18/08/2018

Tử huyệt “Vành đai, Con đường”

Nguyễn Phan

Tử huyệt “Vành đai, Con đường”
Nguyễn Phan
(TBKTSG) - Nhìn từ góc độ kinh tế thuần túy, sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc có thể hút cạn kiệt nguồn lực của nước này, theo phân tích của hãng tin Bloomberg.

Mở đầu bài phân tích, Bloomberg đặt câu hỏi, vì sao các đế chế sụp đổ? Suy cho cùng đó là vấn đề đầu tư. Nếu biết tận dụng tiềm lực kinh tế để xây dựng sức mạnh quân sự, một nước có thể trở thành cường quốc nhưng khi bành trướng quá mức, phải tiếp tục đầu tư để duy trì ưu thế chiến lược, các khu vực khác của nền kinh tế sẽ bị đói vốn, dẫn tới sự sụp đổ không thể tránh khỏi.

Trung Quốc hiện đang ở vào giai đoạn cuối của một quá trình bùng nổ dân số ở độ tuổi lao động nên phải đặt kỳ vọng vào đầu tư ở mức độ cao nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Chính vì thế, theo Bloomberg, sự thành công hay thất bại của các dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” và những khoản đầu tư khổng lồ nội địa sẽ quyết định số phận tương lai của nước này.
Một nước có thể trở thành cường quốc nhưng khi bành trướng quá mức, phải tiếp tục đầu tư để duy trì ưu thế chiến lược, các khu vực khác của nền kinh tế sẽ bị đói vốn, dẫn tới sự sụp đổ không thể tránh khỏi.
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” bao trùm hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng trị giá ước tính lên đến 1.500 tỉ đô la Mỹ tại các nước ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, đang làm nhiều nước trở thành con nợ khổng lồ của Bắc Kinh. Tuy nhiên nếu con nợ khó khăn thì chủ nợ cũng khốn đốn. Rủi ro với Trung Quốc là các khoản đầu tư khổng lồ bị định hướng sai lệch sẽ tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế mà sự ổn định của Trung Quốc lại dựa rất lớn vào một nền kinh tế duy trì được tăng trưởng.
Bloomberg lấy dự án Kyaukpyu tại Myanmar làm ví dụ: đây là dự án 9,6 tỉ đô la xây dựng cảng biển nước sâu và khu công nghiệp, do tập đoàn Citic của Trung Quốc làm chủ đầu tư, để kết nối với các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí mà tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã triển khai. Theo logic chiến lược thì dự án rất có ý nghĩa. Trung Quốc đang kết nối với thị trường phương Tây tiêu thụ hàng hóa của mình cũng như với các nước Trung Đông đang bán dầu cho Trung Quốc qua những lộ trình phải đi qua các điểm nghẽn ở eo biển Singapore hay Malacca. Xây dựng các tuyến đường sắt và ống dẫn dầu qua Ấn Độ Dương sẽ mở ra một tuyến đường thay thế.
Thế nhưng xét về khía cạnh kinh tế, ý tưởng này không đứng vững. Đường ống khí đốt đến Kyaukpyu sử dụng chưa đến một phần ba năng lực thiết kế kể từ ngày khánh thành vào năm 2013, trong khi phải dùng ít nhất một nửa công suất mới hòa vốn. Còn đường ống dẫn dầu chạy song song thì nằm khô queo trong nhiều năm mãi đến năm ngoái mới có lô dầu đầu tiên. Xây hai đường ống này tốn kém đến 2,5 tỉ đô la.
Còn với mạng lưới đường sắt chạy qua Trung Á là tâm điểm của sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Bloomberg cho rằng người vạch kế hoạch đã quên bài học lịch sử và các nguyên lý kinh tế cơ bản của khu vực này: mậu dịch Đông Tây luôn dựa vào vận tải biển qua ngõ Đông Nam Á, Ấn Độ và bán đảo Ảrập hơn là qua con đường tơ lụa trên đất liền băng qua thảo nguyên Âu Á. Hơn nữa, ngày nay với các con tàu container khổng lồ có thể chở cả tỉ đô la hàng hóa mỗi chuyến thì vận tải đường bộ làm sao cạnh tranh nổi.
Giá trị hàng hóa giữa châu Âu và Nghĩa Ô (Chiết Giang), một đầu mối đường sắt gần Thượng Hải được quảng bá nhiều, đạt chừng 330 triệu đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm nay. Chừng đó chỉ bằng một phần ba giá trị hàng hóa của một chuyến tàu container cỡ lớn. Cứ ba giờ, bốn cảng biển hàng đầu Trung Quốc xử lý khối lượng hàng hóa tương đương như thế.
Dự án cảng Hambantota thoạt tiên là của chính quyền Sri Lanka làm chủ đầu tư, chỉ thuê một tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc xây dựng với tiền vay từ Bắc Kinh. Một dự án làm mà không tính toán đến hiệu quả kinh tế thua lỗ kéo dài, nợ trả không nổi, cuối cùng Sri Lanka phải giao cảng Hambantota và 15.000 héc ta đất chung quanh cho Trung Quốc trong 99 năm vào cuối năm ngoái. Bloomberg nhận định dự án thất bại trở thành cơ hội cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược ở khắp thế giới. Nhưng cái giá phải trả là đắt không kém. Lấy gì bảo đảm cảng Hambantota sẽ ăn nên làm ra, thu hút được tàu vào dưới quyền sở hữu của Trung Quốc?
Vì thế “Vành đai, Con đường” có thể là cách Trung Quốc vươn ra khu vực và thế giới nhưng nó cũng có thể đánh đắm con tàu ra khơi của nước này. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire