Gò cỏ May
Mới quen được bác Chênh có vài bữa mà đã mê tít thò lò cái cách tư duy thẳng thướm dành mạch không biết dối lòng của một nhà báo có tâm với nghề như vậy.
Lời cuối chân thành (*) của bác Huỳnh thì rõ như ban ngày rồi. Nhưng sao vẫn thấy đắng đến nao lòng. Cực chẳng đã bác phải đóng blog, nơi bác được trải lòng mình với đời qua những con chữ, cái nghiệp bác đã theo đuổi mấy chục năm dòng. Ai cũng nghĩ lúc về hưu là lúc bác thảnh thơi để góp với đời nhiều tâm huyết qua ngòi bút không vướng bận. Nhưng không thể làm được những việc tưởng chừng giản dị ấy chỉ vì không muốn tiếp tục dối lòng mình như cái thời "ăn cơm chúa múa tối ngày", điều đó ai cũng thấy và càng qúi tấm lòng thành của bác qua những lời (cuối) này.
Chả ai nỡ trách bác vì trong cơ chế này, người có cương vị cao hơn còn than "làm người là khó" (**) thì làm nhà báo nhỏ bé viết đúng với lòng mình qủa là khó hơn vạn lần. Đành rằng sang thế kỷ 21 rồi, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin là quyền bất khả xâm phạm của con người. Nó không chỉ đã được ghi rõ trong Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền mà ngay cả bản hiến pháp của nước ta hiện nay cũng thừa nhận cái quyền bất di bất dịch ấy. Nhưng trên thực tế cái cảnh "mỡ treo mèo nhịn đói" vẫn là bức tranh qúa quen thuộc nơi xứ mình.Ta cứ đọc qua Di cảo của Chế Lan Viên sẽ thấy, cái mà Nguyễn Khải cũng từng than trong "Đi tìm cái tôi đã mất" nó đau như thế nào khi các cây đa cây đề về chữ nghiã đã phải thú nhận tất cả sự thật phũ phàng đó.Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển – Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
.... .... ....(Di Cảo Chế Lan Viên - Trừ đi - Tạp chí Văn, Paris 1992)Ở tầm nhận thức trung bình, ai cũng hiểu giống như bác Chênh "Thông tin vừa là là nhu cầu bức thiết vừa là điều kiện cơ bản để làm nên con người". Và cái tâm lý rất tự nhiên rằng "Anh có thông tin mà không được nói ra, không truyền lại cho người khác thì đau khổ còn hơn là ăn mà không được ỉa" . Nhưng khốn nỗi, nếu mọi sự đều thuận theo qui luật của đất trời như vậy thì làm gì còn sự hiện hữu của cái Ban Tuyên giáo, người lính gác trung kiên để bảo vệ chế độ toàn trị với các thứ "định hướng..." nọ kia nữa? Nếu mọi sự đã ngang bằng sổ ngay một cách minh bạch thì các nhà múa mép ăn tiền chuyên "bán miệng nuôi trôn" (như ở trường hợp hai vị Tổng ở HTV và Petrotimes là ví dụ) đâu còn đất sống mà "đục nước béo cò" nữa.Một con người dù thần thánh đến đâu cũng đều có một giới hạn nhất định. Chỉ những ai biết được cái giới hạn ấy thì cuộc sống vật chất mới tự thấy đầy đủ và trong lòng (cuộc sống tinh thần) thấy tự yên. Bằng không, tất chuốc lấy tai hoạ là điều khó tránh. Bài học về sự ngoan cố níu kéo quyền lực và cái kết cục bi thảm của nhà độc tài Gaddafi (một thời được ca ngợi là Cheguevara của Phi châu) là minh chứng hùng hồn nhất cho sự hữu hạn của một con người, một thể chế, cho dù trong qúa khứ có vẻ vang đến đâu.Một nhà báo có tâm lành như bác Huỳnh Ngọc Chênh tự thấy mình hèn, trước lúc buông xuôi (đóng blog, tự thiêu rụi cái "cánh đồng lau sậy" của mình...) cũng kịp múa vài chiêu đà đao ngoạn mục như vậy cũng thật qúi hóa. Nếu ai cũng biết được cái giới hạn của mình và biết góp chút gió lành cho đời như thế... thì lo gì cái giấc mơ đẹp kia sẽ không sớm trở thành hiện thực trong một tương lai gần?!
(*) LỜI CUỐI CHÂN THÀNH
Huỳnh Ngọc Chênh1. Hồi tôi còn rất bé ngồi nghe lóm ba tôi kể cho các chị tôi nghe câu chuyện Vua Mi Đi có tai lừa mà không hiểu làm sao tôi lại nhớ đến bây giờ. Chuyện rằng có ông vua nọ tên là Mi Đi không biết bị làm sao lại có hai tai lông lá và dài nhọn như hai tai lừa. Vua xấu hổ giấu kín không cho bất kỳ ai biết bằng cách suốt đêm ngày mang vương miện hoặc mang mũ che kín lại. Nhưng giấu cách nào thì cũng phải cho một người biết, đó là anh thợ hớt tóc cung đình vì mỗi tháng vua cũng phải hớt tóc một lần. Dĩ nhiên là vua phải “hợp đồng” trước với anh thợ nầy là giữ bí mật tuyệt đối hoặc bị chém đầu.
Có được cái thông tin quan trọng tột cùng như vậy mà không thông tin lại cho ai quả là một điều khó khăn cùng cực đối với anh thợ hớt tóc. Một ngày kia chịu hết nỗi, anh thợ bèn đi tìm đến một cánh đồng trống hoang vu không một bóng người, chỉ có lau sậy mọc đầy. Tại đây anh hét lên: Vua Mi Đi có tai lừa! Vua Mi Đi có tai lừa!…. Hét thỏa thích đến khan cả giọng rồi anh sung sướng và an tâm trở về. Nào ngờ lau sậy reo vi vu trong gió lại “ghi” được lời anh. Từ đó mỗi khi gió thổi là chúng cứ vi vu phát lại: “Vua Mi Đi có tai lừa! Vua Mi Đi có tai lừa!”. Chẳng bao lâu cả kinh thành đều biết chuyện rồi cuối cùng câu chuyện về tai lừa của vua cũng đến tai lừa của vua. Anh thợ hớt tóc bị chém đầu.Tôi nhớ ba tôi kể chuyện đó cho các chị tôi nghe với ngụ ý giáo dục rất phù hợp với cái thời Việt Cộng còn chui hầm bí mật ở vùng xôi đậu mà chúng tôi đang sinh sống và cũng phù hợp với tật ngồi lê đôi mách của các chị gái tôi: Chớ có thóc mách mà mất mạng.Nhưng sau nầy lớn lên nhớ lại câu chuyện trên tôi lại nghiệm ra một ý nghĩa khác. Đó là quyền được thông tin của con người. Anh có thông tin mà không được nói ra, không truyền lại cho người khác thì đau khổ còn hơn là ăn mà không được ỉa.Thông tin là những điều anh ghi nhận, thông tin là những điều anh suy nghĩ và thông tin cũng là những cảm xúc của anh bật ra khi tương tác với sự vật hoặc ngoại cảnh. Tùy theo cách diễn đạt để truyền tải mà thông tin ấy có thể là một ký hiệu nguệch ngoạc, có thể là thông báo ngắn gọn, có thể là một bài báo súc tích, có thể là một áng văn trác tuyệt, một bức họa sinh động và có thể là một bài thơ mượt mà hoặc một khúc hát mê li. Nói tóm lại thông tin và việc truyền đi thông tin đã hình thành nên nền văn hóa của nhân loại. Thông tin vừa là nhu cầu bức thiết vừa là điều kiện cơ bản để làm nên con người.2. Người làm trực tiếp trong ngành báo chí thì khát khao thông tin còn hơn bất kỳ ai. Thế nhưng trong gần hai mươi năm làm báo, thú thực tôi chưa viết được một bài báo nào ra hồn. Tôi phải viết bài ở những lãnh vực tôi không am hiểu hoặc thích thú lắm nên bài vở tầm tầm. Còn lãnh vực tôi thích thú thì phải viết theo quan điểm và lập trường của đảng. Báo của Đảng nên phải thông tin định hướng theo ý Đảng, đó là lẽ đương nhiên. Nếu ai có cùng ý với Đảng thì hẳn sẽ rất hạnh phúc vì sẽ viết được những bài báo hay, rất thật với lòng mình. Còn tôi thì xin chịu. Tôi có những cảm xúc, những suy nghĩ, những lời tâm sự, những nhận định về thời cuộc, nhận định về lịch sử…. không hiểu sao lại chẳng trùng hợp chút nào với ý Đảng. Ví dụ bài nền tảng đạo lý của hiến pháp cách đây gần 10 năm, nếu viết theo ý mình thì phải nói đến bản tuyên ngôn nhân quyền - dân quyền, nói đến đạo lý truyền thống của dân tộc, thế nhưng phải làm tròn theo ý đảng là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê xa lạ mà cái