Nguyệt Quỳnh
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gởi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng
mộng bình yên
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Có
ai trong chúng ta còn nhớ giấc mộng thanh bình và quê hương sông Đuống
của Hoàng Cầm? Gần 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, ước mơ về một
quê hương thanh bình, ấm no, hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay của người
dân cả hai miền. Những ngày hội hoa đăng với áo the, guốc mộc và nụ cười
như mùa thu toả nắng của cô hàng xén vẫn cứ mãi là giấc mơ của Hoàng
Cầm. Thi sĩ mất năm 2010, còn chúng ta sau chiến tranh non nửa thế kỷ
vẫn đứng mãi bên bờ sông mà nhớ tiếc!
Khi ước mơ tan vỡ, nó phải được nhận biết để khởi đầu cho một hy vọng mới.
Một
cuộc chiến với quá nhiều hy sinh để đổi lấy một đất nước nghèo khó,
phân hoá, băng hoại về mọi mặt thì phải can đảm nhìn nhận rằng cuộc
chiến đó vô nghĩa, tiêu phí xương máu dân tộc. Ngày 30 tháng 4 lại đến,
thành phố lại treo đầy cờ hoa để mừng chiến thắng, nhưng có lẽ điều cần
thiết phải nhớ là ước vọng của những người đã ngã xuống trong cuộc chiến
này. Máu xương của họ không đổ ra cho một ngày hoà bình nhưng lại đầy
tiếng rên xiết của dân oan, một đất nước tham nhũng tràn lan, và một tổ
quốc đang mất dần từng phần vào tay ngoại bang. Xin nhớ đến họ để những
ước vọng, hoài bão của họ được tiếp tục sống nơi chúng ta, và chúng ta
sẽ can đảm nhận diện mình để bắt đầu từ một điểm khởi hành mới.
Ông Võ Văn Kiệt đã phát biểu một câu phản ảnh sự hối hận cuối đời: “Ngày 30 tháng 4 có triệu người vui, cũng có triệu người buồn”.
Trong triệu người buồn, đâu chỉ có riêng người dân miền Nam; có nhà văn
Dương Thu Hương ngỡ ngàng ngồi khóc bên lề đường khi thấy phần đất nước
Miền Nam văn minh trù phú; có nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đau đớn khi cánh
cửa tự do của miền Nam vừa đóng sập tức tưởi. Trong triệu người vui,
lại cũng có cả những người Miền Nam - trong nỗi buồn của kẻ thua cuộc,
vẫn dấy lên niềm hy vọng cho quê hương: “… Dù sao cũng hết chiến tranh
rồi. Chủ nghĩa nào cũng vậy miễn dân mình được sống trong hoà bình để
bắt đầu dựng xây lại cuộc đời.”
Cứ mỗi năm khi
ngày 30/4 đến, nó lại nhắc chúng ta cái ước mơ cháy bỏng của cả một dân
tộc. Ngoài một thiểu số cố tình lợi dụng, cuộc chiến khốc liệt với tất
cả những hy sinh của người dân hai miền đều phát xuất từ tấm lòng thiết
tha với tiền đồ của tổ quốc. Dù bên nào thắng hay thua thì đều chẳng còn
ý nghĩa gì khi mà gần 40 năm sau biến cố 30/4, rõ ràng cả dân tộc Việt
Nam đã thua lớn! Ngày 30/4 phải là một mốc điểm để nhìn lại xem chúng ta
đã mất những gì?
Chúng ta đã mất một
miền Nam trù phú và phát triển. Chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm
1970 đã có lời kêu gọi cả 2 miền hãy ngừng chiến tranh và thi đua phát
triển. Giả thử lời kêu gọi đó được đón nhận và thực hiện, có xác suất
cao là Nam Việt ngày nay đã vượt trội Nam Hàn. Ngay tại thời điểm 1975,
Nam Việt đã hơn hẳn Nam Hàn trong khá nhiều lãnh vực. Cụ thể trong ngành
sản xuất, lắp ráp xe hơi thì xe LaDalat của ta đã đi trước Hyundai từ 5
đến 10 năm. Các ngành nuôi gia súc kỹ nghệ, sản xuất trồng cây trái kỹ
nghệ, rồi kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ hàng tiêu dùng từ giấy viết cho đến kem
đánh răng Perlon, bột ngọt Vị Hương Tố, bia 33, v.v … đều đang trên đà
phát triển. Về hạ tầng kinh tế ta đã có các hãng xuất nhập cảng tư nhân,
các hãng vận chuyển đường bộ và đường biển, rồi các ngân hàng tư nhân
bên cạnh các ngân hàng quốc gia, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Nông
nghiệp…
Về hệ thống chính trị, pháp luật và các
quyền con người đã khá đầy đủ và vận hành đúng nghĩa trong xã hội. Từ
các cuộc bầu cử đến tam quyền phân lập, các quyền tự do báo chí, tự do
đi lại, tự do lập hội… được tôn trọng. Quyền công dân được quy định rõ
ràng, cụ thể như cảnh sát không được quyền giữ dân quá 24 tiếng nếu
không tìm được bằng cớ phạm tội, v.v...
Chính
quyền miền Nam tin rằng việc cải cách ruộng đất là chiến lược quan trọng
để tăng cao sản xuất nông nghiệp. Chính sách Người Cày Có Ruộng được
ban hành vào năm 1970, trao quyền sở hữu đất vào tay nông dân, đã giúp
cải thiện đáng kể đời sống nông thôn nói riêng, và cả nước nói chung. Về
giáo dục, hệ thống giảng dạy và giáo dục miền Nam đã đạt mức hữu hiệu
và uy tín đủ để các đại học quốc tế công nhận các bằng cấp tương đương.
Điều
đáng nhấn mạnh là tất cả những thành quả trên đã đạt được, dù đất nước
đang trong thời chiến tranh gay gắt. Nghĩa là một phần thành quả đáng kể
đã bị chiến tranh phá nát. Cụ thể như những cây cầu xây cả năm trời
nhưng chỉ dùng được vài tháng đã bị đặc công Miền Bắc đặt mìn phá hủy,
...
Từ góc nhìn của cả dân tộc, thật đáng tiếc
nuối khi mọi thành quả đầy mồ hôi nước mắt đó đã bị đạp đổ, san bằng
hoàn toàn để "xây dựng xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa". Cho đến nay dù đã gần
40 năm sống trong hòa bình, đất nước vẫn chưa phục hồi lại nhiều lãnh vực cho bằng với Miền Nam thời 1975, chứ đừng nói gì đến việc bắt kịp
thế giới đã tiến ồ ạt suốt từ ấy đến nay.
Nhưng
cái mất đớn đau nhất vẫn là những mất mát biển đảo và những phần đất
xương thịt của quê hương mà có thể là vĩnh viễn. Bên cạnh đó, cái mất
nguy hiểm hơn nữa là sự biến mất gần hết niềm tự hào dân tộc và ý thức
trách nhiệm đối với tổ quốc. Mọi người con dân Việt nay được huấn luyện
thuần thục để chỉ tập trung lo cho mình và gia đình mình; còn mọi chuyện
khác hãy để cho lãnh đạo muốn làm gì thì làm.
Ai
cũng biết nguyên nhân của tất cả các mất mát và hiểm họa nêu trên đến
từ đâu, nhắc lại cũng bằng thừa. Nhưng chính sự xem là thừa đó lại làm
chúng ta quen dần và xem tình trạng hiện nay là "bình thường". Chúng ta
như những người đi lạc, run sợ, thoái thác trước mọi suy tư và
quyết định, để mặc cho một nhóm tham quan và những biến cố bên ngoài
quyết định chuyện đất nước mình.
Ngày hôm
qua chỉ là cái bóng, nhưng nếu không đặt thành vấn đề và tính đến chuyện
đổi thay tình trạng hiện nay, liệu năm, mười năm nữa chúng ta còn quyết
định được gì không? Nhiều người đã trăn trở với câu hỏi đó và đã chọn
lựa. Họ phải sống vì xương máu của các thế hệ cha ông đã đổ ra để gìn
giữ đất nước này, họ dấn thân để tương lai các thế hệ Việt Nam không
phải sống trên "đất Tàu". Họ là những Điếu Cày, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng,
Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Quang A,
Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đan Quế, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Xuân Nghĩa, và
nhiều nhiều người can đảm khác nữa. Và ngay lúc này giữa thủ đô Hoa
Thịnh Đốn là sự lên tiếng của những luật sư Nguyễn Đình Hà, nghệ sĩ Kim
Chi, ký giả Ngô Nhật Đăng, blogger Tô Oanh, phóng viên Anthony Lê,
blogger Nguyễn Tường Thuỵ, những người đã vượt nhiều trắc trở đến Mỹ để
vận động cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam.
Khi
được hỏi liệu khi trở về nước, gặp khó khăn với nhà cầm quyền thì anh
cảm thấy thế nào, người bạn trẻ Nguyễn Đình Hà đã trả lời: “Em không hề lo sợ, nếu lo sợ thì đã không đặt chân đến nước Mỹ. Còn khi về nước thì bất chấp mọi khó khăn, em vẫn quyết vì một VN tốt đẹp hơn”
Những ước mơ tươi đẹp đó xứng đáng là những ước vọng của tất cả chúng ta, đặc biệt trong ngày 30/4 năm nay.
Xin hãy tìm tay nhau, cùng can đảm bước tới. Những dân tộc khác đã khởi hành từ lâu.
N.Q.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire