24/04/2014

Sự ngộ nhận có chủ ý của các nhà "cà phê nhân quyền"


Báo Khánh Hòa phản công, từ những "kẻ lừa đảo" chuyển sang các "nhà Cà Phê Nhân Quyền", từ "Hòn Đá Nhỏ" đến "Thủy Ngân". Tuy có tiến bộ và mềm mại hơn một chút nhưng lập luận vẫn còn ngụy biện lắm. Đọc để hiểu sự ngộ nhận về Nhân Quyền của cơ quan ngôn luận của đảng bộ Khánh Hòa. 
Công an làm việc với các đối tượng gây rối sáng 19-4.
Các đối tượng tại Công an phường Lộc Thọ.

Sự ngộ nhận có chủ ý của các nhà "cà phê nhân quyền"
22/04/2014, 23:32 [GMT+7]
Dư luận vẫn đang hết sức quan tâm vụ gây rối trật tự công cộng của một nhóm người xảy ra sáng 19-4, tại một quán cà phê trên đường Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang. Công an phường Lộc Thọ và dân phòng của phường đã có mặt kịp thời mời cả nhóm về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, sự việc mới rõ ra là nhóm blogger do bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xướng xuất, tổ chức “Cà phê Nhân quyền lần 3” nhằm kêu gọi ngăn chặn hành vi công an dùng nhục hình với dân. Để cho “Cà phê Nhân quyền lần 3” có tiếng vang, nhóm này đã mời chị Ngô Thị Ánh Tuyết và chị Trần Thị Tâm là thân nhân của Ngô Thanh Kiều - nghi can trong vụ trộm cắp bị 5 Công an TP. Tuy Hòa, Công an Phú Yên bắt và "dùng nhục hình" dẫn đến chết (vụ án “dùng nhục hình” vừa được Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, Phú Yên đưa ra xét xử). Thông tin cụ thể, Báo Khánh Hòa đã đưa trên số báo Thứ hai ngày 21-4 hoặc vào http://www.baokhanhhoa.com.vn/phap-luat/201404/lo-bo-mat-lua-dao-cua-ke-luon-tu-xung-la-nguoi-dau-tranh-cho-dan-chu-2307532/.


Ở đây chỉ xin bàn về việc làm của các nhà “cà phê nhân quyền” có thực sự là hành động bảo vệ nhân quyền hay là sự ngộ nhận về nhân quyền một cách có chủ ý?

Thứ nhất, luật pháp của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều nghiêm cấm cảnh sát dùng nhục hình đối với người dân. Tuy nhiên, cảnh sát cũng là con người. Trong lực lượng cảnh sát ở đâu trên thế giới cũng có một bộ phận khi thi hành công vụ có xu hướng lạm dụng quyền lực, xử lý hơi thái quá với đối tượng trấn áp.

Mỹ là quốc gia hàng năm vẫn thực hiện báo cáo đánh giá tình hình nhân quyền của các quốc gia khác trên thế giới. Thế nhưng cảnh sát của Mỹ có thực sự không dùng bạo lực với đối tượng không? Hẳn các nhà “cà phê nhân quyền” còn nhớ vụ bạo động ở Los Angeles ngày 29-4-1992. Khi ấy một tòa án xử trắng án cho 4 cảnh sát trong khi một đoạn video cho thấy các cảnh sát này từng đánh Rodney King, một người Mỹ gốc Phi. Hàng nghìn người phản đối quyết định của tòa án và bạo loạn nổ ra ở khắp Los Angeles trong vòng 6 ngày. Cướp bóc, tấn công, đốt phá, giết người tràn lan trong thời điểm trên. 53 người chết và hơn 2.000 người bị thương, hàng trăm ô tô bị đốt cháy. Người ta nhận định, bạo động ở Los Angeles là vụ lớn nhất nước Mỹ kể từ những năm 1960.

Hay là vụ bạo động nổ ra ở thành phố Oakland, bang California ngày 12-7-2010 sau khi thẩm phán kết tội Johannes Mehserle, sĩ quan cảnh sát da trắng phạm tội ngộ sát trong vụ bắn chết Oscar Grant - một thanh niên da đen không vũ trang khi anh đang nằm úp mặt xuống tại sân ga Oakland. Trong cuộc biểu tình phản đối này, ít nhất hàng chục doanh nghiệp bị thiệt hại, những cửa kính ngân hàng bị đập vỡ, lửa cháy khắp nơi và một quả bom nhỏ nổ gần một đồn cảnh sát…

Còn rất nhiều ví dụ khác nữa ở Pháp, ở Anh, ở Đức… Những thông tin này, trong thời đại số hóa này, ai cũng có thể kiểm chứng được! Các nhà “cà phê nhân quyền” nói sao về điều này?

Thứ hai, phải khẳng định một điều rất rõ ràng là, những vụ việc công an dùng nhục hình với dân bị đưa ra dư luận từ trước đến nay đều là do báo chí phát hiện. Một điều chắc các nhà “cà phê nhân quyền” đều hiểu là báo chí Việt Nam hoàn toàn do các cơ quan tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội là chủ quản. Việt Nam không có báo tư nhân. Như vậy chứng tỏ báo chí trong nước đã làm tốt chức năng phát hiện, giám sát của mình và điều này luôn được Đảng và Nhà nước khuyến khích. Các vụ việc khi được đưa ra đều được các cơ quan bảo vệ pháp luật xét xử nghiêm minh. Chưa vụ nào thấy các blog hay trang mạng của các nhà “cà phê nhân quyền” phát hiện và đấu tranh mà chỉ là té nước theo mưa, “ăn theo” thông tin từ báo chí chính thống.

Như vậy, cớ sao mà các nhà “cà phê nhân quyền” này lại tự nhận cho mình cái trách nhiệm là đấu tranh bảo vệ nhân quyền trong việc phản đối công an bạo hành, một việc làm giống như cố gắng xông vào một căn phòng với cánh cửa đã mở rất rộng? Họ có ngộ nhận về vai trò của họ trong bảo vệ nhân quyền không?

Cái nhìn về một số vụ công an dùng nhục hình của các nhà “cà phê nhân quyền” thực chất là cái nhìn méo mó, đầy thiên kiến. Bao nhiêu tấm gương chiến sĩ công an hy sinh dũng cảm trong khi thi hành nhiệm vụ, bảo vệ nhân dân thì không hề nhìn thấy, chỉ nhăm nhăm nhìn vào những vụ việc đơn lẻ vốn đã bị pháp luật nghiêm cấm và pháp luật đang xử lý. Tại sao họ cố tình chọn cái nhìn đó, tự phong cho mình chức năng bảo vệ nhân quyền, có cần phải nói thẳng ra hay không?

THỦY NGÂN/ báo đảng Khánh hòa

2 commentaires:

  1. Ở Mỹ bị cảnh sát đánh đã bạo động . Ở VN, cảnh sát đánh chết thì đi uống cà phê .

    Nước mình cần bạo động như ở LA năm nào .

    RépondreSupprimer
  2. người Cà Mau25 avril 2014 à 03:38

    Người dân có thễ làm bất cứ việc gì trong khuôn khổ của cái gọi là hiến pháp CHXHCNVN. Cho nên hội họp trong quán cà phê để phản kháng việc công an dùng nhục hình giết dân, sao lại bị truy tội gây rối trật tự công cộng? Còn chuyện Rodney King bị cảnh sát Mỹ đánh (cảnh sát dùng vủ lực qúa mức cần thiết "excessive force" ) là do Rodney King lái xe với ảo giác ma túy và chạy hơn trăm cây số giờ để tránh không bị cảnh sát bắt. Do đó không thễ so sánh với người dân Việt Nam bị trói trong đồn công an và bị đánh đến chết… Nguyễn Chiến Thắng ( dân bách khoa TP HCM) nay là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà và là phó bí thư tỉnh ủy sao để cho lính lác viết tào lao thế nhĩ?

    RépondreSupprimer