chủ nghĩa ấy thì lúc đó, ngay tại nơi sản sinh ra nó là nước Nga, người ta đang vứt bỏ thì làm sao viết cho ra hồn được. Đây là dịp cuối cùng trên blog, cho phép tôi được thật lòng.Thế là tôi tìm đến đám lau sậy của riêng mình để truyền thông tin vào đó. Ban đầu là nhật ký được ghi chết trong ổ nhớ. Viết thoải mái mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc, mọi nhận định của mình về thời cuộc, về thế giới, về lãnh đạo, về mọi người chung quanh… hả cả lòng mà chẳng sợ đụng chạm ai. Tuy nhiên thông tin như vậy thì cũng như chẳng có thông tin gì cả, vì bản chất của thông tin là sự lan truyền mà ổ nhớ thì không vi vu lại được như đám lau sậy của anh thợ hớt tóc để tạo ra sự lan truyền.Rồi internet xuất hiện, bãi lau sậy trở nên hiện đại hơn. Mình hét vào đó có người nghe được, không những nghe được mà hắn còn nhảy đổng vào hét theo nữa. Đó là blog. Blog làm tăng nguồn cảm hứng vì thông tin được lan truyền và tương tác. Lời tâm sự, cảm xúc của mình được chia xẻ, được cảm thông.Nhưng cảm xúc, tâm sự và nhận định của tôi thiên về khuynh hướng gì? Thú thực tôi ít am hiểu về kinh tế, không có năng khiếu về mỹ học, trình độ khoa học kỹ thuật thì không tới đâu nên tôi không có nhận định về kinh tế, ít có cảm xúc về văn chương nghệ thuật, không đủ hiểu biết để viết về khoa học công nghệ. Tôi có khuynh hướng về thời cuộc nên những cảm xúc, tâm sự và nhận định đều hướng vào chuyện thời cuộc. Thế là đụng vào chuyện chính trị nhạy cảm rồi. Vì viết về chính trị thì phải viết theo quan điểm nào, đứng trên lập trường nào. Mà khổ nỗi quan điểm lập trường của tôi như đã nói lại không trùng với quan điểm lập trường của đảng đang cầm quyền. Trên lý thuyết, hiến pháp cho phép mọi công dân được quyền biểu lộ một cách ôn hòa chính kiến của mình. Tuy nhiên thực lòng mà nói, trên thực tế, sự biểu lộ quá thật này cũng gây ra không ít trở ngại nhất là khi trang nhật ký của tôi, nhờ vào sự ưu ái của các blog nổi tiếng đi trước cho đường link, nên lượng người vào tăng lên một cách nhanh chóng.Thế là nguy hiểm quá. Mình lại tự thấy có trách nhiệm. Lại phải viết dè chừng, dòm trước ngó sau, uốn lưỡi nhiều lần… và vì vậy mà cảm xúc, suy nghĩ, nhận định dần dần trở nên nhạt nhạt vì chưa truyền đạt hết sự thật về những điều mình suy nghĩ.Rồi còn bao nhiêu cảm xúc dâng trào khi đối diện với các sự kiện nóng hổi mà mình đã viết ra nhưng nào có dám đưa lên. Như chuyện cấm biểu tình, chuyện các thanh niên công giáo lần lượt bị mất tích một cách khó hiểu, chuyện một số người ra tòa chỉ vì viết hoặc phát biểu trên báo nước ngoài chính kiến của mình, chuyện chị Tạ Phong Tần bị bắt, anh Điếu Cày hết hạn tù rồi nhưng vẫn còn bị giam giữ bí mật đến vợ con cũng không nghe được thông tin, rồi ngay mới đây chị Bùi Hằng bị bắt giam vô cớ ba ngày, rồi những người công giáo ở Thái Hà, ở Cồn Dầu, ở Vinh… chưa được đối xử công bằng. Tôi chỉ bày tỏ cảm xúc của mình về những chuyện ấy chứ có kiến nghị, yêu sách, phản đối gì đâu mà cũng không dám đưa lên. Tự thấy mình hèn quá.Cảm xúc, tâm sự thật lòng thì không dám đưa lên, cái đưa lên thì nhạt nhạt, chưa thật vì phải uốn lưỡi nhiều lần để che chắn, để tìm sự an toàn. Trang nhật ký của mình để tâm sự vui buồn dần dần giống như tờ báo đảng mà báo đảng thì có đến gần cả ngàn tờ rồi mình tham gia thêm làm gì nữa cho thừa.Vậy thì phải đóng blog lại thôi. Nhiều bạn bè buồn lắm. Nhưng mình còn buồn hơn nữa. Anh Nguyễn Thông nói blog đi vào trong máu thịt mình còn hơn là vợ nữa, bỏ vợ còn dễ hơn bỏ blog không biết có đúng không.3. Qua blog thì quen được nhiều bạn. Bạn cũ có, học trò cũ có, bạn mới có và bạn ở khắp các phương trời. Có những bạn chưa hề biết tên và tuổi tác mà sao chỉ qua vài lời trao đổi đã thấy như là tri kỷ lâu rồi. Có bạn comment vào blog nhưng phần lớn bạn khác lại email riêng hoặc điện thoại trực tiếp để chia sẻ. Những phản hồi đó làm mình rất vui vì vừa có tính động viên lại vừa góp phần điều chỉnh những sai sót và quan trọng nhất là cung cấp cho mình nhiều thông tin để tham khảo, nêu ra các vấn đề để trao đổi. Có một blog được nhiều người quan tâm là có thêm một thế giới khác để sống bên cạnh cái thế giới thực đang có. Trong thế giới mới nầy, được gặp nhiều người cùng trăn trở, cùng ưu tư, cùng suy nghĩ nên do vậy chỉ thấy toàn những người bạn tốt đẹp. Chính vậy mà tự dưng thấy có trách nhiệm với bạn bè nên nghĩ rằng hoặc phải viết chân thật từ đáy lòng hoặc không viết gì cả. Lúc này đóng blog lại chia tay với các bạn quả là tiếc lắm. Nhưng chẳng thà để lại một chút tiếc nuối cho nhau còn hơn là cứ kéo dài về sau bằng những bài viết không thật với lòng mình thì cũng phụ lòng các bạn phải không ạ?4. Tôi có một giấc mơ. Trước khi đóng blog lại tôi xin phép nêu lên đây giấc mơ của mình. Chắc không ai phiền hà gì về những giấc mơ nên tôi lấy hết sự dũng cảm còn lại để kể ra đây:- Tôi mơ Việt Nam mình thay đổi và đi về phía ánh sáng như Miến Điện.- Tôi mơ nhà cầm quyền mình biết nói không với Trung Quốc, không bị mờ mắt trước miếng mồi kinh tế của họ.- Tôi mơ thấy các anh chị đang bị bắt bớ, tù đày hân hoan bước ra khỏi nơi tăm tối. Đó là các anh chị: Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Điếu Cày, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Tạ Phong Tần, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Lý, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Thanh Hải, các thanh niên Công Giáo…vv..vv…- Tôi mơ thấy quyền được thông tin của người dân không bị cấm đoán, báo chí được tự do và ai cũng có thể nói lên chính kiến của mình mà không bị phiền hà.Bốn điều trong giấc mơ và còn nhiều điều nữa nhưng thật ra chỉ cần điều mơ ước đầu tiên là có thể có đủ hết các điều còn lại.5. Viết đến đây thì nổ ra sự kiện Gaddafi bị bắn chết. Kết thúc tất yếu của một kẻ độc tài tàn bạo, hoang tưởng và ngoan cố chống lại nhân dân, chống lại cả thế giới tiến bộ. Tuy nhiên kết thúc như Kaddafi thì nhục nhã và thê thảm quá. Nhục nhã vì phải chui vào trong một ống cống để trốn rồi van xin được tha mạng. Thê thảm là những ngươi lính NTC do quá căm phẫn đã tàn nhẫn kéo lê xác ông trần truồng trên đường phố.Bọn độc tài hại người, hại dân nào rồi cũng có những kết thúc tồi tệ, không bị lật đổ ngay lúc đang còn tại vì thì cũng bị miệng đời phỉ báng đến cả ngàn năm. Sự tham lam, ích kỷ và ngu xuẩn đã che mờ mắt rất nhiều tên độc tài còn đang tạm thời tại vị để họ không thấy cái gương sờ sờ ngay trước mắt. Bài học Gaddafi cho thấy, thế giới ở thời đại liên lập không để anh được tự do bắt bớ, đàn áp và bắn giết nhân dân tùy thích. Dân tộc nào bị áp bức quá rồi đến lúc cũng phải vùng dậy. 70 năm như Liên Xô, 50 năm như Đông Âu hay 42 năm như Gadafi rồi cũng sụp đổ.Chính vì vậy mà tôi hy vọng rằng giấc mơ của tôi không mãi mãi chỉ là giấc mơ.Tạm biệt.(Theo blog Huỳnh Ngọc Chênh - http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fuhlauatbppurau.oybtfcbg.pbz/2011/10/ybv-phbv-puna-gunau.ugzy)(**) Lời nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire