20/11/2012

KIỂU LÀM THƠ CỦA PHAN KHÔI


Nắng được thì cứ nắng”
và kiểu làm thơ của Phan Khôi

Nắng được thì cứ nắng
Tiếc tài gần chạng vạng,
Mặc dầu gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng”
                PHAN KHÔI

Trong văn học sử nước nhà, “Phan Khôi (1887 – 1959) là một tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX” (1).
Trong lĩnh vực thơ ca, Phan Khôi không để lại nhiều tác phẩm. Rải rác đâu đó cả bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ hay truyền miệng cũng chỉ vài chục bài thơ là cùng.

Sau phong trào chống thuế năm 1908 bị khủng bố trắng, ông bị bắt và giam ở nhà lao Hội An. Huỳnh Thúc Kháng cũng bị bắt trong dịp ấy và ban đầu cũng bị giam ở nhà lao Hội An, sau giải lên tỉnh và đày ra Côn Lôn. Lúc tiễn Cụ Huỳnh, nhiều bạn tù có làm bữa “tiệc rươu” mà món “quà” chủ yếu là thơ tiễn biệt, trong đó có 4 bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán của ông tú Phan Khôi là xuất sắc hơn cả theo lời nhận xét của cụ Huỳnh. Xin được trích một bài:
“Lan hồi hạc khứ lưỡng du du,
Thương hải mang mang hậu tử ưu
Chỉ hiệp mộng hồn vô quý tạc,
Tiện hoàng đông hải khán tây lưu”
(Lan khô, hạc tách rẻ dây sầu (2)
Biển cả mênh mông gánh kẻ sau
Ước đặng mộng hồn không hổ thẹn
Biển đông ngồi ngắn chảy sang Âu)
Đến năm 1911, Phan Khôi được trả tự do và ông có làm bài thơ ngụ ngôn ám chỉ “phong trào chống thuế” với nhan đề Dân Quạ Đình Công dài 40 câu, phần cuối bài thơ:
“Ờ té ra:
Mềm thì ai cũng cắn!
Rắn thì trời cũng nhả.
Hằng hà sa số cu li QUẠ
Bay về hạ giới kêu KHÁ KHÁ!
Nói chung, Phan Khôi ít làm thơ, nhưng ý tứ bài nào của ông cũng không bó buộc mà cô đọng, hàm nghĩa ngụ ngôn hơn là câu nệ khuôn khổ thơ “kinh điển”.
Sau này, nhiều nhà chép văn học sử cho rằng Phan Khôi là người đề xướng ra phong trào “thơ mới” khi bài thơ Tình Già” của ông được công bố trên Phụ Nữ Tân Văn ngày 10-3-1932, và xen đấy như là cuộc cách mạng về thơ ca thời đại mới. Thế nhưng theo lời của nhà văn Nguyễn Vỹ, chính Phan Khôi nói quả quyết rằng” “ông không hề chủ trương “lối thơ mới” hồi bấy giờ, và ông cho rằng bất cứ lối thơ nào diễn đạt được hết tư tưởng của mình là mình áp dụng chứ không có “thơ mới”, “thơ cũ” và không cần đặt ra “thơ mới” để bỏ “thơ cũ”, và ông bảo lối thơ câu dài câu ngắn như thế, từ đời nhà Tống bên Tàu đã có rồi, như loại cổ phong có từ trong Kinh Thi nữa kia! Ông bảo gọi là “thơ mới” thì phải mới trong cái ý thơ, hoặc trong cách diễn đạt cái ý thơ, chứ không phải mới ở khuôn khổ bài thơ”(3).
Thời kháng chiến (1946 – 1954), Phan Khôi tham gia với tư cách nhà văn hóa độc lập, không thuộc đảng phái chính trị nào cả. Về tư tưởng, ông chưa đồng tình với chế độ mới, nhưng ông triệt để ủng hộ cuộc kháng chiến toàn dân chống Pháp. Thời ấy ở chiến khu Việt Bắc đời sống vật chất thiếu thốn mà ông lại ở tuổi già, thường xuyên bị bệnh..., thế nhưng tình cảm của một công dân đối với đất nước, ông đã có bài thơ Thăm Bộ Đội nói được tấm lòng chan chứa, thắm thiết tình “cá nước” của một ông già vơi các chiến sĩ trẻ:
“Vượt núi trèo non tôi đến đây,
Về thăm anh nghỉ dưới chân mây.
Chúc anh mạnh khỏe rồi ra trận
Máu sức càng hăng để đánh Tây.
Đánh đến bao giờ độc lập thành,
Tôi dù già rụi ở quê anh
Cũng đành nhắm mắt không ân hận,
Nằm dưới mồ nghe khúc thái bình”
Con người Phan Khôi là vậy. Ông luôn hăng hái và quả quyết với hành động của mình. Trong thơ cũng thế, lời lẽ không màu mè hoa mỹ mà hồn nhiên giản dị, không viễn vông hoài bão hảo huyền mà sát với thực tế . Hầu hết các bài thơ của ông dù ở thể tự do, lục bát, bát cú hay tứ tuyệt đều mạng cốt cách như tự sự, đang kể câu chuyện nào đấy. Thường ông làm thơ 4 câu để nói ít mà ngụ ý nhiều. Hồi ở Việt Bắc năm 1952, ông viết:
“Tuổi già thêm bệnh hoạn,
Kháng chiến thấy thừa ta.
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra!”
Ấy là cách nói tự nhiên như đang nói chuyện với ai đó. Nói như Nguyễn Vỹ, “Nếu gọi là thơ mới, thì những câu thơ kia đâu có phải là mới, nhưng diễn tả ý tứ của câu thơ là mới vậy”(4). Cái tứ có được ở Phan Khôi là cái tứ tự do, phóng khoáng, không vì bất kỳ tư tưởng hay câu nệ hình thức thơ ràng buộc nào để ngòi bút của mình phái “uốn cong”.
Sự nghiệp học thuật và văn nghiệp của Phan Khôi trước hết là những bài báo nghị luận được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí ở cả ba miền đất nước. Viết báo và làm báo để có tiền nuôi bản thân và một phần lo cho đời sống gia đình. Đó là “nghiệp” của Phan Khôi. Song ông không không bao giờ vì tiền mà để ngòi bút của mình lao theo ý của chủ các tờ báo, tạp chí nơi mình ăn lương và cộng tác. Sau khi rời khỏi ngục thất tỉnh Quảng Nam, theo giới thiệu của Nguyễn Bá Trác – người cùng quê, ông ra Hà Nội cộng tác với tạp chí Nam Phong thời gian, sau bất đồng ý kiến với Phạm Quỳnh rồi bỏ vào Sài Gòn giúp tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Vì chủ trương tờ Lục Tỉnh Tân Văn mang nặng tính thông tin, không phải là “đất” để Phan Khôi “múa võ” với các bài nghị luận, ông lại ra Hà Nội hợp tác với tờ Thực Nghiệp Dân Báo, công tác với tạp chí Hữu Thnah của cụ nghè Ngô Đức Kế. Sau đó người ta lại thấy ông “tung hoành” suốt thời gian 1928 – 1931 trên tờ Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Trung Lập, Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn. Năm 1933 lại ra Hà Nội làm chủ bút tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Năm 1936 ông lại xuất hiện trên báo Tràng An, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Sông Hương ở Huế. Rồi đến năm 1939, ông Phan Khôi không viết báo nữa  và vào Sài Gòn dạy học, sau đó về quê ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam cho tới khi nhận lời mời của Chính phủ mới, ông ra Hà Nội (sau năm 1945) và sau đó theo cuộc kháng chiến cho tới ngày hòa bình. Việc ông bỏ chỗ này đến chỗ khác có khi là bất đồng ý kiến, có khi là sự đối xử của các chủ báo... Nói  chung, ông không thích ngòi bút của mình bị bó buộc, tư tưởng và đời sống của bản thân không nô lệ bất kỳ một ai. Với bút lực như ông mà suốt đời nghèo vấn cứ nghèo, nợ vẫn cứ nợ vì tính khí cứng rắn và thẳng thắng, ông chưa bao giờ lo sợ bất kỳ một thế lực nào, kề cả thời ông theo Chính phủ Việt Minh đi kháng chiến
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông về Hà Nội ở tuổi “xưa nay hiếm” như cách nói của nhà thơ thời Đường là Đỗ Phủ, lẽ ra lúc này đây ông đoàn tụ cùng vợ và con cháu để hưởng chút hạnh phúc bình thường của một con người. Thế nhưng trong cuộc hành trình viết để nói những điều cần nói của một công dân đối với đất nước, bày tỏ chí nguyện công bằng của người nghệ sĩ với những người có trách nhiệm với nền văn nghệ nước nhà, ông chủ trương thành lập tờ Nhân Văn, tiếp tục viết những bài văn nghị luận mà cho đến nay còn nguyên giá trị đích thực của lương tri mới và được nhiều văn nghệ sĩ vốn là những chiến sĩ tham gia kháng chiến nhiệt thành tham gia cộng tác. Biết là tuổi của mình đã “xế chiều”, nhưng còn sức lực thì ông cứ viết. Nói với những người trẻ tuổi, Phan Khôi bày tỏ lời tâm sự:
“Nắng chiều tuy có đẹp,
Tiếc tài gần chạng vạng,
Mặc dầu gần chạng vạng,
Nắng được thì cứ nắng”
Với thơ của Phan Khôi, có lẽ những người yêu thơ nước Việt không phải tốn nhiều “giấy mực” để rồi bình “tràng giang”. Cảm thơ ông chỉ cần biết dù “gần chạng vạng” thì ta phải “nắng được thì cứ nắng”. Đó cũng là câu cách ngôn cho những nhà cầm bút và cũng là bút ý của ông Phan.

PHAN THANH MINH


Ghi chú:
(1): Lại Nguyên Ân, Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1928, Trung tân Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Đà Nẵng, 2003.
(2): Lan khô (lan hồi): chỉ người chết; hạc tách (hạc khứ): chỉ người đi đày.
(3): Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, NXB Văn học, 2007, tr. 377.
(4): Nguyễn Vỹ, sđd, tr. 378.


5 commentaires:

  1. "Nắng chiều đẹp có đẹp" chớ không phải "nắng chiều tuy có đẹp"! Trật một chữ, giết chết bài thơ mà cũng diệt luôn cái khí chất Quảng nôm! Bậy!

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Lời còm của bạn quá xác đáng để 'xem' lại. Chỉ giá mà không thêm chữ "Bậy!"
      Bài viết của Phạm Thanh Minh ca ngợi cụ Phan Khôi về cơ bản là xác đáng mà.
      Thiển nghĩ 80 năm nay ở ta khó có văn sĩ nào theo kịp lý sự và nhân cách của cụ Phan Khôi.

      Supprimer
    2. Lời bàn của bạn quá xác đáng. Chỉ giá mà không thêm chữ "Bậy!"
      Bài viết của PTM ca ngợi cụ Phan Khôi cơ bản xác đáng mà.
      Thiển nghĩ 80 năm nay ở ta khó có văn sĩ nào theo kịp tư duy, lý sự và nhân cách của cụ Phan Khôi.
      Dẫu thế nào, cảm ơn t/g PTM.

      Supprimer
  2. NẮNG CHIỀU ĐẸP CÓ ĐẸP
    TIẾC TÀI GẦN CHẠNG VẠNG
    MẶC DÙ GẦN CHẠNG VẠNG
    NẮNG ĐƯỢC THÌ CỨ NẮNG
    Tôi cũng thấy như vậy mới bộc ra hết khẩu khí Quảng Nam. Nhưng không biết thực sự là sao, mong tác giả Phan Thanh Minh nêu ý kiến.

    RépondreSupprimer
  3. PTM:
    Xim cảm ơn các Bác đã góp ý. Bài thơ trên tôi trích trong cuốn sách Nguyễn Vỹ, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, nxb Văn học.

    RépondreSupprimer