15/06/2014

Trung Quốc xây dựng trái phép ở Gạc Ma (Trường Sa): Nấc thang mới độc chiếm Biển Đông

 VÂN ANH - DIỆU LINH
Trung Quốc dùng các trang thiết bị hiện đại để xây dựng trái phép công trình trên đảo Gạc Ma (ảnh chụp ngày 23.4.2014). Ảnh: Đình Quân
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Quân ủy trung ương - phân tích: Việc Trung Quốc xây dựng các công trình ở một số đảo đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (trong đó có đảo Gạc Ma) là thêm một hành động vô cùng nguy hiểm, nhằm thực hiện ý đồ lâu dài là độc chiếm Biển Đông, hợp lý hóa mưu đồ “đường 9 đoạn”.

Sức mạnh quân sự của TQ có thực sự đáng sợ?

"Chúng ta đã rõ, việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam là hành động bất chấp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, vi phạm cam kết giữa ASEAN với TQ, trái với thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt - Trung.

Đây là hành động xâm lược" - Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cho biết. Phó Đô đốc Tình cảnh báo, những người mà TQ gọi là ngư dân của họ trên biển, chúng ta phải xem đó có phải là lực lượng quân sự trá hình hay không. Tôi cho rằng, hơn 1 tháng qua, TQ muốn biến hoạt động quân sự thành dân sự, hành động hung hăng, ngạo mạn trên biển. Việc xây dựng trái phép ở một số bãi đá ngầm mà TQ chiếm đóng từ 1988 nhằm thực hiện ý đồ lâu dài là biến Biển Đông thành ao nhà của TQ và hợp lý hóa mưu đồ “đường 9 đoạn”.

Dưới con mắt của một nhà quân sự, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình phân tích việc TQ xây căn cứ quân sự ở các bãi đá ngầm trên Biển Đông đe dọa an ninh tới các nước trong khu vực, ông cho biết: Khi TQ hoàn tất xây căn cứ quân sự như sân bay, bến cảng ở Gạc Ma, TQ sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện ý đồ thâm độc và lâu dài của TQ là thôn tính toàn bộ Biển Đông. Gạc Ma có vị trí quan trọng, án ngữ đường hàng hải quốc tế.

Nếu các nước trong khu vực có hành động bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, hải phận của mình, TQ đều phát hiện được. Hoạt động của tàu thuyền và hải quân các nước cũng dễ dàng bị hải quân TQ theo dõi. Máy bay TQ có thể cất cánh tại chỗ, tàu thuyền xuất phát tại chỗ, chứ không như hiện nay, máy bay TQ phải xuất phát từ Hải Nam. Điều này đặt ra một tình thế vô cùng nguy hiểm và khó khăn cho các nước trong khu vực, bởi việc xuất kích máy bay của TQ có thể đáp ứng yêu cầu chiến đấu gần nhất, nhanh nhất và có hiệu quả nhất.

Với câu hỏi, sức mạnh quân sự của TQ có thực sự đáng sợ?, Phó Đô đốc Tình đánh giá: Trong hàng thập kỷ qua, nền kinh tế TQ phát triển nhanh và mạnh, là bàn đạp để TQ đầu tư hiện đại hóa quân sự. Trong đó, TQ chú trọng nhất vào việc tập trung hiện đại hóa hải quân, do đó lực lượng hải quân TQ phát triển tương đối mạnh. Sở dĩ như vậy là vì họ luôn có tư tưởng, ý đồ độc chiếm Biển Đông. Ngoài ra, hải quân TQ luôn tham vọng vươn ra đại dương thực hiện ý đồ làm bá chủ thế giới. Nhưng tôi cho rằng, sức mạnh của quân đội TQ nói chung và hải quân TQ nói riêng không phải là vô hạn.

Trung Quốc dùng nhiều tàu lớn chuyển vật liệu xây dựng công trình trái phép tại đảo Gạc Ma (Trường Sa). 
VN có đủ khả năng giáng trả TQ nếu xảy ra đụng độ 
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình quả quyết: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng VN có đủ khả năng giáng trả TQ nếu xảy ra đụng độ trên biển buộc ta phải tự vệ. Tôi tin tưởng ở khả năng của hải quân và quân đội VN. Hải quân VN hiện có 5 binh chủng cơ bản là binh chủng tàu mặt nước, tàu ngầm, radar tên lửa bờ, không quân của hải quân, đặc công nước và hải quân đánh bộ. Bên cạnh đó, tôi càng tin tưởng hơn vào khả năng của dân tộc ta đủ sức chiến đấu, đáp lại hành động của TQ nếu có đụng độ.

Trang bị của chúng ta có thể chênh lệch về số lượng, quân đội ta về số lượng có thể hạn chế về tương quan lực lượng, chúng ta chưa có hàng không mẫu hạm, nhưng những đảo nổi trên biển của ta là những hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm. Ngoài ra, việc giành chiến thắng kẻ thù không chỉ bằng sức mạnh quân sự và vũ khí, mà còn bằng sự đoàn kết, đồng lòng, mà điều đó, tôi tin chắc rằng nhân dân ta có thừa.

Tuy nhiên, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cũng nhấn mạnh rằng VN sẽ không bao giờ nổ súng trước, VN có chính nghĩa, công lý và lẽ phải trong vấn đề chủ quyền biển đảo. VN là một đất nước có nền văn hiến đáng nể trọng, do vậy đánh nhau không phải là một hành động phù hợp.

"Chiến tranh là điều không ai muốn.."- Phó Đô đốc Tình cho rằng chính vì điều này mà suốt hơn 1 tháng qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã kiên quyết bền bỉ đấu tranh bằng các giải pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, yêu cầu TQ rút giàn khoan. "Bao đời nay, dân tộc ta thể hiện là một dân tộc yêu hòa bình, vì chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, nên vô cùng thấm thía cái giá phải trả trong mỗi cuộc chiến tranh. Nhưng rõ ràng, TQ ngày càng ngạo mạn, nham hiểm và liều lĩnh, bất chấp mọi luật pháp quốc tế. Do vậy, cuộc đấu tranh của chúng ta phải kiên quyết hơn, xác định là cuộc đấu tranh lâu dài.

Kể cả TQ có rút giàn khoan đi chăng nữa, thì đó cũng mới chỉ là bước đầu. Sau này, chắc chắn TQ vẫn tiếp tục có những âm mưu thủ đoạn thâm hiểm, chẳng hạn như việc xây dựng trên đảo Gạc Ma hiện tại. Do đó, ta phải đấu tranh dài hơi, thậm chí tính bằng các thế hệ con cháu tiếp theo. Thái độ của TQ sẽ tùy thuộc vào việc đấu tranh của ta.

Nếu ta kiên quyết, triệt để, được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi hơn nữa, tôi tin rằng TQ cũng sẽ phải chùn bước. Ngoài ra, nếu tuyên truyền, tranh thủ được sự ủng hộ chính nghĩa của chính nhân dân TQ, tôi cho là lãnh đạo TQ không thể không suy nghĩ về vấn đề này. .." - Phó Đô đốc - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tình bày tỏ niềm tin tất thắng của dân tộc VN.
Báo Lao Động


Ngư dân Việt thấy việc Trung Quốc xây dựng ở Gạc Ma
(Chính trị - Xã hội) - Nhìn từ đảo Cô Lin sang Gạc Ma có thể thấy những bãi cát trắng xóa, các cần cẩu và tàu chiến Trung Quốc túc trực xung quanh đảo.
Ngày 14/6, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, tháng 5 vừa qua ông có chuyến đi ra quần đảo Trường Sa cùng đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, ông đã thấy công trường của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma.
Theo đó, khi ông đứng trên đảo Cô Lin (cách đảo Gạc Ma 7-8 km) cầm ống nhòm nhìn sang đảo Gạc Ma thì thấy những bãi cát trắng xóa, có 3-4 xà lan đậu quanh, trên xà lan có các cần cẩu đang hoạt động. Ngoài ra có 2 tàu hộ vệ tên lửa gần đó, 1 tàu vận tải có lẽ để tiếp tế lương thực.
'Các chiến sĩ ở Cô Lin cũng cho biết, Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép, mở rộng diện tích bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cách đây 3-4 tháng. Việt Nam cũng đã có phản ứng đối với Trung Quốc', ông Bản nói.
Các phương tiện của Trung Quốc tham gia xây dựng tại bãi Gạc Ma
Các phương tiện của Trung Quốc tham gia xây dựng tại bãi Gạc Ma
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ủy viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam thông tin ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá ở Trường Sa báo về, Trung Quốc sử dụng các tàu sắt cũ, bơm đầy bê tông vào dựng thành đảo nhân tạo quanh đảo đá Gạc Ma.
Ông Chinh cũng dẫn lại phản ánh của ngư dân cho biết, khi họ đi qua Gạc Ma, Trung Quốc bắn súng đe dọa, buộc họ phải né bằng cách đi đường khác.
Hiện Lý Sơn có khoảng 30 tàu cá hoạt động ở Trường Sa.
Nhận xét về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở bãi Gạc Ma của Việt Nam, ông Chinh cho rằng rất có thể Trung Quốc đang cố mở rộng diện tích để thiết lập vùng nhận dạng phòng không để khống chế Trường Sa.
Còn ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa nhận định, Gạc Ma gần như là trung tâm của quần đảo Trường Sa, các tàu muốn đến các cụm đảo của Việt Nam đều phải đi qua, do đó việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo quanh Gạc Ma là cực kỳ nguy hiểm.
Đào đắp ở Trường Sa: 'Trung Quốc đã đi quá xa'
Trung Quốc thay đổi hiện trạng 5 bãi đá ở Trường Sa
Báo cáo từ Phủ tổng thống Philippines cho biết,Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng  5 bãi đá là Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Các bãi này nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc chiếm đóng trái phép các bãi đá, trong khi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.
Chính phủ Philippines hồi tháng 3 đã tố cáo Trung Quốc có những hành động thay đổi hiện trạng ở bãi Gạc Ma.
Bộ Ngoại giao Philippines công bố các bức ảnh cho thấy căn cứ quân sự của Trung Quốc đã mở rộng ra diện tích gần 9 ha chỉ trong hai năm, dẫn tới suy đoán Trung Quốc có thể xây dựng một đường băng và Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông một khi đường băng hoạt động.
Thành Luân/ Đất Việt

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire