Nhân sự việc Luật sư
Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ Đảng
Luật sư Lê Công Định
Nhân sự việc Luật sư Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi Đảng CS, tôi nhớ lại một giấc mơ kỳ lạ đã đến với tôi vào đêm thứ hai sau ngày bị bắt. Trong giấc mơ, tôi gặp Luật sư Triệu Quốc Mạnh và được mời đi ăn tối. Bữa ăn chưa kịp bắt đầu, bỗng LS Trừng đến ngồi cùng bàn. Thế là tôi được dịp ngồi ăn và trò chuyện cùng lúc với hai vị sếp cũ. LS Mạnh ít nói, chỉ nhìn như chia sẻ nỗi niềm của tôi. Còn LS Trừng khuyên một câu thật giá trị: “Trên võ đài khi bị đối thủ đánh ngã, cố gắng đừng để bị gục hẳn và hãy tìm cách đứng lên. Trụ lại được, nếu thời cơ đến với mình, sẽ đến lượt đối thủ phải gục!”
Tỉnh giấc mộng, tôi
kinh ngạc về lời khuyên vô giá đó. Từ lúc ấy cho đến lúc bước chân ra khỏi tù,
tôi đều hành động theo phương châm của LS Trừng, vị thủ lĩnh thực sự của giới
luật sư Sài Gòn. Nhiều người quen tôi đã trách ông khai trừ tôi khỏi Đoàn Luật
sư theo yêu cầu của phía công an chỉ vài ngày sau khi nổ ra vụ án của tôi, dù
tòa án chưa tuyên. Tôi hoàn toàn không trách cứ, trái lại rất thông cảm với
ông, dẫu rằng ngày cầm quyết định khai trừ mình trong tù, tôi đã nghẹn ngào,
rớm nước mắt, vì dù sao cho đến thời điểm ấy tôi cũng đã gắn bó với nghề luật
gần 20 năm, nhiều vinh quang và cay đắng. Ông cùng vài luật sư đồng nghiệp đã
nhiều lần vào tù thăm tôi mỗi dịp gần Tết, mang đến niềm tin và hy vọng cho tôi
giữa những năm tháng tăm tối. Tôi vẫn mãi cảm kích về tình nghĩa ấy.
Năm 1989 tốt nghiệp
trường luật, tôi làm việc vài tháng tại Phòng Công chứng Nhà nước duy nhất vào
lúc đó, rồi chuyển sang làm trợ lý riêng cho LS Triệu Quốc Mạnh, Chủ nhiệm Đoàn
Luật sư đương thời. Năm 2005, đắc cử chức vụ Phó Chủ nhiệm sau một cuộc tranh
cử bất thần tại Hội nghị toàn thể, tôi trở thành phó của LS Nguyễn Đăng Trừng,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư khi ấy. Do làm việc thân cận, nên tôi đã học hỏi được
nhiều từ hai vị luật sư đàn anh của mình, không chỉ về nghề nghiệp, mà còn
trong tranh đấu chính trị. Cả hai ông, tuy tính cách khác biệt nhau, song đều
là các bậc thầy về nghệ thuật “khiêu vũ giữa bầy sói” mà vẫn giữ được tinh thần
độc lập và nhân cách của mình để không biến hẳn thành sói. Tất nhiên, tôi chưa
bao giờ là thành viên của bầy sói, nhưng cũng đã ứng dụng phần nào nghệ thuật
ấy trên con đường chính trị của mình.
Năm 2008 Ban Chủ nhiệm
Đoàn Luật sư Sài Gòn đã chịu một áp lực lớn từ “bên trên” để cản trở tôi tiếp
tục ứng cử chức vụ Phó Chủ nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Tôi nói với LS Trừng và
các vị phó khác rằng tôi giữ chức vụ này để có thêm điều kiện khai triển lý
tưởng nghề nghiệp luật sư tại Việt Nam, chứ không phải vì danh vọng gì. Do đó,
tôi đã chủ động rút lui để các đồng nghiệp của tôi không bị khó xử trước sự can
thiệp vô lối vào hoạt động độc lập và tự quản của đoàn luật sư.
Trong bối cảnh xã hội
ở Việt Nam bấy lâu nay, tìm một vị thủ lãnh luật sư đoàn sẵn sàng đương đầu,
chống lại sự can thiệp thô bạo từ phía Đảng CS và chính quyền để bảo vệ sự độc
lập và tự quản của giới luật sư trong khả năng có thể như LS Nguyễn Đăng Trừng
đã làm, thì thật là mò kim đáy bể. Lý do ông tham quyền cố vị dù đã cao niên
chỉ là cớ để người ta buộc ông rút lui. Vì vậy việc ông bị khai trừ khỏi Đảng
CS là điều dễ hiểu.
Những gương mặt mà
người ta sắp xếp để chuẩn bị thay thế ông, dù trẻ hơn, là bầy tôi chỉ biết khúm
núm và vâng dạ. Bỏ phiếu ủng hộ những gương mặt ấy, giới luật sư Việt Nam sẽ
trông mong gì cho tương lai và liệu còn đủ xứng đáng với niềm tự hào nghề
nghiệp của mình chăng? Không dám phản kháng cường quyền thì tự cởi áo mão luật
sư quăng xuống đất cho rồi!
Nguồn: FB Lê Công Định.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire