19/11/2013

NƯỚC LỚN NHƯNG BỤNG NHỎ

Song Chi.
Dư luận thế giới mấy hôm nay đã bình phẩm khá nhiều về số tiền cứu trợ ít ỏi của Trung Cộng, cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu, dành cho Philippines sau cơn bão lịch sử Hayan. Mặc dù sau đó, trước sự chỉ trích của cộng đồng thế giới, nước này đã tăng số tiền cứu trợ tính bằng chăn, màn, lều…tương đương 1,6 triệu USD nhưng vẫn thua xa một số nước còn nghèo hơn TQ rất nhiều, và cũng không thể xóa đi cái ấn tượng bủn xỉn, keo kiệt ban đầu.

Ảnh bên:  Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố nước này sẽ viện trợ cho Philippines 100 ngàn USD, "đội sổ" danh sách cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nạn nhân siêu bão Haiyan.
Nhưng nói thật, người dân nước nào còn tỏ ra sốc, ngạc nhiên về cách ứng xử của TQ chứ tôi tin rằng phần đông người VN, vốn có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng với TQ trong quá khứ và cả hiện tại, hẳn là không bất ngờ gì cho lắm.
Trung Cộng vốn nổi tiếng là hẹp bụng, thù dai. Cũng nhân cách ứng xử của TQ với Philippines, xin kể lại câu chuyện tương tự với Na Uy trước đây (và còn liên lụy tới bây giờ).
Khi Ủy ban Nobel Na Uy công bố trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhân vật bất đồng chính kiến TQ đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba, một người quen của tôi đang sống tại Paris đã nói với tôi đầy vẻ phấn khích: “Cô thấy Na Uy ngon lành không. Một nước nhỏ mà dám vuốt mặt Trung Quốc nhé. Chứ Pháp ấy à, ngay cả nếu Ủy ban trao giải có là một tổ chức hoạt động độc lập với chính phủ đi chăng nữa, Tổng thống Pháp cũng sẽ đi năn nỉ, thuyết phục, thậm chí vận động từng vị trong Ủy ban, thôi các ông đừng trao giải cho ông ấy, không thì Trung Quốc sẽ gây khó dễ đủ chuyện cho chúng ta ngay.” Điều này thì tôi thừa nhận. Dám trao giải cho Lưu Hiểu Ba bất chấp những cảnh báo của chính quyền Trung Quốc, Ủy ban Nobel Na Uy quả là ngon lành!
Và sự ngon lành đó đã bị trả giá! Từ người phát ngôn Mã Triêu Húc của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho đến giới truyền thông Trung Quốc liên tục chỉ trích Ủy ban Nobel Na Uy về việc trao giải, và mặc dù chính phủ Na Uy đã phân trần rằng Ủy ban Nobel là một tổ chức độc lập, điều đó không hề làm giảm đi sự giận dữ của TQ.
Hàng loạt biện pháp “trả đũa” đã được TQ thực hiện: ngay trong tháng 10.2010, hai lần hủy cuộc gặp với bộ trưởng Ngư nghiệp Na Uy để thảo luận về vấn đề hải sản giữa hai nước tại Hội chợ Thương mại Thế giới tổ chức ở Thượng Hải, thậm chí những chuyến giao lưu trao đổi văn hóa giữa hai nước cũng bị hủy bỏ.
Trung Quốc gây sức ép với tất cả các quốc gia để họ không cử đại biểu tham dự lễ trao giải Nobel. Vào thời gian trước khi diễn ra lễ trao giải ngày 10.12.2010, báo chí Na Uy thường đề cập đến những phản ứng từ phía Trung Quốc mà họ cho là không sao hiểu nổi.
Dân Na Uy, theo cảm nhận của tôi, nếu như đối với Mỹ, nhiều người tỏ ra không thích thú lắm vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ cũng như chế độ tư bản và sự cạnh tranh khốc liệt trong đời sống xã hội Mỹ, thì đối với Trung Quốc, đa số cũng không hiểu rõ về quốc gia này. Dù có biết về chế độ độc tài và “thành tích” nhân quyền của nhà nước Trung Cộng, điều đó không ngăn cản nhiều người Na Uy ngưỡng mộ Trung Quốc về nhiều thứ: một quốc gia khổng lồ, một nền văn hóa lâu đời, sự phát triển thần kỳ về kinh tế trong hơn 3 thập niên qua…
Khi Trung Quốc phản ứng quá đáng với Na Uy chỉ vì giải Nobel Hòa bình, họ không biết rằng đã làm cho người dân Na Uy kinh ngạc. Tôi đã nghe một số người Na Uy khi nói về điều này cứ lặp đi lặp lại câu: “Tại sao Trung Quốc lại phản ứng như vậy? Sao họ không chịu hiểu Ủy ban trao giải là một tổ chức hoạt động độc lập, nếu có ghét thì ghét cái Ủy ban trao giải, chứ sao lại đổ lỗi cho chính phủ Na Uy và làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước?” Hoặc: “Tại sao họ lại không để cho ông Lưu Hiểu Ba đến nhận giải? Việc ông ấy đến nhận giải thì có sao đâu?”
Tôi phải giải thích đây là chuyện hai bên không hiểu nhau vì hai chế độ, hai xã hội quá khác nhau. Rằng ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, nhà nước kiểm soát tất tần tật mọi thứ, nên những người lãnh đạo Trung Cộng không thể hiểu và cũng không chấp nhận việc có một Ủy ban, một tổ chức nào đó lại hoạt động độc lập với chính quyền mà chính quyền lại chịu, không thể can thiệp như vậy!
Chuyện xảy ra từ năm 2010, nhưng kể từ đó quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng. Vốn là một quốc gia nhập rất nhiều cá hồi từ Na Uy, nhưng TQ đã tìm mọi cách gây khó dễ cho Na Uy, ví dụ như kéo dài quá trình kiểm tra chất lượng, làm thủ tục giấy tờ... khiến một số lượng lớn cá hồi xuất qua TQ bị hỏng, sau đó TQ không chịu nhận hàng, chẳng hạn!
Đồng thời, lượng cá hồi TQ nhập của Na Uy sụt giảm hẳn, từ 92% trong năm 2012 xuống 29% trong nửa đầu năm 2013, kết thúc việc gần như độc quyền của Na Uy trong thị trường cá hồi ở TQ trong thập kỷ trước. (“Norway's Salmon Exports To China Plummet Following Nobel Peace Prize For Liu Xiaobo”, International Business Times).
Chuyện không dừng lại ở đó. Trong năm nay, báo chí nước ngoài dẫn tin từ báo Na Uy cho biết, trái ngược với TQ, lượng cá hồi VN nhập của Na Uy lại tăng vọt, sau này Na Uy mới phát hiện ra là VN mua sau đó xuất khẩu qua TQ! (Bản tin tiếng Anh: “Norwegian salmon bypasses China blocade through Vietnam”, undercurrentnews).
Dù sao, qua một “chuyện nhỏ” này chắc người Na Uy sẽ hiểu hơn phần nào cách ứng xử của một quốc gia luôn tự cho mình là nước lớn nhưng khi đụng chuyện thì rất…tiểu nhân, chứ còn người Việt Nam chúng tôi thì đã quá hiểu và quá kinh nghiệm suốt từ hàng ngàn năm nay rồi!
Văn hóa Tàu, khác với văn hóa phương Tây, là để bụng, chấp nhất, thù dai theo kiểu “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Mối thù bị Nhật xâm chiếm thời chiến tranh thế giới thứ II hay mối hận bị làm nhục bởi các nước phương Tây, luôn luôn được các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản TQ ghi nhớ nằm lòng, và tìm mọi cách để “nhồi” vào đầu người dân TQ.
Với các nước láng giềng nhỏ bé có những mối thù cũ (như VN) hoặc đang tranh chấp lãnh hải như VN, Philippines…cũng vậy, nhà cầm quyền Trung Cộng, thông qua bộ máy truyền thông báo chí, sách giáo khoa, ra sức vẽ lên những hình ảnh không đúng về các nước này, đổ lỗi cho các nước này là nguyên nhân gây ra mọi xung đột, bất hòa, là những nước nhỏ nhưng vô ơn, tham lam, xâm chiếm biển đảo của TQ, ăn cắp dầu, tài nguyên biển của TQ….
Hậu quả là đa số người TQ có cái nhìn lệch lạc về TQ và thế giới, nuôi dưỡng trong lỏng mối thù ghét Nhật, Mỹ, các nước phương Tây… cho tới một nước ở Đông Nam Á. Không trách gì khi Philippines bị bão, đa số người dân TQ, thông qua những cuộc thăm dò ý kiến trên báo chí nước họ, thông qua các mạng xã hội, đã biểu lộ sự không đồng tình cứu trợ Philippines cho dù với một số tiền nhỏ nhoi.
Thật ra không phải bao giờ Trung Cộng cũng bủn xỉn. Đôi khi họ cũng tỏ ra rất hào phóng hỗ trợ nước này nước kia những món tiền không nhỏ, như đối với Cambodia, Pakistan, hay một số quốc gia châu Phi…nhưng đồng tiền của Trung Cộng là đồng tiền chết người.
Nếu lãnh đạo của một quốc gia nào vì tham lam, mờ mắt hoặc vì thế khó khăn mà phải nhận vào thì ngay sau đó phài đổi lại bằng tài nguyên khoáng sản của quốc gia, bằng lãnh thổ lãnh hải, sự độc lập về chủ quyền và trong đường lối chính trị. Chưa kể phải nhận lãnh những hậu quả lâu dài về ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên do TQ khai thác tài nguyên, xây dựng bừa bãi, cộng thêm hàng hóa chất lượng dỏm, giả, độc hại từ TQ đưa vào v.v…
Từ cách ứng xử của Trung Cộng đối với những nước có thù cũ hoặc đang có tranh chấp, rồi nhìn sang Anh và Mỹ đối với nhau, Mỹ đối với Nhật, nước cựu thù trong chiến tranh, nhìn cách nước Nhật thầm lặng chuộc lỗi với các quốc gia họ đã từng xâm chiếm…dễ hiểu tại sao người Nhật không ghét Mỹ bằng ghét TQ, hay người VN không ghét Mỹ, ghét Nhật như ghét TQ.
Cũng may mà người Việt, do nước nhỏ nước nghèo nên không mang cái tâm trạng vừa tự ti vừa tự tôn dân tộc nặng nề như người Hoa, vì vậy cái nhìn về thế giới có phần ít lệch lạc hơn. Người Việt, do lịch sử đau thương của đất nước, luôn biết ơn những bàn tay đã chìa ra giúp đỡ mình. Khi thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra ở Nhật năm 2011, người Việt, trong khả năng của mình, đã chứng tỏ lòng biết ơn Nhật là quốc gia hỗ trợ VN vô tư nhất trong bao năm qua.
Và bây giờ, khi cơn bão Hayan tàn phá Philippines, người Việt trong và ngoài nước đã mở lòng, mở hầu bao với người Phi. Ngoài sự đồng cảm giữa những quốc gia nghèo luôn phải đối mặt với thiên tai, đối với người Việt ở nước ngoài, còn là lòng biết ơn những ngày tháng vượt biên xa xưa đã dừng chân ở Philippines, được quốc gia này cưu mang trong thời gian chờ sang nước thứ ba.
Những tình cảm, sự tự nguyện đóng góp thêm đó phần nào làm giảm đi sự xấu hổ của người Việt khi chính nhà cầm quyền VN, trong cả hai lần thiên tai xảy ra với Nhật và Philippines, chỉ hỗ trợ được 100.000 đô la. Đành rằng VN là nước nghèo, chẳng ai thèm chấp như với TQ, nhưng đừng quên, VN vẫn đang phải vay mượn, nhờ vả nước khác, VN lại đang phải đối mặt với âm mưu xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải lâu dài của Trung Cộng, chắc chắn phải nhờ cậy đến bạn bè quốc tế. Nếu không biết điều thì sống với ai?
Hy vọng lãnh đạo VN qua câu chuyện này, dù quá muộn màng, biết nhận ra chơi với ai thì có lợi hơn.
Về phía TQ, từ khi bắt đầu trở thành một quốc gia giàu có tiền bạc rủng rỉnh, TQ không che dấu tham vọng muốn ngang bằng, thậm chí soán ngôi Mỹ, trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu. Nhưng ước mơ đó xem ra vẫn còn lâu lắm, bởi chỉ có tiền, có sức mạnh quân sự đâu đã đủ để các nước tôn trọng. Khi chính TQ luôn thể hiện trước thế giới một thái độ hung hăng, ngang ngược, chuyên cậy nước lớn bắt nạt các nước nhỏ, cò kè tham lam từng mét vuông đất cho tới cả vùng biển Đông chỉ muốn giành về mình, quan hệ làm ăn với ai thì chỉ biết lợi về phần mình, trong văn hóa thì chỉ muốn đồng hóa, tiêu diệt bản sắc của nước khác v.v…Như vậy làm sao có được tư cách nước lớn?
Nói cách khác, nước lớn nhưng bụng nhỏ, là vậy.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire