17/08/2014

Cái tâm thức "dẫn gái" là có thật ở một số người.

FB Anh Hat / Phước Béo blog
Mấy bữa rồi, chuyện bài “báo” nói về “gái miền tây” gây xôn xao. rồi lại đến chuyện phạt vạ, tạm ngưng phát hành cái e-lá-cải mang một cái tên xôm trò, vừa trẻ trung vừa có mùi hiểu biết.

Bà con bực dọc, chê trách mắng chửi cũng đủ điều. Cái anh ngồi lề đường hóng chuyện bá tánh như mình làm sao không ngẫm ngợi cho được. Thêm được cái rảnh rỗi, mình loay hoay quay về chỗ “nông nỗi” sâu xa của vứn đề...

Một dạo, lâu rồi, cứ vô trang oép của một tờ báo có chữ “giáo dục” trên tiêu đề là mình được chiêu đãi ngay một màn huỳnh tráng, hình ảnh đầy đủ về các cháu gái học sinh xinh đẹp của từng trường trên khắp các... nẽo đường quê hương thân yêu. :)

Kiếp trước mình có làm thầy giáo, có dạy những em học sinh lứa tuổi ấy, gái có, trai có. Cho nên mình tất nhiên có một ý niệm, một cách nhìn và thái độ đối với các em học sinh gái. Lúc ấy mình còn rất trẻ, nhưng các thầy dạy mình ở trường sư phạm, các đồng nghiệp, gia đình và xã hội nói chung đã giúp mình hình thành một cách nhìn các em ấy không qua cái nhan sắc, cái thân xác, cái phía “đàn bà” của các em. Vì, trường học không phải là nơi thu thập gái, không phải là “nhà chứa” gái, bất kể vóc dáng, “nhan sắc” của cháu học sinh. Khi chính học đường bị những con cú vọ “phản học đường” đưa mắt xoi mói của chúng nhìn vào, và cái nhìn mất dạy ấy công nhiên được đưa lên báo chí, hết ngày này sang ngày khác, đừng ngạc nhiên nếu nó tác động đến cách nghĩ, hành vi của một số người.

Một tờ báo “chính thống” ở VN không thể thoát ra ngoài tầm “ra đa” của bộ này, bộ nọ, rồi còn ban bệ của TW nữa. cho nên. mình không thể nghĩ và đổ tội cho một cái bạn kí giả mất nết, vô giáo dục nào đó đã biến các trường học thành một cái gì đó từa tựa như những cửa hàng cung ứng các món “ôm”. Cách quyết định, cách “định hướng” cho những bài “báo” khốn kiếp kia tất cũng được “chỉ đạo”, một thứ động từ vẫn phòi ra lia lịa ở ngay cửa miệng của báo chí.

bên ngoài học đường thì cũng rền vang chuyện chân dài, chuyện mông, chuyện ngực. hết vòng này cho đến vòng khác trên thân thể người nữ tìm cách bủa vây lấy đầu óc người đọc. Trẻ và có thể không còn trẻ (không phân biệt giới tính).

Thử đọc đoạn viết này về một người nữ làm nghề viết văn:

"Đàn ông Việt thích nhất Ngọc Trinh và sợ nhất Trang Hạ. Đàn bà thông minh như một người đàn ông và xấu như một người đàn ông thì còn gì nữa mà phải bàn? 

"Thà quay tay với Ngọc Trinh còn hơn làm tình với Trang Hạ" là câu nói trên bàn nhậu, của những người đàn ông tự cho là mình dư sức lựa chọn được... cả hai người đàn bà này vào tay họ.

Một “nguyên thủ” sang thăm Huê Kì đã hớn hở khoe khoang phụ nữ Việt Nam đẹp để kiếm khách... du lịch. Đó không phải là một kiểu nghĩ bất ngờ hay biệt lệ. Cái tâm thức "dẫn gái" là có thật ở một số người.


Vấn đề cơ bản vẫn quay về với giáo dục. ở đây là giáo dục giới tính. Rất dễ dàng để người ta liên hệ (thu hẹp) ngay giáo dục giới tính với giáo dục về tính dục (sex). Nhưng, giới tính còn bao gồm rất nhiều đến các vấn đề xã hội có liên quan đến giới (gender), qua đó nhận thức, ý thức và hành vi liên quan đến giới cần được dạy dỗ ngay từ nhà trẻ. Tôn trọng và tự trọng về giới tính và các khác biệt giới tính cho cả các giới (không chỉ “nam” và “nữ”) sẽ là một trang bị tốt cho một xã hội có nề nếp, hài hoà và… văn minh. 

Khi người ta chăm chăm nhìn vào nhan sắc, vào ngực, vào mông, vào đùi của một người nữ -- và tệ hại hơn nữa khi hành vi này mặc nhiên trở thành một thái độ xã hội được chấp nhận, nếu không nói là một thứ thước đo mặc định về nữ giới -- thì chuyện một đứa nào đó bắt đầu nói về cả một tập thể nữ giới ở một vùng rộng lớn của đất nước với chữ “ngon” không còn là một điều bất ngờ. Nếu đứa viết những dòng chữ ấy là ở lứa tuổi 7x, 8x, 9x gì đó thì “tiên nhân” của nó chính là những đứa đã từng viết và cho xuất bản những bài “báo” lùng sục đi tìm “người đẹp” ở các trường học. Đã cài vào đầu những cháu nhỏ, trai và gái, những quan niệm rất đáng bị phê phán và nghiêm cấm về giới. (a, mình không muốn sa đà vào chuyện “thi hoa hậu” ở đây...)

Cái dúm làm “báo” “tri thức trẻ”(sic) không phải là một đám quái vật từ trên trời rơi xuống. Chúng nó được nuôi, dạy, được “dẫn dắt” ngay trong môi trường sống của chúng nó. 
Thì cũng là chuyện “gieo, trồng” :)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire