ án sau đó bị hủy bỏ nhưng không thông báo lý do.

Khi được hỏi về báo chí Việt Nam hiện nay ở trong nước và hải ngoại, nhà văn nhà báo Trùng Dương nhận xét:

"Cũng khó khăn chứ không phải không. Không khó khăn này thì khó khăn kia. Nhưng người làm báo là người say mê, thích thì lăn lưng vào không thì đi học cái khác."




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire