03/05/2018

Vệt đen 30 tháng 4


Có những vết thương liền sẹo và trở nên hiền lành, người ta nhìn vết thương như một kỉ niệm buồn (mà có thể đẹp!). Có những vết thương cứ sưng tấy theo thời gian và càng cố xoa dịu, thời tiết, khí độc lại càng làm cho nó mưng đau. Tôi gọi 30 tháng 4 là một vết thương mưng đau. Bởi lẽ…!


Nếu nhìn suốt chiều dài đất nước hình chữ S này, mốc thời gian 30 tháng 4 là một mốc lịch sử vừa đáng nhớ vừa kinh hoàng. Đáng nhớ bởi từ giây phút ấy, người Nam kẻ Bắc được gặp nhau, cho dù gặp nhau trong hận thù hay gặp nhau trong nước mắt đoàn tụ thì một cuộc gặp như vậy cũng giải quyết được hàng hàng lớp lớp mọi ẩn ức của một dân tộc đã sống và chết trong phân ly Nam – Bắc.

Nhưng đằng sau sự gặp nhau ấy là gì? Là sự mất mát quá lớn mà lẽ ra nó không xảy ra đối với người miền Nam cũng như sự vui mừng, hãnh tiến quá đà của người phía Bắc mà lẽ ra nó cũng không nên có. Sự mất mát quá lớn ấy nhanh chóng làm sụp đổ một nền văn minh, văn hóa non trẻ mà người miền Nam đã cố gắng xây dựng được trong khói lửa chiến tranh. Sự hãnh tiến, reo hò và có phần chụp giật, manh động, đẩy đến tầng suất cướp bóc của người miền Bắc đã nhanh chóng lấy đi toàn bộ cái ý nghĩa ban đầu của hàng triệu người là “cứu người miền Nam khỏi ách đô hộ…”, đẩy họ đến cánh rừng tâm thức tập thể bầy đàn.

Và cái vệt bầy đàn kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 với cướp bóc, giết tróc, trả thù, reo hò chiến thắng, đẩy người khác ra đường, xuống biển, vào trại cải tạo hay lên vùng kinh tế mới… không hề ngừng, nó vẫn kéo dài cho đến bây giờ, phát triển mức độ tàn bạo của nó với màu sắc, hình hài khác. Điều này chẳng khác nào vết thương không những được chăm chuốt cho lành lặn mà còn bị tác động gây đau liên tục cho đến ngày sưng tấy và hoại tử của dân tộc.

Hiện trạng đất nước, nếu nhìn từ bề ngoài thì nhà cửa xây càng ngày càng nhiều, càng cao, đường sá mở ra ngày càng nhiều, bê tông hóa liên tục, đô thị hóa liên tục… Nhưng, giả sử như Việt Nam cố gắng để trở thành một đô thị lớn trong khu vực, thì du khách, nhà kinh doanh từ các nước văn minh, thậm chí cả những du khách vốn ồn ào, hành xử thô lỗ như Trung Quốc sẽ tìm gì ở cái thành thị của khu vực này?

Đương nhiên, tiêu chuẩn của một đô thị hay vùng quê nào cũng là chiều sâu văn hóa, cung cách ứng xử thương mại và mức độ văn minh của con người bản địa. Người ta không chỉ tìm đến Việt Nam để ăn hải sản, để tìm gái, để thả sức vung tiền vào những tửu quán hay các hộp đêm giả cầy chuyên chặt chém. Thứ mà người ta cần tìm là con người và văn hóa bản địa. Đi du lịch hay đi kinh doanh không có nghĩa là tìm những căn nhà, những khách sạn, những khu giải trí tiêu chuẩn 5 sao, 5 sao + về mặt xây dựng, kiến trúc để rồi gặp những con người trống rỗng, vô cảm, chỉ biết tiền, tiền và tiền…!

Hiện trạng Việt Nam là hiện trạng của tiền, tiền và tiền. Nếu muốn có danh dự, muốn có sức nặng của tiếng nói, bạn không cần phải có nhiều tri thức hoặc bạn không cần phải là người tỉnh thức. Bạn có thể nói năng lớ mớ, bổ bả, vô hồn những điều hết sức nhảm nhí nhưng tiền của bạn chi ra thật nhiều thì mọi thứ lớ mớ, nhảm nhí và bổ bả của bạn sẽ thành chân lý của một đám đông khổng lồ, bởi những con người hưởng “mưa móc” từ tiền của bạn.

Và trên đất nước này, qui luật cá lớn nuốt cá bé đang là qui luật chung, có tính phổ quát. Một người nghèo, không có danh phận trong xã hội, cho dù chỉ ăn cắp một ổ bánh mì và biết ăn năn, hối lỗi thì vẫn bị phạt tù ba năm, năm năm… Một kẻ có quyền thế, địa vị, thì y/thị có thể ăn cắp cả một cánh rừng gỗ quí, thậm chí ăn cắp bí mật quốc gia hay ăn cắp sinh mệnh, tương lai của người khác… Y/thị vẫn nhơn nhơn sống trong “danh dự, uy tín và quyền lực”. Đó là sự thật!

Và đất nước cứ dần thay đổi màu sắc một cách lạnh lùng, xơ cứng, giả tạo, bê tông hóa. Tâm hồn con người cũng dần bị xơ cứng, bê tông hóa, trí tuệ của con người bị mụ mị trong công cuộc đánh tráo khái niệm. Giá trị tri thức và danh dự được hoán đổi bằng giá trị tiền bạc… Ngay cả tôi, người viết bài này, khi gặp cha mẹ vợ, anh em vợ, thay vì tôi ngồi tâm tình với họ những gì sâu thẳm của tôi, của con người với con người, tội buộc lòng phải chọn kể cho họ nghe tôi đã sắm được những gì, giàu có cỡ nào… Bởi họ thích nghe câu chuyện đó hơn là ngồi tâm tình, bình luận hay bàn thảo về xã hội, nghệ thuật… Bởi những thứ đó đối với họ quá xa lạ, họ chỉ cần nhìn cái nhà, cái xe, bộ áo quần tôi mặc. Đó là sự thật đau lòng, nhưng tôi cũng đành bó tay!

Và tuổi trẻ, phần đông, phải nói là rất đông tuổi trẻ Việt Nam đều có mối quan tâm về tiền bạc, gia tài của cha mẹ để lại lớn cỡ nào chứ chẳng mấy ai quan tâm về đạo đức, văn chương, nghệ thuật hay triết học… Bởi những thứ ấy xa xỉ và vô bổ đối với họ. Đối với những đứa em vợ của tôi, chúng trẻ, học hành có bằng này bằng nọ, và cả bạn của chúng cũng như thế hệ của chúng, khi nói ra, tôi chỉ nghe tiền, nhà cửa, xe cộ, ngồi ăn nhà hàng nào, uống quán nào, giá bao nhiêu… Tất cả là danh dự, đẳng cấp và vị thế, giá trị làm con người của chúng. Chấm hết!

Đất nước trở nên khốn đốn, khốn nạn và đồi bại như này hôm nay là do đâu? Hãy nhìn lại những tháng ngày xếp hàng, giành giật từng miếng ăn như bầy đàn của các thế hệ trước trong thời kinh tế tập trung bao cấp! Hãy nhìn vào công cuộc thao túng quyền lực bằng lợi ích nhóm của gần đây và hiện tại! Hãy nhìn vào chương trình giáo dục, đào tạo con người xã hội chủ nghĩa cũng như những thanh âm cuồng nộ của nó sau mỗi dư chấn giáo dục tỉ như Sầm Đức Xương, cải cách giáo dục, thầy giáo yêu râu xanh, dạy thêm, học thêm, tham nhũng, hối lộ (kể cả hối lộ tình dục) trong ngành giáo dục!

Và hãy nhìn cung cách hành xử của người Trung Quốc ngay trên đất nước Việt Nam cũng như những gì gọi là “biện pháp đối phó” của nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam đối với họ! Hãy nhìn tương lai tự do cho người dân Việt Nam! Hãy nhìn vào thẳng lòng yêu thương đã bị tổn thương bởi tiếng reo hò của kẻ thắng cuộc và giọt nước mắt của nhiều thế hệ đã nhỏ xuống mặt trái của trang lịch sử! Hãy nhìn và hãy nhìn…!

Mọi thứ bạn và tôi nhìn được sẽ không giải quyết được bất kì thứ gì ngoài việc làm cho chúng ta nguôi ngoai nỗi đau, nỗi cô đơn khi bạn tìm một tiếng nói hay một hơi thở tâm hồn đồng điệu, đồng cảm. Và cái điều đáng sợ nhất là hiện nay, khi mà đất nước đã trở nên rối ren và tao loạn, thì việc triệt hạ cường quyền ác bá cho dù có thực hiện được cũng không làm thay đổi thực trạng một cách nhanh chóng hay rốt rào mà cái vệt đen này còn kéo dài qua nhiều thế hệ! Tôi xin gọi đây là cái vệt 30 tháng 4, kể từ khi đất nước nối liền Nam – Bắc và chịu chung một luật chơi mới đầy manh động, máu lạnh cho đến bây giờ và không biết mãi cho đến bao giờ!

*       VietTuSaiGon's blog

*    

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire