Hoàng Mai
1. Cơ hội lịch sử
Sự kiện mà China đưa giàn khoan HD-981 vào sau trong thềm lục địa Viêt Nam, được dư luận cũng như những người bình luận, đều cho rằng, đây là cơ hội để người Việt, mà cụ thể là Bộ Chính trị, Đảng CSVN, có cơ hội thoát khỏi sự kìm hãm của Bắc Kinh, mà ta quen gọi là: thoát Trung, thoát Tàu, hay: thoát Hán.
Rõ ràng, đây cũng là cơ hội để Đảng CSVN phần nào sửa chữa lại lỗi lầm của mình trước lịch sử. Dù muốn hay không, cũng không thoát khỏi sự phán xét sau này.
2. Vài so sánh cần thiết
Dân số Việt Nam hiện nay là 92 triệu (năm 2013), trong đó, miền Nam khoảng 50 triệu. Nghĩa là dân số miền Nam hiện nay bằng dân số Hàn Quốc bây giờ. Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội - GDP của Hàn Quốc năm 2012 là 1,13 nghìn tỷ USD (1); tức là bằng 10 lần cả nước gồm 92 triệu dân Việt Nam làm ra trong một năm. Đáng chú lý là, vào những năm 1960, Hàn Quốc chưa thể sánh với miền Nam nước ta.
Trong bài viết “Mồi lửa và đống củi”, đăng trên Facebook của mình, nhà báo Huy Đức, viết:
“Năm 1974, nếu người Việt chúng ta ở chung một chiến hào, chắc chắn Hoàng Sa không thể rơi vào tay Trung Quốc. Chắc chắn không có sự kiện HD 981. Chắc chắn Trung Quốc không thể khoan vào những nơi người Việt Nam rất dễ bị tổn thương”.
Vài so sánh trên đây, dẫu còn khập khiễng, nhưng cho thấy những sai lầm của tiền nhân trong thế kỷ 20 đã tạo ra và để lại hậu quả đến ngày nay, và có thể đến cả ngàn năm sau; đấy là chưa kể đến có khoảng 5 triệu người chết do cuộc chiến tranh Nam-Bắc, mà miền Bắc là phía chủ động gây chiến, trong đó có khoảng nửa triệu người miền Nam chết trên biển khi vượt biên sau này với những thảm cảnh thương tâm.
3. Bắc Kinh sợ nhất người Việt Nam ở điểm nào?
Một cách ngắn gọn, ta có thể trả lời: Điều mà Bắc Kinh sợ nhất lúc này là một Việt Nam, chuyển sang thể chế Dân chủ đúng nghĩa theo mô hình như nước Mỹ và Tây Âu. Nghĩa là: xây dựng xã hội dân sự, nhà nước Pháp quyền, thực thi kinh tế thị trường đích thực.
Vậy thì, điều gì mà Bắc Kinh không muốn thì Việt Nam phải làm, và nay đang có cơ hội để thực hiện.
Chúng ta dễ nhận ra rằng, nếu Việt Nam đi trước China một bước trong việc chuyển hóa thể chế chính trị, thì chắc chắn sẽ tạo được hiệu ứng lớn từ sự kiện này, qua đó nhân dân China sẽ vùng lên không chỉ phản đối chiến tranh với Việt Nam (nếu có), mà đòi dân chủ, làm cho Bắc Kinh lung lay và có thể sụp đổ ngay từ bên trong.
4. Những tín hiệu đáng mừng
Cùng với sự phẫn nộ của người Việt, không chỉ ở trong nước, mà trên toàn thế giới trong những ngày qua; ta thấy Bộ Chính trị, Đảng CSVN, trong thế yếu toàn diện của mình, bên cạnh sự nhường nhịn như vốn có trước Bắc Kinh như từ trước đến nay, thì cũng đã có những động thái tích cực để Nhân Dân Việt Nam hy vọng. Nổi bật nhất trong số đó là:
- Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Myanmar; và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu mạnh mẽ (2), Thủ tướng tố cáo trực tiếp đối với China, được dư luận trong nước và khu vực đánh giá cao.
- “Việt Nam đã gửi thông cáo về Biển Đông lên LHQ” (3), theo đó: “Ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng LHQ tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva”. Đây là động tác ngăn chặn sự leo thang của China ngoài Biển Đông, và là bước tính cần thiết để đi đến kiện China trong các hồ sơ liên quan.
- Đặc biệt, trong chuyến thăm Philippines ngày 21.5.2014, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino chiều ngày 21.5, tuyên bố chung Việt Nam - Philippines được đưa ra là:
“Việt Nam và Philippines đã nhất trí cùng tăng cường hợp tác song phương trong an ninh hàng hải để chống lại các hành vi nguy hiểm hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" (4).
- Riêng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông đã có cơ hội gửi thông điệp đến toàn thế giới, và thông báo đến Nhân Dân Việt Nam, qua email gửi hãng tin Reuters:
“Việt Nam đang xem xét các lựa chọn phòng vệ khác nhau, bao gồm cả hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế", Reuters trích dẫn email trả lời phỏng vấn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi từ Manila vào cuối ngày 21/5”.(5)
Như vậy, qua thông tin này, rất có thể Bộ Chính trị, Đảng CSVN, đã tính đến việc kiện China ra các tòa án quốc tế có liên quan, trong việc họ đã cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974; vụ thảm sát ở quần đảo Trường Sa trong khi họ chiếm trái phép đảo Gạc Ma năm 1988, cũng như hành động giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trong các năm qua, và sự kiện mới nhất là China đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam trong tháng 5 này.
5. Tạm kết
- Một khi Bắc Kinh đã kéo chiếc mặt nạ ra khỏi khuôn mặt thật của họ, thì Bộ Chính trị, Đảng CSVN, cũng không còn lý do gì để nhân nhượng.
- Trong mọi thời đại, một chính thể chỉ có thể tồn tại được khi đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên trên hết; bằng không sẽ bị nhân dân đào thải. Hơn ai hết, lãnh đạo Việt Nam lúc này càng phải thấy được như vậy. Không có bất kỳ một triều đại nào tránh khỏi sự phán xét của lịch sử. Anh hùng hôm nay, nhưng có thể là tội đồ của lịch sử mai sau, và ngược lại. Điều này có vẻ như đang đúng với lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.
- Cơ hội để “thoát Hán” trong sự kiện giàn khoan HD-981 thực sự đã mở ra với lãnh đạo Việt Nam hôm nay. Lịch sử Việt Nam thường cho thấy, cứ mỗi lần đặt trong thời khắc hiểm nghèo, người Việt hay có cách thoát hiểm rất ngoạn mục. Hôm nay chúng ta cũng hy vọng như vậy. Sự kiện này sẽ mở ra một tiền đồ tươi sáng cho Dân tộc Việt Nam.
22.5.2014
H.M.
Tác giả gửi BVN
Bài tham khảo:
Phải thoát Đảng và CN Mac-Lenin trước cái đã bác ạ.
RépondreSupprimer