12/08/2014

CÓ MỘT NỖI BUỒN MANG HÌNH BÓNG TRANG THẾ HY

Nguyễn Trọng Chức

1. Lần tôi về Bến Tre thăm nhà văn Trang Thế Hy cách đây vài năm, khi đó chú Tư còn khỏe. Giữa cuộc rượu với bao chuyện đời và chuyện văn chương thiệt hứng thú, ông già lẳng lặng vô nhà, lát sau bưng ra (đúng là khệ nệ bưng ra nhưng với vẻ mặt đắc ý không giấu nổi) một bức tranh cỡ 80x100cm. Chưa bao giờ tôi thấy được một bức chân dung đàn ông đẹp đẽ cỡ đó của người vẽ tác phẩm, vốn cũng chẳng xa lạ gì với tôi.
Dưới đây là những gì tác giả và nhân vật trong tranh nói về bức chân dung đó - tôi chỉ ghi lại trung thực, gần như không thêm bớt chút gì.

2. Tác giả kể:
- Lâu rồi, có lần Mỹ Hà (1) về Bến Tre thăm ông Tư. Đang nhậu lai rai, ổng lấy cái dessin (2) tôi vẽ ổng lâu rồi, mà xấu lắm, đem ra cho coi Mỹ Hà rồi nói bâng quơ: “Mai mốt chú có chết thì lấy tấm hình này thờ được rồi”. Về Sài Gòn, Mỹ Hà hỏi tôi: “Ông Tư nói vậy là sao?”. Tôi nói: “Đó là ổng muốn tôi vẽ chân dung ổng đó thôi”. Thật ra, tôi cũng có ý định vẽ ổng từ lâu rồi mà chưa làm được…
- Mất bao lâu anh mới vẽ xong?
- Cũng mấy năm, phần tại tôi làm biếng…
Nhân vật trong tranh kể:
- Bữa Mỹ Hà xuống Bến Tre chơi, có kể với chú nó tới Nguyễn Trung nhậu, thấy trên chevalet (3) có bức tranh đang vẽ dở dang mà lại được phủ kín. Khi Nguyễn Trung xuống bếp, nó tò mò, mới lén tới giở ra coi. Té ra là Nguyễn Trung đang vẽ chân dung chú. Vẽ lén nên không muốn ai coi trước.
- Bao lâu thì chú mới nhận được bức chân dung đó?
- … Cũng lâu. Mỹ Hà kể: vẽ xong rồi nhưng Nguyễn Trung không ký tên lên tranh, nói là có hồi vẽ chân dung một người bạn, vẽ xong, ký tên thì người ấy chết nên ngại. Chú nói với Mỹ Hà chú không ngại, không sợ xui, không sợ chết. Chú muốn thấy bức chân dung đó sớm.
Tác giả kể:
- Nghe nói tôi đang vẽ, ổng hối dữ lắm. Tôi nói với ổng: “Vẽ gần xong rồi, rủi vẽ xong ông chết bất tử sao”. Đêm trước bữa tôi với Mỹ Hà mang tranh xuống Bến Tre, ổng không ngủ được, buổi sáng đã ra ngồi quán cà phê ngoài lộ chờ…
Nhân vật trong tranh kể:
- Nhớ có hồi Nguyễn Trung minh họa cái truyện ngắn “Con cá kho biệt tăm” của chú đăng trên báo. Ít khi nào chú thấy được một cái minh họa truyện ngắn như thế. Nội lực của Nguyễn Trung ngấm qua cái truyện ngắn. Không phải minh họa mà Nguyễn Trung vẽ ra cái truyện, vẽ ra chú từ đó rồi chứ không đợi tới tấm chân dung này…
- Tấm này thì sao chú?
- Tấm này Nguyễn Trung vẽ từ mémoire (4). Coi bàn tay cầm chén rượu, thiệt là rõ Trang Thế Hy…
Tác giả kể:
- Thiệt ra cũng không phải tôi vẽ hoàn toàn bằng mémoire mà cũng có coi thêm ảnh chụp ổng. Nhưng gần ổng lâu năm, uống rượu với ổng lâu ngày nên tôi “thuộc” lắm, nhớ hết các động tác của ổng, đặc biệt là cái bàn tay cầm chén rượu hờ hững - như cách ổng thường nói: “Tôi là một người tình chung thủy nhưng hờ hững…”. Đúng ra, tôi muốn vẽ chân dung ổng với nét hóm hỉnh thường thấy, nhưng (vẽ) rồi lại tiếc gương mặt khắc khổ với cái nhìn đau đáu ấy.
Có thể thấy rõ trong ánh mắt ấy một nỗi buồn không sao tả xiết. Chính nhân vật trong tranh bảo rằng Nguyễn Trung đã vẽ “nỗi buồn mang hình bóng Trang Thế Hy”.

3. Đó là những gì tác giả và nhân vật ông vẽ chân dung kể với người viết bài này. Tôi đã nghe bao nhiêu lần trong các cuộc rượu, cái cách hai người nói về nhau luôn luôn thật ấm áp, chẳng cứ xoay quanh bức chân dung này.
Họ chơi thân với nhau đã quá nhiều năm, hiểu nhau đã quá tường tận. Hồi nhà văn chưa “đi chỗ khác chơi”, còn ở căn hộ trên tầng 5 chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi tôi cũng thường được lui tới, Nguyễn Trung hay đến uống rượu, có khi chỉ ghé lại bỏ mấy con cá cho ông Tư làm đồ nhậu - đó là những con cá trong “thời kỳ cá” của Nguyễn Trung, khi mà trong tranh anh luôn có những con cá vảy ánh bạc uốn lượn bên những người nữ - luôn luôn là người nữ trong tranh anh. Thật ra, trong tranh Nguyễn Trung cũng từng có khuôn mặt nam giới, đó là khi anh vẽ bức “Trận tuyến mới” năm 1978 và sau này là đôi bức nữa… Còn với nhân vật có thực, anh từng vẽ chân dung Trịnh Công Sơn, phác thảo chân dung Nguyễn Tuân và chân dung Lỗ Tấn in trên bìa tập truyện ngắn Lỗ Tấn xuất bản đã lâu rồi, nhưng theo Nguyễn Trung thì “bức này (chân dung Trang Thế Hy) mới là… đàng hoàng nhất”.
Chắc chắn đó chẳng thể là một “lời nói dối nhân ái” (5). Bởi trong tranh, cái ông già “héo queo như một cây kiểng còi” (5) ngoài đời, đã hiện lên trong sắc vàng kỳ diệu của nỗi nhớ nhung và buồn bã, cùng với “mùi thơm của tuổi già” (5) vĩnh cửu, như chẳng hề biết khiếp sợ thời gian.
----
Bài này đã đăng báo Doanh Nhân Sài Gòn (số Tết Canh Dần 2010) với tựa “Bức chân dung một người hiền” (mượn chữ của nhà văn Nguyên Ngọc trong bài “Người hiền của văn chương Nam bộ” đăng trên báo Tuổi Trẻ)
(1) đạo diễn điện ảnh và truyền hình
(2) phác họa 
(3) giá vẽ
(4) ký ức, trí nhớ
(5) trong ngoặc là lời các bài thơ của Trang Thế Hy
facebook Trong Chuc Nguyen

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire