Tháng 5 16, 2014
Thuận Văn
Không thể gìn giữ chữ tiết “nhạy cảm” cho gã láng giềng dở hữu nghị dở thù được nữa và nó, nhà nước toàn trị tại Việt Nam, đã cắn răng xé toạc màng trinh bước vào thời kỳ tuyên giáo “hậu giàn khoan”. Sông Rubicon đã vượt, những hàng tít nóng đã xối xả bắn ra, tràn ngập, như B-52 rải thảm.[1]
Nó không còn hoang mang, mơ hồ với “tàu lạ” nữa mà cụ thể, quyết liệt: “Quốc tế phẫn nộ trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”, “Thế giới lên án Trung Quốc ngang ngược…”. Nó đã hết ấp úng rụt rè “gây đứt cáp” mà chính xác, đâu ra đó: “Tàu Trung Quốc ngang ngược đâm tàu Việt Nam”, “Trung Quốc ngang ngược mở rộng vành đai bảo vệ giàn khoan”, “Trung Quốc ngang ngược đòi Việt Nam rút tàu mới đàm phán” v.v… [2]
Nghe thì rắn rỏi và đanh thép thật nhưng vẫn có gì đó lấn cấn và, thậm chí, mâu thuẫn với chính nó. Âm mưu mở rộng “không gian sinh tồn” của chủ nghĩa Tân Đại Hán đã là chuyện “nhãn tiền” mà nhiều người Việt Nam đã thấy, đã cảnh tỉnh, đã phản đối để rồi bị chính nó khủng bố, bị nó vu khống và cầm tù. Chuyện đã xưa còn hơn ông tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ trong khi mỗi thời khắc trôi qua thế giới này nảy sinh bao nhiêu là chuyện để … phẫn nộ, riêng hay chung, giật gân thời thượng hay sinh kế lâu dài. “Quốc tế”, như bà đệ nhất phu nhân da đen đầu tiên ấy, đang chau mày nghiến răng “phẫn nộ” trước việc 300 nữ sinh Nigeria bị quân khủng bố bắt cóc, không biết để giải quyết sinh lý hay để buôn bán như một thứ nô lệ tình dục. Và “quốc tế”, như rất nhiều công dân nước Úc và cả những chính phủ tiểu bang hiện tại, đang “phẫn nộ” vì những khó khăn tài chính mà chính phủ liên bang trút hết lên đầu và vai họ. Như thế thì “quốc tế” có thể bất bình, có thể “không đồng ý”, có thể “bày tỏ sự quan ngại sâu xa” hay “kêu gọi các bên liên quan kiềm chế” và những loạt đạn tuyên giáo về sự “phẫn nộ” hay “lên án” nhằm mở ra những hy vọng phơi phới cho một thế trận ngọai giao trùng điệp chỉ là một sự cường điệu nguy hiểm và mỵ dân. [3]
Nhưng cứ cho là vậy. Cứ tạm chấp nhận rằng “quốc tế đang phẫn nộ” và “thế giới đang lên án” thì đâu chỉ có bọn Trung Quốc cướp biển là nhà độc quyền ở cái khoản này? Chính nó cũng đã từng “ngang ngược”, từng khiến “quốc tế phẫn nộ” và “lên án” như thế, không chỉ một vài lần mà rất, rất nhiều lần.
Nhưng “quốc tế” là ai và “quốc tế” đã phẫn nộ như thế nào? “Quốc tế” không mơ hồ và trừu tượng như là… “tàu lạ” của thời kỳ “tiền giàn khoan” mà là những đối tượng cụ thể, xác thực mà nó vẫn hằng khinh nhờn, giỡn mặt. “Quốc tế” là những định chế hành pháp hay lập pháp hợp hiến của từng quốc gia. “Quốc tế” là những tổ chức, nhân đạo hay chuyên môn, hoạt động vì những lợi ích cụ thể nào đó của nhân loại. “Quốc tế” còn là những cá nhân xuất chúng và khả kính, đã có những đóng góp nổi bật cho nhân loại hay được quốc gia mình tin tưởng phó thác cho vai trò đại diện đất nước của mình. “Quốc tế” là Bộ Ngọai giao Đức, Úc, Mỹ, Pháp hay Anh; là Nghị Viện Âu châu, là Hạ viện Anh hay lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ v.v…, những “đối tượng” mà nó vẫn hằng, nhẹ thì giả đui giả điếc, xem như lời nói gió bay, nặng thì “ngang ngược” xỉ vả là đui mù, “không thấy được thực tế” về những “thành tích nhân quyền” của nó. “Quốc tế” là Reporters Sans Frontières, tổ chức mà những dòng chữ lên án vụ bắt giam nhà báo tự do Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh vẫn còn nóng hổi. “Quốc tế” là Union of concerned scientists, liên minh của những khoa học gia mà lá thư bày tỏ mối quan tâm về luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên, chừng như, cũng đang bị nó “ngang ngược” ném vào sọt rác. [4] Và “quốc tế” là ông Karel De Gucht, Chủ tịch Ủy hội Thương mại của Liên minh Âu châu, người mà, vào năm 2008, khi còn là Ngọai trưởng Bỉ, đến Việt Nam với tư cách là đại diện cao nhất của Vuơng quốc Bỉ, đã bị Hàng không Việt Nam “ngang ngược” cướp vé, đuổi cổ khỏi hạng ghế thương gia để dành chỗ cho những ủy viên trung ương cần bay đột xuất trong chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn ngày 13 tháng Sáu năm 2008. [5]
Lớn thì có những chính sách trả thù và cướp bóc mệnh danh “cải tạo con người”, “cải tạo sản xuất” hay chủ trương chiếm đóng Cambodia suốt một thập niên, cực kỳ “ngang ngược”. Nhỏ thì những chuyện đối nhân xử thế như cướp vé một đại diện quốc gia, cũng cực kỳ “ngang ngược”. Đã có thể “ngang ngược” giỡn mặt với “quốc tế” trong suốt một thời gian dài như thế thì, bây giờ, nó có thể kỳ vọng gì ở sự nhượng bộ của tên cướp biển chuẩn siêu cường trước những tiếng nói “quốc tế” nói trên?
Như vậy thì những hàng tít “quốc tế phẫn nộ” và “thế giới lên án” nêu trên chỉ là hành động tự ru ngủ. Không chỉ ru ngủ dân mình, nó còn muốn ru ngủ chính mình, cái kiểu thủ dâm của một thế lực ngu dân.
Và còn có sự “phẫn nộ” từ bên trong theo tinh thần tuyên giáo “hậu nhạy cảm” nữa. Cũng xối xả bắn ra. Cũng nóng sốt, tràn ngập bộ mặt của truyền thông lề phải. “Ngư dân Lý Sơn mít-tinh phản đối hành động của Trung Quốc”. “Người dân miền Trung xuống đường phản đối Trung Quốc”. “Người dân ba miền xuống đường phản đối Trung Quốc”. “Người dân TPHCM diễu hành, mít tinh phản đối Trung Quốc” v.v… Hẳn nhiên, đây là sự phẫn nộ chính đáng, là lòng yêu nước cần phải tôn trọng nhưng vấn đề là ứng xử của… nó. Nó đã muối mặt chà đạp sự lòng yêu nước ấy bao nhiêu lâu rồi để bây giờ, khi không thể nào cấm cản, lại trơ tráo “bắt cóc” cái khí thế yêu nước ấy, như có thể thấy trong những cuộc biểu tình ngày Chủ nhật vừa rồi.
Thì người dân Lý Sơn phẫn nộ mít tinh khi bọn giặc biển hung hăng đòi nuốt chửng vùng biển vẫn hằng nuôi sống họ nhưng, trước đó rất lâu, những người dân Tiên Lãng, Văn Giang hay Long An, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa v.v.. cũng đã từng phẫn nộ. Hơn thế, họ còn phẫn nộ bằng máu, bằng sinh mạng qua những khối thuốc nổ, những bình xăng tự thiêu khi những bờ xôi ruộng mật đất từng là nồi cơm nuôi sống họ, từng là nơi yên nghỉ của tổ tiên họ bị chiếm đoạt, bị nuốt chửng, cực kỳ “ngang ngược”. Dửng dưng, không mảy may lùi bước trước sự phẫn nộ của nhân dân mình như một thứ giặc đất, nó có thể kỳ vọng gì ở sự chùn tay của tên giặc biển bên ngoài?
Giặc biển hay giặc đất cũng có cùng bản chất là ăn cướp và điều đau đớn của dân tộc ta là phải đối phó cùng lúc với cả hai thứ giặc. Nếu một Trung Quốc bá quyền hành xử với Việt Nam như một thứ giặc ngoại xâm thì nó đã hành xử như là quân ăn cướp trên chính đất nước của mình, với chính nhân dân của mình, như một thứ giặc nội xâm. Trung Quốc “ngang ngược” hành xử như thể Biển Đông là một thứ ao nhà và thì nó hành xử như thể đất nước Việt Nam là cái sâu sau của nó. Nhưng như một thứ nội xâm phải nấp bóng ngoại xâm mệnh danh “hữu nghị”, mệnh danh ý thức hệ, nó lại răm rắp mô phỏng, răm rắp toa rập và răm rắp a tòng như một thứ “tiểu Trung Quốc”, a tòng cho đến khi không thể a tòng được nữa.
Có thể thấy cái bản chất “nội xâm – tiểu Trung Quốc” ấy ở cơ cấu quyền lực cao nhất của nó, Hội nghị Trung ương Đảng đang diễn ra tại Hạ Nội, Hội nghị lần thứ 9.
Hội nghị khai mạc ngày 9 tháng Năm năm 2014, là một trong những ngày sôi sục nhất khi tin tức về sự gây hấn của Trung Quốc dồn dập đưa về. Trước một diễn biến cấp bách như thế thì một cơ cấu quyền lực như thế phải gạt phắt những hội nghị đã dự trù hay ít ra là những chương trình nghị sự dự trù để thay vào đó một hội nghị khẩn cấp với những vấn đề thời sự khẩn cấp. Nhưng Hội nghị Trung ương vẫn là… Hội nghị Trung ương. Không mảy may thay đổi như không có gì xảy ra, như thể những tin tức dồn dập đưa về kia chỉ là một thứ tin xe cán chó!
Bên Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê / Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ, khác với lời ai oán của Chế Lan Viên về cái thời lòng người chán nản sau khi các phong trào kháng Pháp bị dập tắt hoàn toàn, vận nước đã khiến “chuyện vua Lê” nóng bỏng từ lâu, và không chỉ nóng lên ở những địa danh mang tính lịch sử đầy biểu tượng như Hồ Gươm. Chuyện đã nóng lên tận Hồ Con Rùa, nóng trong không gian của những quán cà phê vỉa hè bất kể sự rình rập của những công an chìm nổi, nóng một cách thực sự trên không gian ảo của web của những trang Facebook. Chỉ Tổng Bí thư, chỉ “Trung ương” mới “rêu phong chuyện cũ”. Tại hội nghị, như cái nhan đề trên báo Đại Đoàn Kết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiêm nghị bình giảng những chuyện chẳng biết để làm gì “Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc”. [6] Lẽ nào? Văn hoá chúng ta phải bao hàm bản sắc của chúng ta, mà bản sắc chúng ta cũng là một phần của văn hoá của chúng ta: một cơ cấu quyền lực ghê gớm như thế mà lại có thể thật thà đến như thế, có thể trịnh trọng với một đề tài dư thừa và ngớ ngẩn như thế, dư thừa và ngớ ngẩn ngay giữa một tình thế khẩn thiết đến như thế?
Nhưng nhất định phải có một “hội nghị khẩn” nào đó, đâu đó, trong bí mật, và trong các cơ quan cao nhất về an ninh và tuyên giáo, về đề tài “thời sự khẩn”. Phải có một hội nghị khẩn như thế thì mới có những bài bản chiến thuật để “bắt cóc” khí thế các cuộc biểu tình, lèo lái cái khí thể “bảo vệ chủ quyền” trong hình hài “bảo vệ chính quyền”. [7]
Nếu “bắt cóc” là ngón nghề sở trưởng của quân khủng bố thì nó, như một thế lực đã từng chơi trò khủng bố, chơi trò cầm giữ con tin, đã tỏ ra lại tệ hơn quân khủng bố đến mấy bậc.
Nếu những tổ chức Hồi giáo cực đoan như al Quaeda sử dụng chiến thuật khủng bố đối với công dân các quốc gia “tà đạo” với ý đồ đánh vào ý chí của các đối thủ xem là tà đạo thì nó, hệ thống toàn trị, chỉ chăm chăm khủng bố dân mình, chăm chăm đánh vào ý chí yêu nước của nhân dân mình và hành xử như thể người dân của mình là một thứ con tin. Nó, như đã thấy trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây, “ngang ngược” đạp vào mặt người dân yêu nước của mình, cái hành động chi có tác dụng duy nhất là nuôi dưỡng ý đồ bành trướng của kẻ thù, như để cho kẻ thù thấy rằng họ muốn làm chuyện gì với đất nước Việt Nam cũng được. Và nó, như có thể thấy trong chiến thuật mặc cả ngoại giao, đã lòng vòng bắt – thả công dân của mình như một thứ con tin trong các chu kỳ “thế giới lên án” về vấn đề nhân quyền, một cách cự kỳ vô trách nhiệm.
Tháng Tư năm 2008, khi nói chuyện với hơn 3000 sinh viên Đại học Bắc Kinh, nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã nhắc nhở những nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc rằng trong mai hậu chính họ sẽ chịu trách nhiệm “xác định thế cách mà thế giới sẽ nhìn vào Trung Quốc”, rằng trọng trách của họ là hãy đưa đất nước mình trở thành “công dân toàn cầu đầy trách nhiệm” bởi cộng đồng thế giới đang mong đợi sự “tham dự đầy đủ” của Trung Quốc trong “toàn bộ cơ chế của trật tự toàn cầu đặt trên nền tảng luật lệ”. [8] Ông Rudd nói thế, hay mong mỏi thế, vì ông thừa biết rằng còn lâu Trung Quốc mới trở thành một “công dân trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế. Nhưng còn nó? Nó phải làm gì để đương đầu với gã khổng lồ vô trách nhiệm của cộng đồng thế giới đó?
Thì “dĩ độc trị độc”, nhưng nọc của một con ong vò vẽ chẳng thể nào sánh nổi nọc độc của con rắn hổ chúa. Nó phải hiểu là, để đương đầu với một “Trung Quốc cướp biển”, nó không thể tiếp tục mô phỏng để làm một thứ “tiểu Trung Quốc cướp đất”. Để ứng phó với một chuẩn siêu cường vô trách nhiệm với thế giới như Trung Quốc, nó không thể hành xử như một thành viên vô trách nhiệm hạng bét của thế giới. Để vận dụng được sự ủng hộ cao nhất của cộng đồng thế giới thì nó phải làm thế nào đó để “thay đổi cách nhìn của thế giới” về nó. Nó phải thể hiện trách nhiệm của mình với thế giới mà, để làm đuợc như thế thì, trước hết, phải thể hiện trách nhiệm với chính đất nước và nhân dân của mình.
Như thế, trong tình thế khẩn thiết của đất nước, thay vì lăng xăng cướp giật băng rôn và áp phích của người yêu nước, nó phải chứng tỏ thiện chí bằng cách cúi đầu xin lỗi những người yêu nước đã bị khủng bố, bị vu khống và cầm tù. Và, nếu cần, thay vì “ngang ngược” đặt chính quyền lên trên chủ quyền, nó phải chấp nhận buông dao, cái lưỡi gươm dài cứu nước của vua Lê nhưng bị nó sử dụng như một con dao cắt xẻo, cắt xẻo đất đai và cắt xẻo lòng người.
___________
Chú thích
[1] Rubicon là con sông cạn tại Ý, thành ngữ “Crossing the Rubicon” ngụ ý một hành động liều lĩnh, không có đường quay trở lại, xuất phát từ việc Julius Caesar bất chấp sự phản đối của Nguyên lão Nghị viện đưa quân băng qua con sông này để chinh phạt vàp năm 49 BC.
[2] Những hàng tin trên báo chí lề phải những ngày qua.
[3] Trên thực tế chính quyền VN đã không thành công về mặt ngoại giao, cả khối ASEAN cũng không đưa ra thông điệp mạnh mẽ như họ mong muốn.
[5] Những quan chức này phải bay gấp vào Sài Gòn để dự tang lễ Võ Văn Kiệt.
[6] “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hoá hình thành nhân cách con người, bản sắc, cốt cách một dân tộc”
Theo chương trình do Trung ương “thông qua”, Hội nghị này bàn 6 điều:
- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
- Đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng
- Chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng
- Quy chế bầu cử trong Đảng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng
- Tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
[7] Các thủ đoạn cho người áp đảo, dùng các khẩu hiệu “đồng lòng cùng chính phủ” để che chắn hay bằng cách cướp giật các khẩu hiệu đòi trả tự do cho người yêu nước.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 11.5.2014, blogger Hoàng Vi:
“Lần này ở Sài Gòn có sự tham gia của ba nhóm. Nhóm do 20 tổ chức dân sự kêu gọi, một nhóm của giáo sư Tương Lai từ nhà hát thành phố, và một nhóm do Thành đoàn tổ chức nhằm để phá biểu tình, cho người trà trộn vào các nhóm biểu tình, để đưa những thông điệp, khẩu hiệu ca ngợi Đảng và Bác, và nhà nước này kia.
Riêng với nhóm mình tham gia ở Nhà văn hóa Thanh niên, thì thấy họ rất mất trật tự, luôn luôn họ đi đầu, cầm cờ đỏ sao vàng và cầm biểu ngữ của họ đi đầu để cố tình che đi biểu ngữ của những người đi sau, đòi tự do cho những người yêu nước, như Điếu Cày, Bùi Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức… Những biểu ngữ đó họ cố tình cho người che lại để nhóm làm truyền thông không có thấy để chụp hình. Lúc đầu, một số biểu ngữ yêu cầu trả tự do cho những người yêu nước bị họ cho người giựt đi rất là nhiều. Nhưng bên nhóm biểu tình chuẩn bị rất nhiều biểu ngữ, nên vẫn xuất hiện được trong cuộc biểu tình.
[8] http://www.theaustralian.com.au/news/kevin-rudds-speech-at-beijing-uni/story-e6frg6n6-1111116015758
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire