13/09/2011

ĐỌC BÙI GIÁNG

TÔI thích nhất là thơ Bùi Giáng, ai bình về Bùi Giáng tôi càng thích. Nhân kỷ niệm 13 năm ngày mất của Bùi thi sỹ tôi vào mạng tìm kiếm bất ngờ gặp blog Hoàng Hải Vân, thấy y cũng bình Bùi Giáng, mặc dù tôi với y không ưa gì nhau- vì tôi rất khó ưa mà y càng khó ưa hơn- nhưng tôi thích quá xem ngay và trích về đây. Không ngờ y ta lại bình Bùi Giáng hay thế.


 ĐỌC BÙI GIÁNG
                           Hoàng Hải Vân
Có ai hỏi trong số các thi sĩ Việt Nam tôi thích ai nhất, xin trả lời ngay: Bùi Giáng! Nhưng nếu hỏi rằng tôi thích bài thơ nào nhất của các thi sĩ Việt Nam thì câu trả lời sẽ không liên quan đến Bùi Giáng. 

Từ lâu lắm rồi tôi đ
ịnh viết về thơ Bùi Giáng, nhưng trong cái cõi thơ vừa mênh mông bát ngát vừa khùng điên hũ nút của ông, liệu tôi viết được gì? Đến khi biên tập loạt bài “Bùi Giáng, thi sĩ kỳ dị” của Trần Đình Thu để đăng trên Thanh Niên mấy năm trước, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều tác phẩm của Bùi Giáng. Càng đọc càng thấy khó viết. Bình thơ ông chăng? Thơ Bùi Giáng là thứ thơ không thể bình. Tôi rất thích ai đó đã gọi “cõi thơ Bùi Giáng”. “Cõi thơ”, đó là nơi người ta có thể bước vào mà rong chơi cà kê dê ngỗng, mà hà hít, mà chiêm ngưỡng. Xong rồi thì bước ra, không ai có thể “nhặt” được cái gì ở đó để đem về. Nhưng khi bước ra rồi, một chút thơ ông sẽ vương vào người, dính chặt, đeo đẳng ở đâu đó trong hồn trong vía.









Bùi Giáng - chân dung tự họa




Nhìn theo cách thông
 thường thì Bùi Giáng có rất ít những bài thơ “hoàn chỉnh”. Thơ ông càng về sau càng rối rắm, khó đọc, nhiều bài đọc… hiểu chết liền. Đọc thơ Bùi Giáng mà phân tích tất cả các câu trong toàn bài thì vô cùng mệt mỏi và sẽ thất vọng. Phần lớn những câu thơ trong một bài thơ của ông là những câu dở hoặc ngớ nga ngớ ngẩn. Thiên hạ ai đã bị thơ Bùi Giáng “vương” vào người rồi thì chắc chắn sẽ nhớ đôi câu thơ của ông và nhớ nhiều từ ngữ ông dùng, nhưng tôi dám chắc ít ai có khả năng nhớ cả một bài, trừ một số bài rất ngắn, chẳng hạn như: “Anh thương em như thương một bà trời/Em thương anh như thương hại một ông trời bơ vơ/Kể ra từ bấy đến giờ/Tình yêu phảng phất như tờ giấy rung”.

Nói qua một chút về thơ Đường. Các cụ ngày xưa bảo đọc thơ mà phân tích từng câu từng chữ là không hiểu gì về thơ Đường. Phải bắt được cái tứ, cái tứ thường nằm ở cuối bài, nó như một tiếng động dưới đáy hồ, từ đó mà lan tỏa trên mặt hồ. Không có tiếng động đó, câu chữ toàn bài dù có hay đến đâu cũng không thành thơ. Có cái tứ đó, câu chữ dù có dở đến đâu cũng là thơ.
Nhưng cấu tứ thơ Bùi Giáng hoàn toàn không giống thơ Đường. Nói chung là thơ ông không có cấu tứ. Cái tứ trong thơ Bùi Giáng không phải là “tiếng động dưới đáy hồ”, mà như chuồn chuồn như châu chấu, như có như không, thoắt gần thoắt xa, thấy đó mất đó. Đọc thơ Bùi Giáng giống như vào giấc chiêm bao, mọi thứ không trước không sau không đầu không cuối, khi miên man khi đứt quãng, đôi thứ rõ ràng xen trong nhiều thứ lộn xộn vô nghĩa. Không bao giờ có một giấc chiêm bao mạch lạc. Cuộc đời Bùi Giáng là trường mộng. Vào cõi thơ ông cũng như vào trường mộng. 

Có kẻ gán cho Bùi Giáng là người coi cuộc đời là tạm bợ, là chốn lưu đày, là phù du hữu hạn. Nói như vậy là trật rồi. Bùi Giáng không bao giờ là người như vậy. Lão Tử, Trang Tử cũng không coi đời là tạm bợ. Lão Trang chỉ coi sống chết như nhau, “tề sinh tử”. Cũng có nghĩa là rất coi trọng cái sống và nhẹ tênh trước cái chết. Bùi Giáng cũng vậy, nhưng ông hồn nhiên đưa thêm mộng vào đời. Cuộc đời ông vì vậy mà dài hơn, rộng hơn cuộc đời của người thường chúng ta chăng ? 


Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn
Đọc hai câu trên thấy đã.
Bờ sau hang núi 
Lá xanh lá đỏ chiều nay
 
Chim trời vòi või
 
Để rơi cánh mỏng theo ngày
Mùa sau thu xế 
Hang rừng gió thổi dòng khe

Em về đây để 
Rạc rời tiếng cũ còn nghe
 

Ngày sau chỗ ấy
 
Mây mù quyến rũ trăng suông

Em về sẽ thấy 
Mông lung sầu mộng gái buồn
(Gái buồn)

Bài này không có chỗ để chê. Nó hay như một bài hát.

Đọc bài Mai sau em về : 

Em về mấy thế kỷ sau
 
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
 
Ta đi còn gửi đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù 

Tới đó thì thấy là kiệt tác, nhưng đọc tiếp :
 

Những thương nhớ lạnh bao giờ
 
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh
 
Đây phồn hoa của thị thành 

Đây hồn thủy thảo khóc tình nửa ngang
 
Càn khôn xưa của riêng chàng
 
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình
 
Bây giờ đón bước em xinh
 
Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao 


thì không thể nói là hay. Nhưng khen cái trên mà không thể chê cái dưới.
 

Làm thơ tặng chú bé con/ 
Làm thêm câu nữa tặng con chuồn chuồn
Xong rồi bỏ bút tựa lưng 
Vào gốc cây ngủ ngoài đường chịu chơi

Nắng trưa nắng xế đầy trời/
Bóng cây râm mát che đời ta điên 

(Thơ tặng)
 

Đọc thấy rõ ông đã điên, nhưng bài thơ thì không hề điên chút nào.
Ngày nào gặp trở lại em 
Một nơi nào đó bên kia mặt trời
Không còn mặc cảm lôi thôi 
Hồn nhiên kể lại chuyện đời xưa xa
Còn em nếu gặp lại ta 
Nhìn ta em có biết là ta không
- Kiếp xưa anh một thằng khùng 
Anh thằng say rượu vô cùng đảo điên 

Làm thơ lắm lúc quàng xiên/ 
Đôi phen rất mực thần tiên dịu dàng 

Tráng niên ra đứng giữa đàng 

Làm trò cảnh sát công an điều hành
Lão niên ân hận thập thành 
Về nhà thân thích họ hàng ăn cơm 

Được cho ăn uống thật ngon/ No nê nằm ngủ vuông tròn lắm thay 

(Mai sau kể lại)
 

Bài trên chắc làm lúc cuối đời, khi đã điên nặng, nhưng thơ thì không thể nói là thơ điên.
 

Đến bài này :
 

Đêm nằm thao thức tới bình minh

Nửa khóc nửa cười quỷ hóa tinh 
Ú ớ liên tồn vi diệu ngữ
 
Ầm ừ tục tiếp quái quỷ thanh

U căn ẩn đế vô tâm xứ 
Đảo phụng điên hoàng hữu xưng danh
 
Tồn lý lao đao tiền diện khuếch
 
Mãn sàng nhiệt huyết khả kham thinh
 

(Chuyện chiêm bao (9))


Nó Hán Nôm lẫn lộn đố ai hiểu được. Nhưng đây có phải là thơ điên không? Tôi chắc là không. Nó là thơ “mớ”. Trần Quốc Thực có câu “Mình ngồi mình mớ/Em người đâu ta”, mớ nhưng nghe rất mạch lạc, chứng tỏ có dụng công. Còn cái mớ này của Bùi Giáng mới đúng là mớ thật. Không ai có thể hiểu được lời mớ và đừng nên cố hiểu mất công, nhưng mớ cũng là “một phần tất yếu của cuộc sống” chứ.


                     Trích từ blog Hoàng Hải Vân 



Ra mắt di cảo thơ của Bùi Giáng                                                     Giao Hưởng
Hôm 12.9, tại ngôi nhà thi sĩ Bùi Giáng đã sống lúc sinh thời (số 482/35/5 Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đã chính thức phát hành tập di cảo thứ 10 của ông để lại, với tựa Bèo mây bờ bến, đúng dịp tưởng niệm 13 năm ngày mất của “trung niên thi sĩ”.

Tập di cảo (tựa do chính Bùi Giáng đặt), gồm 83 bài do đại diện gia đình là ông Thanh Hoài kết hợp NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành tháng 9.2011. Qua di cảo này, chúng ta hiểu thêm thi sĩ Bùi Giáng gặp nhau và chào nhau với nhân sinh ngay “giữa con đường” bằng một giọng riêng vừa mộng vừa thực. Chẳng hạn, có những câu rất mực tỉnh táo để cảnh báo về nạn phá rừng vô tội vạ:
 Đốt rừng trực tiếp đốt ta.
 Rừng thiêng mai một, giang hà khóc than.
 Mai sau còn mất địa đàng. 
 Phồn vinh mất điệu, điêu tàn nối đuôi.
 Nhưng cũng bất ngờ xuất hiện những câu “ngẫu nhĩ ngổn ngang bất khả tư nghì” như:
 Con người vô tận tề thiên. 
 Của em đại thánh thần tiên con người. 
 Ấy người ngợm? Ấy đười ươi? 
 Ấy thằng tên Giáng tộc bùi một cây 
                   (tộc Bùi viết thường). 
Trước ngày giỗ Bùi Giáng, cách đây khoảng một tháng, ông Bùi Dương Thạch cùng Ban đại diện Bùi tộc đã tổ chức một chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc, tư vấn y tế miễn phí cho hàng trăm gia đình nghèo và khó khăn tại khu vực tọa lạc của từ đường Bùi tộc Vĩnh Trinh, nơi thờ cố thi sĩ Bùi Giáng tại xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM. Hoạt động này nhằm hồi hướng phước đức đến bà con Bùi tộc cũng như các hương linh được thờ ở đó như thi sĩ Bùi Giáng.
Sáng nay 13.9 (nhằm 16.8 âm lịch), cạnh lễ giỗ tại gia đình và nhà thờ Bùi tộc, theo thông lệ hằng năm sẽ có lễ cúng giỗ ngay ở ngôi mộ của “Bùi đại ca” tại nghĩa trang Gò Dưa, Q.Thủ Đức, TP.HCM, với một “mâm mặn” (gồm heo quay và xôi) cùng một “mâm chay” (gồm xôi, hoa quả, đồ xào bầu bí), đón tất cả thân hữu và các bạn yêu thơ đến lễ từ 9 giờ đến sau giờ ngọ...

2 commentaires: