29/07/2014

Tọa đàm "Tư tưởng Phan Chu Trinh và Việt Nam 2014": Nhà văn Nguyên Ngọc bị nghi ngờ là thành viên "Việt Tân

Dân Luận: Những lập luận trong bài viết này cho thấy sự bế tắc về tư duy của những dư luận viên, những người đang tìm cách bảo vệ Đảng CSVN đang rễu rã cả về nhân sự và tư tưởng hiện nay. Một hội thảo bàn về tư tưởng khai dân trí và đấu tranh bất bạo động của Phan Chu Trinh cũng bị coi là "kích động cho một cuộc bạo động và đòi thay thế chế độ hiện tại" thì không còn gì để nói. Một nhà văn dù tuổi đã cao nhưng vẫn đau đáu về vận mệnh của dân tộc, của đất nước bị nghi ngờ là thành viên "Việt Tân" thì đảng Việt Tân quả là có uy tín và thu hút được nhân tài! Viết như vậy khác nào quảng bá cho Việt Tân không?
Mẹ Đốp/Mõ Làng
Ừ thì nhà văn Nguyên Ngọc cùng quê với nhà chí sỹ Phan Châu Trinh nên chuyện giới văn nghệ, trí thức tọa đàm về tư tưởng của cụ âu cũng là chuyện hợp lý. Bởi để mà hiểu chính những danh nhân tại những vùng miền nhất định thì không gì được nghe những con người tại đó nói
.
Nhưng ngay từ đầu đã có những dự cảm không lành về buổi tọa đàm này, đơn giản đã quá quen với những gì nhà văn của "Đất nước đứng lên" đã từng làm trong thời gian gần đây.

Đầu tiên là cái thông báo về buổi tọa đàm "Tư tưởng Phan Châu Trinh và Việt Nam 2014?". Sau những thông báo về thời gian và địa điểm và các thành phần tham gia với vai trò là Diễn giả (Nhà văn Nguyên Ngọc), người dẫn chương trình (TS. Đặng Hoàng Giang (CECODES) thì cái tin thông báo đó trích dẫn một đoạn nói của Nhà chí sỹ lúc sinh thời được trích trong “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”, 1925): "Thương hại thay trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi đến lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán để đè nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khóa tủ sắt ngôi Thiên Tử cho con cháu mình. Nhưng mà có hay đâu, dân đã ngu thì nước phải yếu, vua quan lại nghênh ngang tham nhũng nữa, như thế tất loạn, loạn thì ngôi vua mất. Nếu dân ngu quá, yếu quá không đủ dấy loạn được, thì các nước khác nó tràn vào, ấy là cái lẽ tự nhiên, làm gì thế nào cũng không khỏi mất.”
Dẫu biết rằng Tọa đàm để làm sáng rõ tư tưởng của người xưa luôn phải gắn với những tinh thần, hoàn cảnh của thời điểm hiện tại, kiểu "ôn cố tri tân"; giúp cho những con người hiện tại có nhìn thông, hiểu rõ những tư tưởng "vượt thời gian của người xưa và từ đó vận dụng, áp dụng vào trong thực tế. Nhưng tôi ngờ rằng, tư tưởng của Phan Chu Trinh lúc sinh thời không chỉ có từng đó là còn hiện thời và có sức sống cũng như những giá trị cho tới thời điểm hiện nay.
Đoạn trích nói trên, dù hiểu theo phương diện nào thì đó cũng là một lời tố khổ của dân chúng thời nhà chí sỹ sống trong những năm tháng "một cổ hai tròng". Giai cấp Phong kiến và chủ nghĩa thực dân đã làm cho nước yếu, dân ngu, tham nhũng hoành hành, dân tình cơ cực và họa mất nước đã chỉ còn là câu chuyện của thời gian. Nhận thấy những hiểm họa "nô lệ" vào thời điểm đó không nhiều và đó cũng chính là động lực để nhà chí sỹ khởi sự cho một con đường cách mạng mới. Tư tưởng "chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh" phản ánh được nhu cầu thực tế và phương cách để giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi họa thực dân đang cận kề. Nhưng rồi, những bế tắc mang tính thời đại và lớp người như Nhà Chí sỹ (Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp....) khiến tư tưởng đó đi đến một ngõ cụt nhất định và mãi sau này mới có thế hệ sau tiếp nối. Nhưng, thử hỏi rằng, nói ra câu chuyện này hôm nay, phải chăng những người tổ chức Tọa đàm là Nhà văn Nguyên Ngọc và TS Đặng Hoàng Giang đã nhận thấy có sự tương đồng trong thời điểm hiện tại? Phải chăng những người này đã nhìn quá bi quan về thời cuộc hiện tại và nếu có những hiện trạng đáng buồn đó thì nên chăng việc vận dụng tư tưởng của Phan Chu Trinh sẽ là giải pháp ổn thỏa nhất?
Về câu hỏi thứ nhất: Việt Nam hiện tại có như bối cảnh vào thời điểm Phan Chu Trinh sống và hoạt động không?
Câu trả lời rõ ràng là không, đây không phải là khẳng định của riêng người viết. Không ai có thể phủ nhận những vấn nạn mà hầu hết các nước trên thế giới dù đã gặp phải, sự khác nhau chẳng qua là ít hay nhiều và mức độ mà thôi, trong đó tham nhũng được xem là một trong nguy cơ gốc, nguyên nhân gốc gây nên những sự xáo trộn trong xã hội; làm biến dạng những căn nguyên cốt lõi của cuộc sống. Nhìn những cuộc chính biến xảy ra tại Libi, Yrac hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới thì không khó để nhận biết điều này. Người dân đã từ vị thế của những người cảnh báo, làm chức năng "tham mưu" và yêu cầu Nhà nước đã thay đổi nhưng rồi nhà nước đó vẫn lặng thinh, làm ngơ như đó chỉ là chuyện của dân. Kết cục cuối cùng là họ bị lật đổ và sức mạnh tạo nên những biến động đó không ai khác chính là những người dân.
Ở Việt Nam, họa "tham nhũng" đã được người dân cảnh báo và Nhà nước đã có những động thái lắng nghe.
Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam chưa có một kết quả nào thực sự rõ nét và chưa ai dám khẳng định là nó sẽ tạo ra những sự chuyển biến thần kỳ nào đó nhưng ít nhất ở Việt Nam, nhà nước đang có những quyết tâm rất căn bản trong công cuộc này. Bước đầu đã có những động thái quyết liệt và không khoan nhượng cho dù cá nhân đó đã hạ cánh an toàn. Xem thêm: http://molang0205.blogspot.com/2014/07/khong-buong-khong-nhan-nhuong-khong-cho.html.
Trở về những năm tháng mà Phan Chu Trinh từng sống và hoạt động dưới phong trào Dân chủ trong nước. Sau những tiếng súng đầu tiên tại Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và với sự hẫu thuẫn đến bạc nhược và đê hèn của Chính quyền Phong kiến Nhà Nguyễn chỉ trong vòng một thời gian ngắn, thực dân Pháp đã hoàn tất việc thiết lập bộ máy cai trị của mình từ Trung ương đến địa phương; Chính quyền Phong kiến lúc ấy không hơn gì "cái bình phong" và không có giá trị trên thực tế. Sự thật đau lòng này muốn khẳng định vào thời điểm đó nước ta đã không còn chủ quyền. Việc tồn tại của những chế độ Khải Định, Bảo Đại và hệ thống chuyên chính phong kiến cũng là cách chủ nghĩa thực dân ru ngủ nhân dân ta trong một định kiến ý thức hệ. Chưa hết, chính sách "chia để trị" của thực dân Pháp đã tạo ra những hố sâu ngăn cách nhất định trong dân cư 03 miền và tạo ra những sự đối kháng nhất định nhằm tạo ra ranh giới phục vụ việc cai trị. Sự phân biệt trong giáo dục vô tình đã đẻ ra một nền văn hóa có nhiều sự phân tầng, phân biệt nhất định và cùng với sự khó khăn về kinh tế, chuyện được đi học đã là một điều quá hạn hữu và phi thực tế.
Với những thực tế khó khăn đó, chúng ta vinh danh cụ Phan Chu Trinh khi đã nhìn ra những cửa sinh cho dân tộc Việt Nam. Ba vấn đề trụ cột "dân trí, dân khí và dân sinh" chỉ chờ có những lực lượng cách mạng đúng thời cuộc dẫn đường để đi đến thắng lợi. Chỉ tiếc rằng, cụ Phan mới chỉ làm được 1/2 chặng đường mà sứ mệnh lịch sử giao phó. Cùng với cụ Phan Bội Châu, những thất bại trong đau đớn của Cụ Phan Chu Trinh ở Trung Kỳ mãi là những khúc ca bi tráng trong lịch sử giải phóng của dân tộc.
Nhìn vào quá khứ, ngẫm về hiện tại và tương lai, thế hệ hôm nay trân trọng và tiếp thu những gì mà thế hệ Cụ Phan Chu Trinh đã từng làm. Và rằng, "chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh" thì đời nào cũng phải làm nhưng lấy tinh thần chủ đạo của Cuộc Tọa đàm là "Điểm cơ bản của Phong trào Duy Tân do ông khởi xướng là bất bạo động và công khai hoạt động, nhắm tới cải tổ xã hội, giáo dục tinh thần tự do, xây dựng những cá nhân độc lập và có trách nhiệm, phổ biến các giá trị văn minh phương Tây như pháp quyền và dân quyền" (Trích "Thông báo Tọa đàm "Tư tưởng Phan Châu Trinh và Việt Nam 2014?") chẳng khác nào kích động cho một cuộc bạo động và đòi thay thế chế độ hiện tại. Tình thế hiện tại không như những năm đầu Thực dân Pháp sang xâm lược nước ta và việc áp dụng một cuộc bạo động cách mạng" là ý tưởng của những thế lực bên ngoài. Hiểu và vận dụng tư tưởng Phan Châu Trinh ở tư tưởng "chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh" nên chăng là đẩy mạnh, tăng cường những nội dung này vào đời sống xã hội.
Với những gì được thể hiện được trích "Thông báo Tọa đàm "Tư tưởng Phan Châu Trinh và Việt Nam 2014?"), tôi ngờ rằng, Nhà văn Nguyên Ngọc và Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang đang tổ chức một cuộc Tập huấn "Bất bạo động" mà tổ chức "Việt Tân" vẫn thường tổ chức cho các mạng lưới, cơ sở trong nước. Có chăng chỉ khác là "Cuộc tọa đàm" lần này được tổ chức công khai.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire