16/05/2014

Liệu có xảy ra một trận chiến Việt-Trung?

Đỗ Hòa
Tôi cho là không (lại bệnh nghề nghiệp!!).
Lý do: Cả hai bên đều không muốn có một cuộc chiến như thế.
Việt Nam rõ ràng không muốn gây chiến với TQ một nước mạnh hơn hẳn về quân sự và kinh tế.
Còn phía Trung Quốc, nếu muốn thực thi chủ quyền theo đường 9 đoạn bằng một trận chiến toàn cục, thì tôi tin họ hẳn đã làm lâu rồi.
Họ không muốn mang tiếng là dùng sức mạnh quân sự để bắt nạt, trấn lột một quốc gia vốn lâu nay vẫn thường nể nang và xem họ như là đàn anh về mặt ý thức hệ, và rồi sẽ bị thế giới gắn cho cái mác là "xâm lược" kèm theo đó là những hệ lụy ngoại giao, kinh tế.
Cái mác "xâm lược" cũng sẽ xóa tan "hình ảnh một TQ thân thiện, trổi dậy trong hòa bình" mà họ đã và đang dày công tạo dựng, nó cũng sẽ làm mất niềm tin, khiến cho các quốc gia khác càng nâng cao cảnh giác. Điều nầy cuối cùng sẽ làm cho giấc mộng trở thành cường quốc số một, thay Mỹ làm bá chủ thế giới trở nên khó khăn.
Không, họ không thể vì một Việt Nam mà để hỏng giấc mơ ngàn đời ấy.

Lý do thứ hai, TQ là một nước luôn có những tính toán lâu dài, và lâu nay họ vẫn tuân thủ một cách rất nghiêm một chiến lược mà họ đã áp dụng và thành công nhiều chục năm nay: "vết dầu loang". Họ không có lý do để trở nên nôn nóng và thay đổi chiến lược rất hiệu quả nầy bằng một chiến lược khác vào lúc nầy.
Lý do thứ ba, là tại sao phải phát động một cuộc chiến để xóa hết bao công phu mấy chục năm cài cắm, vừa sâu vừa rộng trên nhiều bình diện, những kế hoạch vốn đã giúp TQ duy trì một tầm ảnh hưởng khá cao đối với VN lâu nay?
Lý do thứ tư, phát động một cuộc chiến sẽ là bước cuối cùng TQ đẩy VN về hẳn phía Mỹ. Điều nầy sẽ phá hỏng toàn bộ toan tính của họ đối với Biển Đông: vừa khai thác tài nguyên, đồng thời vừa đảm bảo sự kiểm soát đối với tuyến đường huyết mạch nối TQ với Trung Đông, vùng cung cấp năng lượng chủ yếu cho TQ.
Và nếu VN ngã hẳn về phía Mỹ, thì căn cứ Hải Nam của TQ sẽ lại bị Mỹ áp sát như các căn cứ ở phía Đông. Trong tình hình phía Hoa Đông đã bị Mỹ và các nước đồng minh áp sát và bao vây bên ngoài, nếu không thông được phía Biển Đông thì khi xãy ra hục hặc với Mỹ, TQ rất dễ bị Mỹ phong tỏa nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài.
Còn nếu vì TQ đang có nhu cầu chuyển sự tập trung của người dân ra khỏi những vấn đề nội tại của TQ (nổi loạn ở một số vùng, nguy cơ đổ vỡ tài chính, kinh tế suy giảm, thất nghiệp gia tăng, uy tín giảm sút do tham nhũng...), thì tình trạng căng thẳng stand-off ngoài Biển Đông ở mức độ như hiện nay cũng đủ giúp họ đạt được mục tiêu nầy.
Dự đoán.
TQ sẽ cố gắng để đạt được một thỏa thuận với VN theo hướng đảm bảo thực hiện được ý đồ lâu dài của họ ở Biển Đông và giữ không cho người Mỹ áp sát Hải Nam (lâu nay họ vẫn cho tàu quấy nhiểu mỗi khi Mỹ đi vào vùng nầy).
Còn việc rút dàn khoan?
Dù họ tuyên bố sẽ không rút lui (chủ yếu là để tạo áp lực trên bàn đàm phán). Tuy nhiên, họ cũng đã có 2 cửa rút mà không sợ mất mặt: 1) Rút vào tháng 8 như họ đã công bố. 2) Rút vì lý do thời tiết (sóng lớn buộc phải kéo dàn khoan về nơi trú ẩn).
Note: Trên đây chỉ là những phân tích của một người đã bị nghiện phân tích chiến lược, và chỉ thể hiện quan điểm cá nhân chứ không có ý đồ gì. No politics, ok?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire