21/09/2011

NHÂN TÀI TỪ VƯỜN HOA ÈO UỘT

Vụ tham ô động trời ở PMU 18: Do con người.
Vụ thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng ở VINASHIN: Do con người.
Vụ nhận hối lộ gần 1 triệu đô la ở dự án đại lộ Đông Tây: Con người
Vụ thất thoát hàng chục tỷ đồng ở Cục Điện Ảnh: Con người
Vụ đường dây mua dâm vị thành niên ở Hà Giang: Con người
Bóng đá đang đi xuống: Con người ở VFF
Lãnh đạo Viện Kiểm Sát Cần Giuộc rượu bia, bê tha: Con người
Nhiều vụ công an hành hung dân đưa đến chết người: Con người
Trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng cán bộ từ cấp bộ đến cấp tỉnh thành, xuống cấp sở, cấp quận huyện làm bậy bị khởi tố, bị kỷ luật là rất nhiều kể ra đây e không xuể. Đến nỗi một lãnh đạo đã nói chúng phát triển lên thành cả đàn sâu. Còn loại cán bộ gian dối về trình độ học vấn thì nhan nhãn...

Đang boăn khoăn về công tác nhân sự của Đảng và Nhà Nước thì đọc được lời phát biểu của ông Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng: “Không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài”

Rồi sau đó tôi đọc trên Báo Thanh Niên (thời anh Nguyễn Công Khế còn làm TBT) một bài viết của luật gia Trần Đình Thu nói về cơ chế tuyển người. Xin trích lại như sau:
"Hiện nay, có một số vấn đề chúng ta xử lý theo quy trình của thời bao cấp, mặc dầu nền kinh tế đã chuyển qua cơ chế thị trường từ lâu, vì vậy phát sinh nhiều hệ lụy khôn lường mà vấn đề bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo là một.
Thời bao cấp, có thể nói nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp được lấy trong 99% dân số. Là vì khi đó mọi người đều như nhau, không có ai “trong”, ai “ngoài”.  Mọi người đều được quyền thi và nếu đỗ thì có thể học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…như nhau. Tốt nghiệp ra trường, đều trở thành cán bộ nhà nước như nhau. Từ đó, qua cơ chế sàng lọc, một số ít sẽ trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp.  Như vậy, gần như là bất kỳ ai trong xã hội cũng có thể trở thành thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch ủy ban tỉnh huyện… nếu có đủ năng lực.
Nhưng bây giờ thì không còn như thế. Ước tính nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp chúng ta chỉ lấy trong khoảng vài phần trăm dân số. Đây là một điều quá nguy hiểm, nếu không muốn nói là tương lai sẽ dẫn đến đại họa.
Chúng ta hãy ngồi nhẩm tính lại. Theo cơ chế hiện nay, đầu vào để trở thành nguồn cán bộ lãnh đạo nằm trong các khu vực sau nay:
1. Từ cán bộ phường xã
2. Từ cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, trường học, bệnh viện, tòa án, cơ quan báo chí…
3. Từ cán bộ trong các tổ chức hội đoàn
Còn một lượng lớn nhân sự, ước tính khoảng trên 90% con số những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ra trường hàng năm, vào công tác trong khu vực kinh tế phi quốc doanh, vĩnh viễn khơng bao giờ trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp.
Cũng cần nói rõ, trong mấy phần trăm thuộc về 3 khu vực đã dẫn ở trên, không phải tất cả đều có cơ hội trở thành cán bộ lãnh đạo như nhau. Lý do là vì, do bị khống chế bởi chỉ tiêu biên chế của từng đơn vị, nên có đến vài mươi phần trăm nhân sự là nhân viên hợp đồng. Những người này cũng không khá gì hơn khu vực kinh tế phi quốc doanh. Xin lấy một ví dụ, một công ty nhà nước có khoảng một ngàn người, nhưng trong đó lực lượng biên chế chỉ vào vài chục người mà thôi. Còn lại đều là nhân viên hợp đồng có thời hạn. Như thế, con số bổ sung cho nguồn nhân sự lại càng ít hơn nhiều.
Chọn một lẵng hoa đẹp trong một vườn hoa nhỏ thì làm sao chất lượng bằng chọn trong một trang trại hoa rộng mênh mông.  Ở đây vấn đề cũng hòan tòan tương tự. Không thể chọn được nhiều người tài chỉ trong vài phần trăm dân số. Đã vậy, lại còn nảy sinh ra nạn chạy chức chạy quyền, thử hỏi làm sao tìm cho ra người có năng lực để phục vụ xã hội?"
Do là báo của Đảng nên Thanh Niên chưa nói hết ý về "cái vườn hoa nhỏ". Thực tế nó là một vườn hoa nhỏ rất èo uột do thừa đạm và thiếu nắng vì được che chắn kỷ và chăm bón quá mức.


Ý kiến trên làm tôi nhớ lại một lần tiếp chuyện vợ của một Ủy viên Bộ chính Trị, cũng là một cán bộ cao cấp. Bà ấy nói: "Bây giờ tìm lực lượng kế thừa sao mà khó quá, không thấy ở đâu cả"
Câu nói ấy có khi hoàn toàn đúng bởi lẻ chỉ tìm loanh quanh đâu đó trong con số chưa đến 10% thì làm sao có  được người tài đức để kế thừa.
90% những người trẻ vừa qua đào tạo sẽ đi về đâu nhỉ? À, họ ở trong một trang trại hoa mênh mông đầy ánh nắng và rất khỏe mạnh do phải đấu tranh sinh tồn. Họ được dành cho các doanh nghiệp phi quốc doanh đến chọn lựa và gặt hái. Trong số 90% đó có rất nhiều người đã thăng tiến và thành đạt. Họ là các chuyên viên tài năng trong nhiều lãnh vực, là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn rất hiệu quả, là cán bộ quan trọng trong các doanh nghiệp lớn phi quốc doanh hoặc các doanh nghiệp nổi tiếng nước ngoài. Họ góp phần  tạo ra một phần trăm rất lớn trong toàn bộ GDP của đất nước. 
Và đặc biệt, ở trong các doanh nghiệp lớn phi quốc doanh, doanh nghiệp nước ngoài ấy rất hiếm khi nghe có cán bộ như họ làm bậy.

Đảng và Nhà Nước tự làm khó mình khi khoanh việc chọn lựa nhân tài trong một vườn hoa bé nhỏ èo uột  và rất hào phóng giao hết các trang trại hoa mênh mông rực rỡ dưới nắng mặt trời còn lại cho thiên hạ tha hồ chọn lựa.
Tại sao nghịch lý vậy hởi Đảng và Nhà Nước?

12 commentaires:

  1. người tài thì em nghĩ thời nào cũng có, nhất là trong giai đoạn hêện nay. Nhưng người ta có chịu phát hiện và trọng dụng họ không thôi bác à.

    RépondreSupprimer
  2. Dân nghiện blog chúng tôi hiểu nghĩa "các trang trại hoa" và "cái vườn hoa nhỏ" nhưng, thực tế lâu nay "Cả 1 rừng hoa đẹp"- nếu hiểu là việc tuyển lựa, sử dụng nhân lực cho khu vực Nhà nước..thì cả cái "rừng hoa" lại bị thu lại thành cái bồn hoa của "1 đại gia" !Cũng báo Thanh niên, khoảng 2 năm trước, nhân phản ánh về vụ lùm sùm nhận tiền - trả tiền chạy chức ở Bến tre của 1 bí thư tỉnh ủy (rồi bí thư này cũng rụng);Tờ báo này đã khẳng định (đại khái):"Bí thư tỉnh ủy là người chịu trách nhiệm chính về công tác nhân sự của 1 tỉnh".Vậy các Bộ nghành của Trung ương cũng rứa tuốt : Muốn có "hoa nhân tài" nhiều ít, chất lượng ra răng, tuốt tuột đều do 1 đại gia đó quyết..Mần răng có trang trại nở rộ ra thành vườn,rừng được !

    RépondreSupprimer
  3. đúng rồi bài viết chưa nói đến nạn chạy chức chạy quyền. Mới nói đến cơ chế tuyển dụng thôi đã thấy hỏng rồi.

    RépondreSupprimer
  4. Không phải là chúng nó ko biết điều ấy ! mà cơ bản là "ngu" để dễ sai và "dốt" để dễ bảo !
    Để học thực hiện thành công:
    - cha làm quan.
    - con phải làm tướng .. .
    và điều cơ bản nữa là họ ko muốn người khác đựơc dân khen, quần chúng qúy mến, thương yêu .. .
    - Họ không muốn có người tài giỏi, nên cái tiêu chí tuyển "chức" họ ko lấy trình độ học vấn và năng lực + đạo đức. Mà họ lấy bằng cấp + bằng lòng + bằng mặt.
    => những người có bằng cấp, trình độ học vấn, uy tín với nhân dân, được quần chúng giới thiệu thì họ Phá, phá bằng đủ kiểu, bôi nhọ, vu khống ko xong, thì diệt cho "cú" bằng thật nhưng ko có gốc (ko bác về trình độ học vấn,năng lực, đạo đức . . nhưng sử dụng văn bằng ko hợp lệ) coi như xong, hết film, con đường cuối là làm thuê cho nước ngoài . .. và đúng là phúc trong họa.

    RépondreSupprimer
  5. Cứ xem Bắc Triều Tiên, Cu Ba thì rõ.

    RépondreSupprimer
  6. Bài này nói đúng bản chất của vấn đề,chúng ta chỉ hô khẩu hiệu khi lựa chọn người tài thôi,còn thực tế thì trái ngược lại

    RépondreSupprimer
  7. Bài viết của anh quá hay, quá xuất sắc - Lẽ ra những vấn đề này nếu được đăng trên báo TN và TT thì may ra mới làm ê mặt đám quan chức tý...
    Anh viết e rằng đụng chạm mạnh nên có lẽ anh "cố tình" sót một ý nữa là: Trong cái vườn hoa bé nhỏ ấy mà phải là những bông hoa ĐẢNG VIÊN mới được cơ cấu mà lâu nay người ta thường gọi là: CÁN BỘ NGUỒN!
    Chúc anh luôn khỏe mạnh và mong chờ những bài viết hay hơn nữa của anh..
    Thằng em Quảng Nôm

    RépondreSupprimer
  8. Nếu chọn người có tài, có đức lên làm lãnh đạo như các nước dân chủ tự do thì Việt nam đâu như ngày nay.Từ một nguyên nhân chính đã kéo theo rất nhiều hậu quả. Nói như cha ông ta:" Gieo nhân nào, gặt quả ấy"

    RépondreSupprimer
  9. Bác không hiểu tại sao hả bác? bác phân tích đâu ra đó, không sai chút nào rồi bác cũng không dám kết luận tại sao thì ai kết luận hộ đây hả bác?

    RépondreSupprimer
  10. Bác Chênh ơi. Chuyện ngược đời nghịch lý ở VN mà.Mình đã đi hết hơn 2/3 cuộc đời. 1/3 Là thời kỳ " mọi người đều như nhau, không có ai “trong”, ai “ngoài”. Mọi người đều được quyền thi và nếu đỗ thì có thể học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…như nhau. Tốt nghiệp ra trường, đều trở thành cán bộ nhà nước như nhau" Khó khăn nhưng vui vẻ chấp nhận mặc dù có nhiều vấn đề...1/3 cuộc đời hiện tại ôi sao mà lại có nhiều chuyện ngược đời đến thế: dân lo việc nước. tốt quá, đúng ko? nhưng lại bị coi là phạm pháp nói có sách: yêu nước biểu tình chống TQ chiếm đảo bị tra tấn bắt bớ có bằng chứng : Minh đạp vào mặt), quan lo việc nhà ( ko cần chứng minh nhưng nhan nhản trên báo ) . Dân xây quan phá ( Boxit); còn 1/3 còn lại ?. Nghĩ mà thương thế hệ sau này tương lai các thế hệ từ 9x về sau là cả cuộc đời bị thí nghiệm nhưng ko sửa sai.Chúng ta đưa các con đi học là đưa con đi tra tấn nhưng chúng ta vẫn tự nguyện đưa con đi tra tấn mỗi ngày. chúng ta tự nguyện đóng tiền để con chúng ta đc tra tấn. chúng ta biết con học ngày học đêm chẳng để làm gì, sau này chúng ko sử dụng tới 10% kiến thức vớ vẩn của chương trình. nhưng chúng ta vẫn ... ...Ôi đảo điên, ngược đời chỉ có ở VN.

    RépondreSupprimer
  11. nếu như,...nếu như...
    thì.
    Anh Nuôi vẫn đang còn là anh Nuôi.
    Anh Khế vẫn đang còn là anh Khế.
    Cả làng vui vẻ.
    Đất nước phát triển

    RépondreSupprimer