02/02/2014

Tuyên bố của Diễn Đàn Xã hội Dân sự phản đối việc công an thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh

Diễn Đàn Xã hội Dân sự

 Phạm Chí Dũng  nói ông không vi phạm luật pháp VN( Theo BBC)
Ngày 1-2-2014 Ts. Phạm Chí Dũng ra sân bay Tân Sơn Nhất để lên đường đi dự Hội thảo về nhân quyền và dân chủ, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam tại Geneve theo lời mời của tổ chức UN-Watch đã bị công an thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản không cho xuất cảnh. 
Hành động này của công an thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp vừa có hiệu lực từ 1-1-2014 mà theo đó “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”; đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; đã bôi nhọ danh dự của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế vì nó cho thấy Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một thành viên vừa mới được bầu của Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp quốc đã trắng trợn vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, vi phạm hiến pháp của chính mình.

Biên bản số 166/BB-A72-TSN ngày 1-2-2014 đã viện đến đề nghị của Công an thành phố Hồ Chí Minh không cho Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh dựa vào Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17-7-2007 của Chính phủ.

Điều 21 của Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định: “Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ”.

Theo Điều 21 rõ ràng các điểm từ 1 đến 5 và điểm 7 không áp dụng được trong trường hợp này và  chỉ có thể viện vào “lý do bảo vệ an ninh quốc gia” một nửa của điểm 6 mà thôi.

Điểm 3 của Điều 12 của Công ước về quyền dân sự và chính trị nêu rõ các quyền này sẽ “không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận.” 

Điều 12 của Hiến pháp quy định “Nước cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam … tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…” Như thế, những sự hạn chế quyền tự do đi lại phải do luật định mà Nghị định 136/2007/NĐ-CP không phải là luật và không thể viện dẫn đến Nghị định này để cản trở Ts. Phạm Chí Dũng hay bất cứ công dân khác nào xuất cảnh.

Ngay cả giả như có thể áp dụng Nghị định 136/2007/NĐ-CP thì hành động ngăn cản này cũng đã vi phạm thủ tục của chính Nghị định đó.  Khoản 1 của Điều 22 Nghị định trên quy định thẩm quyền quyết định chưa cho công dân xuất cảnh như sau: chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án hay cơ quan thi hành án có thể quyết định chưa cho xuất cảnh theo các khoản 1,2 và 3 của Điều 21; Bộ trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định chưa cho xuất cảnh theo khoản 4 Điều 21; Bộ trưởng Bộ Y tế theo khoản 5; Bộ trưởng Bộ Công an theo khoản 6; và Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 của Điều 21 nêu trên.  

“Đề nghị của công an thành phố Hồ Chí Minh” như được viện dẫn trong biên bản 166/BB-A72-TSN (đã nêu trên) không phải là quyết định của công an thành phố Hồ Chí Minh (trong trường hợp này công an thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng có thẩm quyền ấy mà chỉ Bộ trưởng Bộ công an mới có thẩm quyền), thế nhưng  người ký quyết định chưa cho xuất cảnh trong biên bản trên lại là thượng tá Phạm quốc Hùng, phó trưởng Đồn công an của khẩu Tân sơn Nhất. Như thế quyết định nêu trong biên bản 166/BB-A72-TSN là một quyết định hành chính hoàn toàn trái pháp luật.

Vì những lý do trên Diễn đàn Xã hội Dân sự cực lực lên án công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp trong việc cản trở Ts. Phạm Chí Dũng xuất cảnh và yêu cầu:

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ công an nghiêm trị những kẻ đã có hành vi phạm pháp đối với Ts Phạm Chí Dũng cũng như đã ngăn chặn xuất cảnh một cách trái pháp luật đối với một số người khác.

Ts. Phạm Chí Dũng hoàn toàn có quyền kiện công an thành phố Hồ Chí Minh đã phạm pháp trong trường hợp này và trong trường hợp đó chúng tôi yêu cầu tòa án xử nghiêm minh. 

Ts. Phạm Chí Dũng hoàn toàn có quyền kiện Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra trước Hội đồng Nhân quyền (HRC) của Liên Hiệp Quốc về sự vi phạm này, tương tự như các vụ Peltonen kiện nhà nước Phần Lan (mã số 4922/92) hay vụ Celepli kiện nhà nước Thụy Điển (mã số 456/91) vv… và trong trường hợp này chúng tôi yêu cầu HRC xét xử nghiêm minh.

Trong mọi trường hợp, Diễn đàn Xã hội Dân sự bày tỏ sự đoàn kết với Ts. Phạm Chí Dũng và kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ Ts. Phạm Chí Dũng và mạnh mẽ lên án sự phạm pháp của công an thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng yêu cẩu Chính phủ Việt Nam nghiêm trị những kẻ phạm pháp, tôn trọng công ước quốc tế, tôn trọng hiến pháp và có những biện pháp thích đáng để không xảy ra những vụ  phạm pháp tương tự với mọi công dân Việt Nam.
Ngày 2-2-2014

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire