03/11/2012

LAN MAN


                                      Trần Thạch sa
   Đi thực tế ở Tây Nguyên, lặn lội vào các buôn làng heo hút, tôi không khỏi chạnh lòng vì tình trạng rệu rã của "Miền Đất Huyền Ảo" ( chữ của Nhà Dân Tộc Học - Linh Mục - Dam Bo Jacques Dournes ) ! ...

   Nhớ xưa, Mã Viện sau khi đánh bại Hai Bà Trưng và thôn tính Lĩnh Nam, theo Hậu Hán Thư : "Viện (Mã Viện) điều tấu Việt luật cùng Hán luật, sai hơn 10 việc, bèn cùng người Việt nói rõ để ước thúc". Do đó, việc cai trị Giao Chỉ dù sao cũng được dựa vào sự "ước thúc" trên cơ sở "nói rõ" về những điều cần dung hòa giữa "Hán luật" và "Việt Luật". Xã hội  Công xã Thị tộc vẫn không bị phá vỡ, các Tộc trưởng, Thổ hào và Hào trưởng vẫn còn giữ được uy thế nhất định trong phạm vi lãnh thổ và quyền lực của mình, làm tiền đề về võ lực và văn hóa cho những cuộc khởi nghĩa giành độc lập tự chủ sau này ... Dân ta có câu : Phép vua thua lệ làng ! .


   Người Pháp trước khi tiến hành công cuộc "thực dân", đã đưa các nhà thám hiểm lên nghiên cứu trước về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số, nhằm hoạch định chính sách, để, thứ nhất, ít vấp phải sự phản kháng ; thứ hai, bảo tồn văn hóa bản địa. Sự cai trị trên Xứ Thượng dựa trên một hệ thống luật pháp được pha trộn, dung hòa giữa luật pháp chung của nhà nước phong kiến - thuộc địa và các luật tục bản địa ... Nội bộ buôn làng hầu như vẫn ở trong trạng thái tự trị ... Nền văn minh còn trong tình trạng bán khai của các dân tộc thiểu số vẫn âm ỉ tồn tại  trước nền văn minh cơ khí hiện đại của phương Tây, dù khoảng cách là quá xa, khó thể lấp bằng ...

   Ngày nay, sự quản lý bằng luật pháp chung của nhà nước đã khiến cho các luật tục truyền thống Tây Nguyên bị xáo trộn, đặt xã hội và con người Tây Nguyên trước nguy cơ đổ vỡ do tình trạng mâu thuẩn gay gắt giữa "truyền thống" và "phát triển" ... Ngoài ra, "cơn lũ" di dân thiếu kiểm soát đã khiến cho nền văn hóa thuần phác sơ khai bản địa bị "bức tử" bởi cái "văn hóa con buôn" lọc lừa và gian lận của bao lớp người tứ xứ tràn ngập ... Đất đai nương rẫy vốn được sở hữu linh động dựa trên nền nông nghiệp "luân canh luân cư" dần rơi vào tay những người miền xuôi nhiều thủ đoạn. Những "linh vật" cồng chiêng, những "quý vật" chum chóe trở thành vật trao đổi bọt bèo với mấy loại hàng hóa thấp kém rẻ tiền của miền xuôi. Nền Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, cũng như một số loại hình Văn Hóa Phi Lập Thể khác như Khan, Xoang có nguy cơ mai một do mất môi trường diễn xướng là đại ngàn hùng vĩ thâm u và truyền thống tâm linh "vạn vật hữu thần" Yang, Atau ...

   Chợt nghĩ, và so sánh đến người Kinh, khi đã có một trình độ văn minh tương đối phát triển, mà vẫn phải lâm vào những hoàn cảnh tương tự, khi "hiện đại" thách thức "truyền thống" !

   Những làng nghề truyền thống tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình, ... bị lấn át bởi những ảnh bìa tạp chí, tranh in, máy ảnh "digital", ... hiện đại ... ; những làng nghề truyền thống hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, rượu Làng Vân, rượu Làng Chuồn, hoa Gò Vấp, kiểng Cái Mơn, ... bị lấn át bởi hoa nhựa, hoa giấy, hoa đất, rượu công nghiệp, ... bởi bê tông đô thị hiện đại ... và ... dần tan rã, thất truyền ... ! ...

   Những hội làng truyền thống Quan Họ, Trống Quân, Bài Chòi, Hát Bội, Cải Lương, ... ; những hát Đối Đáp, Giao Duyên truyền thống, Xẫm, Xoan, Đúm, Ghẹo, Hò, ... bị lấn át bởi những "nhạc sống", "karaoke", "video", "compact disc", ... hiện đại, và ... cứ dần chìm vào quên lãng ...

   Xã hội đổi thay ... các giá trị cũng đổi thay ... nhu cầu cũng đổi thay ...

   Người Xứ Thượng đã đem những cồng chiêng chum chóe, từng một thời là biểu tượng của "Thần Quyền", làm nên "đẳng cấp" cho mỗi cá nhân, dòng tộc trong xã hội Tây Nguyên, chỉ được sử dụng trong những dịp, nghi lễ trọng đại, để đổi lấy những thau xô ấm chén cho những sinh hoạt hàng ngày ...

   Thâm nhập vào các buôn làng heo hút, bốn không : điện, đường, trường, trạm, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài ... thấy trẻ con, và cả người lớn, người già, không hề biết đến những "món quà xa xỉ" của cuộc sống hiện đại như bánh Snack, Hamburger, gà rán Kentucky, ... vv ... nên họ không thể có sự thèm muốn ... Trẻ con ở đó, với cái bụng thè lè ..., họa hoằn, chỉ có thể thỏa mãn sự thèm ngọt của mình bằng những viên đường tán đen xì, còn lẫn nhiều rơm rạ ..., hay những viên kẹo xanh đỏ rẻ tiền ..., có được nhờ đi mót phân bò đổi cho con buôn người Kinh, với một sự trao đổi, mua bán rất rẻ mạt và bất bình đẳng ..., chúng dường như không có nhu cầu về sự bình đẳng !

   Họ không có "nhu cầu" ..., vì không hề biết là "có" ... ! ...

   Cũng như người ta không có "nhu cầu", và "yêu cầu", về "Tự Do", "Dân Chủ", "Nhân Quyền", ... khi không hề biết là "có" ... ! ... Và "có" như thế nào, "yêu cầu" ở mức độ nào, "nhu cầu" ấy cần thiết đến đâu ... !? ... Như một "đứa trẻ" ( người dân tộc thiểu số ) biết vui và cảm ơn "người lớn" ( người Kinh ) vì nó được thưởng cho một viên đường tán để đổi lấy một bao phân bò, công sức của một ngày đi mót ... mà không hề biết là lẽ ra nó xứng đáng được ba viên, năm viên, hay mười viên, hai mươi viên ..., hoàn toàn tùy thuộc vào sự "rộng lượng", "thương hại", "ban phát", "xin - cho" ... của "người lớn" ...

   Như ở Bắc Triều Tiên, không điện thoại di động, không internet, 2/3 thời lượng TV dùng để ca ngợi lãnh tụ, ... người dân sẽ biết được là đang "có" điều gì, "nhu cầu" của mình là gì ... !? ... Để mà "yêu cầu" ... !? ...

   Như ở Việt Nam, thông qua quốc hội "đảng cử dân bầu", báo chí "phải tạo ra sự đồn thuận", internet "tường lửa", ... người dân sẽ biết gì về bauxite, về thủy điện, về điện hạt nhân, ... để mà "yêu cầu" ... !? ...

   Ở chế độ Chiếm Hữu Nô Lệ thì "Phụng Mệnh Hành Sự, Thân Bất Do Kỷ" là "Chân Lý", là "giá trị", là "nhu cầu" ... Cái "Dũng" của Kinh Kha, "Phong Tiêu Tiêu ... Hề ... Dịch Thủy Hàn / Tráng Sĩ Nhất Khứ ... Hề ... Bất Phục Hoàn", cho đến nay vẫn còn được truyền tụng ... Nhưng nếu lấy cái "Chân Lý" thời nay để xét thì sẽ như thế nào ... !? ...

   Ở chế độ Phong Kiến thì "Trung Quân - Ái Quốc" là "Chân Lý", là "giá trị", là "nhu cầu" ... Cái "Trung" của Lý Trần Quán đối với chúa Đoan Nam Vương ; của Lê Quýnh đối với vua Lê Chiêu Thống ; của Võ Tánh, Ngô Tùng Châu đối với chúa Nguyễn Ánh ; của Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đối với vua Quang Trung ; của Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản đối với vua Tự Đức, ... cho đến nay vẫn còn làm cảm động lòng người ... Nhưng ... !? ...

   Xã hội đổi thay ... các "giá trị" cũng đổi thay ... "nhu cầu" cũng đổi thay ...

   Thời nay, xã hội đổi thay, quan niệm về "Chân Lý" rộng mở ... Những Tôn Thất Thuyết, Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường, Trương Vĩnh Ký, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Trọng Kim, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Lý Tự Trong, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh, ... vv ... sẽ như thế nào ... !? ...

   Lịch Sử sinh động quá, khách quan quá, "bất nhân" quá ( Thiên Địa Bất Nhân Dĩ Vạn Vật Như Sô Cẩu ) ...
TTS

8 commentaires:

  1. Ông tác giå ơi, bài viết okay, nhưng em có một câu hỏi: Lê Văn Tám là ai vậy?

    RépondreSupprimer
  2. Mỗi lần lên vùng cao và gặp những đám hội của người dân tộc thì tôi đều có một thắc mắc là tại sao dân tộc Kinh, một dân tộc lớn nhất trên đất nước Việt Nam mà không hề có bất kỳ điệu nhẩy, điệu múa nào chung của người Kinh trừ một vài điệu múa của mấy địa phương vùng Kinh Bắc. Có lẽ dân tộc Kinh là dân tộc duy nhất trên thê giới không có điệu nhẩy dân tộc nào của riêng mình. Tiếc cho những nền văn hóa của các dân tộc thiểu số đang dần dần bị mai một.

    RépondreSupprimer
  3. Bác Phú Hòa : Bác nhận xét rất tinh ! Bản sắc của người Việt còn giữ được đến tận ngày nay chính là ... không có bản sắc gì rõ rệt ! Điều ấy làm người Việt dễ sống nhưng lại khó lớn .

    RépondreSupprimer
  4. Điệp viên 0096 novembre 2012 à 09:15

    "Sếp" của Phương Uyên là mật vụ cộng sản!
    http://googletienlang.blogspot.com/2012/11/sep-cua-phuong-uyen-la-mat-vu-cong-san.html
    Rất có thể cả Mặc Lâm RFA rồi BBC cũng là mật vụ cộng sản.
    Bác Chênh háy thận trọng xóa dấu vết liên quan (nếu có) với nhóm TTYN

    RépondreSupprimer
  5. Nặc danh ơi, tôi viết bài này là để làm phát sinh ra những câu hỏi như của bạn ...

    RépondreSupprimer
  6. Nặc danh ơi, tôi viết bài này là để làm phát sinh ra những câu hỏi như của bạn ...

    RépondreSupprimer
  7. Nặc danh ơi, tôi viết bài này là để làm phát sinh ra những câu hỏi như của bạn ...

    RépondreSupprimer
  8. Nặc danh, tôi viết bài này là để làm bật lên những câu hỏi như của bạn ... Con người ta, trước tiên, cần phải biết ngạc nhiên, và đặt những câu hỏi ...

    RépondreSupprimer