16/06/2014

NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM


PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Những ngày cuối đời anh Lê Hiếu Đằng có nỗi bận tâm là phải xác định lại ngày thật sự khởi đầu của báo chí Việt Nam. Tháng chín, năm 2013, trong lần hẹn chúng tôi đến ăn sáng ở hội Nhà Báo Sài Gòn, 14 Alexandre de Rhodes, quận 1, anh Đằng nhỏ nhẹ rì rầm với chúng tôi rằng sang năm tới chúng ta cần có cuộc họp mặt ngay tại đây để chính thức xác định ngày tờ báo chữ Việt đầu tiên ra đời mở ra ngành công nghiệp báo chí và thị trường báo chí Việt Nam, thực sự là ngày nhà báo Việt Nam. Nhưng cuối năm 2013 anh Đằng trở bệnh nặng phải vào bệnh viện và đêm 22. 1. 2014, từ biệt chúng ta anh Đằng ra đi mãi mãi để lại dự định chưa thực hiện được cho chúng ta.
Anh Lê Hiếu Đằng, áo sẩm, sáng 10. 9. 2013 tại 14 Alexandre de Rhodes, quận 1, Sài Gònh
Những ai còn cần sự công bằng và biết tôn trọng sự thật lịch sử thì không thể bằng lòng với việc chọn ngày ra đời tờ tin nội bộ Thanh Niên của một tổ chức cách mạng bí mật tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay, ngày 21. 6. 1925, là ngày nhà báo Việt Nam. Vì tờ Thanh Niên chỉ là tờ tin hai trang khổ 13 X 19 cm, chỉ bằng trang sách thông thường. In ấn vô cùng thô sơ: viết tay trên giấy sáp rồi lăn mực in ra khoảng 100 bản. Tờ tin nội bộ viết tay nhỏ chỉ bằng trang sách, do một người là Nguyễn Ái Quốc thực hiện ở nơi cách xa đất nước Việt Nam, nơi đặt trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, nhà 13A phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Vẻn vẹn 100 tờ Thanh Niên nhỏ như tờ rơi, tờ bướm quảng cáo hôm nay được lén lút đưa về cho các chi bộ Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở miền Bắc Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng.
Thực hiện thủ công, thô sơ, chưa được in ấn trong dây chuyền công nghiệp, kích cỡ quá nhỏ, số lượng quá ít, nội dung không để thông tin đời sống xã hội mà chỉ để phổ biến những bài học vỡ lòng về cuộc cách mạng vô sản và chỉ lưu hành trong vài nhóm cách mạng bí mật, nhỏ bé, tờ Thanh Niên chưa có hình hài, dáng dấp, tư thế của một tờ báo, chưa tạo ra thị trường báo chí, lại sinh sau đẻ muộn hơn nửa thế kỉ so với nhiều tờ báo đích thực do người Việt làm báo tiếng Việt ngay trên đất nước Việt Nam như những tờ báo:
. Gia Định báo. Xuất bản ở Sài Gòn. Phát hành khắp Nam Kỳ từ ngày 15. 4. 1868, tồn tại tới 44 năm, mở ra ngành công nghiệp báo chí, tạo ra cả thị trường báo chí rộng lớn.
. Phan Yên Báo, ra đời năm 1868 ở Sài Gòn
. Nhựt Trình Nam Kỳ, ra đời năm 1883 ở Sài Gòn
. Thông Thoại Khóa Trình, ra đời năm 1888 ở Sài Gòn
. Đại Nam Đồng Văn, ra đời năm 1892 ở Hà Nội
. Nông Cổ Mín Đàm, ra đời năm 1901 ở Sài Gòn
. Đại Việt Tân Báo, ra đời năm 1905 ở Hà Nội
. Đăng Cổ Tùng Báo, ra đời năm 1907 ở Hà Nội
. . . . .
Báo chí chân chính, đúng nghĩa là tiếng nói của sự thật, tiếng nói trung thực của đời sống xã hội. Báo chí chân chính bao giờ cũng mang tinh thần tiến bộ và cách mạng.
Xã hội Việt Nam giữa thế kỉ XIX là xã hội nông nghiệp lạc hậu, tăm tối. Ngày 15 tháng tư, năm 1868, tờ Gia Định Báo phát hành ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành Nam Kỳ mang ánh sáng văn minh công nghiệp, văn minh đô thị đến với xã hội Việt Nam tăm tối thực sự là cuộc cách mạng sâu rộng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Được in ấn trong dây chuyền công nghiệp và tạo ra thị trường báo chí rộng lớn trên nhiều tỉnh thành, sự ra đời của tờ Gia Định Báo đã xác nhận sự có mặt của văn minh công nghiệp, văn minh đô thị trên đất nước Việt Nam nông nghiệp lạc hậu. Không phải chỉ là cuộc cách mạng, đó còn là bước tiến dài của xã hội Việt Nam.
Trung thực với lịch sử, hội Nhà Báo Việt Nam, các nhà báo Việt Nam chân chính cần nhìn vào sự thật lịch sử đó để xác nhận ngày ra đời của báo chí Việt Nam, ngày nhà báo Việt Nam phải là ngày 15.4.1868, chứ không thể là ngày 21.6.1921.
Đây cũng là việc khẩn thiết đầu tiên đặt ra với tổ chức Nhà Báo Độc Lập sớm muộn sẽ phải ra đời nay mai.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire